Bán thuốc được bao nhiêu tiền mà ai cũng đâm đầu mở nhà thuốc?

Liệu việc kinh doanh nhà thuốc có phải là công việc "ngồi mát ăn bát vàng" cho các dược sĩ?
Sơn Hoàng
Nguồn: Pexels

Nguồn: Pexels

Sau Masan, FPT, và Thế giới Di động, Viettel là ông lớn tiếp theo dấn thân vào thị trường bán lẻ thuốc. Đây là một xu thế đầu tư mới trong khoảng 4 năm trở lại đây, phát triển dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các chuỗi nhà thuốc thường xuyên thông báo doanh thu nghìn tỉ với độ tăng lợi nhuận tính bằng lần.

Tới thời điểm này, người dân cả nước đã khá quen thuộc với những nhãn hàng bán thuốc như Long Châu, An Khang, và Pharmacity. Số lượng đối thủ cạnh tranh nhiều có vẻ không phải là vấn đề đối với Viettel, khi công ty này tự tin thông báo hướng đầu tư mới và ráo riết chuẩn bị tuyển dược sĩ để đảm bảo nhân lực cho hướng đi này.

Tại sao các công ty công nghệ hay bán lẻ lại đâm đầu vào làm chuỗi nhà thuốc? Chẳng nhẽ việc bán thuốc lãi tới vậy sao? Cùng Vietcetera tìm hiểu cách kiếm tiền của chuỗi các nhà thuốc bán lẻ để hiểu về thành công của các chuỗi nhà thuốc hiện nay.

1. Tiền bán thuốc tại quầy

Chắc chắn bán thuốc sẽ là một trong những nguồn thu chính đối với các chuỗi nhà thuốc bán lẻ. Đối với một số đơn vị, đây là nguồn thu lớn nhất.

Trong thời nay, có nhiều cách để một nhà thuốc đưa sản phẩm của mình tới tay người dùng. Người mua vẫn có thể tới quầy mua thuốc theo cách truyền thống, tuy nhiên các đơn vị đầu ngành như Long Châu hay Pharmacity có cả dịch vụ tư vấn và kê đơn thuốc online. Người mua chỉ cần đợi ở nhà, nhà thuốc sẽ mang thuốc tới.

Rất khó để ta xác định chính xác số tiền lợi nhuận từ việc bán thuốc mà một nhà thuốc có thể kiếm. Tuy nhiên, có một số cách để một nhà thuốc tối đa hóa lợi nhuận từ việc bán thuốc. Một trong số những cách đó là chia nhỏ một loại thuốc ra bán theo vỉ, hoặc thậm chí theo viên.

Theo ước tính, từ nguồn thu bán thuốc, một nhà thuốc lẻ có thể thu về từ khoảng 2,5 triệu tới 4 triệu doanh thu mỗi ngày.

2. Tiền bán thuốc qua các kênh phân phối

Bên cạnh hình thức bán tại quầy, các nhà thuốc còn có thể bán qua các kênh phân phối như các đại lý nhỏ lẻ hoặc các nền tảng thương mại điện tử. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh và xu thế mua sắm hiện đại, việc bán dược phẩm qua Tiki, Shopee đã không còn xa lạ đối với người Việt Nam.

Các sản phẩm xuất hiện ở những kênh này về cơ bản là đầy đủ so với việc mua thuốc tại quầy. Tiền bán thuốc sẽ quay về túi của nhà thuốc, trừ một phần cho nền tảng thương mại điện tử và cho việc vận chuyển.

Dù có nhiều điểm tiện lợi, nhưng hình thức phân phối dược phẩm qua kênh thương mại điện tử chưa phải là sự lựa chọn số một của cả người tiêu dùng lẫn các nhà thuốc. Từ phía người tiêu dùng, nỗi lo lớn nhất là lo sợ thuốc giả do không thể “mục sở thị” sản phẩm mà mình sắp mua.

Từ phía nhà thuốc, quy trình đăng ký thương mại điện tử và đưa sản phẩm lên nền tảng yêu cầu một số điều kiện và thủ tục nhất định mà không phải nhà thuốc nào cũng có thể đáp ứng. Đó là chưa kể tới việc doanh thu có thể thấp hơn do các khoản phải trả cho vận chuyển và cho nền tảng thương mại.

3. Tiền bán sản phẩm không phải thuốc

Bên cạnh các loại thuốc, các đơn vị phân phối còn bán thêm các sản phẩm y tế như khẩu trang, kim tiêm, bông băng,... hay các sản phẩm thực phẩm chức năng và một số mặt hàng mỹ phẩm.

Còn nhớ giữa đại dịch Covid, khẩu trang trở thành mặt hàng quan trọng, tạo điều kiện cho nhiều nhà thuốc gia tăng thu nhập, thậm chí đầu cơ bằng việc tăng giá. Đó là bởi các nhà thuốc là đơn vị phân phối trang thiết bị y tế chính.

Thực phẩm chức năng và các một số loại dược mỹ phẩm cũng nằm trong các quầy thuốc. Đây chính là lý do tại sao chúng ta có thể tìm thấy cả dầu gội Thái Dương lẫn các sản phẩm của Herbalife tại một số nhà thuốc.

Việc buôn bán những mặt hàng phụ bên cạnh dược phẩm không mang lại doanh thu quá lớn, nhưng là một cách tốt để các nhà thuốc duy trì một nguồn tiền phụ song song với nguồn thu chính.

4. Ký hợp đồng phân phối thuốc

Trong một số trường hợp, sẽ có những loại thuốc đặc biệt mà nhà thuốc không thể mua từ các nguồn cung thông thường. Trong trường hợp ấy, nhà thuốc hoặc sẽ phải mua lẻ từ các đơn vị có bán, hoặc sẽ phải ký hợp đồng phân phối với đơn vị sản xuất thuốc để có thể lưu hành dược phẩm đó.

Hãy tưởng tượng nguồn thu này giống như việc đăng ký phỏng vấn độc quyền một siêu sao âm nhạc của một hãng đĩa lớn. Nhà thuốc phỏng vấn, công ty sản xuất là hàng đĩa, còn dược phẩm là siêu sao.

Một ví dụ điển hình cho hình thức kiếm tiền này là việc phân phối thuốc trị Covid-19 từ chuỗi nhà thuốc Long Châu thuộc công ty FPT. Sau khi Cục Quản lý Dược cấp phép khẩn cấp cho ba loại thuốc chứa hoạt chất điều trị Covid-19 do Việt Nam sản xuất, FPT Long Châu nhanh chóng ký hợp đồng phân phối một triệu viên thuốc, bao gồm hai trong ba loại được cấp phép.

Việc này đã biến FPT Long Châu trở thành nhà phân phối quan trọng và gần như độc quyền tại thời điểm đó. Phân phối thuốc Covid giữa thời dịch bệnh, không lời mới là lạ.

5. Một số hình thức kiếm tiền khác

Ở một số nước châu Âu hay Mỹ, các nhà thuốc thường cung cấp cả dịch vụ tư vấn và “bắt bệnh” tại chỗ. Mức độ chuyên nghiệp của dịch vụ này tùy thuộc vào từng nhà thuốc: bét nhất thì bệnh nhân khai triệu chứng cho dược sĩ chỉ định, còn tốt hơn thì có một số máy móc y tế để hỗ trợ chẩn bệnh. Từ đó, nhà thuốc sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Đối với các nhà thuốc nước ngoài, đây là một nguồn thu lớn chỉ sau việc kinh doanh dược phẩm. Còn tại Việt Nam, dịch vụ tư vấn thường được tích hợp vào quy trình bán thuốc. Các dược sĩ tại quầy thuốc thường sẽ tiến hành tư vấn miễn phí nếu người mua có nhu cầu.

Bên cạnh đó, các nhà thuốc có thể cho các nhãn hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hay dược phẩm đặt biển quảng cáo tại cửa hàng của mình. Nếu đi xa hơn nữa, nhà thuốc có thể kết hợp với hình thức ký hợp đồng phân phối để tiến tới hợp tác sâu rộng hơn với nhãn hàng.

Kết

Kết thúc 2021, chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt doanh thu 1400 tỷ đồng. Trước Long Châu, thương hiệu Pharmacity đã đạt doanh thu hơn 1900 tỷ đồng từ cuối năm 2020. Chuỗi nhà thuốc An Khang thuộc tập đoàn Thế giới Di động cũng thông báo có lãi nhẹ với doanh số khoảng 500 triệu/tháng.

Tuy nhiên, con số 1400 tỷ đồng của Long Châu đánh dấu lợi nhuận dương lần đầu tiên sau nhiều đợt lỗ. Với Pharmacity, 1900 tỷ là không đủ để bù cho khoản lỗ ròng 420 tỷ. Đáng chú ý là Pharmacity đã có chuỗi lỗ tăng dần đều trong bốn năm liền.

Các đơn vị này lỗ liên tục nhưng vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh tới khi có lãi bởi họ luôn có một nguồn tiền ổn định để giúp “gồng lỗ” từ các công ty mẹ. Do đó, họ được phép sai, được phép lỗ, và được phép thử lại.

Thế nhưng với các nhà thuốc tư nhân không thuộc chuỗi, thực tế khắc nghiệt hơn rất nhiều. Quản lý nhà thuốc không phải là một công việc đơn giản nếu không có sự trợ giúp kinh doanh mang tính hệ thống. Bên cạnh đó, số lượng nhà thuốc đang mọc lên như nấm sau mưa, tạo cảm giác rằng thị trường này đang tiến dần tới mốc bão hòa.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục