7 Từ khóa định nghĩa nhạc Việt 2021 | Vietcetera
Billboard banner
19 Thg 12, 2021
Sáng TạoÂm Nhạc

7 Từ khóa định nghĩa nhạc Việt 2021

Nhạc số, Indie, online concert, bản quyền âm nhạc, GenZ… là những từ khóa định nghĩa nền nhạc pop Việt Nam năm nay.
7 Từ khóa định nghĩa nhạc Việt 2021

Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera.

Năm 2021, nền âm nhạc Việt Nam từng có thời điểm rơi vào cảnh "đóng băng" trong vài tháng do dịch Covid-19. Nhiều dự án âm nhạc, bao gồm cả ra mắt đĩa đơn, album, MV, hòa nhạc đều bị hoãn, hủy.

Tuy nhiên, nhạc Việt không hề dậm chân tại chỗ. Nhạc trực tuyến lên ngôi, các nghệ sĩ Indie vẫn tiếp tục ra mắt sản phẩm mới, thế hệ nghệ sĩ gen Z đã bắt đầu định hình phong cách. Bên cạnh đó, những dự án âm nhạc cộng đồng ra mắt và được hưởng ứng...

Nền âm nhạc Việt Nam trong năm 2021 như thế nào? Xu hướng nào nổi bật? Vấn đề nào được bàn luận sôi nổi? Cùng Vietcetera nhìn lại bức tranh nhạc Việt qua 7 từ khóa quan trọng sau đây.

1. Nhạc trực tuyến (streaming)

Ngay cả khi không dùng Spotify để có thể "tổng kết năm” thì nhạc trực tuyến đang tăng trưởng tại Việt Nam. Nhìn cách người nghe nhạc hòa vào trend Wrapped 2021 phần nào thấy được thói quen nghe nhạc trong thời dịch Covid-19.

Trước thời kỳ dịch Covid-19 diễn ra, thời lượng stream nhạc trung bình mỗi ngày của người Việt là 1 tiếng 11 phút (nguồn: We Are Social). Theo thống kê của Q&Me mới đây, 75% số người nghe nhạc hàng ngày và là hình thức giải trí chính. YouTube, Zing, Nhaccuatui, Facebook là 4 kênh người Việt chọn nghe nhạc nhiều nhất.

Các bảng xếp hạng nhạc số ngày càng được quan tâm cũng đã tác động đến giới âm nhạc nhiều hơn. Những bài hát được cho là hit thường đi kèm với Top Trending YouTube, Top 1 trên các nền tảng như Spotify, Apple Music...

Nhạc số thay đổi thói quen người nghe nhạc Việt Nam | Nguồn: Spotify

Cũng từ đây, việc nghe nhạc còn là cuộc chiến "cày views" cho thần tượng. Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần đưa tin, có những bài hát cả nghìn lượt stream nhưng không có ai nghe. Đây được xem là một trong số cách thao túng lượt nghe (streaming manipulation) trong thời đại nhạc số.

Sự lớn mạnh của dịch vụ streaming kiểu Spotify cho thấy khán giả đang nghe nhạc theo thuật toán. Ở đó, thói quen và hành vi nghe nhạc đều được phân tích nhằm đưa ra những gợi ý ngược trở lại cho khán giả. Điều này cũng có thể diễn ra ở một số nền tảng streaming khác.

Bên cạnh đó, một xu hướng khác của nhạc trực tuyến chính là tổ chức các buổi hòa nhạc và giao lưu trực tuyến (online concert, livestream). Đây cũng là xu hướng chung của nền âm nhạc thế giới trong năm vừa qua.

2. Hòa nhạc trực tuyến (online concert)

Những đêm nhạc may mắn diễn ra như Concert 25 của Hoàng Dũng, Concert Veston của Hà Anh Tuấn thu hút sự quan tâm của khán giả dịp đầu năm. Tuy nhiên, hàng loạt lễ hội âm nhạc, hòa nhạc bị hủy hoặc hoãn.

Rapper Đen trong Show của Đen phát hành trên Netflix và YouTube. | Nguồn: Đen

Hình thức hòa nhạc trực tuyến trở nên phổ biến từ năm 2020 và tiếp tục thu hút khán giả trong năm nay. Ngoài ra, các live session gây chú ý của Thịnh Suy, Mademoiselle… Các cover show cũng tiếp tục được các ca sĩ khai thác triệt để, thu hút khán giả.

Bên cạnh các show trực tuyến, các nghệ sĩ cũng lên kế hoạch đưa các liveshow lên nền tảng trực tuyến. Rapper Đen phát hành liveshow kỷ niệm 10 năm; hay Concert 25 của Hoàng Dũng cũng được ra mắt trên YouTube.

Ca sĩ, nhạc sĩ Tùng trong dự án Tree Talks. | Nguồn: Tùng.

Online concert không chỉ là giải pháp trong thời gian dịch bệnh mà còn là xu hướng trong thời gian tới của nền âm nhạc thế giới. Tương lai của hình thức tổ chức hòa nhạc này là rất lớn, với các hình thức công nghệ thực tế ảo (VR và AR), giao lưu trực tuyến...

BTS bắt đầu tổ chức các đêm diễn trực tuyến và thành công ngoài mong đợi.. Sau thành công của Super-M, công ty SM Entertainment đưa ra lịch trình concert online của 6 nhóm nhạc đình đám: Super Junior, TVXQ NCT 127.

Các nền âm nhạc lớn trên thế giới như Âu - Mỹ, KPop đã và đang đầu tư vào hòa nhạc trực tuyến ở nhiều mặt, tuy nhiên, ở Việt Nam lại chưa cho thấy sự đột phá. Điều này có thể đến từ tư duy "phương án thay thế" do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn căng thẳng.

3. Indie/rap

Những năm gần đây, dòng nhạc và xu hướng làm nhạc Indie (độc lập) rất thịnh hành tại Việt Nam. Năm 2021 tiếp tục chứng minh Indie/underground đã dần trở thành một dòng "chính thống". Các sản phẩm không chỉ đồng đều về mặt chất lượng, mà còn gia tăng về số lượng.

Các band nhạc như Chillies, Cá Hồi Hoang, The Cassette, Raditori... lần lượt ra mắt các album khá ấn tượng. Trong khi đó, những nghệ sĩ Indie khác như Ngọt, Vũ., Mademoiselle, Nhạc của Trang... có những sản phẩm đơn lẻ (trong album mới) rất được lòng khán giả.

Ban nhạc Cá Hồi Hoang | Nguồn: CHH

Theo thống kê của Spotify Việt Nam, có đến tận 4/6 nghệ sĩ thuộc Indie/Rap có lượt stream nhiều nhất bao gồm: Đen, Chillies, Vũ., Hoàng Dũng. Bên cạnh đó, 3/5 bài hát có lượt stream nhiều nhất trong năm 2021 lần lượt thuộc về các nghệ sĩ Indie như Bước qua mùa cô đơn (Vũ.), Đi về nhà (Đen ft. JustaTee) và Gác lại Âu Lo (DaLab ft. Miu Lê).

Bên cạnh đó, rap vẫn tiếp tục sức hút đối với giới nghệ sĩ lẫn công chúng. Nhiều sản phẩm rap hấp dẫn ra đời, kèm theo đó là những trận beef nảy lửa. Tuy nhiên, các scandal không đáng có như lời ca tục tĩu, vi phạm bản quyền... xảy ra trong mảng nhạc rap.

Đọc thêm:

4. Nhạc quảng cáo

Trong những năm gần đây, xu hướng làm nhạc có chứa yếu tố quảng cáo trở thành trào lưu, thu hút sự quan tâm của cả 3 thành tố: nghệ sĩ, nhãn hàng và khán giả.

Nhiều sản phẩm như Đi về nhà (Đen ft. Justa Tea), Mấy Bé Lì (T.Linh), Cả ngàn lời chúc (Rhymastic ft. Suboi), MLEM MLEM (Min ft, JustaTee, Yuno Big Boi) trở thành hit trong năm 2021 đều là nhạc... quảng cáo.

Những bài hát này thường có chung công thức: giai điệu bắt tai + ca từ dễ hiểu + sự góp mặt của những ngôi sao đang được công chúng quan tâm. Dù được gắn mác nhạc quảng cáo nhưng chất lượng phần nghe lẫn nhìn của những sản phẩm này đều khá vượt trội.

Ca nhạc sĩ JustaTee | Nguồn: Maika Elan/ Vietcetera

Chia sẻ trên podcast Have a sip của Vietcetera, JustaTee nói, "Làm nhạc quảng cáo thật ra tốn rất nhiều thời gian và chất xám. Mình muốn chứng minh ngược lại, vậy nên phải đưa vào sản phẩm quảng cáo những nội dung hay."

Tất nhiên, không phải bản nhạc quảng cáo nào cũng thành công. Nhiều rapper làm nhạc quảng cáo nhưng chưa tạo được hiệu ứng tốt. Có người từng cho rằng, nhạc-rap-quảng-cáo khiến họ bị bội thực.

Đọc thêm:

5. Bản quyền

Bản quyền là câu chuyện "biết rồi khổ lắm, nói mãi" không của chỉ riêng ngành âm nhạc, mà còn là của ngành sáng tạo nói chung. Chương trình Rap Việt bị tố vi phạm bản quyền vì có hành vi sử dụng, cắt xén trái phép tác phẩm đồ họa của nhiều nghệ sĩ quốc tế.

Tuy nhiên câu chuyện bản quyền nhạc Việt 2021 không chỉ là câu chuyện "đạo nhái", mà còn ở sự chồng chéo của luật pháp trong thị trường nhạc số. Vì thế mới có chuyện, Quốc ca (Tiến quân ca) bị tắt tiếng trên YouTube hay nhạc sĩ Giáng Sol bị "đánh gậy" bản quyền với chính ca khúc do mình sáng tác và thu âm.

Trong thời đại nhạc số bùng nổ, những thách thức trong việc bảo vệ bản quyền âm nhạc (gồm cả quyền tác giả) trở nên được chú ý. Nhất là khi những nền tảng như YouTube tạo ra sân chơi chứ không tạo ra luật. Khi họ ở chơi ở quốc gia nào thì lại theo luật quốc gia đó.

Đọc thêm:

6. Gen Z

Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ của những ca sĩ thuộc Gen Z, gồm ở cả mảng nhạc pop như Thịnh Suy, Mỹ Anh, Wren Evans, MINH, Hoàng Duyên; ở mảng rap/hiphop nổi bật những cái tên như tlinh, Pháo, HIEUTHUHAI.

Mỹ Anh là một trong những tài năng âm nhạc thuộc Gen Z | Nguồn: M.A

Nếu như 1, 2 năm trước đây Gen Z vẫn chỉ là những cá nhân đơn lẻ, thì nay, họ đã được xem là thế hệ đổi mới tiếp theo với những chỗ đứng đặc biệt. Một số nghệ sĩ Gen Z đạt được những thành tính đáng chú ý trong năm 2021 như:

  • Mỹ Anh xuất hiện trên quảng trưởng thời đại, trình diễn tại lễ hội âm nhạc Head In The Clouds 2021 tại Mỹ (88 Rising), Hàn Quốc...
  • Hoàng Duyên nhận giải Best New Asian Artist (Mnet Asian Music Award 2021).
  • Amee là nghệ sĩ nữ có album lọt top năm nghe nhiều nhất trên spotify Việt nam 2021 dù không ra sản phẩm mới.

Điểm chung của nhiều ca sĩ thuộc Gen Z là khả năng sáng tác, sản xuất và trình diễn. Bên cạnh đó, các chủ đề mà họ khai thác thường đi vào nhiều những suy tư, phản ánh góc nhìn, quan sát và sự chiêm nghiệm của chính họ trước xã hội.

Đọc thêm:

7. Thần tượng thảm họa

Và màn debut thảm họa của năm thuộc về.... Cắm sừng ai đừng cắm sừng em của Phí Phương Anh. Không dừng lại ở đây, nữ tân binh còn liên tiếp phát hành các sản phẩm mới Cánh bướm dối gian, Răng khôn, Mập mờ.

Những trường hợp kiểu Phí Phương Anh khiến chúng ta đặt câu hỏi, họ là "thần tượng" hay ca sĩ? Nếu Kpop thành công với cách xây dựng thần tượng (Idol), liệu điều đó có áp dụng ở các nền âm nhạc khác, trong đó có Việt nam?

Người mẫu Phí Phương Anh ra mắt các sản phẩm âm nhạc. Nguồn: PPA

Giá trị của ngành công nghiệp thu âm trên thế giới, đến năm 2020, đã lên đến 20 tỷ USD. Khi các lợi ích đủ lớn, biến thử thách “ca sĩ” trở thành cơ hội hấp dẫn cho việc phát triển và lợi nhuận, nhiều người sẽ đổ xô vào.

Một ca sĩ lâu năm từng chia sẻ trên báo Dân Trí, "có một tầng lớp showbiz đang vô tình hoặc cố tình tạo ra những hình ảnh về sự viên mãn, sung túc, giàu sang… khiến nhiều bạn trẻ nuôi ảo mộng rồi bằng mọi giá dấn thân vào showbiz.”

Phí Phương Anh chỉ là một ví dụ điển hình trong rất nhiều trường hợp khác nhau mà thôi. Trước đó, khán giả đã từng chỉ trích ChiPu khi lấn sân sang lĩnh vực âm nhạc. Tất nhiên, không phải "hễ cầm mic lên là ca sĩ" như giọng ca Anh ơi ở lại từng phát biểu.

Đọc thêm: Tóm Lại Là: "Thần tượng" hay là "Ca sĩ"?