Trong danh sách bạn bè của bạn, chắc hẳn luôn có ít nhất một người thường xuyên đăng ảnh tình cảm bên người yêu hoặc bạn đời. Hành động này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đơn giản nhất, họ đang vô cùng vui vẻ trong mối quan hệ và muốn khoe điều đó với cả thế giới. Hoặc họ đang muốn khẳng định chủ quyền với những "vệ tinh" vây quanh người yêu mình.
Suy cho cùng, những hình ảnh đó đều nhằm mục đích nhắc nhở những người xung quanh rằng họ đang là một đôi vô cùng hạnh phúc.
Tuy nhiên, nhiều cuộc khảo sát và phân tích tâm lý đã chứng minh rằng kết luận này chưa hẳn đã đúng. Đôi khi, hành động chia sẻ quá nhiều như vậy còn tiềm tàng nhiều nguy cơ trong mối quan hệ hơn bạn nghĩ.
1. Mong muốn minh bạch trong mối quan hệ cho thấy mức độ bất an trong lòng bạn
Relationship visibility (tạm dịch: mong muốn minh bạch trong mối quan hệ) là thuật ngữ được các nhà nghiên cứu xã hội dùng để chỉ mức độ muốn công khai mối quan hệ của mình. Người có relationship visibility càng cao thì càng thường xuyên khoe ảnh hay tình cảm của mình và người yêu lên mạng xã hội, càng mong muốn được cộng đồng chú ý và công nhận mối quan hệ của mình.
Theo một nghiên cứu của Personality and Social Psychology Bulletin, người có mong muốn này càng cao thì càng có khả năng đang cảm thấy vô cùng bất an trong mối quan hệ.
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Northwestern đã khảo sát 108 cặp đôi. Trong vòng 2 tuần, họ được yêu cầu ghi lại mức độ cảm thấy an toàn trong tình yêu mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng họ đăng nhiều ảnh tình cảm với người yêu hơn vào những ngày họ cảm thấy bất an.
“Thông thường, khi một người đang cảm thấy nghi ngờ về tình cảm của đối phương, họ có xu hướng khiến cho mối quan hệ trở nên rõ ràng hơn.” – Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu, càng bất an thì bạn lại càng muốn chứng minh rằng mối quan hệ vẫn ổn.
2. Kiểu gắn bó khác biệt làm tăng thêm khoảng cách giữa hai người
Thuyết gắn bó giải thích sự gắn bó về mặt cảm xúc trong các mối quan hệ của con người, đặc biệt là những mối quan hệ lâu dài. Các nhà nghiên cứu đã quan sát và kết luận rằng: con người bắt đầu hình thành kiểu gắn bó với bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng từ khoảng 7 tuần tuổi. Yếu tố này cũng sẽ quyết định bạn sẽ gắn bó với người yêu hoặc bạn đời tương lai như thế nào.
Có 4 kiểu gắn bó: gắn bó an toàn, gắn bó né tránh, gắn bó lo âu và gắn bó lo âu - né tránh. Người thuộc kiểu gắn bó an toàn không tránh né chuyện tình cảm và cũng không quá phụ thuộc vào thái độ của nửa kia để cảm thấy an toàn. Kiểu gắn bó né tránh sẽ giữ khoảng cách vừa phải với người yêu. Trong khi đó, kiểu lo âu cần những động thái rõ ràng và tích cực từ đối phương để luôn cảm thấy an toàn trong mối quan hệ.
Các nhà khoa học đặt giả thuyết rằng kiểu gắn bó của mỗi người có ảnh hưởng đến việc người đó có đăng nhiều bài viết về mối quan hệ của mình lên mạng xã hội hay không. Hay nói cách khác, kiểu gắn bó cũng là một nhân tố quyết định mong muốn minh bạch trong mối quan hệ.
Nhà tâm lý về hôn nhân và gia đình Jennifer Chappell Marsh cho biết, người thuộc kiểu lo âu sẽ có xu hướng công khai chuyện tình yêu của họ trên mạng hơn. Ngược lại, người thuộc kiểu né tránh sẽ có nhu cầu giữ riêng tư cho mối quan hệ tình cảm của mình.
Nếu hai bên không nhận thức được những khác biệt trong nhu cầu gắn bó của nhau thì sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn. Ví dụ trong bữa tối, người né tránh sẽ muốn tận hưởng sự tĩnh lặng và riêng tư, trong khi người yêu thuộc kiểu lo âu của họ sẽ liên tục chụp hình cả hai để đăng lên Instagram. Sự bức bối sẽ ngày càng tồi tệ hơn nếu như tình trạng này kéo dài và người né tránh phải chịu đựng sự phiền nhiễu không mong muốn suốt bữa ăn.
3. Ai cũng muốn mình trông thật hạnh phúc trong mắt người khác
Zach Brittle – một nhà trị liệu tâm lý học kiêm nhà sáng lập series liệu pháp tâm lý cho các cặp đôi forBetter – cho biết, khi nhận được những nút thích, những lượt chia sẻ hay bình luận ngưỡng mộ, một lượng dopamin lớn sẽ được sản sinh khiến bạn cảm thấy phấn khích và hạnh phúc. Đó là lý do chúng ta luôn có thôi thúc muốn chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ trong mối quan hệ của mình lên mạng xã hội.
Ai cũng muốn chia sẻ những điểm nhấn đáng nhớ trong đời sống của họ. Không ai muốn công khai hình ảnh xấu xí hay trượt dốc của mình cả. Vì thế, hành vi chia sẻ trạng thái hạnh phúc, hoặc giả vờ hạnh phúc của họ là điều có thể hiểu được.
Nhà trị liệu tâm lý Zach Brittle cũng nhấn mạnh: “Mỗi cặp đôi đều có câu chuyện của riêng mình. Mạng xã hội là nơi họ tạo nên phiên bản riêng của những câu chuyện đó, dù có phải là toàn bộ sự thật hay không.” Tuy nhiên, nếu bạn dành quá nhiều thời gian để xây dựng một câu chuyện hoàn mỹ trên mạng xã hội thì sẽ khó mà tập trung vun đắp cho mối quan hệ ngoài đời thật.
Kết
Không có mối quan hệ nào luôn hoàn hảo như những tấm ảnh trên Instagram. Chúng ta không thể vội vàng kết luận về tình trạng hạnh phúc của một cặp đôi chỉ vì họ đăng rất nhiều ảnh tình cảm lên mạng xã hội.
Hành động chia sẻ quá thường xuyên ngược lại còn là dấu hiệu của một mối quan hệ nhạt nhoà — điều khiến bạn bất an, bất mãn, hoặc khao khát sự chú ý từ cộng đồng. Nếu không kịp thời nhận thức và giải quyết, mối quan hệ có nguy cơ sẽ đổ vỡ.
Điều này không có nghĩa là bạn hoàn toàn không được nhắc đến nửa kia trên mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa việc tự hào, trân trọng mối quan hệ với việc chia sẻ quá nhiều để cố gắng chứng minh điều gì khác. Vì thế, bạn cứ thoải mái chia sẻ, lưu giữ khoảnh khắc đẹp, nhưng trước đó cần nhận thức được mình làm thế vì điều gì.