13 Thg 11, 2021Cuộc SốngLGBT+

10 năm Hanoi Pride: Nhìn lại những thay đổi và bước tiến của cộng đồng LGBTIQ+

Chúng tôi thật ra không phải đang “đòi quyền”, mà là hoạt động để nhận lại những quyền vốn dĩ nên có.
Thư Vũ
Nguồn: Hanoi Pride

Nguồn: Hanoi Pride

Những ngày cuối năm, Hanoi Pride 2021 với chủ đề On becoming Pride tiếp tục vững vàng lan tỏa thông điệp đó và hưởng ứng phong trào Tôi đồng ý (2020), cũng như đồng hành cùng các thành viên nhóm làm việc tác động luật chuyển đổi giới tính (2021).

Nhân kỷ niệm 10 năm, Vietcetera đã có cơ hội ngồi lại và trò chuyện cùng Khánh Bình – Điều phối Pride Stations Podcast và Hoài Tú – Thư ký Tài chính của Hanoi Pride 2021 về những thay đổi, tiếp cận, câu chuyện đằng sau hoạt động của dự án. Cùng với đó, là rất nhiều góc nhìn về hoạt động dự án xã hội và tiếp cận quyền bình đẳng hiện nay.

Hành trình 10 năm với Hanoi Pride, các bạn đã nhìn thấy có những khó khăn và thành công nào?

Trong suốt gần 10 năm theo dõi và đồng hành cùng Hanoi Pride, chúng tôi đã nhìn thấy sự lớn mạnh và phát triển của sự kiện này. Việc tồn tại của các định kiến xã hội áp đặt lên cộng đồng LGBTIQ+, và cả việc họ nội tâm hóa những áp bức mà mình phải chịu đựng luôn là gốc rễ của mọi khó khăn mà chúng tôi đã trải qua.

Từ việc kêu gọi nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước, nhà tài trợ,... cho tới việc vận động sự quan tâm của xã hội và chính cộng đồng LGBTIQ+ đều gặp nhiều khó khăn trở ngại là những lời từ chối, sự thờ ơ.

Sau 10 năm, thành công lớn nhất mà chúng tôi thấy Hanoi Pride mang tới cho cộng đồng LGBTIQ+ chính là sự hiện diện ngày càng tự tin và đa dạng của họ. Có thể thấy thế hệ LGBTIQ+ trẻ ngày càng cởi mở và tự do hơn. Tiếng nói của họ ngày càng quan trọng và được lắng nghe. Cùng với đó là sự thay đổi thái độ của xã hội với người LGBTIQ+ ở Việt Nam cũng dần cởi mở và bình đẳng hơn.

Cùng với đó là sự thay đổi thái độ của xã hội với người LGBTIQ+ ở Việt Nam cũng dần cởi mở và bình đẳng hơn. Hiện tại phong trào vận động của cộng đồng đã có sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, hay giới báo chí truyền thông.

Chúng tôi cũng góp phần vào một xã hội tôn trọng sự đa dạng, bình đẳng hơn cho tất cả mọi người mà không bị phân biệt bởi xu hướng tính dục, bản dạng giới hay thể hiện giới mà họ muốn.

Đã có những thay đổi gì trong cách nhìn và tiếp cận của xã hội đối với cộng đồng LGBTIQ+ mà các bạn nhìn thấy qua dự án trong suốt 10 năm qua?

Trong 10 năm qua, chính phủ đã bỏ việc cấm kết hôn cùng giới. Đồng thời, việc công nhận quyền của người chuyển giới và sự hiện diện của người LGBTIQ+ trong một số chính sách khác là những tín hiệu đáng mừng ở Việt Nam.

Tuy vậy những góc nhìn tiêu cực về người LGBTIQ+ như “LGBT là bệnh”, “LGBT là do bị ảnh hưởng” vẫn tồn tại qua nhiều thế hệ dẫn tới nhiều khó khăn cho họ. Ví dụ như tình trạng bắt nạt trong học đường, đối xử bất bình đẳng trong công việc, áp lực trong gia đình và cả những khó khăn khi không được luật pháp và chính sách bảo vệ.

Những định kiến ngầm với cộng đồng LGBTIQ+ cũng ngày càng được thay thế bởi những định kiến mới khiến cho việc hóa giải các định kiến này cũng ngày càng phức tạp hơn.

Nếu là ở 10 năm trước, chúng tôi tin rằng không có nhiều cặp đôi thuộc cộng đồng dám công khai mối quan hệ của mình với gia đình, bạn bè hay ngoài xã hội. Ngày nay nhiều người đã công khai, tự hào và khẳng định bản thân mình.

Những năm trước khi ai đó công khai bình luận ủng hộ người LGBTIQ+, có rất nhiều phản hồi tiêu cực và tấn công trên không gian mạng xảy đến. Giờ đây, nhiều bạn không phải LGBTIQ+ đã ủng hộ, chủ động bảo vệ cộng đồng trước những bình luận ác ý. Kiến thức về những vấn đề này đang được tiếp cận bởi những nguồn đáng tin cậy và ngày càng dễ dàng hơn.

Về sự phản đối, kì thị, nếu trước đây là ngôn từ tấn công trực tiếp hay lời lẽ có phần thô tục thì ngày nay họ phải thể hiện quan điểm này gián tiếp, thông qua những cụm từ “nam quyền”, “nữ quyền độc hại”... Những nhóm người này còn “núp bóng” dưới các diễn văn “không kỳ thị”, nhưng kèm theo đó là rất nhiều lý do phản đối và bài trừ LGBTIQ+.

Việc đấu tranh và đòi quyền “bình đẳng" của cộng đồng LGBTIQ+ đang được nhìn nhận như thế nào, theo cả hướng tiêu cực và tích cực?

Hành trình vận động quyền bình đẳng của người LGBTIQ+ ở Việt Nam được coi là vẫn còn non trẻ so với các nước khác trên Thế giới.

Về mặt tích cực, có nhiều cá nhân, nhóm tổ chức đã quan tâm hơn đến những chính sách và quy định pháp luật có thể tác động đến quyền của người LGBTIQ+. Cộng đồng đang quan tâm nhiều hơn đến những con số, minh chứng và làm cách nào để những nhu cầu chính đáng của mình có thể tiếp cận được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hay đơn vị có khả năng tác động đến ban hành và thông qua các chính sách, điều luật.

Về mặt tiêu cực, có nhiều người đặt vấn đề là tại sao cộng đồng này phải đấu tranh, đòi quyền, hay thể hiện quá khác biệt, trong khi có thể “sống bình thường” sẽ không có ai kỳ thị. Đây là một nhận định rất tiêu cực vì có nhiều người cố tình đánh tráo khái niệm rằng “sống bình thường” nghĩa là phải sống “im lặng” hay không nên làm bất cứ điều gì.

Chúng tôi thật ra không phải đang “đòi quyền” mà là hoạt động để nhận lại những quyền vốn dĩ nên có. Cộng đồng LGBTIQ+ không tự nhiên đấu tranh để “giành lấy” những “đặc quyền”, mà chỉ là muốn được công nhận giới tính của mình trên các giấy tờ định danh.

Ngoài ra, mọi người đều muốn có thể được chịu trách nhiệm cho nhau trước pháp luật, trước những quyết định quan trọng về y tế, sức khỏe mà chỉ có “người nhà” mới được ký những giấy tờ quan trọng đó.

Hơn cả là được pháp luật bảo vệ trước những lời nói xúc phạm danh dự nhân phẩm, những hành vi bạo hành chỉ bởi vì họ không muốn quan hệ tình dục hoặc công khai tình cảm với người họ yêu thương.

Đại dịch đã ảnh hưởng tới không chỉ xã hội mà còn cộng đồng LGBTIQ+, các bạn đánh giá như nào về những thay đổi của họ sau đại dịch?

Đại dịch COVID diễn ra khiến sự tập trung của xã hội chuyển dịch sang những hướng mới. Khi tập trung vào những vấn đề cấp thiết như sức khỏe hay an sinh xã hội, thì phần nào các vấn đề lâu dài như quyền con người, các nhóm yếu thế hoặc vấn đề khác trở nên kém quan trọng hơn.

Điều đó cũng dẫn tới sự ảnh hưởng về nguồn lực dành cho các hoạt động này cũng giảm mạnh. Có thể kể đến việc sụt giảm của các nguồn tài trợ, cũng như sự quan tâm của xã hội và chính những người LGBTIQ+ cũng phải tập trung cho các vấn đề cuộc sống cá nhân. Tất cả đều ảnh hưởng tới tiến trình vận động quyền.

Trong một nghiên cứu gần đây của Viện iSEE, tỉ lệ những người LGBTIQ+ gặp áp lực từ gia đình hoặc áp lực từ thu nhập trong mùa dịch tăng lên rất là nhiều so với trước khi có dịch. Trong khi nhiều bạn trẻ phải trở về sống với gia đình, mà có thể là một không gian với rất nhiều áp lực tâm lý đối với các bạn.

Những người LGBTIQ+ khác lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc thay thế trong khi những khó khăn từ sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong công việc với họ vẫn luôn tồn tại, đặc biệt là nhóm người chuyển giới.

Ngoài ra đại dịch cũng khiến cho những không gian riêng tư của tất cả mọi người bị đe dọa. Trong đó bao gồm những không gian về danh tính, tình dục và tình cảm, các mối quan hệ cặp đôi hoặc gia đình, các nhu cầu y tế và sức khỏe cá nhân,... đều dễ dàng bị mất đi tính riêng tư cũng như được bảo vệ.

Có những cơ hội nào cho cộng đồng LGBTIQ+ trong những thay đổi về luật, phúc lợi thời gian tới mà các bạn nhìn thấy?

Hiện tại những nỗ lực của Bộ Y Tế trong việc hiện thực hóa dự thảo luật cho người chuyển giới là những tín hiệu đáng mừng của cộng đồng. Những người chuyển giới đã chờ đợi rất lâu để để có thể có những quyền này. Nếu Luật Chuyển đổi giới tính được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý để người chuyển giới có thể tiếp cận các dịch vụ y tế và thay đổi giới tính trên giấy tờ.

Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi nhìn thấy cộng đồng LGBTIQ+ sẽ tập trung vào việc thúc đẩy thông qua Luật Chuyển đổi giới tính, cũng như việc thừa nhận hôn nhân đồng giới trong Luật Hôn nhân và Gia đình.

Khi những thay đổi về quy định pháp luật diễn ra, những phúc lợi chắc chắn cũng sẽ được điều chỉnh, bổ sung thêm cho phù hợp. Ví dụ như là những phúc lợi trong lao động việc làm, an sinh xã hội, hay thay đổi thông tin trên giấy tờ tùy thân.

Làm sao để duy trì một dự án cộng đồng hướng đến nhóm “yếu thế” liên tục và không bị gián đoạn mỗi năm?

Một dự án có thể đi được đường dài cũng là một dự án có một mục tiêu lớn và thực tế. Khi đó, dù việc thực hiện dự án có thay đổi linh hoạt để phù hợp với từng thời điểm như thế nào, thì vẫn luôn hướng tới mục tiêu cuối cùng.

Không chỉ riêng ở Hanoi Pride, mà ở các dự án cộng đồng khác mà mình quan sát được, phần lớn nhân sự tham gia hoạt động dự án nhưng một công việc phụ, công việc ngoài giờ hay là một hoạt động tình nguyện.

Nhìn vào thực tế, chúng tôi tin là mình hiểu được điều gì khiến một người bắt đầu làm việc, là tiền lương, phúc lợi và sự phát triển sự nghiệp. Giải quyết vấn đề về tiền lương và phúc lợi, phải có nhiều hơn các tổ chức là pháp nhân đứng ra duy trì các dự án cộng đồng.

Họ có điều kiện để nhận các gói tài trợ và duy trì các khoản hỗ trợ cho nhân sự trong các dự án dài hạn. Những việc về vận động quyền, vận động chính sách, thời gian đều phải tính bằng năm.

Để dự án không bị gián đoạn, cần xây dựng một tập thể dựa trên những tập thể nhỏ, cùng nhau thảo luận và xác định mục tiêu chung, cũng như mục tiêu trong năm hoạt động. Điều này khiến chúng tôi càng tin vào câu chuyện càng phải có nhiều tổ chức có pháp nhân hơn.

Hay đó cũng là câu chuyện các tổ chức cần được công nhận là hội nhóm chính danh tại Việt Nam, để họ có tính trách nhiệm vì tổ chức của mình và nhóm cộng đồng của họ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục