Tại sao không cho rapper quảng cáo? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tại sao không cho rapper quảng cáo?

Rapper làm quảng cáo thì có gì mà bị bảo là mất chất?

Tại sao không cho rapper quảng cáo?

Nguồn: Tâm Nguyễn cho Vietcetera

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Gần đây, O Buồn bày tỏ quan điểm về việc rapper nên tham gia quảng cáo và dùng tiền đó đầu tư thêm vào sản phẩm cá nhân. Một số rapper khác như DVD, MCK hay Rhymastic cũng đồng ý với ý kiến này và chia sẻ việc làm nhạc và sinh lãi từ nó là không dễ dàng.

alt
Nguồn: Facebook Bùi Quốc Anh (O Buồn)

Nhiều cư dân mạng cho rằng việc rapper quảng cáo là mất chất, vậy nên họ phải đăng bài “giải thích".

2. Xu hướng quảng cáo tại Việt Nam đang là rap?

Nhạc rap chính là xu hướng của năm 2020. Chưa bao giờ ta thấy trên các bảng xếp hạng âm nhạc thịnh hành lại xuất hiện nhiều rapper đến vậy. Là lẽ tự nhiên khi các nhãn hàng đem thị trường tiềm năng này vào chiến lược quảng cáo. 

Tết gần tới và đây là mùa của các TVC mang thông điệp mùi mẫn về gia đình. Sự phá cách nổi bật của rapper nghiễm nhiên đem lại sự mới lạ cho những quảng cáo Tết. Nhãn hàng đủ thông minh để trung hoà cá tính riêng của rapper và thương hiệu của mình để tạo ra những TVC, hay còn gọi là MV quảng cáo chất lượng.

3. Tại sao lại có nhiều tranh cãi quanh việc rapper đóng quảng cáo?

Ca sĩ, diễn viên, nhạc sĩ đều tham gia làm quảng cáo,... nhưng chỉ có rapper là lại “trúng đạn" chỉ trích khi đi làm kinh tế. Rapper chưa nổi tiếng thì bị “coi thường" với nhiều định kiến. Khi khẳng định được vị trí của mình với đại chúng thì họ lại bị mang nhãn “mất chất".

Nghịch lý này tới từ sự phân cấp trong cộng đồng fan. Điều này thấy rõ qua cụm từ “fan rap tháng 8”, thứ đã vô tình “cổ súy” cho những cái “mác” trước giờ đè nặng lên rapper. 

Hơn 2 thập kỷ tồn tại bền bỉ tại Việt Nam, Hip-hop chưa bao giờ chết hay mất chất. Chính sự đón nhận của khán giả đại chúng, sự chấp nhận của những nghệ sĩ gạo cội đã giúp cộng đồng này ngày một đi lên.

4. Rapper làm kinh tế không phải chuyện mới?

Quay lại năm 1985, Run-DMC là một trong những cái tên thời đầu đã thành công trong việc “thương mại hoá” sản phẩm âm nhạc của mình với track My Adidas. Đây là bài hát đơn nằm trong album được đề cử Grammy: Raising Hell. Khởi đầu bằng một sản phẩm âm nhạc chất lượng, tour diễn của Run-DMC sớm lọt vào mắt xanh của Adidas. Và đó là cách mà rapper “gặp" nhãn hàng. 

Thời tới với Run-DMC khi mà họ đã mang văn hoá “đường phố” tới đại chúng. Có thể nói đây là sự hợp tác win-win đem lại thành công cho nhãn hàng, tên tuổi cho nhóm cũng như tăng sức nặng cho văn hoá Hip-hop trên thị trường.

5. Rapper đã từng bị chỉ trích gì?

Không phải câu chuyện kết hợp nào cũng đem tới cái kết đẹp. St Ides là một hãng rượu ra đời năm 1987 và quảng bá bằng tên tuổi của những rapper. Trong chiến dịch quảng cáo của mình, St Ides đã mời những tên tuổi lớn bấy giờ như Ice Cube, Wu Tang Clan,... để thu âm một mixtapes. 

Thành công chưa bao lâu thì chiến dịch này nhận gạch đá khi nó ngầm khuyến khích việc uống rượu khi chưa đủ tuổi. Rượu bia trở thành một món phụ kiện thời trang cho giới trẻ qua các bài rap hào nhoáng. Đó là cái giá phải trả cho việc nhãn hàng lợi dụng và “vắt kiệt" một nền văn hoá. 

6. Văn hóa Hip-hop nói chung có đang trở thành công cụ cho quảng cáo?

Nắm bắt xu hướng giới trẻ và biến nó thành công cụ quảng cáo mới chính xác là những gì nhãn hàng đã và luôn làm. Khi mà Hip-hop lên ngôi thì nghiễm nhiên rapper biến thành các copywriter, hay ít nhất thì các copywriter này phải cố gắng biến mình thành rapper theo xu hướng. 

alt
Nguồn: Deadline trong ngày

Chủ nghĩa tiêu dùng không chừa một ai khi văn hoá Hip-hop cũng tác động một phần không nhỏ khi trở thành lý do giới trẻ tiêu tiền. Sản phẩm khi được bán đi luôn đi kèm với một câu chuyện và phong cách sống, và trong trường hợp này đó chính là rapper. 

7. Tóm lại là rapper đóng quảng cáo có mất chất?

Đằng một chiến dịch quảng cáo là rất nhiều bộ não cố gắng để tạo ra một sản phẩm vừa “sáng tạo” nhưng lại truyền tải được thông điệp của thương hiệu. Vậy nên sẽ là phiến diện nếu dùng sản phẩm quảng cáo để mà đánh giá sự tài năng hay cái “chất” của rapper. 

Trước giờ câu chuyện đánh giá nghệ sĩ dựa trên cuộc sống riêng hay là tác phẩm của nghệ sĩ vẫn luôn gây tranh cãi. Vậy nên việc thích tác phẩm nghệ sĩ và ghét những gì họ làm vẫn luôn hết sức bình thường. Công tâm mà nói, nghệ sĩ vẫn đang cố gắng mỗi ngày, và tham gia vào quảng cáo, đơn giản chỉ là cách giúp họ “sống sót” trên con đường làm nghề của mình.