Công Trí đánh dấu chặng đường 20 năm làm thời trang qua triển lãm “Cục Im Lặng”

Tại đây, bộ sưu tập từ No.1 đến No.10 của nhà thiết kế Công Trí sẽ được tái hiện qua cách tiếp cận đương đại của các 10 nghệ sĩ đương đại trong nước và quốc tế.

Kỳ Thơ
Công Trí đánh dấu chặng đường 20 năm làm thời trang qua triển lãm “Cục Im Lặng”

Công Trí đánh dấu chặng đường 20 năm làm thời trang qua triển lãm “Cục Im Lặng”

Sau hơn 2 thập kỷ cống hiến và tạo nên nhiều tiếng vang cho thời trang Việt, nhà thiết kế Công Trí từ lâu đã trở thành một tượng đài, một nguồn cảm hứng lớn không chỉ trong làng thời trang, mà còn đối với bất kỳ ai yêu thích nghệ thuật.

20 năm làm thời trang của nhà thiết kế Công Trí là chặng đường có nhiều thăng trầm nhưng cũng lắm kỳ tích. Trên hành trình này, anh không ngừng khiến công chúng phải vỡ oà qua 10 bộ sưu tập xứng tầm Haute Couture của mình. Đối với anh, chúng không chỉ là thành tích mà còn là “tài sản lớn nhất của đời mình”.

Nhằm kỷ niệm và tri ân chặng đường 20 năm đã qua, anh quyết định tổ chức Triển lãm thời trang Nguyễn Công Trí và Nghệ thuật đương đại “Cục Im Lặng”. Buổi triển lãm là sự giao thoa, kết hợp giữa thời trang và nghệ thuật đương đại với quy mô nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, thậm chí là trong cả khu vực Đông Nam Á. ‘Lược sử thời gian’ về hành trình im lặng, nhẫn nại, không ngừng nghỉ và không thỏa hiệp cùng các bộ sưu tập từ No.1 đến No.10 của nhà thiết kế Công Trí sẽ được tái hiện qua cách tiếp cận đương đại của các 10 nghệ sĩ đương đại trong nước và quốc tế.

Trước thềm khai mạc, tuy tất bật với hàng loạt công đoạn chuẩn bị, nhà thiết kế Công Trí đã nán lại ít phút để chia sẻ với Vietcetera về những điều đặc biệt của “Cục Im Lặng” cũng như những quan điểm làm thời trang của anh.

Anh có thể chia sẻ về cơ duyên gặp gỡ với 10 nghệ sĩ tham gia triển lãm?

Có thể mọi người sẽ nghĩ đây là một triển lãm mà tôi làm cùng những người bạn, người nghệ sĩ đồng nghiệp đã đi cùng tôi trong những năm qua, tuy nhiên không hẳn như vậy. Điều đặc biệt của triển lãm này là tôi được kết nối với các nghệ sĩ thông qua một người giám tuyển (curator). Tiêu chí lựa chọn hợp tác của chúng tôi bao gồm nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự tương thích trong tinh thần và phong cách sống của nhau.

Xuyên suốt quá trình chuẩn bị cho triển lãm, chúng tôi ‘im lặng’ làm việc và giữ khoảng cách với nhau để giữ trọn tính bất ngờ cùng hàng loạt các cung bậc cảm xúc khác. Các nghệ sĩ xem bộ sưu tập, biết được cảm hứng của tôi đến từ đâu. Từ đó, họ tiếp tục lồng ghép tinh thần và thông điệp nhằm tạo nên một tác phẩm mang dấu ấn riêng của mình. Trước khi trình làng, tôi vốn chỉ biết trước khoảng 30% về mặt ý tưởng cùng một số hình ảnh sơ lược. Đến tận lúc khai mạc, tôi mới có thể chiêm ngưỡng 100% thành phẩm của họ, bao gồm quy mô về mặt chất liệu, vật liệu, độ lớn…

Tôi nghĩ chính cuộc đối thoại dựa trên cảm xúc thật giữa các nghệ sĩ như thế này là điều mà hiếm có nhiều triển lãm trên thế giới có thể làm được. Và nó chính là yếu tố chủ chốt tạo nên nét đặc biệt cho “Cục Im Lặng”.

Ý nghĩa đằng sau tên gọi “Cục Im Lặng” đối với cá nhân anh là gì?

Có thể nói “Cục im lặng” là hình tượng phản ánh bản thân tôi. ‘Im lặng’ là triết lý sống, là cách làm việc của tôi. Từ trước đến nay tôi vốn không có xu hướng nói về bản thân hay bất kỳ điều gì bản thân đang làm.

Nếu với một số người im lặng đồng nghĩa với sự từ bỏ, chấp nhận hay thậm chí là trống rỗng, thì với tôi im lặng lại quyền năng vô cùng. Nó giúp tôi tập trung vào thế giới nội tâm và khơi gợi những góc khuất của tâm hồn thường khó chạm tới. Để từ đó, tôi có thể sống trọn với sáng tạo, với đam mê và ‘tích góp’ năng lượng mang tôi vươn xa trong sự nghiệp.

‘Cục’ được biết đến là một khối đa diện nhỏ của vật chất hay còn chỉ một tổ chức gồm nhiều cá nhân cùng định hướng. Bản thân tôi là một “cục im lặng”. Nhưng để đi đến ngày hôm nay là sự đồng hành và đóng góp bền chặt của một tập thể, gồm hàng loạt cá nhân và đương nhiên bao gồm cả những nghệ sĩ đương đại làm nên các tác phẩm sáng tạo tuyệt vời tại triển lãm này.

Theo anh, điều gì là quan trọng đối với một người làm thời trang?

Tôi vốn không bao giờ ép buộc bản thân phải cố gắng chinh phục các sàn diễn thế giới hay có được những khách hàng là các ngôi sao quốc tế. Mục tiêu và kế hoạch trong công việc là điều tất yếu, nhưng theo tôi, người làm nghệ thuật đừng quá đặt nặng cũng như đừng chỉ tập trung vào nó.

Tôi không cho rằng việc đơn thuần định ra mục tiêu và một mực đi trên con đường được vẽ ra một cách cứng nhắc là cách giúp chúng ta thành công. Bạn có mục đích nhưng bắt buộc kèm theo đó luôn phải là những trải nghiệm từ tâm hồn và luồng cảm xúc xuất phát từ trái tim. Chỉ như thế bạn mới có thể tạo nên thành phẩm chạm đến cảm xúc của công chúng.

Nhà thiết kế chau chuốt và thể hiện mạch cảm xúc thật đẹp qua các bộ sưu tập. Bên cạnh chất lượng và nỗ lực nắm bắt xu hướng, từng sản phẩm trình làng của người làm thời trang đều phải hoàn thiện về mặt tinh thần cũng như luôn ẩn chứa nhiều yếu tố sáng tạo.

Cuối cùng, đâu là yếu tố tạo nên DNA trong thiết kế của Nguyễn Công Trí?

Tôi cho rằng khi ra một bộ sưu tập, cảm xúc ngay tại thời điểm đó là vô cùng quan trọng. Bởi nó chính là ‘chất liệu’ làm nên sự trọn vẹn của một tác phẩm. Và những vấn đề tôi quan tâm cũng rất đỗi dung dị, chẳng có gì là to tác cả. Tôi say mê những nét đẹp, những giá trị truyền thống. Hàng loạt điều bình bị như cây lúa, hoa cỏ, cánh đồng, làng quê… luôn đọng lại trong tôi sự rung động và đồng thời là sự bình yên mộc mạc đến lạ kỳ.

Từ những điều đó, tôi cường điệu hoá và thêm thắt vào những nét dân dã đó bằng sự lãng mạn. Một khi trở nên thi vị hơn, các sản phẩm thiết kế không còn thuộc quyền sở hữu của riêng tôi nữa, mà nó gắn kết và khơi gợi sự đồng điệu giữa mọi người. Đó là những giá trị quý báu mà theo tôi, ‘có chủ ý’ cũng không thể đạt được.

Còn về những yêu cầu về phom dáng, chất lượng vải, đường may… thì tất cả đều là những tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật buộc bất kỳ nhà thiết kế nào cũng phải đáp ứng. Cái khó khi bước ra sàn diễn thời trang quốc tế là làm thế nào để chúng ta và những ‘đứa con tinh thần’ của mình thích nghi được ‘luật chơi’ đầy nghiêm ngặt của họ.

Trong nghệ thuật đích đến cuối cùng vẫn là tâm hồn, trái tim và cảm xúc. Cảm xúc của nghệ sĩ nào chạm đến được nhiều người, thì khi đó tác phẩm của họ được thăng hoa.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục