5 Lần Trương Quốc Vinh "làm lại từ đầu"
*Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Hình như ngày 1/4 năm nào tôi cũng có một chút trạng thái lơ lửng và mộng mị như thế này?
8 năm trước, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trương Quốc Vinh, tôi viết để tưởng niệm ngày này. Chỉ để bày tỏ sự tán thưởng và tiếc nuối. Cố tìm ra lời giải đáp, mà bất lực.
5 năm trước, tôi lại đi tìm lời đáp một lần nữa. Lần này là “Thất lạc cõi người” của nhà văn Dazai Osamu, cũng là một kẻ năm lần bảy lượt tự sát. Kết hợp với truyện ngắn “Cơ quan độc lập” của Haruki Murakami, tôi cố tìm cách lý giải, nhưng cũng đành bất lực.
Năm nay tôi không tìm cách lý giải nữa. Có những cuộc đời, những số mệnh như thế, lý giải để làm gì?
Thay vào đó, cả tuần nay, tôi lần lượt xem lại những bộ phim của Trương Quốc Vinh. Xem lại những vai diễn phóng đãng mà yếu đuối, bất cần mà đơn độc, lụy tình mà ngu si, đánh mất rồi mới tiếc nuối… Những vai diễn như gắn chặt vào cuộc đời và số mệnh của Trương Quốc Vinh.
Tôi phải gạt bỏ nhiều bộ phim, để chọn ra 5 bộ phim tình bi, mà xem lại ở thời điểm này, vẫn thấy chúng quá đẹp, hoặc thấm thía, với một trải nghiệm và một nhãn quan mới.
Vinh đặc biệt hợp với những vai phóng đãng và lụy tình, những kẻ tham ái và dục lạc, những kẻ không phân biệt được đâu là đời, đâu là sân khấu, nhập nhằng mãi lộng giả thành chân, tìm trăng nơi đáy giếng.
Đức Phật nói, tham ái và dục lạc là nguồn gốc của khổ đau. Có phải vì vậy mà những vai diễn của Vinh trong các bộ phim tình chưa bao giờ có một kết thúc trọn vẹn.
Anh mải miết đi tìm, mải miết thỏa mãn dục vọng cá nhân, nhưng đứng trước những thử thách của bản thân hay biến cố lớn của thời cuộc thì chọn cách quay lưng hoặc buông tay. Anh trở thành một kẻ yếu nhược hoặc đớn hèn, để rồi vết thương lòng ấy mãi mãi không bao giờ khép miệng.
Cả cuộc đời giờ đây chỉ còn những chuỗi ngày nuối tiếc, như những "cánh chim không chân".
"Tôi đã nghe về một loài chim không chân… Loài chim không chân cứ bay mãi, bay mãi trên bầu trời, và tựa vào cơn gió mỗi khi thấm mệt. Loài chim ấy chỉ đáp xuống một lần trong đời nó… Đó là khi chết đi."
Yên Chi Khâu (Quan Cẩm Bằng, 1987)
Quan Cẩm Bằng là một đạo diễn đồng tính của điện ảnh Hongkong. Ông không nổi tiếng quốc tế như Vương Gia Vệ, Ngô Vũ Sâm hay Hứa An Hoa…; nhưng ông có một vị trí đặc biệt của điện ảnh xứ Cảng Thơm. Phim của ông chủ yếu là phim lụy tình, như Yên Chi Khâu (1987), Nguyễn Linh Ngọc (1991) hay Lam Vũ (2001),…
Với cái “cảm nhận” (sense) rất đặc biệt của một người đồng tính, mà trong đó những nhân vật của ông, thường là những kẻ tham ái, lụy tình, nhưng rồi “Vấp phải đời phàm tục/ Chiếc thuyền tình vỡ tan” (hai câu thơ đề dẫn trong truyện ngắn Nguyễn Thị Lộ của Nguyễn Huy Thiệp).
Yên Chi Khâu, 1987, có lẽ là bộ phim đầu tiên trong những bộ phim lụy tình của Quan Cẩm Bằng, với diễn xuất tuyệt hảo của Trương Quốc Vinh và Mai Diễm Phương, hai kẻ tài hoa đã rời bỏ chúng ta mà đi.
Yên Chi Khâu dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Lý Bích Hoa, một nhà văn nữ nổi tiếng hàng đầu của Hoa ngữ. Bà cũng là tác giả của tiểu thuyết Bá Vương Biệt Cơ, bộ phim vĩ đại mà 6 năm sau Trương Quốc Vinh trở thành bất tử.
Trong Yên Chi Khâu, Vinh thủ vai Thập nhị thiếu gia Trần Chấn Bang, con trai út trong một gia tộc giàu có. Gã ta có vẻ ngoài phong lưu, nho nhã, lại si tình. Muốn gì phải làm cho bằng được. Gã mê muội cô kỹ nữ Như Hoa (Mai Diễm Phương), không chỉ vì nhan sắc, mà còn giọng hát chạm vào đáy lòng. Gã tìm mọi cách chinh phục Như Hoa, nhưng bị cô kỹ nữ phớt lờ.
Bọn họ cuốn vào mối tình say đắm, chìm trong men tình và thuốc phiện. Một trong những bối cảnh (set decoration) đẹp nhất của phim là hình ảnh Như Hoa nằm trong lòng Chấn Bang trong căn phòng sặc mùi nhục cảm, chuyền cho nhau ống hút thuốc phiện, thổi khói mơ màng, bên cạnh bình hoa thược dược đang khoe sắc, rực rỡ như thanh xuân của bọn họ.
Nhưng mối tình của họ không vượt qua được vòng lễ giáo khắc nghiệt của gia đình của Chấn Bang. Bố mẹ gã đến Ỷ Hồng Lầu, kịch liệt phản đối và xúc phạm Như Hoa, bắt gã từ bỏ để trở về với một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối đã được sắp đặt.
Gã phong lưu đa tình ấy, phút chốc trở thành kẻ yếu hèn.
Không dám phản đối mẹ cha, cũng không biết làm gì với cuộc tình mê đắm của mình, họ quyết định tự tử đôi. Cả hai chọn ngày giờ để uống thuốc độc tự tử, hẹn với nhau chỉ cần nhìn thấy dãy số "3318" là sẽ nhận ra nhau ở thế giới bên kia.
Hơn 53 năm sau, Như Hoa trở lại cõi trần, hồn ma vất vưởng của nàng vẫn đi tìm hình bóng năm xưa. Nàng vẫn trang điểm đẹp như kỹ nữ, cổ có đeo chiếc dây chuyền gắn hộp son mà Chấn Bang tặng.
Sau bao ngày phiêu lưu trên cõi trần như thế, Như Hoa cuối cùng cũng phát hiện ra sự thật đau lòng. Thì ra năm xưa, trong cuộc tự tử đôi ấy, chỉ có nàng chết, còn gã Trần Chấn Bang phóng đãng mà đớn hèn ấy may mắn sống sót. Gã đã nôn tất cả đống thuốc ngủ và thuốc phiện ra ngoài. Gã trở về, tiếp tục cuộc sống mà không có Như Hoa.
Đoạn cuối khi Như Hoa gặp Chấn Bang, có lẽ là một trong những hình ảnh đau lòng nhất. Gã đàn ông phong lưu năm xưa, nay là một lão già bệ rạc đang hút thuốc phiện bên đường. Như Hoa bước tới gần, cất tiếng hát nhỏ. Lão già bệ rác như nhận ra điều gì đó đã phủ bóng thời gian.
Như Hoa nói: “Thập nhị thiếu gia, cám ơn chàng vẫn còn nhớ tới em. Hộp son này em đã đeo suốt 53 năm rồi, bây giờ xin trả lại thiếu gia. Em không đợi nữa”.
Nói rồi nàng quay gót, lệ tuôn hai hàng. Lão già bệ rạc đuổi theo, cố cất tiếng gọi yếu ớt, nhưng Như Hoa đã tan biến trong luồng ánh sáng trắng mất rồi.
A Phi Chính Truyện (Vương Gia Vệ, 1990)
Tôi có lẽ không cần nói nhiều nữa khi cả Hongkong và Đài Loan đều xếp bộ phim này vào 1 trong 10 tác phẩm kinh điển nhất của điện ảnh Hoa ngữ. Tôi sẽ chỉ điểm lại một vài nét chính về hình mẫu nhân vật “cánh chim không chân” như một biểu tượng của Trương Quốc Vinh.
A Phi Chính Truyện là bộ phim đầu tiên mà Vinh hợp tác với Vương Gia Vệ. Lão đạo diễn cổ quái ấy có công lớn phát hiện ra một Vinh khác, một vai diễn mà sau này người ta thường so sánh Vinh với James Dean của Rebel Without a Cause (1955).
Cả hai, đều là những gã trai mới lớn, sống những năm tháng hoang dại, với những trận “nổi loạn vô cớ”, thích tự hủy hoại bản thân mình hoặc không có khả năng đón nhận hạnh phúc. Cả hai, đều qua đời rất sớm khi sự nghiệp vẫn ở trên đỉnh cao và trở thành hai biểu tượng "thanh xuân bất tử" của phương Tây và phương Đông.
Húc Tử của Vinh trong A Phi Chính Truyện tiếp tục là một gã trai sành điệu, ăn chơi phóng đãng, tìm quên ngày tháng trong những cuộc tình thoáng qua. Hắn để lại những vết thương lòng cho những cô gái trẻ ngây thơ trong sáng như Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc) hoặc một cô gái nhảy bốc đồng như Mini (Lưu Gia Linh).
Không cô gái nào giữ được chân của Húc Tử cả, bởi gã mang một nỗi mặc cảm lớn với mẹ mình, kẻ đã bỏ gã ra đi từ bé, hay bởi vì gã là một loài chim không chân?
Mạch tự sự dựa vào độc thoại và tâm lý của nhân vật, kết hợp với những góc máy phóng túng, bảng màu tâm trạng và âm nhạc day dứt… là những “dấu ấn độc quyền” của Vệ. Đây đều là những yếu tố được ông ta khởi phát đi từ bộ phim này, sau trở thành một thương hiệu cá nhân mà không kẻ nào có thể bắt chước nổi.
Bá Vương Biệt Cơ (Trần Khải Ca, 1993)
Bá Vương Biệt Cơ, chắc chắn là kiệt tác để đời, là vai diễn vĩ đại nhất của Trương Quốc Vinh. Tác phẩm dựa theo tiểu thuyết của Lý Bích Hoa này là một “siêu phẩm” về văn hóa Trung Hoa, nơi tinh hoa hội tụ, nơi sân khấu và cuộc đời hòa quyện.
Trương Quốc Vinh, tiếp tục thể hiện hình ảnh của một nhân vật vừa mong manh, yếu đuối, duy tình; nhưng đồng thời lại là một kẻ khắc kỷ và bảo thủ đến tận cùng.
Trước binh biến thời cuộc, hết chiến tranh chống Nhật đến Cách mạng Văn hóa, Trình Điệp Y, gã nghệ sĩ Kinh kịch ấy trước sau một lòng, không bao giờ đổi thay như tấm lòng nàng Ngu Cơ dành cho Sở Vương trên sân khấu. Đến mức gã không biết đâu là ảo đâu là thực nữa, đâu là sân khấu đâu là cuộc đời nữa.
Đó là nỗi đau lòng của kẻ không thoát vai. Đó là bi kịch lớn của kẻ tự kỷ ám thị, lộng giả thành chân, tìm trăng nơi đáy giếng, để rồi “vấp phải đời phàm tục, chiếc thuyền tình vỡ tan”.
Để rồi cuối cùng, trong màn trình diễn tái hợp cuối đời với Đoàn Tiểu Lâu trong vở Bá Vương Biệt Cơ, Trình Điệp Y đã rút gươm tự sát như nàng Ngu Cơ, mãi mãi được sống với giấc mơ của mình trên sân khấu.
Sau này, trong lá thư tiễn biệt nhói lòng của nhà văn Lý Bích Hoa, bà có kể lại một lần đối thoại với Vinh về vai diễn, anh chỉ ra ba lý do Trình Điệp Y chọn cái chết của Ngu Cơ để giải thoát cho mình như sau:
“Thứ nhất vì tính cách cứng đầu, thế nên phải chết trước mặt Bá Vương. Thứ hai là Điệp Y muốn dùng cái chết để kết thúc câu chuyện gốc. Thứ ba, một thần tượng được hâm mộ không thể chấp nhận mình già úa đi.”
Cũng Lý Bích Hoa, trong lời tiễn biệt khóc kẻ đầu xanh ấy, đã viết rằng:
“Cậu quá quả quyết. Không ai trên đời này còn được nhìn thấy mái tóc cậu bạc trắng. Còn tất cả mọi người sẽ già nua và xấu xí. Cậu giữ lại là một trong những người đáng yêu nhất. Một huyền thoại. Người có một vẻ đẹp u sầu và tình yêu sâu sắc, nhưng muốn tránh né vết sẹo thường niên.”
Ta còn biết nói gì đây?
Đông Tà Tây Độc (Vương Gia Vệ, 1994)
Lại Vương Gia Vệ, lão đạo diễn cổ quái chỉ làm điều mình thích. Bất chấp những khó khăn thách thức cho lối làm phim thỏa mãn cái tôi cá nhân, để rồi lỗ, lỗ rất nhiều nhưng lão vẫn tiếp tục được làm phim.
Khoác lên mình cái vỏ kiếm hiệp với các nhân vật lừng danh trong vũ trụ kiếm hiệp của Kim Dung, thực chất, bộ phim chỉ là cách mà Vệ luận về tình yêu, triết lý của những thứ đã vĩnh viễn mất đi không bao giờ tìm lại được. “Ký ức” (nào cũng là dòng lệ rơi) – luôn là chủ đề (theme) lớn nhất trong các bộ phim của Vương Gia Vệ, cho dù chúng thuộc thể loại gì đi nữa.
Vinh vào vai Âu Dương Phong, nhân vật xuyên suốt cả bộ phim, kể lại những câu chuyện ân oán giang hồ mà gã từng chứng kiến tại một quán trọ nằm trên sa mạc cát mênh mông.
Những ngôi sao huyền thoại khác của Hongkong như Lương Triều Vỹ, Lâm Thanh Hà, Trương Mạn Ngọc, Lương Gia Huy, Trương Học Hữu, Dương Thái Ni, mỗi người xuất hiện một phân đoạn, để kể câu chuyện ân oán giang hồ (và tình trường) của bọn họ.
Mở phim, Vệ dẫn một câu nói của Kinh Phật: “Kỳ vị động, phong dã vị xuy. Thị nhân đích tâm, tự kỷ tại động” (Cờ chẳng động, gió cũng chẳng lay, mọi sự là do lòng người lay động).
Âu Dương Phong, người Tây Vực, đến từ Bạch Đà Sơn, mở một quán trọ để giúp kẻ khác giải quyết những chuyện mà họ không làm được.
Ngày Kinh Trập (sâu nở) năm đó, gã gặp Hoàng Dược Sư, một kẻ rất cổ quái, đến chỗ của gã để uống rượu. Hoàng Dược Sư mang tới một bình rượu của một người phụ nữ giấu thân phận, nhờ hắn trao lại cho Âu Dương Phong. Bình rượu có tên “Túy sinh mộng tử”. Rượu này khi uống vào thì những chuyện quá khứ đều quên hết.
“Phiền não lớn nhất của đời người là nhớ quá nhiều. Nếu có thể quên hết chuyện quá khứ, thì mỗi ngày đều là một khởi đầu mới. Há chẳng vui hơn sao?” – Hoàng Dược Sư dẫn lời của người phụ nữ đó.
Âu Dương Phong vốn không thích những chuyện cổ quái, nhất định không đụng một giọt bình Túy sinh mộng tử.
Năm xưa, gã từng yêu một người. Nhưng gã không bao giờ nói lời yêu. Gã phiêu bạt giang hồ. Đến ngày trở về, người con gái ấy đã trở thành đại tẩu của gã.
Tử vi của gã nói, cung phu thê thái dương hóa kỵ, hôn nhân hữu thực vô danh. Cuộc đời của gã, chỉ bôn tẩu giang hồ, không chốn dừng chân. Nếu không muốn người ta phụ mình, thì mình phải phụ người ta trước. Chỉ đến khi mất rồi, gã mới biết vĩnh viễn không thể tìm lại.
Vài năm sau, khi nghe tin đại tẩu của gã mắc bệnh mà chết. Đêm đó, thốt nhiên gã thèm rượu, bèn uống cạn bình Túy sinh mộng tử.
Thì ra Túy sinh mộng tử ấy chỉ là một trò đùa. Một khi đã cố quên mà không được, thì chỉ càng nhớ thêm mà thôi. Gã thường nghe người ta nói, nếu không thể có được những gì mình muốn, thì cách duy nhất là đừng cố quên.
Năm sau, Âu Dương Phong trở về Bạch Đà Sơn, trở thành bá chủ của một phương, hiệu xưng là Tây Độc.
Xuân Quang Xạ Tiết (Vương Gia Vệ, 1997)
Bộ phim cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến lần này là Xuân Quang Xạ Tiết (Happy Together, 1997) vẫn là của Vương Gia Vệ. Bộ phim là nơi lần đầu tiên, hai gã diễn viên tài hoa nhất của điện ảnh Hongkong đóng vai một cặp đôi đồng tính.
Họ phiêu bạt từ Hongkong sang Argentina để “làm lại từ đầu”, như lời đề nghị năm lần bảy lượt của Hà Bảo Vinh sau mỗi lần chia tay rồi quay lại.
Lại là một vai diễn “ám vào số mệnh”. Nếu Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ), có phần trầm lắng, thích che giấu nội tâm, thèm khát một cuộc sống yên ổn; thì Hà Bảo Vinh của Trương Quốc Vinh tiếp tục là một kẻ phóng đãng, một kẻ đôi khi không biết mình muốn gì trên cõi đời này.
Gã yêu Lê Diệu Huy, nhưng vẫn tiếp tục ăn chơi phóng đãng và lang chạ với những gã đàn ông khác. Chỉ đến khi chùn chân mỏi gối, gã lại trở về và đề nghị: “Hay là chúng ta làm lại từ đầu?”
Khi bọn họ đến Buenos Aires xa xôi tận Nam Mỹ, Lê Diệu Huy những tưởng Hà Bảo Vinh sẽ quay đầu. Nhưng với cái tính bốc đồng, phóng đãng và buông tuồng ấy, thì làm sao gã quay đầu được?
Gã chỉ yên ổn trong những trạng thái hết tiền, hoặc trên người đầy vết thương. Những lần đấy là những lần Lê Diệu Huy thấy yên bình nhất.
“Đôi khi tôi không muốn Hà Bảo Vinh phục hồi quá nhanh, vì đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất của chúng tôi.”
Nhưng rồi, mọi thứ lại như cũ.
Cuối cùng, Lê Diệu Huy chọn cho mình một kết thúc khác, để chấm dứt vòng luẩn quẩn không lối ra và hành hạ tâm hồn mình. Anh ta tìm đường đến ngọn thác Iguazu, nơi bọn họ từng hò hẹn có sẽ đến cùng nhau, không biết trút gửi nỗi niềm gì trước ngọn thác ngàn vạn năm đó, rồi tìm đường trở về Hongkong.
Còn Hà Bảo Vinh, cứ tin rằng mỗi khi chùn chân mỏi gối, sẽ có Lê Diệu Huy chờ đợi mình. Cho đến khi quay trở lại căn phòng trọ và biết Huy đã ra đi vĩnh viễn, gã chỉ biết ôm chặt tấm chăn mà Huy thường hay đắp, và gào khóc trong câm lặng.
Trong bức thư tiễn biệt của nhà văn Lý Bích Hoa, bà viết:
“Tôi cầu mong cho cậu giải thoát được tâm hồn. Quên đi tất cả điều phiền toái và đau khổ. Tìm được hạnh phúc của riêng mình. Nhớ rằng uống 3 cốc “meng po chai” (chè để quên đi), và bắt đầu lại từ đầu.
Mặc dù những người thân yêu của cậu, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ… hay dù chỉ là một người xa lạ đi ngang qua sẽ nhớ nhung cậu nhưng cậu đã quyết định. Chúng tôi còn có thể nói điều gì?”
Còn tôi thì luôn tự hỏi, trước khi chọn cho mình một cái kết bi tráng đó, có bao giờ Trương Quốc Vinh tự hỏi mình: “Hay là ta sẽ làm lại từ đầu?” trước khi buông mình xuống như cánh chim không chân?