Trước câu hỏi “Bạn nghĩ điều gì làm nên thành công của mình?”, nếu nhận được câu trả lời "May mắn thôi", như một phản ứng được lập trình sẵn, không ít người thầm nghĩ người đó "khiêm tốn thái quá" hoặc "giấu nghề". Tuy nhiên, ít ai nghĩ có thể trong một phạm vi mới mẻ nào đó sẽ có một định nghĩa rằng: May mắn là một loại kỹ năng.
Từ xưa, "may mắn" đã được định nghĩa là:
Nhưng khi mà những định nghĩa có sẵn không phù hợp với nhu bạn của mình nữa thì chúng cần được thay đổi. Hai định nghĩa ở trên có vẻ đúng hơn về phép màu, chứ không phải may mắn. May mắn nên được tạo ra từ công thức khác.
May mắn = Khả năng ⋂ Cơ hội
Bạn có nhớ những lần thi cuối kì không? Bạn không có đủ thời gian nhồi nhét cả 5 chương nên bạn quyết định học 2 chương, mong là 2 câu trong đề sẽ nằm đúng trong 2 chương ấy. Nếu đề ra vào 3 chương còn lại, bạn sẽ tự trách bản thân sao không ôn thi sớm hơn và nghiêm túc hơn. Nhưng nếu đề vào đúng 2 chương bạn học, bạn sẽ bước ra khỏi phòng thi và cười với đứa bạn rằng: “May mắn thôi.”
Thấy không, may mắn không phải thành công mà bạn có được một cách tình cờ. May mắn là kết quả của sự chuẩn bị sẵn mà bạn chưa từng để ý tới, hoặc đã quên mất trong giây phút xúc động – chính là việc ôn tập 2 chương. Trong tình huống này, bạn có khả năng làm bài tốt ở 2 chương đã ôn tập, và bạn gặp cơ hội – đề giao vào đúng 2 chương đó.
Bạn sẽ còn nghe thấy nhiều câu chuyện may mắn khác nữa, như Snapchat ra đời khi Evan Spiegel mới 21 tuổi. Thật ra là anh có khả năng đảm đương một doanh nghiệp, cùng lúc gặp cơ hội – một ý tưởng kinh doanh từ một người bạn.
Tương tự, thử hỏi nếu Captain America không có khả năng chinh chiến thì cơ hội vào chương trình siêu chiến binh có dành cho anh bạn nhỏ thó gầy gò Steve Rogers không? Ngược lại, dù Steve có khả năng nhưng anh không gặp người đứng sau chương trình siêu chiến binh tại buổi tuyển chọn ấy thì sao?
Vì thế may mắn không phải câu chuyện “chờ bột tiên rơi xuống”. May mắn là phản ứng hoá học khi khả năng của bạn gặp được cơ hội để thể hiện.
Vai trò của bạn trong may mắn: Đón nhận — Phản ứng
May mắn là khoảnh khắc khả năng của bạn gặp được cơ hội thể hiện, vì thế vai trò của bạn sẽ khác nhau tùy thuộc vào hành động của bạn trước và sau khoảnh khắc ấy.
Khoảnh khắc bạn nhận ra cơ hội mình đang có, bạn là Receiver – đón nhận cơ hội. Nếu bạn chỉ để nó ở đấy, bạn vẫn sẽ là Receiver. Chỉ khi bạn hành động để tận dụng cơ hội – giây phút ấy bạn mới thay đổi thành Reactor.
Một quá trình may mắn chỉ kết thúc khi hành động của bạn dẫn tới kết quả phù hợp với mong muốn, và đó là giây phút bạn thốt lên “Mình may mắn thế!”
Tóm lại, may mắn là một quá trình tuyến tính bao gồm: Đón nhận – Hành động – Nhận thức (Receive – React – Realize).
Làm sao để nhận ra, đón nhận cơ hội và hành động đúng đắn để may mắn?”
Tiến sĩ Richard Wiseman tại Đại học Hertfordshire đã từng thực hiện nghiên cứu về sự may mắn. Ông đưa cho những người tham gia một tờ báo, yêu cầu họ xem qua và cho biết có bao nhiêu bức ảnh bên trong. Trung bình những người "không may mắn" mất khoảng hai phút để đếm các bức ảnh, trong khi những người "may mắn" chỉ mất vài giây.
Tại sao? Bởi vì ở ngay trang thứ hai của tờ báo có thông điệp: "Dừng đếm. Có 43 bức ảnh trong tờ báo này." Thông báo này chiếm một nửa trang và được viết cao hơn 5cm, nhưng những người không may mắn lại bỏ lỡ nó.
Sau một số thí nghiệm khác, ông kết luận: "Nghiên cứu của tôi cho thấy những người may mắn tạo ra vận may thông qua bốn nguyên tắc cơ bản. Họ có kỹ năng tự kiến tạo và đón nhận cơ hội may mắn, đưa ra quyết định bằng cách lắng nghe trực giác, đặt kỳ vọng vào những mong đợi tích cực và thích nghi với một thái độ kiên cường, từ đó biến những điều xui xẻo thành tốt đẹp.”
1. Tự kiến tạo và đón nhận cơ hội may mắn
Những người không may mắn thường là "con chiên" của thứ tôn giáo mang tên “quen thuộc”. Họ có xu hướng đi cùng một con đường mỗi ngày đi làm, nói chuyện với cùng một người trong mọi bữa tiệc.
Ngược lại, nhiều người may mắn cố gắng đem lại sự đa dạng cho cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, một người thích sự mới mẻ sẽ chọn một màu bất kì trước khi đến một bữa tiệc, rồi ép bản thân phải tương tác với những người mặc màu đó.
Vấn đề được đặt ra là sự cởi mở, hoan nghênh tính đa dạng, thách thức và khác biệt. Bạn hầu như sẽ không thấy may mắn nếu bạn dành cả đời để sáng đi làm tối về nhà như một cái máy cài sẵn. Thay vào đó, hãy dành thời gian gặp gỡ, nói chuyện với những người mới, làm những công việc khác thường ngày, và có thể bạn sẽ bắt được một cơ hội tốt.
Nhưng nhận ra cơ hội không đưa bạn đến may mắn ngay lập tức, trừ khi bạn biết phải hành động để tận dụng nó. Có bốn tình huống liên quan đến khoảnh khắc của sự may mắn, như được vạch ra ở bảng sau:
Có lẽ bạn đã không đọc bài viết này nếu bạn ở góc phía dưới bên trái - “Tôi không làm gì cả". Còn nếu bạn ở thuộc góc phần tư đó thật, hiện tại bạn cần hiểu rõ về bản thân mình hơn để ít nhất thấy được đâu là cơ hội với mình.
Nếu bạn ở góc trên bên trái hoặc góc dưới bên phải, thì bạn cần hành động để di chuyển sang phía góc trên bên phải. Khi đó, bạn sẽ nhìn thấy được các cơ hội tốt và có thể nắm bắt chúng một cách khôn ngoan, biến chúng thành may mắn.
Đối với góc trên bên trái – "Tôi đã có thể làm tốt hơn", bạn sẽ cần học cách tự tin và mạo hiểm hơn, hành động nhanh hơn để biến tiềm năng của bạn thành động năng. Ngay cả khi hành động của bạn có thể dẫn tới kết quả không thỏa mãn, bạn vẫn học được kinh nghiệm cho những cơ hội tiếp theo.
Đối với góc dưới bên phải – người thực hiện hành động quá nhanh khi còn chưa tìm ra cơ hội phù hợp. Bạn nên tìm cách làm chậm quá trình ra quyết định của mình, chờ hiểu rõ tình huống và phân tích cặn kẽ trước. Bắt đầu kinh doanh mà không đánh giá kỹ càng thị trường và nhu cầu người dùng là một ví dụ cho góc phần tư này.
2. Lắng nghe trực giác
Khi đứng trước các lựa chọn, những người may mắn quan tâm đến cả yếu tố lý trí và cảm xúc, thay vì chỉ nhìn vào khía cạnh khoa học. Trực giác có thể đóng vai trò như một hồi chuông cảnh báo khi đưa ra quyết định, vì trực giác được tạo nên từ kinh nghiệm.
Chính vì thế, tận dụng cả yếu tố cảm xúc và logic có thể giúp bạn quyết định tốt hơn, nhờ đó tối đa hóa hiệu quả hành động trước cơ hội mà bạn có.
3. Đặt kỳ vọng vào những mong đợi tích cực
Người may mắn luôn mong được may mắn. Barbara Fredrickson, giáo sư tại Đại học North Carolina, đã phát hiện ra rằng những cảm xúc tích cực trong giây lát có thể mở rộng suy nghĩ, cho phép chúng ta tưởng tượng ra các mối liên kết rõ ràng hơn, và phạm vi nhận thức rộng hơn bình thường.
Khi kỳ vọng may mắn của bản thân cao, vô tình bạn sẽ cảm nhận được sự tích cực. Chính nó sẽ giúp bạn cố gắng cải thiện kỹ năng, mở rộng kiến thức để đạt được kết quả tốt hơn. Nhờ đó, kỳ vọng dần trở thành thực tế và khoảng cách hạnh phúc được thu hẹp lại, dẫn ta đến khoảnh khắc nhận ra may mắn.
4. Thái độ kiên cường, biến những điều xui xẻo thành tốt đẹp
"Hãy nhớ rằng đôi khi không đạt được điều bạn muốn lại là một chuyện may mắn." — Đạt Lai Lạt Ma XIV
Căng thẳng vì thất bại không giúp ích gì cho bạn cả. Những người may mắn không bao giờ nhìn vào việc A tệ thế nào, mà họ nhìn thấy được B hoặc C có thể tệ hơn nhiều. Thay vì phàn nàn về việc ngã xuống ao ướt hết quần áo, bạn thấy may mắn vì không bị chết đuối dưới ao. Tư duy tích cực giúp bạn đón nhận thất bại, học hỏi và tiến về phía trước nhanh hơn để sẵn sàng cho những cơ hội khác.
Vì thế đừng nghĩ may mắn là bột tiên từ trên trời rơi xuống đầu bạn. May mắn là thứ bạn có thể tạo ra nếu bạn biết từng bước kiểm soát, kiến tạo và tận dụng cơ hội.
Hình ảnh được thực hiện bởi Thanh Trúc.