5 Cấp độ của tình bạn mà chúng ta cần có trong đời | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
28 Thg 04, 2024
Chất Lượng Sống

5 Cấp độ của tình bạn mà chúng ta cần có trong đời

Theo Mark Manson, chúng ta cần bạn bè ở cả cấp độ xã giao lẫn thân thiết để có đời sống tinh thần lành mạnh. Vấn đề chỉ là xác định xem ai ở cấp độ nào.
5 Cấp độ của tình bạn mà chúng ta cần có trong đời

Nguồn: Ray Chan @ Unsplash

Được chuyển ngữ từ bài viết “What Real Friends Look Like” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Thử tưởng tượng xem, nếu bạn độc thân cả đời sẽ như thế nào?

Có vẻ đó là một viễn cảnh khá tệ, nhưng chắc chắn chưa đến mức tận cùng thế giới. Chúng ta đều đã từng hoặc đang độc thân mà, phải không? Và cả những ai đã cam kết trong một mối quan hệ, họ cũng sẽ độc thân trở lại một ngày nào đó. Bên cạnh đó, có những người chọn sống độc thân cả đời và không cảm thấy họ đang bỏ lỡ điều gì cả.

Nhưng giờ thử tưởng tượng ngày mai bạn mất tất cả bạn bè bạn đang có - chẳng hạn họ đều tử nạn trên một chiếc máy bay bị rớt - và không bao giờ có thêm người bạn nào nữa.

Bạn sẽ nhận ra rằng, việc không lấy chồng/vợ có thể chưa hẳn lý tưởng, nhưng bạn vẫn có thể sống vui. Và thực tế rất nhiều người đang sống như vậy. Nhưng không có bạn bè thì khác - đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tự sát.

Chúng ta dành nhiều thời gian và năng lượng tinh thần cho các mối quan hệ lãng mạn, bởi những cảm xúc mãnh liệt mà chúng mang lại. Thế nhưng hiếm ai để ý đến chất lượng các mối quan hệ bạn bè của mình, xem những người quanh họ thực sự là “bạn” hay là “bè”.

Vậy tình bạn là gì, có giá trị ra sao, vì sao ta lại kết bạn, và vì sao tình bạn có thể đúng (hoặc sai) ở một số thời điểm? Cùng đào sâu tìm hiểu thêm về nó trong bài viết dưới đây.

Cấp độ 1: “Mình biết người đó”

Đây là những người bạn có thể nhận ra về mặt trực quan hay lý thuyết, nhưng hiếm khi có tương tác với họ. Chẳng hạn nhân viên bảo vệ tòa nhà, người đưa thư, hoặc những người hàng xóm ở chung cư mà bạn biết mặt nhưng chưa trò chuyện bao giờ.

Cấp độ 2: “Nhìn chung là mình có ấn tượng tốt về bạn”

Bạn và họ biết nhau ở mức độ sơ đẳng, và thi thoảng cũng có nói chuyện với nhau. Mối quan hệ ở cấp độ này mang tính tiện ích (utility) nhiều hơn là tình cảm.

“Người quen” có lẽ là danh từ phù hợp để bạn gọi những người ở cấp độ 2 này. Họ là đồng nghiệp, là vợ/chồng của sếp bạn, người hàng xóm của bạn, người yêu của anh/chị/em họ bạn, hoặc người nhân viên hay mang nước cho bạn ở quán cafe bạn vẫn ngồi. Họ là những người bạn có thiện cảm, vì họ khiến cuộc sống của bạn dễ dàng hơn một chút.

Dù muốn hay không thì bạn vẫn sẽ cần những người quen như vậy trong cuộc đời. Bởi con người vốn là động vật xã hội, nên việc tạo ấn tượng tốt với những người ta gặp là rất quan trọng. Và “ấn tượng tốt” có thể đến từ những cuộc tám chuyện ngắn và… vô tri về đủ mọi đề tài trên đời, từ thời tiết, thể thao đến showbiz.

17apr2024bimat31091615354372jpg
“Ấn tượng tốt” có thể đến từ việc tám chuyện về đủ thứ trên đời. | Nguồn: VNE

Nói tóm lại, họ có ấn tượng tốt về bạn. Và nếu có vấn đề đột xuất không thể nhờ gia đình hay bạn bè chí cốt, bạn có thể gọi cho họ. Nhưng nó cũng chỉ dừng lại ở đó, và chắc chắn bạn hiếm khi nghĩ đến việc mời họ đi ăn tối hoặc đi chơi cuối tuần.

Cấp độ 3: “Bạn thích cái đó hả? Mình cũng vậy!”

Đây là cấp độ nơi khái niệm “tình bạn” bắt đầu. Họ là những người bạn có chung mối quan tâm, và gặp gỡ với tần suất khá thường xuyên. Các mối quan hệ này nhìn chung dễ chịu, bởi chúng tập trung vào những gì hai bạn đều có, từ sở thích về phim ảnh/thể thao cho đến việc cùng đưa đón con đi học.

Giống như cấp độ 2, tình bạn cấp độ 3 cũng mang tính tiện ích. Nhưng nếu cấp độ 2 chỉ mang đến một môi trường xã giao dễ chịu, thì ở cấp độ 3, hai bạn yêu quý con người thật của nhau. Vì vậy, những mối quan hệ này khiến cuộc sống bạn dễ dàng hơn rất nhiều. Khi bạn thực sự quan tâm đến điều gì đó, thật tốt khi gặp được những người khác có mối quan tâm tương tự.

Tình bạn cấp độ 3 hiếm khi dẫn đến những drama nghiêm trọng, bởi hai bạn có xu hướng tránh những đề tài nhạy cảm và không “xía mũi” vào chuyện riêng tư của nhau. Chẳng hạn nếu hai bạn có chung niềm đam mê xe hơi, bạn sẽ chẳng quan tâm chuyện bạn ấy có đối xử tốt với vợ con hay không. Bạn cũng không quan tâm đến tình hình công việc của anh bạn vẫn chơi game cùng mình - nó chưa phải vấn đề đáng để bạn quan tâm ở cấp độ này.

Vì lý do này mà tình bạn ở cấp độ 3 có thể rất bền vững, hoặc rất mong manh tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nếu bạn trải qua một biến cố lớn trong đời như ly hôn hay mất người thân, tính chất của tình bạn này cũng không bị ảnh hưởng. Nó vẫn có thể chịu được thay đổi ở mức độ này.

Cái nó không thể chịu được là sự thay đổi về mối quan tâm chung - thứ đã kéo hai bạn lại với nhau. Chẳng hạn nếu bạn từng nghiện rượu rồi cai nghiện thành công, chắc chắn bạn sẽ mất đi một vài ông bạn nhậu trước kia, bởi họ quen và thân với bạn qua việc nhậu. Điều này cũng có thể xảy ra nếu bạn ngừng chơi môn thể thao mà hai bạn cùng chơi, nghỉ việc ở nơi hai bạn cùng làm, hoặc chuyển khỏi thành phố nơi hai bạn cùng sinh sống.

Cấp độ 4: “Chúng ta giống nhau nhiều phết nhỉ”

Tình bạn cấp độ 4 là sự “tiến hóa” từ cấp độ 3, khi hai bạn nhận thấy mình không chỉ có chung sở thích, mà còn có những giá trị và trải nghiệm sống tương đồng với nhau. Những tình bạn này luôn kéo dài ít nhất vài năm, và đôi khi là cả cuộc đời.

Tình bạn cấp 4 thường thân mật, nhưng theo cách khá “chill”. Bạn thấy thoải mái khi ở với họ như khi ở một mình. Bạn có thể đùa cợt với họ một cách tự nhiên mà không lo bị đánh giá. Bạn tâm sự với họ về các vấn đề trong cuộc sống mà không sợ bị phán xét hay coi thường.

Nghe có vẻ sến, nhưng bên cạnh gia đình thì đây chính là những người “anh em thiện lành” cho chúng ta mục đích sống trên đời. Là con người, chúng ta đều mong muốn được ai đó chấp nhận, và được có cảm giác thân mật với người ấy. Và chính ta cũng có nhu cầu thấu hiểu và chấp nhận người khác. Tình bạn cấp 4 chính là kiểu quan hệ đáp ứng được những nhu cầu này.

Tình bạn cấp độ 4 vốn hiếm có khó tìm. Theo các nhà xã hội học, chúng ta chỉ có thể duy trì một vài mối quan hệ kiểu này ở từng thời điểm trong đời. Những tình bạn sâu đậm như vậy cần vài năm mới xây dựng được, nên chúng thường kéo dài khá lâu.

Thực tế tình bạn cấp 4 chỉ biến mất khi một (hoặc cả hai) người trải qua thay đổi lớn đến mức giá trị sống của họ cũng bị ảnh hưởng sâu sắc (như kết hôn, sinh con hay gặp khủng hoảng tuổi trung niên). Nếu mất đi tình bạn này, bạn cũng sẽ trải qua một giai đoạn đau khổ ở mức độ gần giống như chia tay người yêu, chỉ nhẹ hơn một chút.

Sau đó bạn lại gặp người khác, và quá trình kết bạn lại bắt đầu từ cấp độ 1.

Cấp độ 5: “Anh em mình là một gia đình”

Nếu cấp độ 4 là những người bạn chí cốt, thì cấp độ 5 chính là những người “anh chị em cùng cha khác ông nội” với bạn. Họ là những người bạn luôn trung thành, những người mà chỉ cần gọi một tiếng là sẽ có mặt bên bạn ngay tức khắc.

Công việc hay người yêu có thể đến rồi lại đi, chỉ có tình bạn giữa hai người không thay đổi. Bạn có thể chuyển chỗ ở mấy lần, ra nước ngoài vài năm, kết hôn rồi ly hôn - dù chuyện gì xảy ra thì tình bạn giữa hai người vẫn nguyên vẹn. Tình cảm vô điều kiện mà hai bạn dành cho nhau đã lớn đến mức gần như không điều gì thay đổi được cách các bạn nghĩ về nhau.

9jul2023airamdatoonuqisxgqu60qunsplashjpg
Không gì có thể làm phai nhạt một tình bạn ở cấp độ 5. | Nguồn: Unsplash

Khoảng cách địa lý hay mất liên lạc thời gian dài có thể khiến một tình bạn cấp 3 phai nhạt. Một thay đổi lớn về giá trị hay mục đích sống có thể làm bay màu một tình bạn cấp 4. Nhưng chẳng điều gì trong số này xóa sổ được một tình bạn cấp 5, và điều quan trọng là hầu hết chúng nằm ngoài khả năng kiểm soát của ta.

Tình bạn ở cấp độ này thuộc dạng ta không thể lựa chọn hay kiểm soát, thậm chí tôi không chắc chúng ta có xây dựng được nó khi đã trưởng thành hay không. Bởi tình cảm bền chặt như thế dường như chỉ xuất hiện ở những người là bạn từ thuở ấu thơ, cùng lớn lên bên nhau.

Một vài nhận định khác về tình bạn

Có những người chỉ kết bạn ở cấp độ xã giao, mà không bao giờ lên các cấp cao hơn. Họ quen biết mọi người trong một tập thể, nhưng chẳng ai thực sự hiểu họ ở mức độ sâu sắc hơn. Không có một sự gắn bó tình cảm nào, cũng không có sự chia sẻ về giá trị hay trải nghiệm sống giữa họ và những người này. Và chắc chắn bọn họ cũng không mở lòng với nhau được.

Cũng có người chỉ kết bạn ở mức độ sâu sắc. Họ thường nhút nhát và lo sợ phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Họ sẽ có ít bạn, nhưng đều là bạn thân thiết thay vì những mối quan hệ hời hợt. Dù vậy, họ cũng bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc với nhiều người hơn.

17apr2024buithanhtammeddgogssiunsplashjpg
Chúng ta cần tình bạn ở mọi cấp độ để có thể sống vui vẻ. | Nguồn: Unsplash

Kỳ thực là để có được đời sống tinh thần lành mạnh, chúng ta cần tình bạn ở cả 5 cấp độ trên. Vấn đề nằm ở chỗ ta cần xác định xem ai thuộc cấp độ nào.

Cuối cùng, tình bạn bao giờ cũng tự “rơi” xuống mức thấp nhất. Chẳng hạn nếu bạn coi tôi là cấp độ 4, nhưng tôi chỉ coi bạn là cấp độ 3 thì tình bạn của chúng ta sẽ khó mà qua được cấp độ 3. Khó có khả năng tôi sẽ nâng tương tác với bạn lên cấp độ 4, và sự chênh lệch trong cách nhìn nhận nhau này khiến chúng ta vẫn chỉ ở lại cấp độ 3 mà thôi.