5 Bộ phim để bạn hiểu về “Thương Thân” hơn
Khi thế hệ của những khán giả ra rạp đang dần hướng sự quan tâm đến những vấn đề về sức khỏe tâm lí, Hollywood đã nhanh chóng đáp ứng thị hiếu ấy. Các bộ phim về đề tài này đã từng ngày một trở nên phổ biến hơn trên thị trường.
Tuy nhiên để thật sự làm rõ được chủ đề về sức khỏe tâm lí, nó đòi hỏi ở người viết không chỉ là sự nghiên cứu kỹ lưỡng về chủ đề, mà còn là một lòng thấu cảm khổng lồ về bản chất của con người.
Trong tháng Thương Thân này, hãy cùng Vietcetera điểm qua những bộ phim đã làm tốt được điều đó, cũng như khám phá các thông điệp mà phim muốn gửi tới khán giả.
The Breakfast Club - Câu chuyện đằng sau sự khác biệt
Hội Điểm Tâm (The Breakfast Club) là một nhóm 5 học sinh quen biết nhau qua một buổi sáng bị cấm túc. 5 thành viên của Hội Điểm Tâm đều được xây dựng dựa trên những hình mẫu rất phổ biến trong các bộ phim học đường.
Thậm chí, những tính cách ấy còn được làm rõ hơn qua những hội chứng tâm lí mà biên kịch và đạo diễn, John Hughes, đã ngầm gán lên cho mỗi nhân vật.
John Hughes ngay từ đầu phim đã rất tài tình đặt khán giả vào vị trí của học sinh thứ 6. Chúng ta, cũng như từng người trong Hội Điểm Tâm, đều xem những học sinh còn lại là những người xa lạ, và có phần khó ưa.
Sau đó, cùng với các nhân vật, khán giả dần nghe được những câu chuyện về gia đình và cuộc sống nội tâm phức tạp của từng người trong nhóm, điều gì đã khiến họ trở thành con người như vậy.
Breakfast Club trở thành một bộ phim kinh điển vì nó là bộ phim học đường đầu tiên quan tâm đến nguyên nhân và nguồn gốc của các tính cách bất thường của nhân vật. Từ đó, truyền đi thông điệp rằng sự cảm thông là thứ mà bất kì ai cũng cần có. Dù cho người đối diện có khác biệt với ta như thế nào, họ cũng có những nguyên nhân để trở thành con người như vậy.
It’s Kind Of A Funny Story - Một bệnh viện tâm thần không đáng sợ
Như bạn có thể suy luận được từ cái tên của bộ phim này, It’s Kind Of A Funny Story là một câu chuyện hài hước nhẹ nhàng về một cậu học sinh 16 tuổi tự đưa mình vào bệnh viện tâm thần vì cậu muốn nhận được sự giúp đỡ cho chứng trầm cảm của mình.
Khác với những bộ phim Hollywood khác, bệnh viện tâm thần của It’s Kind Of A Funny Story được khắc họa đúng với thực tế hơn bao giờ hết.
Sự tiếp cận nhẹ nhàng, đôi lúc pha một chút hài hước đã biến một nơi như bệnh viện tâm thần trở nên tràn ngập tình người. Một nơi để các bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tinh thần có thể tìm đến và nhận được sự giúp đỡ cần thiết.
Với một số liệu đáng buồn vào năm 2017 của tổ chức IHME, 10.7% dân số trên thế giới hiện đang mắc phải một hội chứng tâm lí nào đó và có rất ít trong số đó thật sự tìm đến sự giúp đỡ. Một bộ phim như It’s Kind Of A Funny Story là rất cần thiết để từng bước để xóa bỏ những định kiến về sức khỏe tinh thần. Rằng cũng như bao loại bệnh khác, bệnh tâm thần là một căn bệnh, và nó cần được chữa trị.
Inside Out - Học cách chấp nhận cảm xúc tiêu cực
Được đánh giá là một trong các tuyệt tác của Pixar, Inside Out là câu chuyện về sự chấp nhận cảm xúc tiêu cực của một đứa trẻ đang bước vào giai đoạn trưởng thành. Qua 5 nhân vật đại diện cho 5 cảm xúc chủ đạo của con người, Pete Docter, người đứng đằng sau thành công của Up và sau này là Soul, đã biến các vấn đề về tâm lí rất trừu tượng trở nên cực kì trực quan và dễ hiểu.
Inside Out đã rất tinh ý khi đặt tên cho cảm xúc chính của Riley là “Joy” (sự vui vẻ) chứ không phải “Happiness” (Hạnh phúc). Vì đến cuối phim, cả Joy và khán giả đều nhận ra rằng để thật sự đạt đến hạnh phúc, con người cần phải cảm nhận thật nhiều thứ cảm xúc khác nhau.
Điều này hoàn toàn đúng khi một nghiên cứu khoa học gần đây chỉ ra rằng việc cảm nhận nhiều thứ cảm xúc khác nhau sẽ giúp cho sức khỏe tinh thần của bạn tốt hơn rất nhiều. Lắm lúc, cách tốt nhất để đối mặt với cảm xúc tiêu cực là cho phép bản thân chấp nhận nó. Tất cả cảm xúc, bao gồm cả những cảm xúc tiêu cực đều cho phép chúng ta hiểu hơn về bản thân cũng như môi trường xung quanh.
Silver Linings Playbook - Vai trò của xã hội và gia đình
Silver Linings Playbook là chuyến hành trình đi tìm những thứ đẹp đẽ trên cuộc đời của Pat, một người đàn ông với căn bệnh rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder).
Bộ phim không những được đánh giá rất cao về những khắc họa cực kì chính xác của căn bệnh tâm lí khá phức tạp này, nó còn nói đến một vấn đề mà những bộ phim về sức khỏe tâm lí như nó ít chạm đến, đó là vai trò của gia đình và xã hội xoay quanh người bệnh. Rằng một người bệnh nhân tâm lí như Pat không phải là một cá thể đơn độc. Họ là một phần của cộng đồng, một mạng lưới quan hệ có thể giúp họ chữa lành.
Bộ phim khuyến khích cả hai thành phần người xem mở lòng và hành động. Với đa số khán giả, những người thân, người quen của các bệnh nhân tâm lý, bộ phim dạy cho họ tầm quan trọng của sự chăm sóc và quan tâm trong quá trình hồi phục của người bệnh. Và với những người bệnh, Silver Linings Playbook cho họ thấy rằng còn có những người xung quanh để họ có thể mở lòng, rằng họ không một mình trong hành trình chiến đấu với căn bệnh này.
Mary and Max - Biện pháp chữa lành tốt nhất là lắng nghe bằng con tim
Mary, một cô bé 8 tuổi đến từ Melbourne và Max, một người đàn ông 44 tuổi, người Mỹ gốc Do Thái. Mary và Max là bộ phim kể về mối quan hệ kì lạ giữa hai con người này. Họ quen nhau và xem nhau như tri kỉ qua những bức thư tay, gần như không có điểm gì giống nhau, ngoại trừ tình trạng tâm lí của cả hai.
Bộ phim cho ta nhìn cuộc đời qua con mắt của cả hai nhân vật, chúng ta được nghe Mary và Max kể về những lần gục ngã, những thương đau và tiêu cực mà các căn bệnh tâm lý đã gây ra cho họ. Bằng cách tiếp cận thẳng thắn và trực diện, bộ phim gần như ép buộc chúng ta phải đồng cảm với những khó khăn rất thật này.
Tuy chất chứa một câu chuyện buồn, với những nhân vật đáng thương, bộ phim không bao giờ để bản thân nó trở nên vô vọng và tăm tối. Mary và Max đều tìm thấy những cái đẹp của cuộc sống qua những thứ cực kì nhỏ nhặt. Dù cho mọi thứ trong cuộc sống của họ có khó khăn đến đâu, các bức thư đều cho thấy trong đó một thứ hi vọng hạnh phúc rất chân thật
Bộ phim đối xử với cả hai nhân vật như hai con người đang sống trên màn ảnh chứ không phải hai cá thể để khán giả có thể nghiên cứu. Bằng sự chân thật và lòng thấu cảm to lớn, bộ phim đã chứng minh rằng đôi khi, nỗi đau từ tâm lí cũng nên được cảm nhận và đồng cảm thông qua trái tim.