Vì sao chúng ta không muốn “cuộc vui” nào kết thúc? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
13 Thg 04, 2023
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao chúng ta không muốn “cuộc vui” nào kết thúc?

Cuộc vui nào cũng phải đến hồi kết thúc. Nhưng trong thế giới của những người finifugal, logic này không tồn tại.
Vì sao chúng ta không muốn “cuộc vui” nào kết thúc?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Bạn mở Netflix và thấy mục “Continue Watching” vẫn còn một đống phim, song không muốn xem hết bộ nào. Bạn đọc rất nhiều truyện, nhưng quyển nào cũng “bỏ ngỏ” phần kết. Đến nửa đêm, bạn cố lướt điện thoại dù đã buồn ngủ díp mắt, nhằm tránh cảm giác kết thúc một ngày.

Đây đều là đặc điểm của finifugal - cảm giác muốn chối bỏ, né tránh khoảnh khắc kết thúc của một sự việc hoặc trải nghiệm. Nó cũng khiến bạn tiếp tục hẹn hò dù không còn tình cảm với đối phương, chỉ vì ngại chấm dứt mối quan hệ và phải “khởi động lại” với người khác. Vậy điều gì khiến nhiều người có tâm lý “chạy trốn” điểm kết thúc như vậy?

Trải nghiệm kết thúc, hạnh phúc ra đi

Hormone hạnh phúc dopamine được sản sinh khi bạn đắm chìm vào làm điều mình thích, như xem phim hay đọc sách. Quá trình này có tính gây nghiện, thôi thúc bạn “cày” phim hàng giờ để duy trì cuộc vui. Nhưng khi câu chuyện đến hồi kết, cảm giác thiếu thốn sẽ ập tới.

Hiện tượng này phổ biến đến mức các nhà tâm lý đặt cho nó cái tên post-series depression (nỗi buồn hậu phim ảnh). Khi bạn hình thành gắn kết cảm xúc với nhân vật, cái kết sẽ mang lại cảm giác như vừa đánh mất một người bạn thân thiết. Do đó nhiều người trì hoãn xem phần kết, thậm chí bỏ qua nếu biết trước bộ phim có kết cục không như ý.

Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn đi du lịch, được trải nghiệm một miền đất mới với các hoạt động khác biệt so với thường ngày. Sự mới mẻ và lượng dopamine nó mang lại khiến bạn chỉ muốn cuộc vui kéo dài mãi.

Vì vậy khi chuyến đi kết thúc, nguồn dopamine không còn, bạn dễ bị “hẫng” và gặp phải post-vacation blue (cảm giác chán nản khi quay lại guồng sống cũ sau kỳ nghỉ).

Trong chuyện tình cảm, những cuộc chia tay gây nhiều xáo trộn đau đớn về cảm xúc. Điều này xảy ra do mạng lưới cảm xúc của bạn đã gắn kết với sự hiện diện của người ấy. Vì vậy, sự ra đi của họ sẽ làm não bộ gián đoạn và mất phương hướng. Hệ quả là bạn dễ rơi vào bẫy “chi phí chìm”, lựa chọn ở lại vì tiếc nuối sự gắn bó đã hình thành.

Khi mới chia tay, não bộ hay hồi tưởng những ký ức vui vẻ, kích thích cảm giác hàn gắn, tìm lại những gì đã mất. Đây là lý do một số người “ba lần bảy lượt” quay lại với người cũ, hoặc dùng dằng trong mối quan hệ nếu đã từng có trải nghiệm bi thương.

Tâm lý chưa sẵn sàng để quay về thực tại

Theo một khảo sát của trang Reuters, 42% người tham gia cho biết, xem phim là thú tiêu khiến họ lựa chọn nhiều nhất để thoát ly thực tại. Phim ảnh mở ra một thế giới mới nhiều đột phá, giúp người xem rời khỏi thực tại nhàm chán và bế tắc. Thậm chí người Mỹ còn có thuật ngữ “comfort show” để chỉ những chương trình nên xem khi tâm trạng buồn bã.

12apr2023finifugal1jpg
Não bộ coi việc phải rời khỏi điều giúp bạn “thoát ly” thực tại là một mối nguy.

Tương tự, việc cày phim khi deadline cận kề thực chất là một cơ chế ứng phó của cơ thể trước căng thẳng. Trong trường hợp này, não bộ đang muốn bảo vệ bạn, giúp đưa cơ thể về trạng thái cân bằng. Việc kết thúc điều mang lại cho bạn sự thoải mái bị não bộ coi là một mối nguy.

Nỗi sợ bước ra khỏi vùng an toàn

Nếu một kỳ nghỉ khiến bạn sợ kết thúc vì “sụt” dopamine, thì một mối quan hệ thường níu chân bạn bởi cảm giác an toàn và thân thuộc nó mang lại. Tuy nhiên, điều này sẽ độc hại khi mối quan hệ trở nên mất cân bằng: một người cố duy trì, còn một người đã buông bỏ từ lâu.

Hệ quả là người duy trì tìm cách níu kéo đối phương tiếp tục hẹn hò bằng cách “ăn mày quá khứ”, bám víu vào những kỷ niệm đẹp trước kia. Việc này có thể giúp họ nhìn vào khía cạnh tích cực và tìm cách “hồi sinh” mối quan hệ, song cũng dễ khiến họ bỏ qua những red flag ở đối phương để bấm nút “dừng” đúng lúc.

Các ứng dụng của tâm lý “né tránh” kết thúc

Nắm được cảm xúc tiêu cực mà cái kết đem lại, các nhà làm phim thường kéo dài thời gian xuất hiện của sản phẩm và tăng độ tương tác của khán giả. Đây là lý do hầu hết các series “hot” hiện nay đều không dừng lại ở một mùa. Chúng cũng thường có kết thúc mở để kích thích khán giả mong chờ phần tiếp theo, dù nó có thể không liên quan nhiều đến phần trước.

Các diễn đàn phim cũng góp phần đa dạng hóa trải nghiệm tương tác của khán giả. Đó là nơi khán giả có thể chia sẻ cảm nghĩ, giữ cho bộ phim sống động ngay cả khi nó thực sự kết thúc.

Tương tự như vậy, những gợi ý thuật toán của Netflix hay Tiktok cũng liên tục giữ chân người dùng dựa trên thể loại họ xem nhiều và yêu thích. Chiến thuật này mang lại cảm giác niềm vui không có điểm dừng, khi nguồn dopamine liên tục được thay thế.

Làm sao để kết thúc không còn là nỗi ám ảnh?

Finifugal sẽ ảnh hưởng tiêu cực khi nó trở thành cơ chế bạn dùng để “chạy trốn” khỏi các vấn đề đang gặp phải. Để hạn chế điều này, bạn nên dành thời gian ở một mình để đánh giá lại trải nghiệm của mình một cách bao quát hơn.

12apr2023finifugal2jpg
Dành thời gian ở một mình giúp bạn đối mặt tốt hơn với điểm kết của một trải nghiệm.

Chẳng hạn khi mắc kẹt trong mối quan hệ “bỏ thì thương, vương thì tội”, bạn nên nhìn nhận lại vấn đề bằng cách phân tích những lợi thế/bất lợi của việc ở lại hay rời đi. Bạn có thể tham khảo ý kiến từ bạn bè, người thân hay chuyên gia trị liệu để có được góc nhìn đa chiều, từ đó ra quyết định phù hợp nhất cho bản thân.

Mẹo này cũng có thể áp dụng sau một kỳ nghỉ. Dành 1-2 ngày tĩnh tâm trước khi đi làm trở lại để điều chỉnh chế độ sinh hoạt và tìm về những sở thích cũ sẽ giúp bạn trở lại “guồng quay” cũ nhanh hơn. Bạn cũng có thể lên kế hoạch cho kỳ nghỉ tiếp theo, để luôn có điều gì đó trông chờ, tạo cảm giác hứng khởi.