Câu hỏi 64 tỷ USD: Ai là cha đẻ Bitcoin?
1. Chuyện gì đang xảy ra?
Tòa án bang Florida đang thụ lý một vụ kiện về quyền sở hữu dữ liệu cache của 1 triệu Bitcoin, tương đương khoảng 64 tỷ USD. Theo đó, phía nguyên đơn, gia đình Kleiman cho rằng David Kleiman cũng là một trong hai người, bên cạnh Craig Wright, đã sáng lập nên loại tiền mã hóa này và đồng sở hữu 1 triệu Bitcoin kể trên.
Vào năm 2016, trên một số tờ báo lớn, Craig Wright đã tự nhận mình là Satoshi Nakamoto, người được cho là cha đẻ Bitcoin. Trước đơn kiện của gia đình Kleiman, Craig Wright cho rằng không có sự hợp tác nào ở đây, và chỉ có mỗi mình đứng sau cái tên Satoshi Nakamoto.
Dù vậy, Craig Wright vẫn chưa chứng minh được rằng mình là Satoshi Nakamoto, và danh tính thật sự của cha đẻ Bitcoin vẫn là một dấu hỏi lớn.
2. Satoshi Nakamoto là ai?
Satoshi Nakamoto là cái tên bí ẩn đại diện cho người hoặc nhóm người đã tạo ra Bitcoin, đặt nền móng cho hệ thống blockchain. Là nhà sáng lập, Satoshi được cho là đang nắm giữ từ 750 nghìn đến 1,1 triệu Bitcoin, và chưa từng bán ra một đồng nào từ đó đến nay (theo nhà nghiên cứu Sergio Lerner).
Cái tên này xuất hiện lần đầu tiên trên Bitcoin white paper, một bài nghiên cứu dài 9 trang được tung ra vào ngày 31/10/2008 nhằm giải thích về cơ chế hoạt động của hệ thống tiền mã hóa peer-to-peer (giao dịch không qua trung gian) này.
Trong 2 năm sau đó, Satoshi đã tiếp tục phát triển Bitcoin cùng với các lập trình viên khác bằng cách gửi mail đến các nhà phát triển phần mềm trên khắp thế giới, tự mình code, chỉnh sửa và hoàn thiện hệ thống. Đến 2010, Satoshi thông báo rằng mình sẽ rút khỏi dự án, giao lại quyền kiểm soát cho Gavin Andresen, một kỹ sư phần mềm trong đội ngũ, và “bốc hơi” sau đó.
Đến nay, giá trị của Bitcoin đã tăng hàng chục nghìn phần trăm, giá trị vốn hóa trên 1 nghìn tỷ USD. Tuy vậy, tính ẩn danh của nó lẫn người tạo ra nó vẫn không thay đổi.
3. Có cách nào để xác định danh tính của cha đẻ Bitcoin?
Chỉ có một bằng chứng đáng tin nhất để xác thực cha đẻ Bitcoin, đó là khóa riêng tư (private key) dùng truy cập vào tài khoản chứa 1 triệu Bitcoin của Satoshi Nakamoto. Một người có thể nói rằng họ chính là Satoshi, bằng cách di chuyển dù chỉ một phần nhỏ của 1 coin ra khỏi tài khoản mà Satoshi sở hữu.
Với Bitcoin, mỗi người đều sở hữu một khóa riêng tư và một khóa công khai (public key). Trong khi khóa công khai tương tự địa chỉ nhà, giúp một người có thể gửi và nhận Bitcoin từ bên ngoài. Thì khóa riêng tư là mật mã duy nhất cho phép một người truy cập vào tài khoản của mình để chi tiêu lượng tiền mình sở hữu.
4. Ngoài Craig Wright, còn những ai bị nghi ngờ hoặc tự nhận mình là cha đẻ Bitcoin?
Hầu hết các nhân vật nổi bật nhất trong giới cryptography (mật mã học) và khoa học máy tính đã từng bị nghi ngờ là Satoshi Nakamoto. Tất cả đều phủ nhận hoặc không có đủ bằng chứng để khẳng định mình là cha đẻ Bitcoin.
Những người từng được cho là Satoshi nổi tiếng có Dorian Satoshi Nakamoto, Hal Finney, Nick Szabo, và Craig Wright. Ngược với Craig Wright, người luôn khăng khăng mình là cha đẻ Bitcoin nhưng bị chỉ trích thậm tệ vì thiếu căn cứ, Dorian Satoshi Nakamoto vì một bài báo trên Newsweek mà bất đắc dĩ phải lên tiếng để khẳng định rằng mình không phải là “người đó”.
5. Những lý do nào có thể khiến cha đẻ Bitcoin không muốn lộ diện?
Luôn có nhiều “thuyết âm mưu” xung quanh cái tên Satoshi Nakamoto. Có người cho rằng người này vốn đã là một tỷ phú, do đó không khai thác 1 triệu Bitcoin trong tài khoản cũng chẳng sao. Người khác thì cho rằng vì những rắc rối pháp lý có thể vướng phải, lựa chọn an toàn nhất cho Satoshi chính là ẩn danh.
Vốn là hệ thống tiền tệ phi tập trung, không qua trung gian, Bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác có thể khiến các ngân hàng trung ương mất dần vị thế trong việc điều phối nguồn tiền. Sự đột phá trong cơ chế giao dịch của Bitcoin cũng có thể khiến cách vận hành xưa nay của hệ thống tài chính thế giới bị phá vỡ, do đó có thể được xem là mối nguy hại với các chính phủ.
Cũng có giả thiết cho rằng cha đẻ của Bitcoin muốn thông qua sự ẩn danh của mình để quảng bá tính ẩn danh của đồng tiền này. Vì với tiền mã hóa, danh tính của người mua và người bán không được tiết lộ, giao dịch diễn ra trong sự riêng tư tuyệt đối. Do đó qua việc không lộ diện và không ai biết danh tính, cha đẻ của đồng tiền này đang tuyên bố cho cả thế giới rằng, đồng tiền của mình thật sự bảo mật.
6. Ngày Satoshi Nakamoto bán ra 1 triệu Bitcoin, chuyện gì sẽ xảy ra?
“Giá Bitcoin có thể sẽ trượt dốc không phanh”, chuyên gia của sàn Coinbase nhận định. Vì nếu tung ra cùng lúc 1 triệu coin, tức 5% trong tổng số 21 triệu coin có thể khai thác, Satoshi có thể làm thị trường tiền mã hóa này loãng đột ngột. Chưa kể, một khi giá Bitcoin lao dốc, giá của hàng loạt đồng mã hóa khác cũng có thể giảm theo. Kết quả là cả thị trường cryptocurrency sẽ biến động ở một mức độ chưa từng thấy.
Tuy nhiên, dù viễn cảnh này có xảy ra hay không, thì với tính chất bảo mật của giao dịch Bitcoin, chúng ta cũng không thể biết người đã tung ra 1 triệu coin đó thực sự là ai trừ khi họ tiết lộ danh tính.
7. Bitcoin đã thay đổi thế giới như thế nào?
13 năm kể từ lúc được biết đến lần đầu tiên, Bitcoin đã làm nên một cuộc cách mạng về tài chính, thay đổi hoàn toàn cách chúng ta hiểu và tương tác với tiền.
Ivory Johnson, người sáng lập Delancey Wealth Management nhận định: “Tiền mã hóa sẽ làm thay đổi hoàn toàn môi trường tài chính truyền thống, vì nó giúp thực thi các thanh toán xuyên biên giới mà không mất chi phí hoặc với chi phí rất ít, giao dịch diễn ra tức thì và không gây biến động thị trường ngoại hối.”
Với Bitcoin, con người đã nắm trong tay khả năng giao dịch tài chính một cách tự do, nhanh chóng, chính xác và riêng tư, bên cạnh những cơ hội mới về đầu tư và tích lũy. Trong những ngày đầu tiên, không ai quan tâm đến việc Satoshi Nakamoto thật sự là ai. Đến nay, vì tác động mà Bitcoin mang lại, đó là một trong những bí ẩn khiến nhiều người tò mò nhất.