Ngày nay, không khó để bắt gặp ảnh “vintage” trên mạng xã hội. Điều đó khiến ta ngỡ nhiếp ảnh phim không hề chết ở Việt Nam. Đằng sau những tấm ảnh như vậy không chỉ là một thợ ảnh “nghệ,” mà còn là sự hoạt động của những thị trường vật tư và lao động vô cùng đặc biệt. Đó là thứ mà khổ ảnh vuông và filter màu Polaroid của Instagram trước đây không thể nhái được.
Với tính chất hạn chế của nó, nhiếp ảnh phim ở Việt Nam những năm 80-90 của thế kỷ trước từng mang lại thu nhập cao cho những người thợ lành nghề. Cái chết của ảnh phim vào cuối những năm 2000 đẩy vô vàn người lao động vào tình trạng điêu đứng. Điểm kết của một thời kỳ, bên cạnh đó, đem lại những kiểu công việc mới cho cộng đồng muốn lưu giữ sự hoài niệm trên mặt phim.
Thời hoàng kim
Bố mẹ tôi để dành 2 tháng tiền lương công chức để mua chiếc Canon Prima Zoom 76, một chiếc máy ảnh phim bình dân vào thời điểm giữa năm 2000.
Mở đầu năm ấy, Eastman Kodak Co. - một trong những nhà sản xuất phim và máy ảnh lớn nhất thế giới - công bố doanh thu Quý 4 năm 1999 đánh bại con số dự kiến. Doanh thu cả năm 1999 của người khổng lồ tăng trưởng 7% so với năm trước đó, dù nhận nhiều tín hiệu không tốt về tài chính trong quá trình chuyển dịch từ công nghệ phim sang kỹ thuật số, và trong cạnh tranh với đối thủ Fuji.
Thời kỳ hoàng kim của nhiếp ảnh phim trải dài trong 1 thập kỷ trước năm 2000. Khoan nói về tính “nghệ thuật,” nhiếp ảnh bình dân là chiếc máy in tiền của các nhà cung cấp giải pháp hình ảnh thời điểm đó. Với một chiếc máy ảnh point-and-shoot (pns) như chiếc Canon của bố mẹ tôi, người dùng không phải quan tâm đến khẩu độ hay tốc độ màn trập.
Có trong tay chiếc máy ảnh hoàn toàn tự động cùng công nghệ minilab kỹ thuật số xử lý phim nhanh hơn trước, người dùng yên tâm rằng chỉ cần ấn nút, họ chắc chắn sẽ lấy về một cuốn album đẹp 2 ngày sau đó. Lưu giữ quá trình lớn lên của trẻ nhỏ và kỷ niệm gia đình riêng tư với giá rẻ là điều người tiêu dùng phổ thông quan tâm.
Theo Daniel Carp, CEO của Kodak giai đoạn 1999-2005, trên toàn thế giới ước tính có 40 triệu bức ảnh được scan qua minilab của đối tác phần cứng Noritsu vào 6 tuần cuối cùng của năm 1999. Việt Nam không phải ngoại lệ với nhu cầu hình ảnh khổng lồ ấy. Từ sau khi mở cửa thị trường vào năm 1986, việc mua bán thiết bị ngành ảnh trong nước ngày càng dễ dàng hơn.
Tiệm ảnh của bà Lê Thị Thu Hồng là một trong những cơ sở buôn bán vật tư và cung cấp dịch vụ ngành ảnh nổi tiếng ở Hà Nội sau Đổi Mới. Tới năm 1989, cơ sở của bà Hồng thành lập lab in, tráng, mua bán phim ảnh đầu tiên tại miền Bắc. Sau đó 4 năm, lab thiết lập mối quan hệ với Kodak Thái Lan, và trở thành công ty Việt Hồng. Sự kiện này đánh dấu thời kỳ hoàng kim của nhiếp ảnh phim bình dân trong nước.
Sau khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam, công ty Việt Hồng được Eastman Kodak Co. uỷ quyền làm nhà phân phối sản phẩm phim ảnh dân dụng và chuyên nghiệp tại thị trường miền Bắc Việt Nam. Năm 2000, doanh thu của Việt Hồng lên tới 73 tỷ đồng. Bên cạnh con số, các hiệu ảnh tư nhân và nghề chụp ảnh dạo ở địa điểm du lịch phát triển như gió.
Thị trường ảnh phim nhộn nhịp như vậy suy yếu dần và trở thành dĩ vãng vào những năm đầu thế kỷ 21. Những sai lầm của Kodak trong quá trình “kỹ thuật số hoá” dẫn đến thời kỳ suy thoái đậm kéo dài từ năm 2005. Năm 2013, công ty này nộp đơn phá sản, khi mọi chiếc điện thoại thông minh được ra mắt vào thời điểm đó đều có khả năng chụp hình. Màu phim trở thành màu của hoài niệm theo nghĩa không tích cực.
Cái chết lâm sàng của nhiếp ảnh phim
Cũng vào năm 2000, anh Thanh trở thành phóng viên của tờ Nhi Đồng. Đó là thời điểm anh tiếp xúc với nhiếp ảnh phim như một phần nghề nghiệp. Dù đã nghe tới máy kỹ thuật số, song ở nửa đầu những năm 2000, máy phim vẫn phổ biến hơn nhờ giá thành dễ thở.
Ở buổi bình minh, máy ảnh số được coi như một món hàng đắt tiền chỉ lãnh đạo đi công tác nước ngoài về mới có. Chiếc Canon Powershot 600, được ra mắt vào năm 1996 với khả năng ghi ảnh vào ổ cứng, có giá thành lên tới 969 Đô la Mỹ. Nhiếp ảnh phim vì thế thân thiện hơn nhiều đối với giới phóng viên. Họ gửi phim tư liệu tới tiệm ảnh và lấy sản phẩm nhanh chóng. Người làm nghề và thị trường phim nói chung không được tận hưởng sự bình yên đó lâu ngày.
Tháng 05/1999, hãng Kyocera của Nhật công bố mẫu VP-210 và khẳng định là điện thoại đầu tiên trang bị camera được bán rộng rãi trên thị trường. Sản phẩm có giá hơn 300 Đô La Mỹ, đánh dấu khởi đầu của nhiếp ảnh số bình dân. Cuối năm 2000, Sharp cho ra mắt mẫu điện thoại J-SH04, có khả năng gửi file ảnh qua sóng viễn thông.
Phần còn lại của lịch sử là cái chết của nhiếp ảnh phim truyền thống. Nhiều nhân vật tôi phỏng vấn kể lại, ảnh phim thời 2010 chỉ còn là giải pháp chụp hình giá rẻ trong đám cưới và đám ma.
Anh Thanh nhớ lại, vào khoảng 2007-2010, nhiếp ảnh phim ở Việt Nam tồn tại trong những nhóm chơi phim nhỏ lẻ. Trong khi nhóm thợ ảnh và hiệu tráng phim truyền thống dần điêu đứng, nhiếp ảnh phim được nuôi dưỡng bằng đam mê.
Trường hợp tương tự xảy ra ở châu Âu vào thời điểm hãng máy ảnh lấy ngay Polaroid tuyên bố phá sản. Những người yêu phim chụp lấy ngay vẫn tiếp tục mua các sản phẩm của hãng cho đến khi không thể mua được nữa. Impossible Project, một công ty được thành lập bởi nhân viên cũ của Polaroid, đã mua lại một số cơ sở vật chất của công ty cũ để tiếp tục sản xuất thiết bị hình ảnh cho khổ phim này. Máy ảnh lấy ngay thoát khỏi số phận trở thành rác điện tử, trôi nổi qua các kho bãi vòng quanh thế giới.
Những năm 2009-2010, các hiệu ảnh Việt Nam thải bỏ minilab xử lý ảnh phim cũ để hoàn toàn kinh doanh dịch vụ kỹ thuật số. Sự kiện này nhen nhóm phút ra đời của các lab tráng phim mà người trẻ cảm thấy quen thuộc ngày nay. Một số người theo nghề ảnh đã mua, thậm chí là xin không lại máy móc do các hiệu thải ra để chạy lab của chính mình. AEG Lab của anh Thanh bắt đầu chuyến hành trình của mình vào năm 2011. Viết tắt của “Anh Em Group,” AEG mới đầu phục vụ thị trường nhỏ của các anh em chơi phim.
Khi số phận của nhiếp ảnh phim trên thế giới dường như đã an bài với sự sụp đổ của Kodak, nhóm người hoài niệm đã gìn giữ sự sống cho ngành công nghiệp “truyền thống” này. Minilab cũ được khởi động lại thay vì nhập mua từ Trung Quốc với giá hơn 10000 Đô La mỗi đơn vị. Thuốc tráng phim màu theo quy trình C41 được nhập khẩu từ các đại lý hóa chất công nghiệp. Phim chụp và thuốc tráng đen trắng về Việt Nam theo con đường xách tay…
Một số anh em chơi phim nghĩ tới cách thức để không phụ thuộc vào lab tráng. Họ mua những bánh phim dài hàng trăm feet trên Ebay và chiết thành cuộn nhỏ, tráng thủ công bằng bộ dụng cụ phòng tối lưu động, scan âm bản bằng máy ảnh số.
Tất nhiên, theo một số filmer xử lý phim thủ công nhiều năm, tráng phim tại nhà không phải phương án thực dụng. Người chơi sẽ phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, và chất lượng ảnh scan bằng máy số khó tương đương với file được xuất bởi minilab.
Một thị trường hoài niệm
Sau cái chết lâm sàng của phim, màu sắc “cũ kỹ” của nó nhanh chóng trở thành thứ đáng giá trong thời đại của Instagram. Nếu bạn để ý thì logo cũ của mạng xã hội này giống một chiếc máy ảnh lấy ngay. Khổ vuông là định dạng hình ảnh duy nhất trên nền tảng. Bên cạnh đó, Instagram cũng cung cấp bộ filter giả màu phim để người dùng lựa chọn. Kéo theo sự thành công của mạng xã hội này là xu hướng nhái màu phim cũ của VSCO và vô vàn ứng dụng khác trên smartphone.
Anh Tuấn, founder của dự án Humans of Hanoi vốn thành công với những bức ảnh chụp Hà Nội đầy “hoài niệm,” cho rằng việc lấy ảnh phim làm chất liệu xây dựng nội dung chỉ là một suy nghĩ tình cờ. Anh cảm thấy bức ảnh được cho ra từ chiếc máy scan rất khác với ảnh số sử dụng filter phim. Sự thành công tình cờ của Humans of Hanoi là một trong những cú hích đưa nhiếp ảnh phim quay lại thị trường Việt. Khi ấy, cả một thị trường được tạo ra dựa trên cảm xúc hoài niệm của con người. Một Hà Nội tưởng “cũ” nhưng thực ra lại rất “mới” làm nên thương hiệu của thú chơi phim ngày nay.
Có ba yếu tố làm nên sự hoài niệm ở phim. Máy ảnh đem lại cảm giác về sự hên xui khi bạn không thể nhìn thấy ngay hình hài của khoảnh khắc bạn chộp. Cảm giác tiếp theo là độ trễ: Khoảnh khắc lộ ra sau khi bạn chụp hết cuộn phim, đem tới lab tráng và đợi mấy ngày sau mới nhận được ảnh qua Dropbox. Cuối cùng, mở tệp đựng file ảnh, theo cây bút Janet Nguyen của tờ Marketplace, người dùng có cảm giác giống như mở hộp quà Nô-en. Đó là yếu tố then chốt thúc đẩy hoạt động tiêu thụ.
Anh Hiếu, một kỹ sư IT, kể lại lý do anh tìm đến phim. Ở thời điểm anh nhận ra mình không có sở thích gì đặc biệt dù tài chính đã dư dả, chơi phim hoàn toàn thủ công cho anh cảm giác đợi chờ và thái độ tỉ mẩn, kiên nhẫn. Cầm âm bản sau khi được xử lý trên tay, với hình ảnh được xếp thành từng khung đều đặn trên miếng nhựa dài, cho ta cảm giác về một món quà được đặt vào tay mình.
Với thị trường tiêu dùng phim ảnh mở rộng hơn trước, tốc độ xử lý một cuộn phim ngày một nhanh vì nhu cầu không bị dồn ứ ở chỉ một số lab. Tốc độ xử lý và số lượng hình ảnh được sản xuất ra mang tỉ lệ thuận với giá thành của thú chơi này. Độ trễ của khoảnh khắc có thể được dung hoà với giá trị xã hội nó đem lại.
Một trang cá nhân đầy màu hoài niệm tạo cho người khác cảm giác rằng bạn sống có gu. Đó là cách thị trường hàng hoá làm sống lại một thú chơi tưởng như đã lỗi thời.
Hành trình "lên kệ" của máy ảnh cũ
Đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng của một nhà thực hành nhiếp ảnh, thị trường hoài niệm được vận hành bởi những nhà buôn đồ xách tay và đồ cũ hoạt động rải rác trên toàn thế giới.
Trong quá trình phỏng vấn một số nhà buôn máy ảnh cũ, tôi đã có cho mình một bộ sưu tập không rẻ tiền. Cơn đê mê tiêu thụ ấy không chỉ đến từ những thiết kế cơ khí mà ta không thể tìm lại được ở ngày hôm nay, nó còn đến từ những câu chuyện mà từng thiết bị mang theo mình.
Ở thời điểm những chiếc máy cũ được “bốc” về tay nhà buôn, chúng không hề đắt tiền. Một số quốc gia còn xếp loại máy ảnh phim là rác thải điện tử (e-waste) sau khi chúng không còn được sử dụng. Lời khuyên từ các blogger chơi phim vào giai đoạn đầu 2010 là, bạn hãy chọn cho mình chiếc máy phim đầu tiên ở tầm giá 5-10 Đô La, vốn không hiếm nhưng số máy chất lượng tốt thì không nhiều. Với trải nghiệm đó, ta sẽ vừa có kinh nghiệm chọn lựa máy, vừa có sự am hiểu thị trường để kiếm được chiếc thứ 2, thứ 3, thứ 4… vừa túi tiền.
Thời gian đầu khi thị trường phim Việt Nam chớm nở trở lại, máy phim được người bán mua theo cân từ Campuchia và một số nước Đông Nam Á khác, nơi nhập khẩu rác điện tử từ phương Tây và Nhật Bản.
Những chiếc có ngoại hình lành lặn được lọc ra và đóng thành kiện gửi về Việt Nam. Một kiện hàng như vậy có giá từ 7 đến 10 triệu đồng và các nhà buôn hiếm khi lỗ. Vì trước khi đến tay người tiêu dùng, các thợ máy đã phải kiểm tra chất lượng của từng máy và phân chúng theo mức giá từ thấp đến cao. Những chiếc máy tìm được trong mớ sắt vụn có thể được định giá nhiều chục triệu trên thị trường. Máy ở tình trạng xấu thì sẽ được cải tạo thành đồ trang trí, chậu trồng cây, hoặc gạt tàn thuốc lá, với giá cả xê dịch từ 300-500 nghìn đồng.
Nguồn lực của thị trường làm nhiếp ảnh phim hồi sinh. Cũng nhờ thị trường, nhà buôn tìm thấy thêm những con đường khác để đem máy chất lượng cao hơn về Việt Nam. Liên kết với bạn bè và người thân ở hải ngoại, nhiều người buôn bán xách tay máy ảnh trực tiếp từ Nhật Bản và châu Âu về Việt Nam, thu hẹp khoảng trung gian và tự kiểm soát giá cả. Đặt hàng vật tư ngành ảnh qua Ebay giờ đây cũng không phải quá khó, miễn là chúng ta có tài chính tốt.
Kết luận
Xuất phát từ nhu cầu cảm xúc tưởng như manh mún, người tiêu dùng đã làm xoay chuyển định mệnh của các tập đoàn lớn hết thời. Năm 2020, Kodak báo lãi sau hơn 14 năm lỗ liên tục. Cuối năm 2022, họ tuyên bố tuyển thêm nhân công để tăng sản lượng phim bán ra thị trường. Cùng thời điểm, Pentax công bố kế hoạch sản xuất một dòng máy ảnh phim mới. Ảnh mô phỏng màu phim của máy Fujifilm cũng dần trở thành thương hiệu kích thích nhu cầu tiêu dùng của nhóm khách hàng trẻ.
Quả thực, chúng ta có thể làm chủ một chiếc máy. Nhưng ở góc độ thị trường, dù người tiêu dùng có khả năng thay đổi hiện trạng của một ngành công nghiệp đi chăng nữa, thì trong những sự thay đổi lớn luôn có cả niềm vui và nỗi buồn. Điểm lạc quan là nhu cầu sở thích của một nhóm thiểu số được đáp ứng. Điểm bi quan là ta sẽ không bao giờ có thể quay lại thời hoàng kim của ngành công nghiệp phim ảnh nơi những thợ ảnh bờ Hồ có thu nhập đủ sống.
Sự hoài niệm, rốt cục, hướng đến xây dựng một thẩm mỹ của tương lai thay vì cứu vớt những con người cũ và giá trị cũ.