Bàn về chuyện "nhân đạo" với động vật

Mặc dù nằm trong những nước đa dạng sinh học cao nhất thế giới nhưng đáng buồn là Việt Nam có điểm xếp hạng bảo vệ động vật cực kỳ thấp.
Minh Anh
Nguồn: Unsplash

Nguồn: Unsplash

Nghị định 14 vừa được ban hành gây được nhiều sự chú ý với việc phạt từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng cho việc ngược đãi vật nuôi. Cụ thể hơn, với việc giết mổ tập trung, nếu đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ cũng sẽ bị phạt tiền mức 3.000.000 - 5.000.000 đồng.

Quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi được ban hành vào năm 2018. Trong đó quy định vật nuôi bao gồm: chó, mèo, gà, vịt,...

Điều gì dẫn tới quyết định này?

Don’t f**ck with cats là một series kể về chuyện cả Internet săn lùng kẻ hành hạ mèo con và đăng lên mạng. Câu chuyện câu view bằng việc hành hạ động vật tưởng là đã nằm lại ở thời kỳ đồ đá ở Internet nhưng nay lại ngoi lên tại YouTube Việt Nam.

Được tiếp xúc với thế giới cũng không làm người ta văn minh hơn khi mà nhiều thanh niên lại đem việc hành hạ động vật, cụ thể là cá sấu trắng ra để mua vui. Bên cạnh đó là hàng loạt các kênh YouTube có nội dung chế biến, giết mổ động vật hoang dã cũng nhận được nhiều lượt view cao.

Không chỉ dừng ở vật nuôi mà động vật hoang dã cũng nằm trong danh sách cần được bảo vệ. Mới đầu năm nay người ta cũng đã phát hiện ra một xác hổ trong nhà của một người dân ở Hà Tĩnh.

Mặc dù nằm trong những nước đa dạng sinh học cao nhất thế giới nhưng đáng buồn là Việt Nam có điểm xếp hạng bảo vệ động vật cực kỳ thấp. Tuy đã ban hành nhiều lệnh cấm nhưng thực thế cho thấy từ lý thuyết tới thực hành vẫn là một con đường dài gian nan.

Tại sao chúng ta cần phúc lợi động vật?

Luật đối xử nhân đạo của Việt Nam được ban hành vào năm 2018 và dựa trên khái niệm “phúc lợi động vật" (animal welfare). Về cơ bản, việc đối xử tốt với động vật để chúng có trạng thái tốt về thể chất và tinh thần. Việc này giúp tránh những đau đớn không đáng có cho dù con vật đó là vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất hay là thú cưng.

Tại Mỹ, phúc lợi động vật đã được áp dụng vào năm 2000 còn với Việt Nam đây vẫn còn là một khái niệm mới. Có nhiều sự nhầm lẫn giữa phúc lợi động vật (animal welfare) và súc quyền (animal right).

  • Phúc lợi động vật nhấn mạnh vào việc con người có thể sử dụng động vật làm đồ ăn, thức uống,... miễn là tuân thủ các nguyên tắc nhân đạo
  • Quyền động vật thì cấm hoàn toàn việc sử dụng động vật

Có 5 tiêu chuẩn được đưa ra của hội đồng phúc lợi động vật trong chăn nuôi bao gồm: Không bị đói khát; Không bị khó chịu về thể chất và tinh thần; Tự do thể hiện các hành vi bản năng; Không bị sợ hãi và lo lắng.

Phạm vi của phúc lợi động vật được cho rằng rộng hơn súc quyền. Trên thế giới, khoa học phúc lợi động vật là một ngành khoa học đã được xác lập và đã có nhiều phong trào đấu tranh nhằm bảo vệ phúc lợi cho động vật.

Theo như đánh giá của Animal Protection Index (API) thì bộ luật của Việt Nam còn nhiều thiếu sót khi mà các quyền phúc lợi động vật đều phục vụ cho việc đảm bảo sức khỏe người tiêu thụ. Điều này dẫn đến giới hạn trong luật bảo vệ động vật, cũng như thiếu sự chi tiết trong định nghĩa cách bảo vệ gia súc khỏi các hành vi lạm dụng.

Sự mở rộng của vòng tròn đạo đức của con người

Quyền được phá thai ở nữ giới hay quyền được bình đẳng giữa các chủng tộc là thứ không phải tự nhiên có mà phải trải qua một thời kỳ dài đấu tranh. Đây chính là hệ quả của việc mở rộng vòng tròn đạo đức.

Khái niệm vòng tròn đạo đức là một nền tảng cơ bản để thảo luận về việc cái gì tạo động lực cho người ta làm việc tốt. Được tạo ra vào năm 1860 bởi nhà sử học William Lecky, các vòng tròn đạo đức được vẽ ra, tạo chỗ trống cho những đối tượng mà chúng ta cho là đang để được quan tâm về mặt đạo đức. Qua thời gian, các vòng tròn này lại được mở rộng.

Trong cuốn sách viết về sự mở rộng của vòng tròn đạo đức, tác giả đã viết rằng “Vòng tròn lòng vị tha đã mở rộng từ gia đình sang quốc gia và chủng tộc. Và quá trình này không nên dừng lại ở đó". Sự mở rộng của vòng tròn đạo đức có thể giải thích được tại sao chúng ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn về các vấn đề khác, bên cạnh bản thân mình.

Làm thế nào để quan tâm nhiều hơn?

Con người có xu hướng cảm thông nhiều hơn tới những “thực thể" mà ta cho là có sự tương đồng về cảm xúc với chúng ta như chó mèo. Khi có nhiều sự tiếp xúc đối với chó mèo hơn thì con người sẽ xếp những động vật này ở gần trong vòng tròn hơn.

Tại Việt Nam, sự quan tâm tới động vật đã được thể hiện rõ khi mà sự phát triển của mạng xã hội đem những vấn đề này lại gần hơn. Đơn cử là việc Thảo Cầm Viên 156 tuổi thành công kêu gọi đóng góp trong thời buổi dịch khó khăn. Việc các hội nhóm đăng tin liên quan tới động vật cũng đã khiến đại đa số người ta bắt đầu quan tâm tới số phận của chó mèo bỏ hoang.

Sự cập nhật và thay đổi của bộ luật cũng là bước đầu trong việc thay đổi nhận thức của con người về cách chúng ta nên đối xử với động vật. Trên thế giới, phong trào này đang diễn ra mạnh mẽ.

Tại Mỹ, tỷ lệ người ăn chay trở nên cao đột biến trong vài năm qua. Điều này đã dẫn tới sự phát triển của ngành nông nghiệp “thịt giả" - thịt tạo ra từ thực vật. Ngoài ra phong trào đấu tranh cho phúc lợi động vật ở Mỹ cũng thành công với những chiến dịch “giải phóng" động vật khỏi những chiếc lồng nhằm tạo ra cho chúng đời sống tốt hơn.

Và hiện nay trong lúc Việt Nam đang có những thay đổi dần cả về ý thức người dân lẫn pháp luật thì người ta đang bắt đầu đấu tranh cho… cá!

Với một số người, có thể cuộc đấu tranh này là điều nực cười tuy nhiên nếu đặt mình vào cuộc sống của những con vật trong hệ thống gia súc, ta sẽ có góc nhìn khác. Cuốn sách Tender is the Flesh đã tạo ra một thế giới như vậy, khi mà con người trở thành nguồn thịt chính được tiêu thụ.

Trong thế giới này, con người trở thành nguồn thực phẩm chính với một cái tên khác “head". Head về cơ bản là con người nhưng được “điều chỉnh" phù hợp để gần với gia súc hơn: cơ thể không có lông, thanh quản bị cắt phục vụ cho mục đích giết mổ, không có khả năng kháng cự. Bên cạnh đó một số head còn được điều chỉnh để có thể gia tăng năng suất “đẻ" hay có làn da đẹp để phục vụ cho ngành sản xuất da.

Về cơ bản tác giả đã tái tạo lại hệ thống chăn nuôi nhưng thay vào đó không phải gia súc, mà con người là nguyên liệu. Điều này khiến ta phải đặt ra câu hỏi liệu thịt có đơn thuần là thịt. Đằng sau mỗi bữa ăn của chúng ta liệu có được tạo ra từ một hệ thống chăn nuôi tàn bạo.

Kết

Người Nhật trước khi ăn thường hay nói “Itadakimasu". Câu nói hàm ý thể hiện sự biết ơn về thức ăn trên bàn, bày tỏ sự cảm tạ tới những con vật và cây cối đã tạo nên bữa ăn. Đôi khi chính thái độ nhỏ trong cuộc sống hằng ngày cũng có thể tạo ra một cuộc sống tốt hơn cho những loài động vật. Không chỉ là vật nuôi hằng ngày mà còn cả gia súc và gia cầm.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục