20 Giờ học “lưu dấu” màu hoa lên vải
Nhuộm vải từ hoa, cỏ, rau, củ không chỉ mang lại cảm giác an yên; nó còn là một lăng kính rất khác để ngắm nhìn cuộc sống.
Hồi còn bé, tôi mê mẩn những trò thủ công như nặn đất sét, may áo cho búp bê, xếp lá… Tuy nhiên, càng “có tuổi”, tôi càng có ít cơ hội (và thời gian) để làm những trò tỉ mẩn này.
Cứ nghĩ chẳng còn tấm vé về tuổi thơ nào nữa, vậy mà gần đây, tôi tìm ra một thú vui mới để lại được “động tay động chân” - đó là nhuộm vải bằng hoa cỏ, một kỹ thuật mà tôi tình cờ nhìn thấy NTK Phương Hà (founder Phuong Ha Design, Nàng Thơ Boutique) chia sẻ.
Những ngày tháng không thể tự do ra ngoài đã khiến tôi rất cảm động khi nhìn những bông hoa, ngọn cỏ được ghi dấu trên vải. Thế là tôi quyết định học nhuộm trong 20 giờ.
1. Nhuộm vải để chữa lành
Chị Hà kể, trong một chuyến lên Sa Pa, chị may mắn được chiêm ngưỡng và đem lòng yêu mến nghệ thuật nhuộm chàm trên vải lanh và vẽ sáp ong của người H'Mông. Từ đó, chị ấp ủ về ngày hoa không chỉ mọc trên đồi, mà còn nhẹ nhàng lưu dấu trên từng mét vải.
Về phần mình, tôi lại bị mê hoặc bởi chiếc đầm được nhuộm từ hoa đậu biếc mà chị Hà khoe trên trang cá nhân. Đó là một sắc xanh tuyệt đẹp, mang chút cảm giác hiền hòa, và chân phương.
Cảm giác ấy khiến tôi bất giác nghĩ rằng, có thể việc học nhuộm vải bằng hoa cũng là một cách chữa lành, để vỗ về cảm xúc và nuôi dưỡng hy vọng. Nhìn hành trang cho buổi học là ngổn ngang hoa lá, tôi thấy mình được hoạt động, được sống.
Quá trình nhuộm vải bằng hoa thật ra không quá phức tạp, bạn sẽ lần lượt đi qua 5 công đoạn sau:
-
Chuẩn bị dụng cụ: Hầu hết các nguyên vật liệu và dụng cụ đều có thể tìm thấy quanh nhà, như: vải, hoa lá, nồi nấu hoặc bàn ủi, một cây búa nhỏ, thanh gỗ cuộn vải và dây cột vải.
Tuy nhiên, không phải loại vải nào cũng có thể dùng để nhuộm. Để có thành phẩm hoàn hảo nhất - nghĩa là giữ được lớp màu nhuộm hoặc hoạ tiết trên vải lâu nhất, nên dùng vải sáng màu, có nguồn gốc 100% tự nhiên như tơ tằm, lanh, cotton hoặc sợi tre.
Lần này, tôi đã chọn rau quế và hoa xuyến chi cho phần màu sắc.
-
Sắp xếp hoạ tiết: Trải mảnh vải (hoặc trang phục muốn nhuộm) ra mặt phẳng. Sau đó ngẫu hứng sắp xếp hoa lá cành lên trên. Dùng búa đập để cố định hoạ tiết. Riêng với hoa xuyến chi, đập càng kỹ, hình dáng hoa sẽ ra càng rõ và càng đẹp.
-
Tác động nhiệt: Luộc vải với nhiệt độ cao trong ít nhất 30 phút hoặc dùng bàn ủi để in màu lên vải.
-
Làm sạch vải: Ngâm và làm sạch vải trong nước lạnh để gột sạch lá hoa.
-
Phơi khô: Treo vải lên sào và hong gió tự nhiên.
2. Bảng màu đa dạng của thiên nhiên
Trước khi học, tôi đã nghĩ để màu nhuộm đẹp thì cần chọn những loài hoa rực rỡ như hồng, cúc, đậu biếc… Nhưng ngày hôm ấy, chị Hà đã khiến tôi bất ngờ khi chọn một “gương mặt” xa lạ - hoa xuyến chi.
Chị bảo xuyến chi - một loài hoa dại mọc ở khắp mọi nơi - mang vẻ đẹp trong sáng và e ấp. Cánh hoa màu trắng và nhỏ, nên có lẽ chưa ai nhìn ra tiềm năng của loài hoa này khi nhuộm lên vải.
Vải nhuộm hoa xuyến chi mang màu vàng của nhuỵ hoa, sắc xanh của lá và thân, phối hợp với nhau rất hài hoà. Tôi chưa từng nghĩ một bông hoa khiêm nhường thế này lại có thể tạo ra một tác phẩm hài hòa đến thế. Cái cảm giác nhìn ra vẻ đẹp của một điều bình dị sao mà vui vẻ lạ.
Nhuộm vải rồi, bạn mới vỡ ra thiên nhiên sở hữu bảng màu đa dạng đến nhường nào. Màu đỏ từ củ dền - chắc bạn cũng biết rồi. Nhưng màu cam từ lá cây bạch đàn, vàng từ lá củ cà rốt, lục từ lá hoa cúc, và lam từ hoa thanh cúc - bạn ngạc nhiên chưa?
3. “Đạo diễn” nhiệt độ
Mỗi một nghề thủ công đều có một “cao trào” trong quá trình thực hiện. Với nhuộm vải, phần gây cấn là khi tác dụng nhiệt lên vải. Nhờ hơi nóng, các sợi vải sẽ giãn ra để màu nhuộm dễ thấm hơn. Phân đoạn này chỉ kéo dài tầm 30 phút nhưng lại là “cú twist” khó lường nhất, quyết định sự thành bại của sản phẩm.
Các loại thực vật khác nhau sẽ cần nhiệt độ riêng biệt để lên màu. Điển hình như dâu tằm, tuy có sắc tố đậm nhưng nếu đun quá lâu trong nước nóng sẽ bị mất sắc tố tím, nồi nước lúc này sẽ chỉ còn lại màu nâu. Từ lung linh trở nên “lung lay” tay nghề chỉ cách nhau vài độ C.
Vậy mới nói cân chỉnh nhiệt độ cũng là một nghệ thuật. Chị Hà cũng tiết lộ: “Không có công thức cho nhiệt độ, chúng ta cần làm nhiều lần để có độ "nhạy" với hơi nóng.” Nghe đến đây, tôi đã tự an ủi mình, chí ít thì tìm hiểu “giới hạn” của một một bông hoa, ngọn cỏ vẫn dễ dàng hơn tìm hiểu một con người.
Về phần mình, tôi đã luộc chiếc áo nhuộm hoa xuyến chi và rau quế trong 30 phút bằng nước sôi. Kết quả tuy chưa thể gọi là xuất sắc, nhưng chị Hà đã giúp tôi phấn chấn hơn với một vài kinh nghiệm mà chị có:
- Lá cà rốt: Đun lá trong 1 tiếng ở nhiệt độ 165 độ C để lấy nước màu. Sau đó ngâm vải nhuộm vào nước thêm 30 phút nữa.
- Cánh hoa hồng: Đun cánh hoa hồng với lửa lớn đến khi sôi. Hạ lửa nhỏ và tiếp tục đun trong 1 tiếng. Cuối cùng, ngâm vải cần nhuộm trong 2 giờ
- Bắp cải tím: Đun lửa nhỏ trong khoảng 30 phút lấy nước màu. Tiếp theo, thả vải vào và đun trong khoảng 1 tiếng.
4. Kiên nhẫn xem cuộc sống “lên màu”
Nhìn tấm vải lên màu nhạt thếch sau lần nhuộm đầu của mình, ngạc nhiên là tôi thấy vui đến lạ. Người ta nói đi từ số 0 lên số 1 rất khó - đó chính xác là tôi ở thời điểm này. Nhưng điều quan trọng nhất khi tiếp cận bộ môn mới không phải là kết quả, mà là thuần thục từng bước một, trong hành trình đó.
Không phải trải nghiệm nào cũng mang đến một mảng màu rõ ràng, đẹp đẽ. Đôi khi bạn càng làm càng thấy xám xịt, không có lối ra. Nhưng không sao, nhìn những thành quả đẹp đẽ mà chị Hà làm ra, tôi tin rằng rồi mình cũng sẽ làm được những thước vải như thế.
Trong một thế giới nơi ngành công nghiệp thời trang nhanh như thoi, với muôn vô vàn lựa chọn, kỳ lạ thay, khi tự mình làm ra một tấm vải, là lúc tôi cảm thấy thật sự tự do về lựa chọn nhất.