1. Name drop là gì?
Name drop chỉ hành động nhắc đến tên và thể hiện sự quen biết với những tên tuổi nổi tiếng nhằm tạo ấn tượng với người khác. Mọi người có thể name drop trong một cuộc trò chuyện, hay name drop trên những website giới thiệu về bản thân như LinkedIn.
Từ này mang hàm nghĩa khoe khoang, thường được dùng với ý nghĩa tiêu cực.
2. Nguồn gốc của name drop?
Từ name bắt đầu được dùng để chỉ những người nổi tiếng vào những năm 1610.
Vào năm 1947, name-dropper ra đời để nói về những kẻ luôn tìm cách gây ấn tượng trước mọi người bằng cách nhắc đến tên người nổi tiếng.
3. Vì sao name drop trở nên phổ biến?
Hành động name dropping bắt đầu được biết tới rộng rãi tại Việt Nam trong giai đoạn 2019, cũng cùng lúc với khi LinkedIn trở nên phổ biến.
Với một ứng dụng tìm việc làm và xây dựng quan hệ, LinkedIn là nơi mọi người tận dụng name drop để networking - “bắc cầu” qua một mối liên hệ khác mà thường là có vị thế cao hơn.
Về cơ bản, quyết định của con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi social proof (bằng chứng xã hội). Việc đưa ra tên một nhãn hàng lớn hoặc người nổi tiếng bạn từng làm việc cùng được cho rằng sẽ khiến mọi người dễ tin tưởng và cho bạn nhiều cơ hội hơn.
Một email bán hàng có hành động name drop vô tội vạ thậm chí có thể thu hút số người mở email cao hơn từ 111% đến 468%. Nghiên cứu tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho biết ứng viên có thư giới thiệu từ một ai đó cũng nhận được cơ hội phỏng vấn cao hơn đến 40% so với các ứng viên không có (Theo tạp chí Times).
Name dropping vốn dĩ không xấu. Nó được xem là một hành động cơ bản trong giao tiếp nhằm tìm điểm chung giữa con người. Giáo sư ngành tâm lý học W. Keith Campbell tại University of Georgia nhận định rằng name drop là cách chúng ta xây dựng các mối quan hệ.
Tuy nhiên, name drop biến tướng khi người ta bắt đầu nói dối, nói quá chỉ để đạt được mục đích.
Trên LinkedIn hay trong CV, cũng có nhiều trường hợp name drop vô tội vạ để nhận sự chú ý. Nhưng đây là con dao hai lưỡi khi đi xin việc. Bởi khi bộ phận tuyển dụng phát hiện bạn đang nói quá lên về mối quan hệ mình có hoặc công việc mình từng làm, bạn sẽ mất điểm rất nặng.
Dưới góc nhìn tâm lý học, có 2 nguyên nhân thôi thúc con người name drop (qz.com):
- Vì sự vị kỷ: Những người vị kỷ thường có xu hướng cho mình là người nổi bật. Vậy nên, họ mặc định mình cùng đẳng cấp với những người mà họ name drop.
- Vì tự ti: Name drop là cách giúp họ tìm kiếm sự tin tưởng và tôn trọng của người đối diện trong giao tiếp.
4. Dùng từ này trong câu như thế nào?
Tiếng Anh
A: Do you know Sang? He's so cool. Looks like he knows everyone.
B: I'm sick of talking to that guy. He always brags and name drop about those celebrity he met.
Tiếng Việt
A: Mày biết Sang không? Nó như quen biết cả thế giới ấy, ngầu ghê.
B: Tao ghét nói chuyện với thằng đó lắm. Nó cứ thấy tên sang bắt quàng làm họ với khoe khoang mấy nghệ sĩ nó từng gặp.