7 Từ tiếng Anh để hiểu thêm về cuộc chiến ở Afghanistan
Ngày 15/08 vừa qua, cuộc chiến tại Afghanistan đã chính thức khép lại. Sau 20 năm khói lửa, lực lượng Taliban một lần nữa nắm quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ.
Với riêng nước Mỹ, đây được xem là cuộc chiến dai dẳng và tốn kém nhất từ trước đến nay. Trải qua 4 đời tổng thống, tiêu tốn hàng nghìn tỷ đô, nước này và các đồng minh đã tham gia vào một cuộc xung đột chính trị phức tạp, mà dư chấn của nó sẽ còn kéo dài mãi về sau.
Sau đây là 7 từ khóa giúp bạn có một cái nhìn toàn cảnh hơn, về những gì đã và đang diễn ra xung quanh cuộc chiến này.
1. Insurgent
Insurgent nghĩa là phiến quân, những người đấu tranh vũ trang nhằm chống lại chính quyền của một đất nước. Từ này được dùng để miêu tả các lực lượng bạo động tự phát, mà Taliban là một ví dụ. Kể từ khi bị lật đổ vào năm 2001, Taliban đã liên tục tổ chức các cuộc khủng bố, du kích chống lại quân đội chính quy, cũng như quân Mỹ và các nước đồng minh.
Tổ chức quân sự Hồi giáo này đã từng thống trị Afghanistan giai đoạn 1996-2001, sau khi giành ưu thế trong cuộc Nội chiến Afghanistan. Xuất phát từ một phong trào sinh viên, phiến quân Taliban tin rằng tình trạng hỗn loạn, các cuộc tranh giành quyền lực, đều xuất phát từ việc người dân không tuân theo các quy tắc đạo đức của đạo Hồi.
Do đó, khi cầm quyền, Taliban đã áp đặt nhiều chính sách cai trị hà khắc trên cơ sở “luật Hồi Giáo Sharia”, buộc người dân phải tuân thủ hoặc chịu hình phạt nặng nề. Đơn cử, phụ nữ dưới thời này bị cấm đi học và đi làm, luôn phải trùm khăn che kín người, hay không thể ra đường nếu không có đàn ông trong nhà đi cùng.
2. Terrorism
Hẳn không ai trong chúng ta có thể quên sự kiện ngày 11/09/2001 tại New York, khi tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã tấn công nước Mỹ và gây nên cái chết của gần 3 nghìn người dân vô tội. Sự kiện này là ví dụ điển hình nhất trong lịch sử về hành vi khủng bố (terrorism), tức sử dụng vũ lực để gây thương vong cho dân thường, nhằm đạt được các mục đích chính trị.
Sự kiện 11/09 còn được xem là “ngòi nổ” khởi động cuộc chiến tranh Afghanistan năm đó. Với nhận định rằng chính quyền Taliban bấy giờ đã biến Afghanistan trở thành căn cứ của các tổ chức khủng bố, mà Al-Qaeda là một ví dụ, Mỹ đã khai chiến nhằm lật đổ Taliban, sau đó hậu thuẫn cho sự thành lập nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan.
Như vậy, việc Taliban lên nắm quyền có làm tăng trở lại nguy cơ khủng bố hay không? Đó là một câu hỏi lớn dành cho giới chính trị gia, lẫn những người thuộc phía Taliban. Vì nếu muốn có được sự công nhận trên trường quốc tế, Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken cho rằng có thể Taliban sẽ không muốn lặp lại việc cổ xúy cho các tổ chức như Al-Qaeda.
3. Allies
Allies là các nước đồng minh, cùng hợp sức và giúp đỡ lẫn nhau nhằm đạt được các mục tiêu chung về kinh tế, chính trị, quân sự. Đó là lý do vì sao ngoài Mỹ, chiến trận ở Afghanistan còn có sự tham gia của quân đội từ nhiều nước khác nhau, với phần đông thuộc khối quân sự NATO.
NATO là từ viết tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization), một liên minh quân sự gồm Mỹ, Canada và 28 nước châu Âu, được thành lập năm 1949.
Thuở ban đầu, mục đích của NATO là hợp sức nhằm chống lại sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu. Nên trong hiến chương, các nước NATO cam kết rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào chống lại một trong số họ, đều sẽ được coi là chống lại tất cả các thành viên còn lại.
Sau sự kiện 11/09, chính cam kết này là cơ sở để NATO thể hiện sự đoàn kết, cùng Mỹ tham gia vào cuộc chiến ở Afghanistan. Đỉnh điểm là năm 2011, hơn 130 nghìn quân lính từ 51 quốc gia đồng minh trong và ngoài NATO, đã có mặt tại đất nước Hồi giáo này. Bên cạnh việc trực tiếp tham chiến, NATO cũng hỗ trợ huấn luyện quân lính và cảnh sát, giúp chính quyền Afghanistan bấy giờ thành lập Không quân.
Trong cuộc chiến Afghanistan, có khoảng 3.500 quân lính từ các nước đồng minh đã tử trận, trong đó có khoảng 2.400 người Mỹ. Tại thời điểm này, khi Taliban đã hoàn toàn nắm quyền, các đại diện còn lại của NATO tại đây hiện vẫn đang “giữ cửa” sân bay Kabul, nhằm hỗ trợ cho các cuộc sơ tán.
4. Transitional/Provisional government
Transitional government là chính phủ lâm thời, một cơ quan ra đời nhằm quản lý quá trình chuyển giao chính trị. Khi một quốc gia vừa sinh ra hoặc vừa trải qua sự sụp đổ chính quyền, một chính phủ lâm thời sẽ được khẩn cấp thành lập.
Năm 2002, sau khi Mỹ và đồng minh lật đổ chế độ Taliban, một chính phủ lâm thời có tên Transitional Islamic State of Afghanistan (TISA) đã được bầu ra để điều hành nhà nước. Sau 2 năm, tổng thống Hamid Karzai của TISA tiếp tục nắm quyền, khi chính phủ lâm thời này chuyển thành một nhà nước chính thức.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, trái với những tuyên bố từ cựu chính quyền, phía Taliban cho biết sẽ không có một chính phủ lâm thời nào, mà họ sẽ ngay lập tức tiếp quản đất nước.
5. Withdrawal
Withdrawal là sự rút quân, thường diễn ra trong hoặc sau khi chiến tranh kết thúc. Với cuộc chiến tại Afghanistan, kế hoạch rút quân của chính phủ Mỹ và NATO đã trải qua nhiều thay đổi. Gần đây nhất, vào đầu tháng 7, tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ rút toàn bộ binh lính về nước trước cuối tháng 8 này.
Quyết định rút quân của Mỹ nằm trong một thỏa thuận hòa bình với Taliban. Ngày 29/02/2020, hai bên đã ký cam kết ngừng bắn và trao trả tù binh.
Tuy nhiên, trước tình hình sơ tán hỗn loạn, Mỹ vừa đưa thêm 1.000 binh lính đến Kabul, nâng tổng số quân Mỹ tại thủ đô Afghanistan lên đến 6.000 người. Đây là lực lượng sẽ thực hiện các nhiệm vụ quân sự cần thiết cho cuộc di tản của hàng nghìn công chức Mỹ, cũng như các gia đình Afghan làm việc cho đại sứ quán nước này.
6. Refugee
Refugee hay người tị nạn, là những người phải di tản khỏi đất nước vì chiến tranh, bạo động, khủng bố. Theo Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR), người tị nạn được bảo hộ và hỗ trợ xây dựng cuộc sống mới ở các quốc gia khác, sau khi họ rời quê hương để tránh các xung đột về sắc tộc, tôn giáo, chính trị.
Trong lịch sử, làn sóng tị nạn dâng cao nhất sau các cuộc Thế chiến, nạn diệt chủng, hay nổi bật là cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau năm 1975, thế giới ghi nhận đã có hơn 700 nghìn người tị nạn gốc Việt theo diện thuyền nhân được tiếp nhận định cư tại các quốc gia khác.
Tại Afghanistan, kể từ đầu cuộc chiến đến nay, đã có khoảng 2.5 triệu người tị nạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Ngay sau khi thủ đô Kabul thất thủ, hàng nghìn người nhanh chóng tập trung ở sân bay để tìm cách thoát khỏi đất nước.
Trước tình hình này, Anh và Canada vừa thông báo sẽ tiếp nhận khoảng 20 nghìn người tị nạn Afghan trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, số lượng tối đa mà Mỹ tiếp nhận là khoảng 30 nghìn người. Phụ nữ, trẻ em, cộng đồng tôn giáo thiểu số sẽ là những đối tượng được ưu tiên.
7. The fall
Trong chiến tranh, ‘the fall’ thường chỉ sự sụp đổ của một đế chế, chính quyền. Cụm từ này gắn liền với hình ảnh quân đội phe đối địch tiến vào thủ đô, chiếm lĩnh các yếu điểm về quân sự của chính phủ đương thời.
Vì vậy, việc quân Taliban giành được quyền kiểm soát thủ đô Kabul, tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước, quan chức Mỹ lên trực thăng rời đại sứ quán, được xem là dấu chấm hết cho chính quyền Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan.
Sau khi Kabul thất thủ, người dân nước này đứng giữa hai ngã rẽ, hoặc bằng mọi giá thoát khỏi đất nước, hoặc tuân theo sự cai trị của chế độ mới. Dù chọn con đường nào, tương lai của họ đều là một dấu hỏi lớn.