Tại Việt Nam trong những năm gần đây, nghề vẽ minh hoạ – hay illustrator – đang dần lên ngôi, mở ra một sân chơi tuy nhỏ nhưng vô cùng tấp nập cho giới sáng tạo tại Việt Nam.
Cũng vì sự mới mẻ của nó, sự phân chia trong ngành cũng khá rõ ràng. Phần nổi là những người đã có thương hiệu riêng, thường xuyên xuất hiện trong cộng đồng và được các doanh nghiệp lớn ưu ái. Phần còn lại là lớp nghệ sĩ ít tên tuổi hơn, thường tham gia các dự án thiết kế nhỏ lẻ và gặp nhiều khó khăn trong việc định giá sản phẩm sáng tạo.
Vì gắn liền với hai chữ “nghệ thuật”, nhiều nghệ sĩ minh hoạ gặp nhiều bất mãn khi làm nghề. Vậy nếu đã quyết định theo đuổi ngành vẽ minh hoạ, bạn cần gì để đứng vững? Cùng trò chuyện với Nguyễn Vũ Xuân Lan, hay X.Lan, một trong những nghệ sĩ minh hoạ nổi bật của ngành, về những mặt sáng-tối đằng sau nghề vẽ minh hoạ.
1. Nghề vẽ minh hoạ sẽ giúp bạn giàu...
Thứ nhất là giàu về mặt cảm xúc. Với Xuân Lan, vẽ là một nghề rất đặc biệt bởi nó cho bạn khả năng miêu tả trí tưởng tượng trong đầu, cũng như để cảm xúc hiện hữu nhiều hơn.
Bạn sẽ bắt đầu quan sát cả thế giới bên ngoài lẫn bên trong bản thân để tìm thấy chất liệu sáng tác. Nghề vẽ cũng đòi hỏi bạn tìm hiểu kỹ những điều mang lại cảm hứng cho mình, để phần cảm xúc được làm giàu và nhạy cảm hơn.
Thứ hai là giàu về mối quan hệ. Cái hay của giới vẽ minh hoạ tại Việt Nam là khi vừa bước vào ngành, bạn sẽ nhanh chóng kết nối được với nhiều cá nhân khác trong cộng đồng cũng như những người đi trước.
Đồng thời qua thời gian, bạn cũng sẽ kết nối được với những người thuộc các ngành liên quan thông qua các dự án khác nhau. Càng tham gia nhiều dự án, mạng lưới của bạn sẽ càng rộng và ta sẽ biết được thêm nhiều thứ hay ho ngoài lĩnh vực.
Còn về tài chính thì sao? “Mình thấy dù là bác sĩ, giáo viên hay hoạ sĩ thì ngành nào cũng có những phân khúc thu nhập khác nhau và đều cần nỗ lực như nhau. Nói làm nghề vẽ minh hoạ là giàu thì hơi chung chung, có thể người nói chỉ đang nhìn vào số ít những trường hợp thành công.” — Xuân Lan nói thêm.
2. Một tác phẩm đẹp khi nó có tiếng nói riêng
Để được công nhận là một nghệ sĩ minh hoạ, bạn chắc chắn cần nhiều hơn là vẽ đẹp. Để cải thiện chất lượng và nội dung của tranh, bạn cần phát triển song song hai thứ: bộ kỹ năng và tiếng nói cá nhân của nghệ sĩ (voice). Tiếng nói của nghệ sĩ có thể hiểu nôm na là cá tính trong minh hoạ, được thể hiện qua rất nhiều thứ ngoài nét vẽ như kỹ thuật xử lý hay nội dung và cách kể chuyện.
Qua thời gian, bạn có thể thay đổi về kỹ thuật và cách thể hiện, nhưng tiếng nói và tinh thần trong tác phẩm của bạn nên giữ nhất quán. Điều này vừa giúp bạn đứng độc lập trong số đông, vừa tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa bạn và những nghệ sĩ khác có cùng kỹ năng.
3. “Khoe” tác phẩm không cần công thức mà cần sự kỷ luật
Với Xuân Lan, một trong những thực hành quan trọng khi làm nghề vẽ là biết cách “khoe” các tác phẩm của mình. Đăng tải các tác phẩm sẽ giúp bạn tăng độ phủ, xây dựng được cộng đồng người theo dõi và mở ra các cơ hội việc làm. Đồng thời, nó cũng giúp bạn tăng độ uy tín, bởi người xem sẽ nhìn thấy được cả quá trình sáng tạo cũng như sự nghiêm túc bạn bỏ vào nghề.
Tuy nhiên, có những trường hợp nhãn hàng dùng tâm lý này để mời bạn vẽ miễn phí hoặc với giá rẻ để đổi lại độ phủ. Bạn sẽ vô tình ảnh hưởng đến giá trị của thị trường chung nếu tình trạng này xảy ra quá nhiều.
Nếu đã xác định con đường vẽ, bạn sẽ cần có một tâm thế làm việc thông minh và khoa học hơn. Việc vẽ không thể theo cảm hứng hay vẽ cho vui mà cần sự bài bản và kỷ luật. Tương tự, đăng tải các tác phẩm cần sự kiên định về tần suất và nhất quán về phong cách. Hãy đăng tải các tác phẩm của mình đều đặn; đừng im lặng rồi xuất hiện ba tháng một lần.
Trường hợp muốn thay đổi phong cách, hãy kiên nhẫn và chuyển đổi từ từ. “Mình vốn được biết đến nhờ nét vẽ vui tươi dễ thương. Nếu bỗng một ngày mình vẽ tranh robot thì mọi người sẽ rất thắc mắc, có khi họ còn không nghĩ là Xuân Lan vẽ đâu. Đừng vồ vã chuyển mình ngay bởi người theo dõi sẽ khó thích nghi và bản thân quá trình cũng sẽ không tự nhiên.” — Xuân Lan nói.
4. Sự nổi tiếng không hoàn toàn định giá tác phẩm
Cơ hội việc làm để kiếm sống từ nghề vẽ minh hoạ không thiếu. Nhưng nó phụ thuộc chủ yếu vào việc bạn phát triển kỹ năng và tận dụng các mối quan hệ. Nghệ sĩ minh hoạ có thể kinh doanh các tác phẩm của mình theo ba hướng: vẽ bìa / minh hoạ sách, vẽ quảng cáo truyền thông và bán sản phẩm như tranh in, thiệp, áo, sổ… hoặc sắp tới còn có thể có NFT.
Khi nói về việc ấn định giá cho các tác phẩm của mình, Xuân Lan cho rằng độ nổi tiếng của nghệ sĩ cũng có thể ảnh hưởng đến giá bán của tác phẩm. “Càng có nhiều người biết đến thì bạn sẽ có nhiều khách hàng tiềm năng; sự nổi tiếng cũng một phần bảo chứng cho chất lượng tác phẩm của bạn. Vì vậy, bạn hoàn toàn có quyền nâng giá trị các tác phẩm của mình.”
Nhưng không phải cứ xuất hiện nhiều trên truyền thông thì mới nổi tiếng. Bởi ngoài nổi tiếng với khán giả đại chúng, nghệ sĩ cũng có thể là những người được đánh giá cao trong giới, chủ yếu là trong mắt nhà tuyển dụng và các nghệ sĩ khác.
Hơn nữa, đa phần các hoạ sĩ sẽ trở nên nổi tiếng nhờ một tác phẩm nhất định. Điều này chứng tỏ rằng nếu bạn không nổi tiếng thì tác phẩm vẫn sẽ có giá trị. Sự nổi tiếng chỉ là một kết quả phụ đi kèm, còn công sức và tài năng mà bạn bỏ ra vẫn sẽ luôn ở đấy. Bạn không thể nói rằng “vì tôi vô danh nên các tác phẩm của tôi bán ít tiền” được.
5. Đừng vội thoả hiệp khi làm việc với nhãn hàng
Khi công nghệ số phát triển, các nghệ sĩ minh hoạ trẻ lại càng có nhiều sân chơi và cơ hội để xuất hiện hơn thế hệ nghệ sĩ đi trước. Nhưng lựa chọn làm việc với hoạ sĩ vẽ truyền thống hay vẽ số hoá còn tuỳ thuộc vào định hướng, cá tính của nhãn hàng và nội dung cụ thể của dự án.
Ngoài hoạ cụ, Xuân Lan cho rằng sự khác biệt lớn nhất giữa hai thế hệ nghệ sĩ nằm ở cách tiếp cận đề bài. Người trẻ có sự giao thoa văn hoá tốt hơn, vì vậy họ sẽ làm tốt những đề bài mang tính quốc tế. Ngược lại, nếu nhãn hàng hướng đến những giá trị truyền thống (ví dụ vẽ bánh trung thu), họ sẽ muốn những nét vẽ gần gũi và mang tính văn hoá địa phương. Tuỳ vào nhu cầu của nhãn hàng, cả hai thế hệ này đều có thể tồn tại và phát triển song song.
Nhưng dù thuộc thế hệ nghệ sĩ nào, đừng vội thoả hiệp khi làm việc với nhãn hàng. Có lần, một nhãn hàng đã yêu cầu Xuân Lan đổi màu của tác phẩm để phù hợp với thẩm mỹ của thương hiệu. Nhưng tác phẩm sau khi đổi màu sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung trên trang cá nhân, Lan đã từ chối đăng tác phẩm của mình. Sau một hồi tranh luận, cuối cùng nhãn hàng cũng chịu giữ nguyên màu cũ.
Khi làm việc với nhãn hàng, hãy tư vấn và thương lượng nhằm bảo vệ tiêu chuẩn thẩm mỹ của mình. Và hãy biết nói không nếu nó ảnh hưởng đến thương hiệu cá nhân của bạn.
6. Dấu ấn lớn nhất của nghệ sĩ là tính cá nhân
Xuân Lan cho rằng xu hướng của nghề minh hoạ sẽ còn tuỳ vào ngành mà bạn đang phục vụ, như xuất bản hay quảng cáo. “Với mình thì xu hướng sáng tạo sẽ luôn đi theo hai hướng: một là làm mới cái đã có sẵn, ví dụ như sử dụng lại tranh Đông Hồ; hai là kết hợp nhiều cái đã có sẵn để làm ra cái mới.”
“Nhưng dấu ấn thực sự của người nghệ sĩ nằm trong cách cảm thụ và diễn giải cá nhân (personal interpretation).” Cũng cùng một nội dung, nhưng mỗi người sẽ có một cách tiếp cận rất riêng, giúp họ tách mình khỏi dòng chảy của xu hướng. Người nghệ sĩ cần bộc lộ được những yếu tố riêng tư của mình vào đề tài và kể chúng qua nét vẽ của mình.
Các yếu tố ấy đến từ những câu chuyện cá nhân, những hình ảnh quen thuộc trong quá trình trưởng thành, hoặc câu chuyện về những người thân xung quanh. Đó là những lớp lang sâu sắc mà chỉ người nghệ sĩ mới có thể kể, chứ không chỉ dừng lại ở bề nổi mà ai cũng chạm tới được.
Nội dung bài viết tổng hợp từ podcast Halo Radio, thuộc khuôn khổ Vietnam Halography 2021. Nghe đầy đủ buổi nói chuyện cùng Xuân Lan tại Spotify, Apple Podcast, Anchor, YouTube.
Vietnam Halography là lễ hội thường niên lớn nhất của cộng đồng thiết kế sáng tạo tại Việt Nam.
Năm nay, với chủ đề “On Stage ‘n Chill", Halography cho mỗi nghệ sĩ sáng tạo cơ hội “chill” và cất lên tiếng nói của mình.
Ngoài giải thưởng Halo Dot và cuộc thi Halo Race, chương trình năm nay có Halo Radio - chuyện trò về hành trình sáng tạo của khách mời nổi bật trong ngành, và Halo Talk - bàn tròn hé mở bí ẩn ngành nghề từ chuyên gia hàng đầu của các lĩnh vực.
Theo dõi chương trình qua fanpage Vietnam Halography