Ai đã định giá cho đồng Pi 7 tỷ?
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Ngày 25/6 vừa qua tại một nhà hàng ở Thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh, có hơn 1.500 người đã tham gia buổi offline với chủ đề "Viet Nam GCV 314.159 Event" để bàn về giá cho đồng Pi. Theo những hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội sau hôm đó, rất nhiều người mặc áo màu tím, sau lưng có logo của tiền ảo Pi.
Được biết, những người tham gia phải đặt chỗ và mua vé với giá 390.000 VND. Tính trung bình, mỗi người phải bỏ ra khoảng 1 triệu VND để có thể tham dự sự kiện, bao gồm chi phí mua áo, mua vé, ăn uống,...
Tại sự kiện, một số mặt hàng có giá trị như: Xe máy, tivi, máy giặt, tủ lạnh… đã được các thành viên trong Ban tổ chức cũng như những người đào Pi tiên phong mang đến để trao đổi. Cùng với đó, họ cũng đồng thuận giá trị 1 đồng Pi bằng 7 tỷ VND, tương đương 314.159 USD.
Ngay sau khi các hình ảnh và thông tin về sự kiện được chia sẻ và gây tranh cãi, công an tỉnh Bắc Ninh đã chính thức vào cuộc để xác minh.
2. Ai định giá đồng Pi 7 tỷ?
Thời điểm hiện tại - tháng 6/2023, Pi Network vẫn chưa có ví. Đồng Pi chưa được phép giao dịch dù là giữa các tài khoản nội bộ của Pi network, và đương nhiên cũng chưa có cơ sở nào để định giá của nó. Sau 3 năm vận hành, giá của Pi vẫn đang bằng 0, theo công bố từ trang chủ dự án.
Trên thực tế, việc quy đổi, giao dịch Pi hiện nay đang được thực hiện dưới dạng OTC (người dùng tự thương lượng, đồng thuận giá). Đồng thời, một số người quảng bá hoạt động mua bán hàng hóa, trả bằng đồng Pi.
Tuy nhiên, đây là hành vi vi phạm pháp luật nước ta. Bởi vì, theo nghị định 80/2016 của Chính phủ, các loại tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định từ năm 2014, rằng tiền ảo không phải là tiền tệ.
Như vậy, kết quả trong sự kiện offline tại Bắc Ninh vừa qua, giá trị 7 tỷ VND của một Pi hoàn toàn không có cơ sở pháp lý hay bảo đảm của bất bên giao dịch nào. Đây là định giá từ một phía, do mọi người ở đó tự cam kết và "đồng thuận" với nhau.
3. Đồng Pi giữ giá như thế nào?
Đồng Pi là một dạng Blockchain xuất hiện tại Việt Nam kể từ năm 2019. Để sở hữu Pi, người dùng phải "đào" bằng cách tải app Pi Network về điện thoại di động. Sau đó, việc "thợ đào" cần làm là tạo tài khoản Pi, thực hiện xác thực danh tính cá nhân gồm ảnh chụp hộ chiếu, số điện thoại, email… rồi mới truy cập vào ứng dụng và nhấn vào biểu tượng tia sét để nhận Pi mỗi ngày.
Như vậy có thể hiểu, đồng Pi được giữ giá dựa trên số lượng người tải về và sử dụng ngày càng nhiều, cũng như lượt truy cập hàng ngày. Hơn nữa, để tăng tốc độ đào Pi thì cần giới thiệu thêm nhiều người bạn, đây có thể là dấu hiệu của mô hình đa cấp với hứa hẹn lợi nhuận gia tăng.
Nhiều người trong cộng đồng Pi hào hứng tham gia, hoặc "thử một lần cho biết" phần lớn cho rằng bởi vì đào Pi không mất gì. Nhưng sự thật không phải như thế, chắc chắn người dùng sẽ mất thông tin cá nhân khi xác thực, mất thời gian, mất tài nguyên của điện thoại, và có thể mất thêm thông tin khác trong máy (vì Pi Network yêu cầu nhiều quyền can thiệp vào máy).
Sau 4 năm hoạt động, ứng dụng Pi Network thường xuyên nằm trong danh sách ứng dụng mạng xã hội được tải về nhiều nhất trên iOS tại Việt Nam. Trong khi đó, ứng dụng “đào Pi” trên Android đạt hơn 10 triệu lượt tải về. Đây là một con số “khủng" và mục tiêu của bất cứ ứng dụng nào tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Zing News, khi làm thử thí nghiệm mở mã nguồn của Pi Network trên Android, ông Nguyễn Việt Dinh, Trưởng mảng công nghệ công ty Symper cho biết ứng dụng chứa nhiều thư viện quảng cáo phổ biến, cách vận hành tương tự phiên bản của một website. App hiện nay đơn thuần chỉ để đăng nhập điểm danh và hiển thị để xem thông tin, giống các website bình thường khác. Các tính năng của app cũng chỉ là tính năng có trên phiên bản web, chứ không có gì đặc biệt.
4. Đồng Pi và cộng đồng Pi phát triển dựa trên những lý do gì?
Tháng 6/2022, phía dự án Pi Network công bố rằng họ hiện có 35 triệu người dùng trên rất nhiều quốc gia. Sau một năm, thời điểm hiện tại là tháng 6/2023, con số này chắc chắn đã tăng lên hơn thế.
Cuối năm ngoái, cộng đồng Pi Network như được thắp lên hy vọng khi tiền ảo này xuất hiện trên một số sàn giao dịch. Nhưng ngay lập tức sau đó, trái với kỳ vọng, đồng Pi được niêm yết thực chất do các sàn tự tạo ra theo hình thức ghi nợ IOU (I Owe You). Có nghĩa là, sàn sẽ niêm yết một đồng tiền số từ trước để người dùng có thể giao dịch, sau đó sẽ trả bằng đồng thật khi dự án phát hành chính thức. Và kết quả là, những người sở hữu đồng Pi lại tiếp tục chờ đợi đến khi phát hành chính thức.
Ngoài ra, những người phát triển mạng lưới Pi đã rất khéo léo khi khai thác hiệu ứng tâm lý FOMO và suy nghĩ của người dùng rằng, có cài chương trình thì cũng chẳng mất gì. Bên cạnh đó, điểm gây chú ý nhất và cũng được nhiều người sử dụng để nói rằng Pi sẽ thành công là hồ sơ của những người nhà sáng lập dự án.
Họ đều là tiến sĩ của đại học Stanford. Trong đó, ông Nicolas Kokkalis đứng đầu về mặt kỹ thuật, là giáo viên trong lớp học đầu tiên của Stanford về các ứng dụng phi tập trung. Tuy nhiên, chúng ta đều biết, chẳng có gì để đảm bảo rằng người đứng đầu có học vấn cao thì dự án sẽ thành công.
Qua những sự kiện như ở Bắc Ninh, các nguồn thông tin được truyền bá như Pi sẽ trở thành một hiện tượng Bitcoin tiếp theo, mọi người sẽ xuất hiện một nỗi sợ bị bỏ lại. Nếu bạn không tham gia, tất cả sẽ trở thành triệu phú trừ bạn.
Cuối cùng, do không có quy luật cụ thể, trên các cộng đồng Pi tại Việt Nam, nhiều người đề xuất những con số từ dưới một USD cho đến vài chục nghìn USD. Khi những thông tin dạng này liên tục xuất hiện, không ít người kỳ vọng sự "đổi đời" nhờ sở hữu hàng nghìn Pi, hay kiếm được cả nghìn USD mỗi ngày nhờ điểm danh và nhận đồng Pi trên ứng dụng.
5. Tương lai nào cho đồng Pi?
Theo thống kê trên Google Trends và bảng xếp hạng ứng dụng trên App Store, Google Play, vào mỗi giai đoạn dự án này hứa hẹn, lượng tìm kiếm và tải về ứng dụng Pi Network, Pi Browser lại tăng vọt, sau đó giảm dần. Dự án đã không đưa ra một lộ trình phát triển đáng tin cậy hay một mốc thời gian cụ thể cho những người tham gia.
Hơn nữa, từ lâu chúng ta đều biết, đồng Pi thiếu tính minh bạch của một blockchain. Với một ứng dụng di động được mở ra và các máy chủ xử lý thực tế, họ lại không cung cấp mã nguồn mở cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, với con số trên 35 triệu người dùng như báo cáo của Pi Network thì tiềm năng về thương mại của Pi có thể sẽ rất lớn. Nhưng mặt khác, rủi ro cao cũng được nhìn thấy là nếu Pi được niêm yết trên sàn giao dịch, sẽ có một đợt bán tháo điên cuồng khiến Pi lại quay về giá trị 0.
Cũng có một phương thức khác để giúp Pi đạt được những giá trị về thương mại khi chính thức niêm yết, là xây dựng các ứng dụng phi tập trung dựa trên nền tảng mạng lưới Pi. Hiện tại, ứng dụng của Pi chưa tạo ra giá trị gì. Và vấn đề khai thác giá trị nội tại của mạng lưới Pi cần phải trông đợi vào những nhà phát triển.
Tóm lại, tiền mã hóa như đồng Pi vẫn là cuộc chơi riêng của giới đầu cơ và trader. Còn một khoảng cách rất lớn để nó trở thành một phương tiện giao dịch cho những người dùng phổ thông.