"Năm 23 tuổi thấy bạn bè khoe lương cao mình cũng áp lực lắm chứ" | Vietcetera
Billboard banner

"Năm 23 tuổi thấy bạn bè khoe lương cao mình cũng áp lực lắm chứ"

Với anh Thạch - CEO của VoizFM, không nhất thiết cứ phải gọi được vốn mới là startup xịn.
"Năm 23 tuổi thấy bạn bè khoe lương cao mình cũng áp lực lắm chứ"

Nguồn: Lê Hoàng Thạch

Lê Hoàng Thạch hiện là CEO của ứng dụng Sách nói & Podcast Voiz FM. Anh từng công tác trong mảng marketing tại 2 tập đoàn Masan và Unilever trước khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp.

Từng xuất hiện trên chương trình Shark Tank Việt Nam và bị gán danh xưng "rich kid”, nhưng anh hay đùa với bạn bè là “có tiếng mà không có miếng”. Bởi lẽ, gia đình anh thực sự không phải là đại gia, và tất cả những gì anh có hiện tại đều xuất phát từ sự trách nhiệm, và căn cơ trong việc chi tiêu.

1. Thứ gì rất đắt mà anh đã mua và thấy đáng tiền?

Máy rửa chén và robot hút bụi. Nếu xét về giá cả thì thực ra không đắt, nhưng nếu so với miếng rửa chén và chổi quét chổi lau thì rất đắt. Tuy nhiên, nhờ hai thứ này mình có thể tiết kiệm thời gian kinh khủng khiếp.

Rửa chén, quét nhà, lau nhà mỗi lần cũng phải cả 1-2 tiếng đồng hồ. Thời gian đó mình có thể làm được bao nhiêu việc khác có giá trị hơn.

2. Anh kiếm vốn để lập nghiệp từ đâu?

Ai từng xem Shark Tank chắc cũng biết là mình được ba mẹ hỗ trợ vốn khởi nghiệp, và mình thấy chuyện đó rất bình thường. Ở nước ngoài, trước các vòng gọi vốn Angel, Seed, A-B-C,… còn có vòng F&F (Friends & Family) cơ mà.

Kêu gọi vốn từ người dưng hay người thân mình thấy cũng đều phải chịu trách nhiệm như nhau cả thôi.

3. Mức lương đầu tiên mà anh nhận là bao nhiêu?

500 nghìn đồng. Thật ra đó là tiền thưởng trong một cuộc thi Đoàn Hội hồi lớp 11.

Đợt đó cứ như là “khởi duyên” luôn. Từ đó đến hết những năm đại học, mình không kiếm tiền nhờ làm thêm, mà kiếm tiền nhờ đi thi các cuộc thi về kiến thức, talent.

4. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau thì anh sẽ làm nghề gì?

Giáo viên.

Mình rất thích dạy học, nhưng ngày trước không dám theo nghề vì sợ lương thấp quá. Mà cứ phải lo trang trải cuộc sống thì không thể hết lòng với nghề được, lại tội cho học sinh.

Nguồn: Lê Hoàng Thạch.

5. Nếu như được quay về 23 tuổi (năm đầu tiên đi làm), anh sẽ cho bản thân lời khuyên về tiền như thế nào?

Mức lương không phải là thứ duy nhất để cân đo giá trị của bản thân. Thời điểm đó, thấy bạn bè khoe lương xx nghìn, yy chữ số, mình cảm thấy “peer pressure” đến mức suýt chọn nhầm job.

Sau này trưởng thành hơn, mình mới thấy việc lấy mức lương để làm thước đo giá trị bản thân là vô cùng sai lầm.

6. Anh có nắm được số tiền chi tiêu hằng tháng của mình không?

Vừa có mà cũng vừa không, mình không nắm quá chi tiết. Cuối tháng mình thường nhìn tổng quát sao kê tín dụng, nếu cảm thấy “ơ sao khoản xx này tốn tiền thế” thì tháng sau sẽ bớt khoản đó lại.

Với lại, mình hiểu bản thân mình mà: không mê xe, không mê điện thoại, không mê fashion, chỉ mê sách thôi. Mà trước nay chưa từng nghe có ai phá sản vì mua sách, nên thấy cũng… yên tâm (cười).

7. Trong một thế giới hoàn hảo, anh sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi?

40 tuổi.

Với mình thì đây là độ tuổi vừa đủ trải nghiệm để chăm sóc con cái, vừa đủ thời gian để chăm sóc ba mẹ, và vừa đủ sức khoẻ để chơi bời vì bản thân một tí trước khi đến tuổi cái gì cũng phải kiêng khem giữ gìn.

8. Anh sẽ làm gì nếu trúng số 100 tỷ?

Mình sẽ dành một nửa để lập quỹ đầu tư. Một phần ba dành cho bản thân và gia đình. Còn lại đem gửi tiết kiệm để dự phòng.

Chắc nhiều bạn sẽ hỏi sao không làm từ thiện nhỉ? Thực ra chưa trúng số thì mình và gia đình đã và đang làm việc đó rồi, nên trúng số thì phải làm những thứ mà hiện tại mình chưa làm chứ.

Nguồn: Lê Hoàng Thạch.

9. Lời khuyên về tiền/sự nghiệp tệ nhất mà anh từng nghe?

"Startup phải gọi được vốn thì mới là startup xịn".

Nhiều bạn nghĩ gọi vốn là thuyết phục được người lạ cho mình tiền, nhưng thực sự đó là một giao dịch mua bán, nhà đầu tư dùng tiền mua lấy tương lai của công ty. Vì thế, đừng biến gọi vốn thành một thứ phải làm, mà nên là một cái để cân nhắc thôi.

10. Nếu được hỏi Thần Đèn 1 câu bất kỳ về tiền thì anh sẽ hỏi gì?

Tương lai của tiền mã hóa (crypto). Thấy lợi nhuận trên mặt báo có vẻ hấp dẫn nên mình cũng có chút…sốt ruột, nhưng nguyên tắc của mình là “don’t know, don’t touch” (không biết thì không đụng đến).

Cho nên nếu Thần Đèn mách giùm tương lai sẽ thế nào thì tốt quá, hoặc là chơi tất tay từ bây giờ, hoặc là không còn sốt ruột nữa haha.

11. Theo anh, có gì mà tiền không mua được?

Cảm giác cố gắng.

Khi chưa có đủ tiền, mình vẫn sẽ còn mục tiêu để phấn đấu. Nhưng khi có quá nhiều tiền rồi, sẽ dễ bị rơi vào cảm giác không biết mục tiêu tiếp theo là gì và không còn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa nữa.

12. Kỹ năng nào giá trị nhất với sự nghiệp của anh?

Diễn đạt rõ ràng (articulation).

Mình có khả năng diễn đạt các vấn đề rất rõ ràng theo cách phù hợp với người nghe, ngay cả những vấn đề trừu tượng nhất. Nhờ đó mình có thể truyền đạt chính xác và đầy đủ quan điểm và nhu cầu của mình đến với cấp trên, cấp dưới, đối tác,… để đảm bảo không có hiểu lầm làm ảnh hưởng tới công việc chung.

Nguồn: Lê Hoàng Thạch.

13. Trên thang điểm từ 1-10, việc tiết kiệm quan trọng ở mức nào? Vì sao?

5 điểm. Mình nghĩ chỉ nên tiết kiệm một phần để dự phòng, còn lại vẫn nên đầu tư.

Tuy nhiên, trước khi đầu tư vào bất cứ cái gì cũng cần phải bỏ thời gian tìm hiểu kỹ, vì không bao giờ có tiền dễ kiếm. Nếu chưa hoặc không thể tìm hiểu rõ ràng, bạn vẫn nên tiết kiệm, thay vì đầu tư mù quáng.

14. Tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi, anh có đồng ý với quan điểm này không?

Đồng ý. Vì tiền là biểu trưng cho giá trị, mà mọi tội lỗi khổ đau đều khởi nguồn từ việc con người ta mong cầu một giá trị gì đó mà không thể được thoả mãn.

15. Liệt kê 3-5 công việc mà anh từng làm trong đời?

Từ trước đến giờ mình chỉ mới làm qua 2 công việc: marketing cho các công ty và điều hành một startup.

Thậm chí thời sinh viên mình cũng không đi làm thêm, vì quan điểm của mình là thời sinh viên chỉ có 4 năm, chứ đi làm thì mình còn hàng chục năm cày cuốc đang chờ phía trước, nên hãy cứ tận hưởng vài năm còn thảnh thơi này đi (cười).