Banking education - Không còn giáo dục một chiều, kiến thức lịch sử bớt khô khan

Tranh cãi xem nên bắt buộc học sử đến lớp mấy không quan trọng bằng việc kiến thức sử nên được truyền đạt như thế nào.
Sơn Hoàng
Nguồn: Tranh tường tại trường McMenamins Kennedy tại Portland

Nguồn: Tranh tường tại trường McMenamins Kennedy tại Portland

1. Banking education là gì?

Banking education là thuật ngữ ám chỉ lối dạy học truyền thống, cô đọc trò chép. Trong đó học sinh bị coi như những chiếc két rỗng cần phải lấp đầy bằng tri thức. Cách giáo dục này coi trọng vị thế của người dạy, và quá trình giáo dục là quá trình người học tiếp thu kiến thức từ người dạy mà không thắc mắc hay chất vấn xem kiến thức ấy có thể được hiểu khác đi hay không.

Cách học văn kiểu đọc chép theo dàn ý có sẵn, hay cách học sử nặng về ghi nhớ sự kiện và thời điểm chính là những ví dụ tiêu biểu của banking education.

2. Nguồn gốc của banking education?

Nhà giáo dục Paulo Freire là người đề xuất khái niệm này trong công trình Sư phạm của những người bị áp chế (Pedagogy of the Oppressed) vào năm 1968, dựa trên những quan sát của ông về một xã hội Brazil phân tầng, đầy rẫy bất ổn chính trị. Tại đây, giáo dục được sử dụng để người dân tin vào sự đứng đầu của giới tinh hoa, thay vì thay đổi xã hội vì một cuộc sống bình đẳng hơn.

Banking education đề cao sự ổn định: người dạy truyền tri thức tới người học mà không bị gián đoạn, tri thức được coi là chân lý nên không thể bị thay đổi hay chất vấn.

Trọng tâm của khái niệm này là hình ảnh “nhà băng.” Người dạy trở thành "nhân viên ngân hàng" (bank clerk). Họ phân phối tri thức nhưng không được tác động hay thay đổi nó, giống như cách nhà băng có trách nhiệm luân chuyển dòng tiền. Tri thức trở thành một thứ tài sản tích lũy, dẫn tới suy nghĩ rằng cứ học nhiều, tích lũy nhiều tri thức thì con người ta sẽ thành công.

3. Tại sao banking education phổ biến?

Sự phổ biến của banking education gắn liền với quan niệm rằng những người thành công về mặt tiền bạc, đạo đức, hay địa vị đều là những người nhiều kiến thức và ngược lại. Bên cạnh đó, sự thiếu kiến thức thường đi kèm với sự thấp kém và đói nghèo.

Việc cho học sinh lựa chọn có học lịch sử hay không ảnh hưởng trực tiếp tới tính ổn định của banking education. Quan niệm bắt buộc học sinh học lịch sử, nếu không các em sẽ “mất gốc” bắt nguồn từ suy nghĩ rằng càng biết nhiều về lịch sử đất nước thì càng yêu nước, có đạo đức, và trân trọng văn hóa dân tộc.

Cũng chính vì tính ổn định này mà phương pháp dạy và học sử nặng về việc ghi nhớ, học thuộc các tri thức có sẵn. Học sinh phải nhồi nhét những sự kiện, con số, và ý nghĩa lịch sử như những sự thực hiển nhiên. Tri thức vì thế trở nên tĩnh tại, khiến cho người học không có ham muốn tìm hiểu thêm những gì không được viết trong sách.

Cách học thụ động này bào mòn khả năng đặt câu hỏi và phản biện của người học. Đây là hệ quả của một quá trình học thụ động theo hướng nhồi nhét sự kiện và thiếu tư duy phản biện. Người học vì thế cũng không đào sâu suy nghĩ về những tri thức được cung cấp.

Một ví dụ minh họa cho hệ quả này là cách học lịch sử khắc họa triều nhà Nguyễn. Nhìn chung, học sinh cấp phổ thông được học rằng nhà Nguyễn là một thế lực lạc hậu, không chịu cải cách, và chỉ ôm lấy kho tàng Nho học khiến mất nước vào tay giặc.

Tuy nhiên, học sinh không được biết rằng vua Tự Đức, vị vua nổi tiếng không quản nước mà chỉ làm thơ, từng ra lệnh cho in bốn cuốn “sách Tây” về bốn chủ đề mới với nền quốc học khi ấy là công pháp quốc tế, khoa học tự nhiên, định vị trên biển, và khai khoáng. Nhiều vua nhà Nguyễn khác cũng có những chính sách cải cách riêng.

Có nhiều nghiên cứu chứng minh luận điểm này, tuy nhiên học sinh chỉ dừng kiến thức của mình tại định kiến mà mô hình banking education đã nhồi vào các em. Vì thế, các em chỉ biết một khi học một, bởi không có không gian và thời gian cho các em tìm hiểu từ một sang hai hay ba.

Quan niệm về tính ổn định của tri thức cũng khiến cho cách dạy lịch sử trở nên nhàm chán, bởi nếu tri thức là ổn định thì đâu cần thêm sự trao đổi, chất vấn, hay sáng tạo? Thế nên ta có thể khẳng định rằng học sinh ghét môn sử không có nghĩa là ghét lịch sử, mà là ghét cách học theo kiểu banking education.

4. Cách sử dụng banking education

Tiếng Anh

A: Have you heard about the new high school education program?

B: Of course I have. It’s a whole different approach from the traditional banking education

Tiếng Việt

A: Cậu đã nghe về chương trình giáo dục cấp phổ thông mới chưa?

B: Tất nhiên là rồi. Đó là một cách tiếp cận khác hoàn toàn so với kiểu học "cô đọc trò chép" truyền thống.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục