Tôi là ai? Tìm câu trả lời qua 5 phim ngắn về người gốc Việt

Các nhà làm phim trẻ gốc Việt nói gì khi nói về chính mình?
An Bảo
Nguồn: Jeannie Nguyen, Carol Nguyen, Bao Nguyen

Nguồn: Jeannie Nguyen, Carol Nguyen, Bao Nguyen

Rời quê hương đến phương Tây, người gốc Việt sẻ chia hoài bão với phần lớn các cộng đồng dân nhập cư châu Á khác. Đó là khát vọng về một cuộc sống bình yên, an sinh xã hội đảm bảo, và tương lai rộng mở. Song, người gốc Việt nói riêng với quá khứ nhiều mất mát và biến thiên, khi làm nghệ thuật, thường trở đi trở lại với những câu hỏi về danh tính.

5 phim ngắn sau là 5 góc nhìn xoay quanh cuộc sống người gốc Việt ở phương Tây. Đa phần chúng xuất phát từ sự tự vấn và tự chữa lành của chính người làm phim. Nhưng về gốc rễ, chúng nêu ra những trăn trở rất Việt Nam mà phần đông chúng ta đều có thể đồng cảm.

1. First Generation (2017) - Jeannie Nguyen

Là phim ngắn đầu tay của hai nhà làm phim trẻ Jeannie Nguyen và Andrew Yuyi Truong, First Generation khám phá câu chuyện của Mỹ-Linh, một cô gái luôn bị giằng xé giữa hai nền văn hóa mà cô cùng lúc thuộc về. Vấn đề khủng hoảng danh tính không chỉ tồn tại trong những năm 90 nơi diễn ra chuyện phim, mà vốn là chủ đề thường xuyên của những cuộc bàn luận trong cộng đồng những người sinh ra và lớn lên là thế hệ nhập cư đầu tiên.

Không có một cốt truyện cụ thể, First Generation thành hình qua những lát cắt đời sống, các chi tiết vụn vặt như chuyện thay kính áp tròng, nhuộm tóc, hay bữa trưa ở trường. Ngôi nhà rất Việt Nam của nhân vật bị bao vây bởi văn hóa đại chúng Mỹ, như cuộc chiến không ngừng nghỉ trong đầu Mỹ-Linh về danh tính của cô.

Cùng với nhiều người Mỹ nhập cư khác, Mỹ-Linh đứng giữa hai lựa chọn: Thay đổi màu tóc và màu mắt để không-tạo-chú-ý, hoặc sống đúng với bản sắc và chấp nhận khác biệt.

Sau First Generation, Jeannie Nguyen và Andrew Yuyi Truong không ngừng lại mà tiếp tục đào sâu các khía cạnh khác trong cùng chủ đề. Các phim tiếp theo như Sigh Gone, First Generation (2020) là sự trưởng thành của cả hai về phong cách nghệ thuật, kỹ thuật làm phim, và nhất là cách chiêm nghiệm về thế hệ trẻ gốc Việt ở Mỹ trong bối cảnh xã hội và văn hóa đương thời.

2. Nước (Water/Homeland) (2016) - Quyên Le-Nguyen

Trôi chảy và đa nghĩa như chính tựa đề, Nước (Water/Homeland) là bức chân dung về những người cùng lúc sở hữu nhiều định danh. Thuộc dạng phim thể nghiệm, tác phẩm dùng sự đan xen hiện tại và quá khứ, hiện thực và tưởng tượng, để miêu tả mối quan hệ đa chiều giữa một thiếu niên đồng tính người Mỹ gốc Việt với cội nguồn của mình.

Trong phim, vấn đề giới tính dường như không hiện diện. Thay vào đó là những khai phá về lịch sử gia đình qua những bức ảnh, qua cuộc đối thoại trên bàn ăn. Đó cũng là cách mà đạo diễn Quyên Le-Nguyen tri ân văn hóa yêu thương của người Việt, một văn hóa yêu thương thông qua phục vụ. Chúng ta nấu ăn, lo lắng, thông cảm thay vì nói thương nhau. Nhất là khi giữa những người trong gia đình, còn là khoảng cách ngôn ngữ.

Với nhà làm phim Quyên Le-Nguyen, Nước (Water/Homeland) bắt đầu chuỗi các phim ngắn như Queer Vietnameseness, Hoài (Ongoing, Memory). Mang đậm màu sắc tâm lý và đề cập thẳng đến những bất cập xã hội, các tác phẩm của Quyên Le-Nguyen tiên phong khắc họa cuộc sống gian nan nhưng ít được nói đến của nhiều người gốc Á trong cộng đồng LGBT+.

3. Where Are You Really From? (2019) - Bảo Nguyễn

Bảo Nguyễn là một trong những nhà làm phim người Mỹ gốc Việt trở về hoạt động và đóng góp tích cực cho nền điện ảnh Việt nhiều năm trở lại đây. Anh tham gia dưới vai trò nhà sản xuất của phim Ròm (Trần Thanh Huy) và Nước 2030 (Nguyễn Võ Nghiêm Minh). Gần đây, phim tài liệu Be Water về Lý Tiểu Long do anh đạo diễn được công chiếu tại LHP Sundance 2020 và đài ESPN, càng khẳng định tên tuổi của Bảo Nguyễn trên thị trường điện ảnh quốc tế.

Tuy nhiên, với Where Are You Really From?, Bảo không kể câu chuyện của bất kỳ ai mà của chính anh, một đứa con được sinh ra ở Mỹ bởi những thuyền nhân người Việt. Bộ phim tài liệu ngắn được kể qua lời tự sự của anh và cha mẹ, là tổng hòa của rất nhiều truy vấn về gốc gác, quê hương của cả ba người. Anh trở về Việt Nam để tìm về nơi đã sinh ra người thân, nhưng cũng là để tìm về chính mình.

Bài kiểm tra ADN ở đầu phim là biểu hiện chung của nhiều người Mỹ gốc Á như Bảo, sự tò mò đến cùng cực về danh tính. Như nhà làm phim tâm sự: “Ở Mỹ, tôi luôn cảm thấy mình là người Việt. Nhưng ở hầu hết mọi nơi khác trên thế giới, tôi thấy mình rất Mỹ.” Cuối phim, kết quả gửi về cho thấy anh 100% là người Mỹ, và 100% là người Việt.

Điều này phải chăng đã khẳng định: Ở những người như Bảo, việc có một dấu gạch nối trong định danh (như Vietnamese-American), thực chất là một dấu cộng?

4. Zoe and Hạnh (2020) - Kim Tran

Với người Việt, nói về tình dục không dễ, dù là trên màn ảnh. Nhưng với Zoe and Hạnh, cuộc bàn luận về “chuyện ong bướm” giữa mẹ và con gái là bối cảnh chính của phim.

Sự kết nối về mặt tâm lý giữa các thế hệ, quyền riêng tư, giáo dục giới tính, là một số vấn đề được đặt ra qua Zoe and Hạnh. Phim không có những góc quay đẹp khiến ta phải xuýt xoa, mà đa phần là những cú máy chông chênh đầy dụng ý. Có lẽ, một chút cởi mở là điều cần thiết trước khi bạn bước vào thế giới của phim.

Bên cạnh vai trò đạo diễn và biên kịch, Kim Tran còn đảm nhiệm vai diễn chính trong phim. Sự cam kết và dũng khí mà Kim dành cho tác phẩm đã góp phần mang Zoe and Hạnh đến các liên hoan phim ngắn quốc tế như SXSW Film Festival 2020, Palm Springs International ShortFest 2020, Vimeo Staff Pick 2020, v.v.

5. No Crying at the Dinner Table (2019) - Carol Nguyen

Không phải giới tính hay tình dục, nỗi đau mới là điều tối kỵ nhất để đề cập trên bàn ăn. Vốn dĩ, người Việt hay người châu Á nói chung thường được dạy về sự kìm nén cảm xúc từ khi còn bé. Do đó, “cuộc thí nghiệm” mà Carol Nguyen tạo nên với No Crying at the Dinner Table trong chính gia đình mình là một trải nghiệm nghe - nhìn không chỉ đột phá, mà còn đầy thấu cảm.

“Chấn thương tâm lý liên thế hệ” (Intergenerational Trauma) là từ mà một vị giám tuyển đã dùng để nói về tác phẩm này. Trước đó, Carol chỉ nghĩ đơn giản về một thước phim tài liệu ghi lại cách ba mẹ và chị gái cô, những người Canada gốc Việt, đối diện với những cảm xúc thầm kín nhất. Vị nữ đạo diễn tiến hành phỏng vấn từng thành viên. Sau đó, cô tập họp mọi người tại bàn ăn, và lần lượt để họ nghe lại những chia sẻ ấy.

Cứ thế, bàn ăn tối trở thành nơi từng ngóc ngách tâm hồn lộ diện. Và khán giả có dịp nhìn thấy hình ảnh của chính mình qua quá trình “chữa lành” trên màn ảnh.

Riêng tư, nhưng bất kỳ ai cũng có thể đồng cảm, điều này làm nên sự đặc biệt của No Crying at the Dinner Table. Ra mắt tại Toronto Film Festival 2019 và giành giải Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất tại SXSW Film Festival 2020, bộ phim trở thành tác phẩm thành công nhất của Carol đến thời điểm hiện tại.

Trước đó, gia đình cũng góp mặt trong nhiều phim ngắn khác do Carol đạo diễn, như Tundra, Every Grain of Rice, v.v. Có thể thấy, trong rất nhiều đề tài về người nhập cư, gia đình và thế hệ là những quan tâm cốt lõi của nhà làm phim sinh năm 1998 này.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục