Chile "chơi lớn" cấm đồ nhựa sử dụng một lần
1. Chuyện gì xảy ra tại Chile?
Ngày 13/02 vừa qua, Chile đã chính thức cấm đồ nhựa sử dụng một lần (ống hút, dụng cụ ăn uống nhựa, túi nilon). Các quầy bán thực phẩm và nhà hàng được cho thời hạn 3 năm để thích nghi và chuyển qua sử dụng các vật liệu phân hủy sinh học. Dự tính lệnh cấm này sẽ giúp Chile giảm 23.000 tấn rác thải nhựa. (Theo Tuổi Trẻ)
Thực ra, từ năm 2016, Chile đã ban hành Luật Tái chế và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (REP) với kế hoạch tái sử dụng các loại rác thải như lốp xe, thủy tinh, giấy,... Đến năm 2018, nước này đã cấm việc sử dụng túi nhựa một lần trong vận chuyển thương mại.
Theo thời gian, các bộ luật lại được tăng cường và thắt chặt hơn. Có thể thấy, chính phủ Chile đã đưa ra một kế hoạch lâu dài, chậm mà chắc, giúp định hướng và thay đổi thói quen sử dụng nhựa một lần của người dân nước này.
2. Tại sao Chile làm vậy?
Năm 2018, lượng rác thải của Chile được xếp đứng thứ 2 thế giới chỉ sau khu vực Mỹ Latin.
Ngoài ra, Chile còn phải đối mặt với hiểm họa ô nhiễm môi trường, gây đe dọa tới sự đa dạng sinh học. Nhất là khi nước này sở hữu 4.000 km bờ biển dọc theo Thái Bình Dương. Đây cũng là lý do mà lệnh cấm của Chile được phát triển, với sự hợp tác của 2 tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ môi trường biển là Oceana Chile và Plastic Oceans Chile.
Bờ biển nước này thường xuyên phải đón nhận một lượng lớn rác thải, trôi dạt theo dòng chảy từ Đảo rác khổng lồ (có kích thước tương đương với Mexico). Không chỉ những loài sinh vật biển bị đe dọa, mà ngay cả con người cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ, khi mà nhựa vi sinh đang xuất hiện ngày càng nhiều và len lỏi vào trong nguồn nước sạch.
3. Có nước nào cũng cấm nhựa dùng một lần?
Trên thế giới, các lệnh cấm nhựa đa phần chỉ dừng lại ở túi nhựa dùng một lần. Tiêu biểu trong đó có thành phố New York cấm sử dụng túi nilon, Pháp cấm các loại bao bì cho hoa quả. Kenya thậm chí còn phạt nặng với hành vi sản xuất và sử dụng túi nhựa.
Ngoài ra, lệnh cấm sử dụng nhựa một lần tại Ấn Độ cũng sẽ có hiệu lực vào 07/2022. Trong những năm vừa qua chính phủ nước này cũng liên tục đưa ra những thay đổi và bổ sung cho lệnh cấm nhựa một lần. Quyết định này được cho là không dễ dàng khi cách chính sách mới có khả năng cản trở nền kinh tế.
4. Việt Nam có kế hoạch gì tương tự?
Việt Nam luôn được các tổ chức quốc tế gọi tên khi nằm trong danh sách những quốc gia xả rác nhựa nhiều nhất ra đại dương (Huỳnh Thị Mỹ, tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam). Trong Hội nghị thượng đỉnh G20 vào năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc tới vấn đề rác thải nhựa ở đại dương và khẳng định quyết tâm cấm nhựa một lần vào năm 2025.
Tuy nhiên thì lộ trình cấm nhựa dùng một lần của Việt Nam vẫn còn lắm gian nan. Chính sách tăng thuế nilon dường như không quá hiệu quả khi thói quen tiêu dùng nhựa một lần ở Việt Nam vẫn còn quá cao.
Trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra lộ trình cấm nhựa sử dụng một lần. Trong đó nêu rõ các kế hoạch tăng cường quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải nhựa.
5. Cấm thôi liệu có đủ?
Rác thải nhựa sử dụng một lần được xem là thách thức môi trường chỉ đứng sau biến đổi khí hậu. Ước tính tới năm 2050, 33 tỷ tấn nhựa sẽ tiếp tục được sản xuất và kết thúc vòng đời bằng cách trôi nổi tại đại dương trong vài thế kỷ.
Số liệu cũng cho thấy rằng, mặc cho những lời hô hào về tái chế và phân loại rác, chỉ có dưới 10% rác thải nhựa thực sự được tái chế. Việc tái chế, tái sử dụng không thể nào đuổi kịp và cân bằng được với lượng nhựa được sản xuất ra mỗi ngày.
Nhiều nhà bảo vệ môi trường cũng cho rằng, cấm thôi là chưa đủ khi nó cần cả những sáng kiến mới và các quy định chặt chẽ từ chính phủ. Nếu không cẩn thận, những giải pháp mới có khả năng đẻ ra những hậu quả khôn lường. Lấy ví dụ như việc cấm túi nhựa dùng một lần đã tạo ra sự dư thừa trong túi vải cotton và gây hại ngược lại cho môi trường. Vậy nên, những lệnh cấm vẫn chỉ là một trong những bước đi đầu tiên, trong hành trình dài giúp thay đổi hành của vi con người để bảo vệ môi trường.