Bổ Não: Thế lực nào di chuyển bàn cầu cơ?

Đúng là bàn cầu cơ kết nối chúng ta với một thứ mà bình thường khó tiếp xúc, nhưng không thuộc phàm trù tâm linh như nhiều người vẫn nghĩ.
Vy Lâm
Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Bàn cầu cơ (Ouija board) là một khái niệm khá phổ biến của dòng phim kinh dị phương Tây. Trong tiếng Ai Cập, “ouija" nghĩa là “mong điều may mắn".

Bàn cầu cơ gồm hai phần: một mặt bảng gồm 3 từ Yes, No, Goodbye, các chữ cái và con số, kèm một miếng gỗ hình tam giác (gọi là ‘planchette’) được khoét tròn ở giữa.

Cách thức rất đơn giản: người tham gia đặt tay lên miếng tam giác, triệu hồi một linh hồn để đặt câu hỏi. Dưới sự dẫn dắt của linh hồn đó, miếng tam giác sẽ chạy về phía các từ hoặc chữ cái để đánh vần thành câu trả lời, và màn hỏi đáp kết thúc khi miếng tam giác chạy về phía chữ “goodbye".

Bàn cầu cơ có thể di chuyển và "hồi đáp" là sự thật, nhưng không phải vì một thế lực huyền bí nào cả, mà do:

1. Hiệu ứng vô thức (ideomotor effect)

Là khi chúng ta thực hiện một hành động mà không hề nhận thức gì về nó.

Khi bạn đặt câu hỏi cho bàn cầu cơ, não của bạn cũng đang vô thức lục lọi ký ức và tạo ra hình ảnh. Tiếp đến, tiềm thức điều khiển cơ cánh tay và bàn tay dịch chuyển miếng tam giác đến câu trả lời mà thâm tâm bạn muốn nghe, nhưng bạn không hề hay biết.

Trong một nghiên cứu chứng thực, người tham gia được yêu cầu thử cầu cơ hai lần: Lần đầu như bình thường, còn lần hai phải bịt mắt. Rõ ràng ở lần thứ hai, những người tham gia đưa ra các kết quả rời rạc và vô nghĩa hơn nhiều.

Điều này chứng minh, bàn cầu cơ chỉ hoạt động chính xác khi những người tham gia có thể nhìn thấy để tự điều khiển. Nếu thật sự có một linh hồn nào dẫn dắt, dù người tham gia có bị bịt mắt hay không thì câu trả lời vẫn không bị ảnh hưởng.

Nếu ngại “chuyện tâm linh không đùa được đâu", bạn có thể thí nghiệm bằng một cách khác. Dùng một sợi dây khoảng 30cm, treo một vật nặng vừa phải (nắp chai hoặc nhẫn) vào một đầu và cầm đầu còn lại giơ thẳng ra phía trước. Cố gắng thẳng tay và đừng tự xoay sợi dây, cứ để nó chuyển động tự nhiên.

Sau đó, tự hỏi một câu Có/Không và quy định xoay theo chiều kim đồng hồ là “Có", ngược chiều là “Không". Ngay cả khi bạn cố gắng không chuyển động, con lắc cũng sẽ xoay theo câu trả lời của bạn. Thí nghiệm này được gọi là “Con lắc Chevreul”.

Đúng là bàn cầu cơ có thể kết nối chúng ta với một thứ mà bình thường khó tiếp xúc, nhưng không thuộc phàm trù tâm linh như nhiều người vẫn nghĩ — mà đó là tiềm thức của chúng ta.

2. Yếu tố quyết định của trò cầu cơ

Ít ai ngờ rằng, miếng tam giác vốn tưởng là để giao tiếp với linh hồn, hoặc hành động tất cả cùng đặt tay lên để tạo ra sức mạnh tâm linh và đảm bảo kết quả khách quan, cuối cùng lại là hai yếu tố quyết định kết quả cầu cơ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, hiệu ứng vô thức tác động rất mạnh mẽ lên tiềm thức. Chúng ta càng tin chắc rằng mình không tác động thì các hành vi vô thức này càng mạnh mẽ hơn.

Khi chúng ta đặt tay lên bàn cầu cơ, tiềm thức càng dễ kiểm soát các chuyển động cơ tay. Càng nhiều người đặt tay vào, họ càng yên tâm rằng kết quả sẽ không do bất kỳ ai định đoạt, thế là tiềm thức của họ càng dễ dẫn đến một kết quả đồng lòng hơn.

Hiệu ứng vô thức mở ra một cách nhìn khác với bản chất của tâm trí chúng ta. Nhà tâm lý học Daniel Wegner lập luận trong cuốn sách “The Illusion of Conscious Will" (tạm dịch: Ảo tưởng về Ý chí có Ý thức) rằng, cảm giác của chúng ta về việc sở hữu một hành động thường chỉ là ảo tưởng.

Vì thế, khi muốn xác định một hành động có phải do mình thực hiện hay không, ta cần xem xét sự thống nhất giữa nguyên nhân và kết quả.

Nếu bạn muốn di chuyển tay và tay bạn di chuyển, đó là do bạn thực hiện. Còn khi bạn tin mình không di chuyển tay, bạn sẽ tự động bỏ qua sự thật rằng tay mình vẫn đang thực hiện những chuyển động nhỏ và tạo thành kết quả trái ngược với suy nghĩ của bạn.

3. Ứng dụng của hiệu ứng vô thức

Từ trước khi bàn cầu cơ được sản xuất vào năm 1890, những người theo thuyết tâm linh đã lợi dụng điều này để tạo ra “bảng nói chuyện" (talking board), cũng với mục đích tương tự là giúp người sống "giao tiếp với linh hồn". Lúc bấy giờ, cuộc Nội chiến tại Mỹ nổ ra dẫn đến nhiều mất mát to lớn về nhân mạng. Bảng nói chuyện nhắm đến những gia đình đang đau buồn muốn liên hệ với người thân đã mất, vì thế lập tức trở nên rất phổ biến.

Cũng nhờ có hiệu ứng vô thức mà bàn cầu cơ vô tình trở thành một công cụ để mở khóa tiềm thức. Trong một nghiên cứu năm 2012, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người tham gia nhớ lại thông tin trong tiềm thức với độ chính xác cao hơn khi có sự hỗ trợ của bàn cầu cơ. Đây là tiền đề cho một số nghiên cứu sau đó về việc khởi phát sớm của bệnh Alzheimer và các bệnh thoái hóa thần kinh khác.

4. Những trò lừa đảo và trị liệu giả

Mặc dù hiệu ứng vô thức giúp chúng ta giao tiếp với tiềm thức của chính mình, nhưng lại tạo ra trải nghiệm giống như đang giao tiếp với một thứ huyền bí nào khác. Đây là mưu mẹo chủ chốt tạo nên những trò ‘giả thần giả quỷ', với mục tiêu cuối cùng là lừa tiền.

Hiệu ứng này cũng bị lợi dụng để tạo ra phương pháp trị liệu giả khoa học nổi tiếng được gọi là “giao tiếp tạo điều kiện" (facilitated communication). Nó được giới thiệu là một phương pháp trị liệu ngôn ngữ, giúp các bệnh nhân tự kỷ “giao tiếp" qua cử động ngón tay. Thật ra, nhiều nghiên cứu khoa học đã vạch trần rằng nó chỉ lợi dụng tâm lý “tin những gì mình muốn tin" của người đang cố gắng giao tiếp với những bệnh nhân này.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục