3 Lầm tưởng phổ biến về nghề truyền thông và 4 kỹ năng cứng cơ bản | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 09, 2021
Kinh DoanhThăng Tiến

3 Lầm tưởng phổ biến về nghề truyền thông và 4 kỹ năng cứng cơ bản

Hiểu đúng về kỹ năng cứng sẽ giúp bạn xoá bỏ định kiến về ngành truyền thông, và bớt chênh vênh giữa vòng chảy không ngừng của công nghệ.

3 Lầm tưởng phổ biến về nghề truyền thông và 4 kỹ năng cứng cơ bản

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Như tôi đã đề cập ở bài viết trước, ngành truyền thông, hay MarCom là một ngành rộng và nhiều lĩnh vực. Dù nhiều mảng chuyên môn khác nhau, nghề truyền thông cho một bộ kỹ năng chung mà những người làm chuyên nghiệp nên có.

Nắm trong tay các kỹ năng này, bạn không những mở ra nhiều cơ hội, mà còn xoá bỏ những lầm tưởng về ngành mà bấy lâu nay chưa ai lý giải.

Chuỗi hai bài viết này sẽ cung cấp cho bạn bộ kỹ năng cơ bản của ngành truyền thông. Nhưng trước hết, ta phải giải mã được các 3 lầm tưởng tôi thường nghe nhất về ngành.

3 Lầm tưởng phổ biến về nghề làm truyền thông

Lầm tưởng 1: Nghề truyền thông cần kỹ năng mềm, không cần kỹ năng cứng

Sự thật là: Nghề nào mà không cần kỹ năng cứng?

Khi nói về nghề truyền thông, người ta thường có xu hướng coi nhẹ nhóm kỹ năng cứng và nhấn mạnh tầm quan trọng của nhóm kỹ năng mềm. Điều này không sai, nhưng sẽ không đủ nếu như chúng ta bỏ qua toàn bộ các kỹ năng cứng và tự tin bước vào nghề.

Nghề nào cũng vậy, các kỹ năng cứng là nhóm kỹ năng công cụ giúp bạn hiện thực hóa các ý tưởng, diễn đạt những giá trị và ý tưởng.

Truyền thông là nghề nghiêng về khoa học xã hội. Thế nên, rất nhiều kỹ năng cần thiết của nghề vẫn còn trong vòng tranh cãi là kỹ năng cứng hay mềm. Ví dụ như nhóm kỹ năng ngôn ngữ.

Tôi đã đọc một số cách phân định hai nhóm kỹ năng và thấy định nghĩa của trang Valamis là dễ hiểu nhất: 

  • Kỹ năng cứng: Kỹ năng cho một hay một vài nhiệm vụ nhất định, có thể học trong trường lớp, và có thể cân đo đong đếm hay kiểm tra, thẩm định.

  • Kỹ năng mềm: Kỹ năng có liên quan đến tính cách cá nhân, năng lực xã hội, khó có thể cân đo đong đếm hay thẩm định.

Quay lại ví dụ về kỹ năng ngôn ngữ. Nếu phân theo định nghĩa trên thì kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là kỹ năng cứng. Còn kỹ năng giao tiếp hay tạo cảm hứng sẽ là kỹ năng mềm.

Kể cả cùng là kỹ năng nghe thì nghe-hiểu là kỹ năng cứng, còn nghe chủ động và thấu hiểu lại là kỹ năng mềm. Cùng là kỹ năng viết thì kỹ năng viết để lợi SEO là kỹ năng cứng, còn kỹ năng biểu đạt bằng ngôn từ, viết sáng tạo là kỹ năng mềm.

Ranh giới này mong manh nhưng dễ hiểu hơn nếu ta đặt vào giữa tính nhân văn trong sản phẩm.

Lầm tưởng 2: Người làm truyền thông giỏi là những người hoạt ngôn

Sự thật là: Dù bạn tính tình khép kín, hướng nội hay cởi mở, hướng ngoại, bạn vẫn sẽ tìm được chỗ đứng của mình trong ngành truyền thông.

Khi nhắc đến truyền thông, các kỹ năng mềm thường được xem là thiên phú (điều này thực ra sai bét, tôi sẽ giải thích trong phần sau), và chỉ những người giao tiếp tốt mới có thể làm các nghề của MarCom.

Nhưng như tôi đã nói ở trên, kỹ năng nghe-nói là kỹ năng cứng. Mà kỹ năng cứng nào cũng có thể học được, dù là qua trường lớp hay các khóa học online.

Hơn nữa trên thực tế, ngành truyền thông đòi hỏi bạn phải nghe nhiều hơn nói — một kỹ năng cứng người hướng nội đã thuần thạo từ lâu.

marcom-hard-1
 Bất kể hướng nội hay hướng ngoại, bạn sẽ luôn tìm được chỗ đứng trong ngành MarCom.

Đọc thêm: Vì sao bạn nên học tập người hướng nội để lãnh đạo tốt hơn?

Lầm tưởng 3: Biết dùng Adobe là một kỹ năng cứng

Sự thật là: Kỹ năng đồ họa mới là kỹ năng cứng. Adobe là một nền tảng đồ hoạ.

Cũng như trong các nền công nghiệp các, nhóm kỹ năng cứng của nghề truyền thông cũng thường bị đánh đồng với các bộ công cụ. Mà công nghệ thì đôi lúc thay đổi quá nhanh. Bạn vừa học xong Wordpress thì công ty chuyển qua Adobe Experience Manager. Bạn vừa nắm được Final Cut Pro thì mọi người chuyển sang Adobe Premiere Pro.

Thực chất, Adobe Photoshop, Illustrator hay InDesign là các nền tảng công cụ. Còn kỹ năng thiết kế, đi màu hay dàn trang, trình bày mới là những kỹ năng cứng.

Phân biệt được các nền tảng công cụ và kỹ năng cứng, bạn sẽ không chênh vênh giữa vòng xoáy công nghệ và nhanh chóng thích nghi. Bởi các công cụ mới sẽ luôn xuất hiện, trở nên phổ biến rồi bị thay thế. Còn kỹ năng thì tồn tại như một hằng số.

4 Kỹ năng cứng cơ bản trong nghề truyền thông

1. Xây dựng chiến lược marketing

Tùy vào từng công ty, người làm MarCom sẽ có vai trò khác nhau trong việc lên chiến lược marketing. Ở một số công ty, họ đóng vai trò như một marketer — người xây dựng toàn bộ chiến lược marketing cho sản phẩm hay một chiến dịch quảng bá. Ở một số khác, họ là một phần của đội marketing, hỗ trợ các marketer trong việc đóng gói chiến lược và quảng bá trên các kênh.

Nhưng dù ở vai trò nào, người làm MarCom cũng cần có kiến thức xây dựng chiến lược marketing đa kênh. Việc xây dựng chiến lược bắt đầu từ việc:

  • Hiểu giá trị sản phẩm;

  • Xác định thông điệp;

  • Xác định (các) đối tượng khán giả và chuyển đổi thông điệp với từng nhóm khán giả;

  • Xác định kênh truyền thông;

  • Xác định và thẩm định quy mô và hiệu quả truyền thông.

marcom-hard-2
Dù ở vai trò nào, người làm MarCom cũng cần có kiến thức xây dựng chiến lược marketing đa kênh.

Là người quản lý truyền thông, hẳn bạn sẽ hiểu tầm quan trọng của kỹ năng xây dựng chiến lược. Còn với những người làm chuyên môn (specialist), khả năng xây dựng chiến lược giúp bạn hiểu vai trò của mình trong toàn bộ chiến lược chung, từ đó xây dựng chiến lược riêng để đóng góp cho thành công của chiến lược chung.

Cách thực hành: Bạn có thể tập phân tích các chiến lược marketing mà người khác đã làm. Hãy thử debrief — bóc tách chiến lược ra thành từng phần, tìm hiểu xem yếu tố nào giúp chiến lược thành công. Bạn cũng có thể theo học một khóa học ngắn, hay đọc sách về xây dựng chiến lược marketing.

2. Đọc-hiểu số liệu — Analytical reasoning

Đã hết rồi cái thời dân sáng tạo tuyên bố mình miễn nhiễm với số. 

Số liệu chính là thứ quyết định hướng đi, cách giải quyết, thậm chí cả hướng sáng tạo của bạn. “Data-driven decision”, quyết định dựa trên số liệu là từ khóa của marketing. Thế nhưng, trước khi đưa ra quyết định dựa trên số liệu, chúng ta phải hiểu số liệu đang nói với ta điều gì.

Analytical reasoning là kỹ năng đọc-hiểu số liệu và rút ra kết luận/insight từ số liệu. Kỹ năng này thuộc top 10 kỹ năng cứng cần thiết trong báo cáo năm 2021 của nền tảng học trực tuyến LinkedIn Learning

Không chỉ thiết yếu với các quản lý truyền thông, kỹ năng này cũng rất quan trọng với các specialist. Dù là ở vị trí nào, đọc-hiểu và rút ra insight cũng sẽ giúp bạn trực tiếp định hướng các bước tiếp theo cho phần việc của mình.

marcom-hard-4
Trước khi đưa ra quyết định dựa trên số liệu, chúng ta phải hiểu số liệu đang nói với ta điều gì.

Ví dụ, nếu bạn làm social media, các số liệu về mạng xã hội sẽ cho bạn biết giờ nào nên đăng gì, chạm đến đúng đối tượng thì hiệu suất bán hàng sẽ tăng trưởng ra sao.

Nếu làm đồ họa, bạn sẽ cần đến các số liệu liên quan đến độ hiệu quả về hình ảnh, màu sắc để tạo ra sản phẩm thị giác khiến người xem “yêu từ cái nhìn đầu tiên.”

Nếu làm copywriter, bạn phải đọc được số liệu SEO, SEM… để uốn câu, chọn chữ cho “vừa lòng” công cụ tìm kiếm.

Cách thực hành: Đừng tự mặc định rằng bạn biết thừa một số liệu sẽ nói hay không nói lên điều gì. Hãy liên tục đặt câu hỏi cho số liệu. “Còn kết luận nào tôi có thể rút ra được từ số liệu này? Nếu muốn số liệu thay đổi, tôi nên làm gì?”

Nhưng ai sẽ cho bạn câu trả lời? 

Đây là số liệu, không phải số đề, nên bạn không thể tìm câu trả lời trong những giấc mơ. Hãy tập đọc các tài liệu chuyên ngành, hỏi những người có kinh nghiệm, thử phương pháp A/B — thử nghiệm với hai trạng thái: trạng thái cũ và trạng thái có tác động để xem số liệu có bị ảnh hưởng hay không. Dần dần, bạn sẽ thu cho mình câu trả lời thoả mãn. 

3. Nghe, nói, đọc, viết

“Truyền thông” hiểu nôm na là “truyền đi thông điệp.” Nhưng thông điệp không chỉ truyền từ công ty đến khách hàng.

Thông điệp còn truyền từ phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D) đến người làm marketing, từ người làm marketing đến đội truyền thông, từ người làm chiến lược truyền thông đến các đội sáng tạo như đồ họa, video, copywriter, rồi cả thông điệp từ đội sáng tạo đến người quản lý kênh, rồi đến công chung.

Thông điệp được truyền đi và dội lại hiệu quả khi những mắt xích này có kỹ năng diễn đạt tốt, không tam sao thất bản, không bị ách tắc do nhân tố có năng lực diễn đạt kém.

marcom-hard-3
Giao tiếp, dù là với nội bộ hay bên ngoài, cũng đều cần có kỹ năng.

Thêm nữa, năng lực diễn đạt còn hữu ích trong việc thể hiện mình, thể hiện năng suất làm việc, giúp bạn được công nhận và thăng tiến. Một art director khó có thể thành công nếu không thể trình bày ý tưởng của mình. Một người làm sự kiện nếu không có kỹ năng diễn đạt thì làm sao có thể trình bày kế hoạch, xin ngân sách, điều phối công việc cho cả đội hay làm việc với từng nhà cung cấp?

Người làm truyền thông không nhất thiết phải là người hoạt ngôn. Nhưng họ trước nhất phải là người có kỹ năng diễn đạt. Bạn không cần trở thành một nhà diễn thuyết, nhưng nhất định bạn phải diễn đạt thoát ý, dễ hiểu.

Cách thực hành: Tập luyện nghe, nói, đọc, viết trôi chảy ít nhất một ngoại ngữ, đồng thời trau dồi cách diễn đạt tiếng Việt. Bạn có thể viết ra hay ghi âm lại điều bạn nói. Sau đó, hãy đọc/nghe lại để xem chúng có dễ hiểu không, rồi từ từ chỉnh sửa. Tôi đảm bảo sẽ không ít lần chính bạn cũng chả hiểu mình nói gì luôn.

Đọc thêm: “Truyền” mà sao không “thông”: 5 Cách tạo sức hút khi trò chuyện

4. Thông thạo kỹ thuật số — Digital fluency

Năng lực thông thạo kỹ thuật số khác với chuyển đổi số. “Chuyển đổi số” là quá trình tổ chức tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật số vào vận hành. Về phía người lao động, “năng lực thông thạo số” giúp họ theo kịp, thậm chí dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi số.

Cũng theo báo cáo của LinkedIn Learning, sức bật (resilience) và khả năng thông thạo kỹ thuật số là hai kỹ năng luôn đứng top các kỹ năng cần thiết ở tất cả các quốc gia, cho tất cả các ngành nghề mà báo cáo này khảo sát.

Theo tác giả Karen Spencer, năng lực thông thạo kỹ thuật số gồm 3 mức độ: 

  • Biết công nghệ: Khả năng hiểu, lựa chọn và sử dụng công nghệ;

  • Hiểu công nghệ: Khả năng kiến tạo, đánh giá và ứng dụng các kỹ năng công nghệ;

  • Làm chủ công nghệ: Khả năng kết nối, quản lý, giao tiếp giữa các công nghệ và nền tảng.

marcom-hard-5
“Năng lực thông thạo số” giúp người làm MarCom theo kịp, thậm chí dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi số.

Tùy vào vị trí và công nghệ mà người làm MarCom cần thông tạo kỹ thuật số ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, giá trị quan trọng nhất của năng lực này là khả năng học, tiếp thu công nghệ, và tầm nhìn cho khả năng ấy. Bởi bức tranh công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông, thay đổi nhanh và không ngừng. Bạn chưa kịp tuyên bố mình giỏi công nghệ này thì công nghệ ấy đã lạc hậu. Chỉ có khả năng học, tiếp thu công nghệ mới giúp bạn đứng vững và sẵn sàng với thay đổi.

Cách thực hành: Với bất kỳ công nghệ mới nào liên quan đến công việc của bạn, hãy đọc và cập nhật về nó để ít nhất đạt được mức độ biết công nghệ. Tùy vào công việc bạn đang làm và mức độ liên quan, hãy lên kế hoạch học tập để đạt đến các mức độ cao hơn.

Kết

Bài viết này không thể kể hết các kỹ năng cứng bạn cần để làm nghề truyền thông. Kể cả khi bạn có tố chất và đã có cả 4 kỹ năng trên, hãy luôn sẵn sàng học và đổi mới — chính tinh thần cầu tiến và ham học mới giúp bạn thành công.

Điều này cũng chứng minh cho một chân lý: Học, học nữa, học mãi. Đó chính là lý do mà tôi gọi các kỹ năng trên là kỹ năng cần, không phải đủ.

Bởi chả bao giờ là đủ!

(Còn tiếp)