JustaTee: “Làm nhạc quảng cáo để thuyết phục những ai từng từ chối mình” | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 11, 2021
Âm Nhạc

JustaTee: “Làm nhạc quảng cáo để thuyết phục những ai từng từ chối mình”

“Mình thường nhớ về quãng thời gian mang hết tâm tư, tình cảm đi gặp nhãn hàng để xin tài trợ cho đam mê, nhưng chỉ nhận về những cái lắc đầu.”
JustaTee: “Làm nhạc quảng cáo để thuyết phục những ai từng từ chối mình”

Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera.

logo

Là một nghệ sĩ đi lên từ underground, trong hơn 17 năm theo đuổi âm nhạc của mình, JustaTee đã để lại trong lòng công chúng những dấu ấn khó phai mờ. Anh là người đầu tiên mang đến cái nhìn đúng đắn cho dòng nhạc R&B mà khán giả từng một thời ngộ nhận là Pop. Anh cũng là một người nhạy bén trong việc phát hiện những tài năng mới cho ngành âm nhạc, trong vai trò là giám khảo của cuộc thi Rap Việt.

Ngoài ra, JustaTee còn là “bậc thầy” marketing âm nhạc lọt với nhiều bản hit được công chúng yêu thích. Một số chiến dịch truyền thông anh hợp tác như “Làm Gì Phải Hốt”, “Đi Về Nhà”, “Mlem Mlem”... đều mang lại những giá trị to lớn cho nhãn hàng cũng như người tiêu dùng.

Dù nhiều người vẫn chọn nhấn nút “bỏ qua” khi nhắc đến nhạc quảng cáo, nhưng với tính cách cầu toàn và “ngược đời” của JustaTee, anh đang chứng minh rằng nhạc quảng cáo vẫn xứng đáng được lắng nghe.

alt
JustaTee đang chứng minh rằng nhạc quảng cáo xứng đáng được lắng nghe | Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera.

Lần đầu Nam tiến, bạn đang ở giai đoạn nào trong sự nghiệp?

Hồi đấy, dù đã có những bài hát được công chúng yêu mến, mình vẫn chưa có đủ yếu tố để thành công. Mình nghĩ rằng, ngoài chất lượng âm nhạc, người nghệ sỹ còn cần phải có những tiêu chuẩn khác nữa thì mới được đầu tư vào. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, mình không đảm bảo được yếu tố hình ảnh, nên khi đi xin tài trợ cho các sản phẩm âm nhạc, mình luôn bị từ chối.

Vì vậy mà mình đã không thể trụ lại. Mình quyết định quay về Hà Nội và chấp nhận kiếm thêm thu nhập từ những nghề khác để có chi phí trang trải. Sau đấy, mình quay lại Sài Gòn lần nữa để nuôi tiếp đam mê.

Hóa ra là phía sau một cái đỉnh, một bài hit, còn có nhiều thứ nữa... Đấy là câu chuyện cá nhân của bạn hay là nhiều nghệ sĩ cũng như vậy?

Có rất nhiều người cùng thời với mình, âm nhạc của họ cũng thu hút một cộng đồng nghe nhạc rất lớn, nhưng vì lý do nào đó, vẫn không thể đến được đại chúng. Cứ thế một vài năm, họ nản rồi cũng bỏ rơi giữa đường. Những trường hợp như thế khiến mình cảm thấy rất tiếc. Mình chọn nghề và theo đuổi nghề, tại sao đã cố được từng ấy năm rồi, lại không thể cố thêm một vài năm nữa? Biết đâu có thể gặp được những cơ hội mới.

titleJustatee JustaTee
Nguồn: JustaTee.

Thế lần tiếp theo chuyển vào Sài Gòn, bạn có sợ là sẽ không trụ lại được?

Có! Đúng là mình sợ.

Mình là một người lúc nào cũng sợ, với tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Mình tự hỏi: “Lần trước đã như thế rồi, liệu lần này khi quay lại, mình sẽ phải đối mặt với mọi thứ như thế nào?”

Mình biết quãng thời gian tuổi trẻ của mình cũng chỉ có từng đấy thôi, không thể nào cứ bỏ hết tất cả và rồi lại vấp ngã lần nữa.

Cái hay nhất của nhạc quảng cáo là người ta nghe mà không biết là nhạc quảng cáo. Nói thì dễ nhưng mà làm thì khó đúng không?

Mọi người thường nghĩ nhạc quảng cáo là thứ khiến người nghe thấy khó chịu khi bắt gặp, và họ luôn bấm “next”. Mình muốn chứng minh ngược lại, vậy nên phải đưa vào sản phẩm quảng cáo những nội dung hay.

Làm nhạc quảng cáo thật ra tốn rất nhiều thời gian và chất xám. Làm nhạc cho khách hàng đồng nghĩa với việc phải hóa thân vào họ. Mình phải hiểu được thông điệp mà nhãn hàng muốn truyền tải, cũng như sản phẩm và dịch vụ của họ, để có thể hoàn thiện một bài hát. Để có được những sản phẩm thành công, mình đã rèn luyện để sống chung với những mong muốn mà khách hàng đặt ra.

Mình thường nhớ về quãng thời gian mang hết tâm tư, tình cảm đi gặp nhãn hàng để xin tài trợ cho đam mê, nhưng chỉ nhận về những cái lắc đầu. Từ đó mình có một lý tưởng làm nhạc quảng cáo để thuyết phục những người đã từng chối mình.

Còn sức ép thời gian thì như thế nào?

Khi bất kỳ một nhãn hàng nào liên hệ để hợp tác, điều kiện mình luôn đặt ra chính là mình không bao giờ theo được timeline như mọi người mong muốn. Dù là một chiến dịch quảng bá ngắn hay dài, mình cần thời gian để tạo ra những nội dung riêng trong từng bài hát.

Mình phải xem xét nội dung nào phù hợp để đưa vào hoặc không, ngay cả việc phải phân tích thương hiệu đối thủ. Mất rất nhiều thời gian để viết một bài hát, và mình luôn mong muốn các sản phẩm của mình phải có chất lượng nhất định. Sức ép của mình chính là trước đó mình đã có nhiều ca khúc quảng cáo nhận được ủng hộ từ công chúng.

Khi buộc phải đưa vào bài một câu slogan hoặc chịu sức ép của việc viral, bạn xử lý thế nào?

Bản thân mình là người cầu toàn nên mình không muốn khách hàng tham gia vào quy trình sản xuất. Những nội dung mình đưa vào bài, xây dựng cấu trúc và lối kể chuyện đều do mình tự thực hiện. Khách hàng chỉ chỉnh sửa những thứ liên quan đến nội dung chính của slogan hoặc cốt lõi thương hiệu.

May mắn là những khách hàng mà mình làm việc cùng đều rất cởi mở và tin tưởng vào các sản phẩm do mình làm ra. Mình cũng chưa bao giờ gặp phải trường hợp bị trả lại demo. Dây chuyền sản xuất đã chiếm trọn trí lực của mình, vì mình luôn mang đến những sản phẩm đáng nhận được những cái gật đầu từ nhãn hàng.

Trên Wikipedia của JustaTee có viết bạn là “người định nghĩa nhạc R&B ở Việt Nam”, bạn thấy sao về điều này?

Đây là một sự công nhận từ khán giả và mình cảm ơn điều đó rất nhiều. Khán giả đã chứng kiến quá trình theo đuổi âm nhạc nghiêm túc của mình, từ những ngày còn underground cho đến những bài hit được công chúng yêu mến.

alt
Với JustaTee, danh xưng "người định nghĩa nhạc RnB tại Việt Nam" là sự công nhận to lớn từ khán giả | Nguồn; Maika Elan cho Vietcetera.

Hơn 15 năm trong ngành, và là giám khảo tại Rap Việt, bạn chứng kiến cả lứa nghệ sĩ cũ - mới, và sự đại chúng hoá rap và hiphop. Khác biệt lớn nhất trong 15 năm qua là gì?

Sự khác biệt nhất có lẽ là mạng xã hội. Thế hệ của mình ngày trước, cách duy nhất để đến với công chúng là thông qua một số trang nghe nhạc cơ bản. Bây giờ các bạn trẻ đã có YouTube và Facebook để có thể kết nối với nghệ sỹ.

Thế còn gu âm nhạc thì sao? Người ta hay nói rằng nhạc bây giờ ngắn hơn...

Mặt trái của mạng xã hội chính là mọi người tiếp cận âm nhạc qua những video ngắn. Họ thích bắt nhịp trong 30 giây hơn việc nghe một bài hát hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít, vì những người hoạt động nghệ thuật chân chính vẫn truyền tải đủ cảm xúc đến với khán giả và họ vẫn không bị cuốn vào cuộc đua của nền tảng.

Nếu phải đặt cược vào một vài cái tên cho những thế hệ tiếp theo thì đấy có thể là ai?

Người đầu tiên chính là MCK. Mình nhận thấy rằng bạn ấy là một con người rất tài năng và có thể hóa thân rất nhập tâm vào rất nhiều cá tính khác nhau như là Ngơ hoặc MCK. Giống như mình có thể trở thành một Xuân Ty viết nhạc quảng cáo, một Jaytee nhiều lời hoặc JustaTee thất tình.

Người tiếp theo mà mình đặt cược chính là Tlinh. Mình nhận ra được khả năng của Tlinh từ những vòng casting Rap Việt và nó hoàn toàn khác với thế hệ của mình trước đây. Những thứ mà các bạn trẻ bây giờ làm được bằng bốn năm người bọn mình cộng lại. Mình thật sự có niềm tin vào thế hệ Gen Z sau này.

titleJustaTee JustaTee
Nguồn: JustaTee.

Có điều gì bạn rất muốn vẫn chưa làm không ?

Đó là việc sản xuất một album. Vào năm 2010 mình đã từng ra một EP nhưng sau đó mình lại tập trung vào single nhiều hơn với những nội dung riêng biệt.

Thật ra, nếu gom các bản demo mà mình đã thực hiện vẫn đủ để ra mắt một album nhưng bản thân mình vẫn chưa muốn. Có lẽ vì cảm xúc của bản thân vẫn còn dang dở. Hiện tại mình có quá nhiều thứ trong cuộc sống riêng và công việc. Mình hy vọng rằng đến một lúc nào đấy, mình sẽ có đủ cảm xúc để làm những điều mình yêu thích.

Cảm ơn nhãn hàng The Glenlivet đã đồng hành cùng Have A Sip. Đừng để những định kiến hay chuẩn mực xã hội làm ta quên đi mình chính là phiên bản độc nhất. Cũng như The Glenlivet dám phá vỡ cách thưởng thức whisky truyền thống để DÁM RIÊNG BẢN mix and match highball cocktail đầy sáng tạo, độc đáo.