Chuyện chưa kể về chiếc quần jeans trong tủ đồ của bạn

Quần jeans là món đồ thiết yếu trong tủ đồ của tất cả mọi người. Nhưng liệu, có bao giờ bạn thắc mắc, lịch sử của quần jeans bắt nguồn từ khi nào? Làm sao để

Tài Thy
Chuyện chưa kể về chiếc quần jeans trong tủ đồ của bạn

Quần jeans là món đồ thiết yếu trong tủ đồ của tất cả mọi người. Nhưng liệu, có bao giờ bạn thắc mắc, lịch sử của quần jeans bắt nguồn từ khi nào? Làm sao để sản xuất một chiếc quần jeans? Và liệu quá trình làm ra một thứ đẹp đẽ như vậy có thật sự vô hại?

Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Quần jeans có từ khi nào?

Khái niệm “jeans” lần đầu được sử dụng vào những năm 1600s để miêu tả loại trang phục làm việc thô sơ dành cho phụ nữ. Thế nhưng mãi đến thế kỷ 19, khi người dân Mỹ đổ xô đến California để đào vàng, chiếc quần jeans đầu tiên mới chính thức ra đời, bởi “đôi bạn cùng tiến” Jacob Davis–một thợ may và Levis Strauss–một thợ máy. 

Trước khi sáng chế ra chiếc quần jeans đầu tiên, Strauss là người chuyên bán vải lều, quần áo lao động, và các thiết bị mà thợ đào vàng cần. Năm 1873, Davis tìm đến Strauss và bày tỏ ý tưởng làm ra một loại quần áo lao động mang tính chống chịu cao hơn bằng cách thêm đinh tác, kéo khóa vào các vị trí như viền túi, vốn rất dễ rách. 

Thế là cùng với nhau, Davis và Strauss tạo ra thứ mà họ gọi là “Waist Overalls” (hay còn gọi là quần yếm). Sau này, chiếc quần này được gọi là jeans. Từ một loại trang phục có độ bền cao cho người đào vàng, jeans nhanh chóng trở thành “đồng phục” của thế kỷ 20.

Công thức cho một chiếc quần jeans

Có 2 loại vải để làm ra quần jeans, đó là vải jean và vải denim

genes
serge de Nîmes

Hai loại vải này được làm từ sợi bông (cotton). Về sau khi nhu cầu và xu hướng thời trang khiến jeans trở nên phổ biến hơn, chúng được dệt thêm các sợi polyester hay spandex làm tăng độ co giãn và thoải mái khi mặc. 

Quần jeans thường được nhuộm màu xanh đậm, vì mục đích ban đầu của nó là che đi các vết bẩn trong quá trình làm việc. Màu nhuộm chủ yếu cho quần jeans là màu chàm hay indigo – sắc tố được làm từ lá chàm sấy khô rồi đem ủ lên men. Tuy nhiên, với nhu cầu may mặc cao hiện nay, hầu hết các nhà máy sử dụng màu chàm tổng hợp để tiết kiệm kinh phí giảm giá thành sản phẩm.

“Công thức” ước chừng cho chiếc quần jeans là khoảng 1kg bông cotton thô, 1kg thuốc nhuộm và 2.630 lít nước, chưa kể gần 30.000 lít sử dụng để trồng sản xuất 1kg bông cotton kể trên.

Quá trình sản xuất một chiếc quần jeans

Theo Transparency One, một chiếc quần jeans thường được may từ 5 bước chính, đó là: 

  1. Dệt: Bông vải (cotton) sẽ được thu hoạch từ các cánh đồng, sau đó xử lý và se thành chỉ thô. Để dệt thành vải, cần dệt chỉ theo hai chiều dọc (warp) và ngang (weft). 
  2. Cắt: Vải may sẽ được cắt theo khuôn đã rập sẵn.
  3. Ráp: Ghép các mảnh vải thành phần sau khi chúng đã được may chi tiết.
  4. Làm sờn: Đây là công đoạn “lão hoá” chiếc quần jeans để chúng nhìn bụi bặm, sương gió hơn.
  5. Giặt và sấy: Giặt và xử lý các màu nhuộm để quần jeans bền màu hơn.

Để biết cụ thể về quá trình làm ra một chiếc quần jeans, bạn có xem video dưới đây: 


Vậy, quần jeans có hại cho môi trường không?

Quần jeans vốn nổi tiếng với vẻ đẹp không tuổi, nhưng đằng sau nó là cả một câu chuyện về sản xuất và nhân công. 

Để có được vẻ ngoài bụi bặm và phong trần, các xưởng may đã dùng phương pháp sandblasting (phun cát)–các hạt mài được phun với áp suất lớn, tạo ra độ phai màu hoặc sờn nhất định lên vải quần. Việc phải hít quá nhiều các hạt li ti khiến sandblasting có tiềm năng dẫn đến các bệnh mãn tính về phổi. 

Cũng vì lý do này mà hiện nay các thương hiệu lớn như Levi’s hay H&M đều đã đưa ra chính sách ngừng phân phối các sản phẩm được phun cát. Tuy nhiên, theo báo cáo thực địa của tổ chức Clean Clothes Campaign năm 2013 về các xưởng may mặc lớn tại Trung Quốc, các nhà xưởng này vẫn tiếp tục thuê nhân công tại bộ phận phun cát.

Thêm vào đó, quy trình nhuộm và tẩy rửa còn được cho là giai đoạn ô nhiễm nhất khi sản xuất quần jeans. Các con sông tại thủ phủ của denim, thị trấn Xintang, Trung Quốc hiện nay đều đã được “nhuộm đen” bởi lượng nước thải không qua xử lý từ các xí nghiệp may. Màu chàm tổng hợp thường được cấu thành từ những thành phần hoá học cực kì nguy hiểm cho cơ thể và não bộ như thuỷ ngân, chì và đồng.

Các chất tẩy nhuộm này qua mỗi lần giặt lại bị trôi theo nước thải ra sông, hồ, gây ô nhiễm nhiều hơn. Thuốc nhuộm kém chất lượng khi khoác lên cơ thể cũng gây ra các bệnh da liễu và đường hô hấp.

Chưa kể, việc làm ra quần jeans theo mô hình thời trang nhanh (fast fashion) khiến cho nền công nghiệp thời trang trở nên méo mó khi các doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc chạy theo số lượng thay vì chất lượng. Số lượng nhiều đồng nghĩa với lượng nhân công lớn nhưng cần kinh phí thấp, vì vậy các nước đang phát triển như Campuchia, Bangladesh hay Việt Nam là nơi dừng chân lý tưởng cho các xưởng may này.

Đi kèm với fast fashion là các bất công về lao động như lao động trẻ em hay quyền lợi lao động cho phụ nữ; họ buộc phải làm việc với năng suất cao trong môi trường làm việc không đạt chuẩn cùng đồng lương ít ỏi.

Lần sau khi muốn mua jeans, chúng ta có thể làm gì?

1. Mua [và bán] quần secondhand

Thói quen mua sắm secondhand (hàng đã qua sử dụng) hiện nay rất được ưa chuộng với thế hệ Y và X. Theo thống kê của ThreadUp, năm 2019, cứ 3 người thế hệ Z thì có 1 người sẽ sử dụng đồ second-hand. Trung bình mỗi món đồ được tái tiêu thụ sẽ làm giảm 82% lượng khí nhà kính mà nó thải ra. Quần jeans secondhand không những làm tăng vòng đời cho những chiếc quần mà còn giảm được đáng kể lượng cung-cầu trên thị trường.

2. Chọn mua thương hiệu mà bạn tin tưởng

Cũng theo ThreadUp, trên thị trường hiện nay 59% người tiêu dùng kỳ vọng vào sự bền vững (mà chúng tôi gọi là có trách nhiệm) ở các thương hiệu quần áo. Việc này đòi hỏi các nhãn hàng thời trang cần tìm ra giải pháp mang tính dài hạn về may mặc, cả trong sản xuất lẫn tiêu thụ. 

Hãy tìm cho bạn các thương hiệu tiên phong về thời trang bền vững, hoặc mang tính minh bạch cao về xuất xứ sản phẩm. Thương hiệu toàn cầu UNIQLO vào năm 2016 đã thực hiện cuộc tân tạo cho quần jeans với Trung tâm Cải tiến Jeans đặt tại Los Angeles, tập trung nghiên cứu, phát triển và chọn lửa chất liệu vải, cũng như lên phom và thành phẩm. Giai đoạn Giặt và Làm sờn trước đây đòi hỏi nhiều sức người nay cũng được họ thay thế bằng công nghệ xử lý tiên tiến. 


Tại Việt Nam, chúng ta có xưởng may mặc thời trang Evolution3, với thương hiệu Dawn Denim, chuyên về các sản phẩm làm từ chất liệu vải denim với thiết kế hiện đại, được may đo kỹ lưỡng và tuyệt đối tuân thủ các chuẩn mực đạo đức. Đã từng đến tận xưởng tham quan và trò chuyện với những người thợ tại đây, chúng tôi tin tưởng niềm hạnh phúc đang diễn ra ở đây.

Hoặc Saitex, công ty may mặc chuyên gia công và xuất khẩu quần jeans cho các hãng nổi tiếng trên thế giới như Everlane, J.Crew… Tương tự như Evolution3, Saitex cũng tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và từ chối trở thành một phần của thời trang nhanh.

3. Làm mới chiếc quần jeans cũ

Quần jeans vốn được làm ra để trường tồn, vì vậy, hãy lựa chọn những mẫu quần mà bạn thật sự tâm đắc để có thể mặc chúng nhiều hơn. Một chiếc quần jeans phù hợp với phom dáng và được làm từ chất liệu tốt sẽ đi cùng bạn qua rất nhiều năm tháng.

Hoặc nếu có một lúc nào đó bạn thấy chiếc quần của mình thật nhàm chán, đừng ngần ngại làm mới nó bằng sức sáng tạo của mình. Tự tay làm sờn, làm rách, thêu thêm họa tiết, đính thêm ngọc trai,… làm gì cũng được, bởi vì “jeans are always a good idea!”

Ảnh bìa: Một công nhân đang làm việc tại Saitex, Việt Nam. Nguồn: Barkers.

Xem thêm:

[Bài viết] Ask A Senior: Nhìn lại thị trường thời trang Việt cùng Fashion Marketing Strategist Trần Hà Mi

[Bài viết] Thời trang bền vững – Phần 3: Những ứng dụng thực tiễn từ Metiseko


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục