Tóm Lại Là: "Thần tượng" hay là "ca sĩ"? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tóm Lại Là: "Thần tượng" hay là "ca sĩ"?

Người mẫu Phí Phương Anh lấn sân sang con đường âm nhạc với màn debut MV Cắm Sừng Ai Đừng Cắm Sừng Em, và kèm với việc đó là những viên 'gạch' từ mạng xã hội
Tóm Lại Là: "Thần tượng" hay là "ca sĩ"?

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

1. Người mẫu debut làm ca sĩ?

Mới đây Phí Phương Anh, Quán quân của chương trình The Face Việt Nam 2016, vừa thông báo sẽ dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp.

24 tiếng sau khi ra mắt, sản phẩm đầu tay Cắm Sừng Ai Đừng Cắm Sừng Em của cô nhận về gần 500 ngàn lượt xem. Tuy nhiên, số người kêu trời về màn debut này đang gấp đôi số người ủng hộ. Một số đã để lại bình luận gay gắt rằng cô nên giải nghệ sớm để không có thêm “chiếc ố” thứ hai.

2. Cứ lấn sân là bị ném đá?

Có thể thấy rằng MV ca nhạc của Phí Phương Anh không phải quá tệ. Với lợi thế sẵn về ngoại hình và phong cách thời trang, người mẫu đã làm tròn vai trong một sản phẩm có đầu tư về bối cảnh và cách quay dựng. Tuy nhiên, video này không lột tả được giọng hát và chủ đề ca khúc có chiều hướng hời hợt.

Chưa cần nhắc đến chất lượng sản phẩm âm nhạc, chỉ riêng hành động “lấn sân” đã dường như tạo phản cảm mặc định. Lời tuyên bố debut mạnh miệng, chẳng hạn như “hãy gọi tôi là…”, thường làm mọi người có tâm lý so sánh và “soi”.

Màn đá chéo sân của Hồ Ngọc Hà, Noo Phước Thịnh, Minh Hằng khoảng 10 năm về trước cũng từng hứng phải bão ý kiến trái chiều từ khán giả. Nhưng đến nay, họ đều đã gây dựng được một cộng đồng fan hâm mộ hàng trăm ngàn người, nhờ đó mà trở thành nguồn động lực cho các thế hệ “ca sĩ” tiếp theo.

3. Tại sao sản phẩm bị ném đá nhưng vẫn có thể tiếp tục ca hát?

Trong nền kinh tế khai thác sự chú ý dẫn dắt bởi các ông lớn công nghệ như Facebook, YouTube, ngành công nghiệp giải trí có điều kiện thuận lợi để phát triển.

Sản phẩm âm nhạc có thể không cần xuất sắc về mặt âm thanh nhưng cần đủ yếu tố phổ thông để thu hút sự tò mò, tương tác của khán giả. Lượng view trở thành cơ sở tạo nguồn thu, giúp các ca sĩ đá chéo sân tiếp tục ở lại.

Vào tháng 2 năm 2020, trước những lời bình luận chê bai “hát dở” khi ra mắt MV Tặng Anh Cho Cô Ấy, Hương Giang idol thừa nhận rằng: “Thật sự thì giọng Giang không tốt, Giang biết điểm yếu của mình nên đầu tư vào phần hình ảnh, tính giải trí, hút view của sản phẩm, bù lại vào chất giọng”.

4. Tại sao lại là ca hát mà không phải sân chơi khác?

Sản phẩm âm nhạc chính là “combo nghệ thuật”, nơi người ta thể hiện được cả tính điện ảnh, mỹ thuật, thời trang. Đồng thời đây cũng là loại sản phẩm phân phối chính cho ngành giải trí, quảng cáo. Giá trị của ngành công nghiệp thu âm trên thế giới, đến năm 2020, đã lên đến 20 tỷ USD.

Độ dài trung bình của sản phẩm nắm nhiều quyền lực này chỉ khoảng 3-5 phút, dễ tác động đến cảm xúc, nhanh thẩm thấu và còn dễ tiếp cận. Đây là yếu tố tạo người nổi tiếng khó tìm ở nơi khác.

Các lợi ích đủ lớn, biến thử thách “ca sĩ” trở thành cơ hội hấp dẫn cho việc phát triển cá nhân.

5. Người đẹp và ca sĩ học hát thế nào?

Theo NSƯT Tạ Minh Tâm, Trưởng khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP.HCM, ở môi trường học thuật đào tạo ca sĩ chính chuyên, chỉ các thí sinh có “khả năng giọng hát” mới được chọn để đào tạo.

Khả năng này được hình thành từ các yếu tố bẩm sinh như: buồng phổi, cấu tạo các bộ phận phát âm phù hợp để kéo dài và bóp dây thanh âm một cách linh hoạt. Đi kèm với đó là “năng khiếu cảm thụ âm nhạc”, nghĩa là có thể nghe và hát lại một đoạn giai điệu mà không lệch tông. Thời gian đào tạo tối thiểu là 3 năm.

Nhiều trường hợp “người đẹp đi hát” như Chi Pu, Midu, Khả Ngân thì không ngồi dưới mái trường học thuật này. Thay vào đó, họ tham gia các lớp học luyện thanh, hướng dẫn kỹ thuật.

Đây là nơi yếu tố năng khiếu trở thành thứ yếu, “chỉ cần có đam mê, và sự chăm chỉ luyện tập mỗi ngày”. Thời gian học có thể dưới 1 năm. Hướng đi này đưa họ đến con đường nghệ sĩ giải trí, hay còn gọi là “thần tượng”.

6. Ranh giới giữa thần tượng và ca sĩ?

Tại Hàn Quốc, nói đến “thần tượng”, người ta nghĩ đến quãng thời gian thực tập đầy khắc nghiệt, là hoạt động không ngừng nghỉ ở mọi lĩnh vực, từ ca hát, nhảy múa, đến thời trang, điện ảnh…

Nếu ca hát, họ không nhất thiết phải có chất giọng đẹp như ca sĩ (singer), nhưng bắt buộc phải sở hữu các yếu tố khác của một ngôi sao:

  • Ngoại hình lung linh
  • Ekip hậu thuẫn tạo nên các bản hit hợp thị hiếu khán giả

Hình tượng của các “ca sĩ đá chéo sân” tại Việt Nam rất gần với khuôn khổ này, nhưng khán giả không gọi họ là “idol”, vì họ:

  • Không debut theo nhóm nhạc
  • Được quyền “mặc sự đời”, không cần bảo toàn hình tượng nam thần, nữ thần
  • Được “không cấm hát nhép”, hỗ trợ cho hoạt động biểu diễn

Sự nhập nhằng, mơ hồ trong khái niệm “ca sĩ” và “thần tượng” này tại Việt Nam khiến khán giả cũng lúng túng không biết: khi nào thì “nghe” nhạc, khi nào thì “xem” nhạc. Kết cục có thể dẫn đến việc đánh giá sản phẩm âm nhạc của một thần tượng giải trí như một ca sĩ chuyên nghiệp.

7. Các nấc thang trên con đường hoạt động nghệ thuật?

“Nghệ sĩ” là cảnh giới cuối cùng mà thường các “ca sĩ” hay “thần tượng” muốn được công nhận. Nhiều thần tượng Hàn Quốc muốn vươn lên vị trí này mà quyết định sáng tác và hoạt động solo.

G-Dragon (Big Bang) là một trong những cái tên hiếm hoi có xuất thân “thần tượng”, nhưng sau được cho là gần với tiêu chuẩn nghệ sĩ. Anh có khả năng sáng tác, tự phát hành sản phẩm và làm chủ được phong cách cá nhân. Danh xưng “nghệ sĩ” giúp anh, dù có đá chéo sân sang điện ảnh hay show giải trí, cũng được đón nhận ở góc độ nghe-nhìn toàn diện hơn.

Còn các “thần tượng” khi đá chéo sân, có lẽ cần được nhìn nhận như hành trình đi tìm bản sắc riêng, giúp họ định hình con đường đi đến “nghệ sĩ”.