Quốc ca bị tắt tiếng trên YouTube, chuyện không chỉ ở bản ghi | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 12, 2021
Sáng TạoÂm NhạcTóm Lại Là

Quốc ca bị tắt tiếng trên YouTube, chuyện không chỉ ở bản ghi

Đây không phải lần đầu tiên Quốc ca Việt Nam (Tiến quân ca) bị tắt tiếng trên nền tảng này.
Quốc ca bị tắt tiếng trên YouTube, chuyện không chỉ ở bản ghi

Đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam.

1. Chuyện gì vừa diễn ra?

Tối 06/12, khi phát sóng trận đấu Việt Nam - Lào tại AFF Cup trên YouTube, kênh Next Sports (thuộc Next Media) đã tắt tiếng phần hát Quốc ca của tuyển Việt Nam trong phần nghi thức chào cờ. Với bản tường thuật trên sóng, âm thanh phần hát Quốc ca vẫn xuất hiện bình thường.

2. Vì sao lại tắt tiếng Quốc ca trên YouTube?

Đơn vị Next Media tiếp sóng trận đấu trên YouTube lý giải, "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ." Người đại diện của BHMedia cho rằng, “Đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT mà thôi.”

Được biết, bản ghi Quốc ca bị tắt tiếng trong trận Việt Nam - Lào là bản chuẩn, do VFF cung cấp (Nguồn: anninhthudo.vn). Vì thế, việc tắt hay mở tiếng phần hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ sẽ không ảnh hưởng đến đơn vị tiếp, phát sóng.

3. YouTube đóng vai trò như thế nào?

Content ID được xem là "máy kiểm duyệt" bản quyền của YouTube. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ. Được biết, nền tảng này khuyến cáo các tài khoản chỉ bật Content ID khi độc quyền phần lớn nội dung tác phẩm gốc.

Đa số các vi phạm bản quyền trên YouTube đều được phát hiện qua hệ thống Content ID. Khi tìm thấy hai bản ghi âm giống nhau, hệ thống sẽ tự động gửi khiếu nại cho tài khoản bị tố cáo.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tài khoản bật Content ID liệu có đủ quyền sở hữu tác phẩm (không phải bản ghi)? Nếu tài khoản bật Content ID chỉ để thu hút tài nguyên (cuối cùng là lợi nhuận), YouTube sẽ giải quyết ra sao?

Trên thực tế, YouTube tạo ra sân chơi chứ không tạo ra luật. Còn khi họ ở chơi ở quốc gia nào thì lại theo luật quốc gia đó. Ở Việt Nam, vấn đề này còn mới mẻ và luật cũng chưa thực sự hiệu quả. Thông thường khi sự việc xảy ra, Network (đối tác của YouTube) sẽ chịu trách nhiệm giải quyết.

4. Sáng kiến nào đã được đưa ra để giải quyết vấn đề?

Theo ông Nguyễn Minh Đức, cán bộ pháp chế của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Bộ VH-TT-DL nên yêu cầu một đơn vị nghệ thuật nào đó biểu diễn Quốc ca, ghi âm và đăng tải lên mạng với thông báo rõ ràng: Bất kỳ ai cũng có thể dùng bản ghi âm mà không cần xin phép, không cần trả tiền.

Trên thực tế, bản ghi Quốc ca đã được Bộ VHTTDL chuyển giao cho Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và công bố trên Internet từ năm 2006. Đây là bản ghi chuẩn, các đơn vị, tổ chức, cá nhân đều có thể sử dụng theo quy định của pháp luật và hoàn toàn miễn phí.

5. Hiện ai sở hữu tác phẩm Quốc ca?

Theo điều 43 của Luật Sở hữu trí tuệ, lời và nhạc bài Tiến quân ca là của nhạc sĩ Văn Cao. Trước đó, gia đình cố nhạc sĩ hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân. Báo Tuổi Trẻ Online đưa tin, Nhà nước quản lý - chủ sở hữu Quốc ca, ghi âm phải được Nhà nước cho phép. Theo đó, Bộ VHTTDL được giao quản lý tác phẩm này.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM): Các cá nhân, tổ chức sở hữu bản ghi âm, ghi hình đều được phép kinh doanh (quyền liên quan), miễn tôn trọng quyền nhân thân và quyền tác giả. Như vậy, ai muốn sử dụng bản ghi âm phải xin phép chủ sở hữu.

6. Tác phẩm và bản ghi được bảo hộ như thế nào?

Tác phẩm âm nhạc (hòa âm, ca khúc,..) được bảo hộ quyền tác giả, là quyền cao nhất. Bản ghi âm không phải tác phẩm, nên chỉ được bảo vệ quyền liên quan. Trong mọi trường hợp thì quyền liên quan không được làm ảnh hưởng đến quyền tác giả.

Tác phẩm âm nhạc được bảo hộ từ khi nó sinh ra. Theo đó, bản hòa âm cũng là tác phẩm âm nhạc, một giai điệu ca khúc cũng là tác phẩm âm nhạc.

Bản ghi âm không phải là tác phẩm âm nhạc. Nó được xem là một sản phẩm, chứa một hoặc nhiều tác phẩm âm nhạc và thể hiện dưới hình thức âm thanh. Bản ghi được bảo hộ với tư cách là quyền liên quan (ca sĩ, nhạc công, nhà sản xuất, đơn vị phát sóng...), là dạng quyền thấp hơn quyền tác giả.

7. Những thuật ngữ về bản quyền nào để hiểu câu chuyện này?

Nếu tác giả, chủ sở hữu bản ghi âm tự sản xuất, tự thuê người hòa âm phối khi... thì người đó có cả quyền tác giả (phần tài sản) và quyền liên quan (sao chép, phân phối) đến bản ghi âm đó.

Từ câu chuyện Quốc ca bị tắt tiếng trên Youtube, có một số quyền bản quyền như sau:

  • Quyền tác giả: Là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả là quyền cao nhất, bao gồm quyền nhân thân, quyền tài sản.
  • Quyền nhân thân: Quyền đặt tên, đứng tên hoặc bút danh trên tác phẩm, công bố và bảo vệ toàn vẹn của tác phẩm.
  • Quyền tài sản: Quyền làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn, sao chép, phân phối, cho thuê bản gốc, bản sao....
  • Quyền liên quan: Quyền được sao chép và phân phối bản ghi tác phẩm.

Tham khảo thêm bài viết 6 Từ tiếng Anh về bản quyền trên Vietcetera.

Trước đó, kênh YouTube của FPT đã thiệt hại kinh tế khi bản ghi Quốc ca do hãng đĩa nước ngoài là Marco Polo sản xuất vang lên tại trận đầu Việt Nam - Ả Rập Xê Út (16/11). Đài Quốc gia Việt Nam (VTV) cũng từng bị BHMedia đánh bản quyền ca khúc Quốc ca.

Các sự việc này về bản chất chỉ vi phạm quyền liên quan trong vấn đề bảo hộ bản quyền tác phẩm.