Trách nhiệm của bộ phận quản trị nhân sự chỉ bao gồm việc hành chính và quản lý? - Recap “Vietnam Innovators” | Mùa 2 - Tập 3 | Vietcetera
Billboard banner

Trách nhiệm của bộ phận quản trị nhân sự chỉ bao gồm việc hành chính và quản lý? - Recap “Vietnam Innovators” | Mùa 2 - Tập 3

Đối với Pearl Hoàng, quản trị nhân sự là duy trì mối quan hệ hợp tác và đồng hành cùng nhân viên trên chặng đường phát triển sự nghiệp.
Trách nhiệm của bộ phận quản trị nhân sự chỉ bao gồm việc hành chính và quản lý? - Recap “Vietnam Innovators” | Mùa 2 - Tập 3

Pearl Hoàng, cựu Trưởng Bộ phận Quản lý Nhân sự (Head of People Operation) của Creatory. | Nguồn: Dreamplex

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Theo dõi quá trình phát triển sự nghiệp của Pearl Hoàng từ năm 2007 đến nay, có thể thấy các chức vụ chị từng đảm nhiệm đều có yếu tố “con người” trong tên gọi. Pearl Hoàng là cựu Trưởng Bộ phận Quản lý Nhân sự (Head of People Operation) của Creatory, có niềm đam mê với lĩnh vực quản trị nhân sự, và chưa từng “chùn bước” trước những trọng trách đi kèm công việc này.

Trong tập 3 của podcast “Vietnam Innovators” (Mùa 2), chúng tôi đã cùng anh Daan van Rossum, CEO của Dreamplex, thảo luận với chị Pearl Hoàng và tìm hiểu về cách “quan điểm của mọi người” thúc đẩy sự đổi mới. Dù không còn nằm trong đội ngũ Creatory, nhưng Pearl vẫn thành công duy trì mối quan hệ hợp tác với công ty cũ.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quảng cáo (Advertising), Pearl Hoàng sau đó từng làm việc trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng. Sau khoảng 2 năm rưỡi, cơ hội nghề nghiệp ở mảng nhân sự đã tìm đến với chị.

Cảm thấy đây là công việc vô cùng thích hợp với bản thân, Pearl đã nỗ lực đầu tư thời gian và năng lượng để tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực mới này. Gắn bó càng lâu với lĩnh vực nhân sự, chị nhận ra đam mê của mình chính là được tương tác và hỗ trợ quá trình phát triển của mọi người.

Chứng kiến sự nhiệt thành của chị với công việc quản trị nhân sự, một người bạn của Pearl Hoàng đã giới thiệu chị tới một chương trình đánh giá để tìm hiểu lý do gắn bó với công việc này. Kết quả nhận được cho thấy Pearl luôn có mong muốn được tương tác với mọi người, và từ đó cũng giải thích được vì sao chị luôn cảm thấy “vui lây” khi chứng kiến những người xung quanh mình trưởng thành, hạnh phúc, và thành đạt. Sau khi hiểu rõ phần nào về bản thân, Pearl từ đó chưa bao giờ từ bỏ ngành HR.

Daan cho rằng Pearl Hoàng đã tìm thấy ikigai của bản thân, tìm ra lý do và mục đích sống, cũng như những điều mang lại cho chị niềm vui và cảm hứng để cố gắng mỗi ngày trong cuộc sống.

Trách nhiệm của bộ phận HR thường được cho là chỉ xoay quanh quản lý nhân sự, đảm bảo trả lương đúng hạn, cung cấp giấy phép lao động cho nhân viên, và nộp thuế. Tuy nhiên, đối với Pearl Hoàng, đảm nhiệm công việc HR chính là duy trì mối quan hệ hợp tác, là đồng hành cùng nhân viên trên chặng đường phát triển sự nghiệp của từng người, và cùng nhân viên xây dựng mục tiêu không chỉ cho công ty mà còn cho mỗi cá nhân.

Cơ hội đổi mới trong lĩnh vực quản trị nhân sự

Bối cảnh đại dịch khiến tình hình đi lại trở nên khó khăn, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn phải duy trì phương pháp làm việc từ xa trong suốt nhiều tháng ròng. Vì thế, bày tỏ sự quan tâm tới nhân viên trong thời điểm này chính là tạo động lực để đội ngũ nhân viên tiếp tục gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Trước tình hình làm việc từ xa còn kéo dài, các doanh nghiệp cần thích ứng với những thay đổi và nhanh chóng đưa ra những giải pháp sáng tạo.

Một trong số đó có thể kể đến việc tổ chức các buổi hội thảo hoặc hoạt động trực tuyến, không quan trọng lớn hay nhỏ, nhằm duy trì tương tác và kết nối mọi người trong công ty. Dù không thể trực tiếp gặp gỡ, nhưng qua các hoạt động này, nhân viên có thể cảm nhận được sự quan tâm cùng mong muốn tiếp tục đồng hành và phát triển của công ty.

Các hoạt động trực tuyến có thể bao gồm những buổi họp town hall, hay các buổi trò chuyện hàng tuần. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể khích lệ tinh thần nhân viên qua các gói hỗ trợ rau củ, khi việc mua hàng còn gặp nhiều khó khăn do thành phố đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Không chỉ duy trì tương tác, các phần quà tiếp tế đầy ý nghĩa này cũng là một cách để công ty bày tỏ sự quan tâm của mình đến nhân viên cùng gia đình trong mùa dịch.

Daan chia sẻ, “mỗi ngày trôi qua, chúng ta có thể làm điều gì đó tốt đẹp hơn, đó cũng chính là đổi mới.” Không nhất thiết phải là những điều lớn lao, quan trọng là sự quan tâm trong từng chi tiết nhỏ. Pearl có chung quan điểm với anh, và bản thân chị cũng nhận thấy lĩnh vực quản trị nhân sự hiện có rất nhiều cơ hội đổi mới. Trong bối cảnh đại dịch bất ổn, bộ phận quản trị nhân sự phải nhanh chóng thích nghi và điều chỉnh để hoàn thành hiệu quả công việc hỗ trợ và đồng hành cùng mọi người.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp riêng biệt và vững chắc

Nhiều công ty mới thành lập thường học hỏi và áp dụng mô hình văn hóa doanh nghiệp của các công ty lớn để vận hành, xuất phát từ tâm lý muốn đạt được thành tựu tương tự khi chứng kiến sự thành đạt của những người xung quanh. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp nên được hình thành từ chính bản sắc riêng của đội ngũ nhân sự tại mỗi công ty.

Khi được hỏi về cách tạo ra và duy trì văn hóa doanh nghiệp vững mạnh, Pearl nhận định rằng, ngay từ khi mới thành lập, các doanh nghiệp cần hiểu rõ về lĩnh vực hoạt động cũng như mục đích vận hành của mình. Và để có thể xác định một cách chính xác, ban điều hành doanh nghiệp nên tự đặt ra cho bản thân câu hỏi: “Mình nên là người như thế nào ở vai trò lãnh đạo?”

Khi đã thấu hiểu mục đích và thông điệp của doanh nghiệp, cũng như những giải pháp khả thi có thể cung cấp cho khách hàng, các công ty cần truyền tải những điều đó qua chính văn hóa doanh nghiệp và niềm tin của mình, một cách rõ ràng nhất.

Không khó để diễn tả niềm tin qua lời nói, nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn, “bạn mới nhận ra mình đang làm việc trong một môi trường như thế nào, công ty này có những ưu tiên, quy trình đưa ra quyết định, và giá trị gì.” Dù không hữu hình, nhưng bạn hoàn toàn có thể cảm nhận văn hóa doanh nghiệp tại nơi mình đang làm việc, đặc biệt trong những giai đoạn thử thách.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Bài viết được biên dịch bởi Thảo Vân