Tiếp nối bài “Khi việc đặt mục tiêu đã trở nên lỗi thời”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “Your Goals Are Overrated” đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Nghệ thuật xây dựng thói quen kép
Đáng chú ý là một số thói quen có nhiều ưu điểm hơn các thói quen khác. Bởi một khi ta đạt được những thói quen này, việc hình thành các thói quen tích cực khác cũng dễ dàng hơn nhiều.
Ví dụ, hút thuốc là thói quen rất khó bỏ. Nhưng một số thông tin cho thấy, việc bắt đầu đi bộ hay đạp xe giúp người hút dễ bỏ thuốc hơn nhiều. Chỉ cần 10 phút thể dục cũng có thể làm giảm ham muốn hút thuốc.
Đôi khi chúng được gọi là những “thói quen then chốt”, nghĩa là chỉ cần luyện được thì sẽ tạo ảnh hưởng lên các khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn. Như vậy, bạn sẽ luyện được những thói quen tốt khác một cách tự nhiên hơn mà không cần nhiều nỗ lực.
Thật không may là các nhà nghiên cứu chưa tìm ra được chính xác những thói quen nào có lợi nhất. Vì thế mà bạn thấy rất nhiều bài viết mỉa mai trên mạng khuyên bảo những điều như “dọn giường mỗi ngày” hay “cần phải ý chí hơn”. Bởi vì họ cũng từng nghe những điều đó, và thấy chúng có vẻ thông minh.
Tôi thì thích gọi những thói quen then chốt này là “thói quen kép”. Bởi vì giống như lợi nhuận kép trong đầu tư, khi được đầu tư trong một thời gian đủ dài, chúng có thể tăng độ phong phú của đời bạn theo cấp số nhân. Nếu như mục tiêu chỉ tạo ra những phát triển hay thay đổi theo hướng tuyến tính, thì thói quen có thể khiến chúng đi theo cấp số nhân.
Trong trường hợp bạn không giỏi toán, thì đây là ví dụ minh họa cho sự khác biệt giữa tăng trưởng tuyến tính và tăng trưởng theo cấp số nhân sau thời gian dài:
Để tiếp tục màn phân tích tài chính này - bởi vì tài chính cá nhân là vô cùng quan trọng, bạn có thể nói các thói quen khác nhau có mức lãi suất cao thấp khác nhau. Chính vì vậy, một số thói quen đáng để đầu tư năng lượng và kỷ luật hơn nhiều so với số còn lại.
Việc chơi game giỏi là một ví dụ điển hình. Ngoài sự thú vị mà nó mang lại, chơi game có tỉ lệ hoàn vốn thực sự kém về chất lượng sống so với số thời gian và năng lượng bạn bỏ ra. Ngoài việc giúp bạn phát triển một vài kĩ năng giải quyết vấn đề cơ bản và học cách chửi nhau với các anh chàng tuổi teen ẩn danh trên mạng, thói quen này không thể cải thiện các lĩnh vực khác trong cuộc sống của bạn. Thực tế, việc dành thời gian và năng lượng vào cày game sẽ gây hại nhiều hơn cho bạn. Bạn sẽ ngồi lì cả ngày trước màn hình, trở nên tăng cân và lười biếng, chưa kể nó khiến cuộc sống tình cảm của bạn thê thảm.
Mặt khác, một thói quen như tập nâng tạ có “tỷ lệ lợi nhuận” cực kỳ cao. Tăng cường thể lực giúp bạn khỏe mạnh hơn, có thêm nhiều năng lượng, tăng cường sự tập trung và hiệu suất tinh thần, giảm tác động của lão hóa, tăng cường trao đổi chất và giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn. Trớ trêu là việc nâng tạ có thể giúp bạn chơi game giỏi hơn, trong khi điều ngược lại chắc chắn không xảy ra.
Đó là vì nâng tạ là thói quen mang lại lợi nhuận kép. Những lợi ích của nó lan tỏa khắp các khía cạnh khác trong đời sống, giúp bạn dễ dàng luyện thêm được nhiều thói quen lành mạnh. Do đó, khi bạn xác định sẽ tạo nên thay đổi lớn trong đời, tập thể dục như nâng tạ là một trong những cách hiệu quả nhất để khởi đầu.
Lập mục tiêu cho tháng mới
Một lý do khác khiến mục tiêu năm mới dễ thất bại nằm ở khung thời gian hiệu lực của nó. Nếu tôi đặt mục tiêu “Tôi muốn viết một quyển sách mới trong năm nay”, sẽ rất dễ dàng để tôi dời nó sang tháng 6, tháng 7 hoặc bất cứ lúc nào trước khi hết năm. Mà như vậy thì điều này trở thành bất khả thi.
Một vài nghiên cứu cho thấy, bạn cần luyện tập một thói quen khoảng 30 ngày liên tiếp để cài đặt nó vào não bộ. Từ đó trở đi, nó sẽ trở nên tự động.
Vì vậy đã đến lúc chúng ta quên mục tiêu năm mới đi và thử một cái khác - mục tiêu tháng mới. Chúng thường được biết đến nhiều hơn với cái tên “thử thách 30 ngày”.
Chọn một thói quen bạn muốn hình thành và làm nó trong 30 ngày. Chỉ 30 ngày thôi, ai cũng sẽ làm được điều gì đó trong thời gian này. Sau đó, bạn sẽ làm được nó một cách tự động. Bạn có thể tăng thêm kiến thức hỗ trợ rèn luyện thói quen này, hoặc chuyển sang rèn luyện một thói quen khác.
Sáu thói quen cơ bản hàng ngày
Hy vọng rằng bây giờ bạn đã bắt đầu nhìn thấu vấn đề, và hiểu ra vì sao mình đặt ra bao nhiêu mục tiêu mà vẫn không đạt được cái nào.
Việc đặt mục tiêu kiểu “Tôi muốn giảm 10kg cho đám cưới của mình” hay “Tôi muốn được thăng chức năm nay” rồi lao đầu vào hành động đến khi đạt được chúng không khác gì việc nói “Tôi muốn có 1 triệu đô” và rồi làm 120 giờ/tuần để có nó. Cách làm này chắc chắn sẽ khiến bạn đau khổ và kiệt sức. Kể cả khi bạn thực sự đạt mục tiêu, bạn sẽ dễ đánh mất nó trong một nốt nhạc, giống như cách một người trúng số độc đắc rồi xài sạch số tiền ngay sau đó.
Cách để kiếm 1 triệu đô, như đã nhắc ở bài trước, là bắt đầu từ số tiền nhỏ rồi đầu tư lại một cách thông minh những gì bạn kiếm được. Vậy nên đừng mở rộng quy mô kiếm tiền của bạn theo hướng tuyến tính nữa, mà hãy triển khai nó theo hướng cấp số nhân.
Chúng ta cũng nhận thấy có những thói quen có cấp số nhân lớn hơn số còn lại. Nói cách khác, một số thói quen có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn, vì lợi ích chúng mang lại giúp bạn rèn luyện các thói quen lành mạnh khác dễ dàng hơn. Do đó cách làm hợp lý là đầu tư năng lượng của bạn vào những thói quen có tỷ suất sinh lời cao trước, sau đó mới chuyển sang rèn luyện các thói quen khác mà bạn muốn.
Sau quá trình nghiên cứu và suy nghĩ kỹ lưỡng, tôi đã tìm ra 6 thói quen cơ bản mà tôi tin rằng rất đáng để bạn luyện tập. Chúng sẽ tận dụng quỹ thời gian, sức lực và năng lượng có hạn của bạn một cách hiệu quả nhất. Một số có thể bạn đã biết, số còn lại thì chưa và một số còn có thể khiến bạn ngạc nhiên.
Vậy đó là những thói quen nào? Hãy đọc tiếp ở phần sau.