Gần chục năm về trước, khi tôi cảm thấy nhàm chán với tính chất công việc lúc bấy giờ, chủ yếu là thiết kế các 'concept' mới để đi thuyết trình ý tưởng với nhà đầu tư. Sau khi hoàn thành, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó bao gồm NDA (hợp đồng bảo mật thông tin), tôi chẳng bao giờ được nghe gì thêm về những đứa con tinh thần này.
Cảm giác không thể thấy được kết quả từ những việc mình làm thật sự rất khó chịu. Như cậu bé Pi trong tiểu thuyết Life of Pi, phải lênh đênh trên biển với một con hổ, không biết khi nào sẽ tới bờ, cũng chẳng biết khi nào sẽ bị con hổ này nuốt chửng.
Một lần gặp ba, tôi hỏi: “Làm nhiều loại công việc như vậy, sao ba không tập trung làm một thứ cho thật chuyên sâu để thành chuyên gia?”
(Ba tôi làm đủ mọi loại công việc trong lĩnh vực nghệ thuật: viết sách, viết kịch bản, đóng phim, vẽ tranh, làm thơ, truyện ngắn, viết thư pháp, điêu khắc,…)
Bắt đầu với điệu cười hề hề, ổng bảo:
- Việc gì lúc làm mà không thấy vui nữa thì ta làm việc khác, chứ thành chuyên gia, lúc đấy chỉ nghĩ tới thành tựu thì chẳng thể vui được nữa”.
- Thế ba làm chỉ vì vui thôi à, còn kết quả thì sao?
- Còn tùy thứ con muốn là gì, có những việc kết quả chả vui tí nào. Giống như uống rượu, kết quả của nó là cơn say, nhưng nói chuyện trong lúc uống rượu thì lại rất vui.
Thực tế cuộc nói chuyện không gọn gàng như thế, đây chỉ là những gì được viết lại dựa trên trí nhớ, mà sau này khi trải qua nhiều sự kiện tôi mới hiểu hơn điều thông thái trong đấy.
Vậy ta nên học cách vui với quá trình, hay với kết quả của công việc?
Nếu là người trải nghiệm, có thể bạn sẽ nói hạnh phúc là ở quá trình, không phải đích đến. Nếu là một doanh nhân, có thể bạn sẽ cho rằng kết quả mới là điều có giá trị thật sự sau cùng.
Hoặc có thể nhìn theo hướng phân loại mục đích. Nếu là để tới một vùng đất mới, niềm vui nằm trong hành trình và những điều bạn trải qua, không phải khi tới nơi. Nếu là để pha một ly cocktail, tới khi uống nó không được ngon như mong muốn, thì cả quá trình làm đâu còn ý nghĩa.
"Còn tùy thứ con muốn là gì, có những việc kết quả chả vui tí nào"
Tôi nhớ đến nỗi buồn của Hoàng tử bé, khi cậu được chú cáo thức tỉnh để nhận ra rằng bông hồng mà cậu nghĩ là độc nhất thực ra chỉ là một trong hàng nghìn bông hồng. Có vô vàn khả năng xảy ra, nhưng đâu sẽ là lựa chọn của mình?
Thỉnh thoảng, những điều ba nói lại như ánh đèn soi đường mỗi khi tôi đứng ở những ngã rẽ mịt mù đời mình.
Nếu thứ tôi muốn là những cảm xúc tích cực, phải chấp nhận kết quả đôi khi ít giá trị. Nếu thứ tôi muốn là những mục tiêu giá trị, phải chấp nhận sự khó khăn trong cả quá trình.
Những năm 20, nếu có thể hiểu những điều này sớm hơn, có lẽ tôi đã không phải chịu áp lực khi không thấy kết quả từ công việc của mình.
Chiến lược hợp lý là:
- Hướng việc vui tới những việc ít giá trị làm hàng ngày,
- Tập trung thực hiện và chờ đợi lúc có thể tận hưởng kết quả cho những việc quan trọng.
Vì nếu mình chỉ ưu tiên làm những việc cho vui (mà thường là những thói quen xấu, hoặc những việc dễ dàng) thì có thể một lúc nào đấy ta sẽ phải hối tiếc vì đã chọn sống một đời nhàn nhã.
Hoặc nếu chỉ nghĩ tới việc đạt được kết quả, đặt những mục tiêu xa vời, thì sẽ bị chết chìm trong áp lực phải thành công, rồi lại bỏ lỡ một đời vui vẻ.
Thế còn bạn? Bạn đang làm những việc gì để vui, và chịu đựng nỗi đau cho điều gì?