Đạo diễn Leon Lê: Chuyện tình kết nối bởi tiếng song lang

Bộ phim Song Lang của đạo diễn Leon Lê là một hồi vang của ký ức về Sài Gòn vào những năm 1980. Xoay quanh câu chuyện tình đi ngược những định kiến xã hội của một nghệ sĩ cải lương trẻ - Linh Phụng và Dũng - một kẻ đòi nợ thuê. Câu chuyện là cách khai thác mới lạ của đạo diễn về tình yêu đồng tính.
David Kaye
Đạo diễn Leon Lê: Chuyện tình kết nối bởi tiếng song lang

Đạo diễn Leon Lê: Chuyện tình kết nối bởi tiếng song lang

“Đây đơn giản là một câu chuyện tình,” Leon Quang Lê chia sẻ một cách khiêm tốn về bộ phim điện ảnh “Song Lang” mà anh đạo diễn. Vài ngày trước khi phim chính thức được công chiếu, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với anh và vén bức màn bí mật về tác phẩm điện ảnh đang nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của công chúng và giới chuyên môn.

Bối cảnh của “Song Lang” xoay quanh nền nhạc cải lương truyền thống, vốn là nguồn vui gắn liền với ký ức tuổi thơ của Leon. Bộ phim là lời đề tặng của anh dành cho một thời Sài Gòn quá vãng, nơi chất chứa những hoài niệm trước khi gia đình anh bắt đầu cuộc sống mới tại Quận Cam, California năm anh 13 tuổi.

Khi rời Việt Nam vào năm 1992, Leon mang theo mình chiếc hộp chất đầy những cuộn băng cassette nhạc cải lương. Anh biết rằng, dù mình có thể tìm thấy tất cả ở ‘miền đất hứa’, nhưng nếu có một thứ mà nước Mỹ không thể cung cấp, thì đó chính là cải lương. Những cuộn băng quý báu ấy ghi lại bao ca khúc bất hủ của các giọng ca huyền thoại như Bạch Tuyết, vốn được mệnh danh là “Cải lương chi bảo” của bộ môn nghệ thuật này.

Kí ức Sài Gòn

“Tôi còn nhớ như in khung cảnh Sài Gòn vào thập niên 80, từ trò chơi điện tử Nintendo cho đến những chiếc máy radio, casette,” Leon hồi tưởng. Cả hai chi tiết này đều được lồng ghép tài tình trong “Song Lang”. Ví như một khoảnh khắc quan trọng trong phim diễn ra khi hai nhân vật nam chính – nghệ sĩ cải lương Linh Phụng (do Isaac thủ vai) và gã giang hồ đòi nợ thuê Dũng (Liên Bỉnh Phát) – trở nên thân thiết hơn khi cùng nhau đánh hạ màn cuối của trò chơi Nintendo “Contra”.

“Lạ thay, tôi lưu giữ tất cả những mảng ký ức này trong đầu mà không hề hay biết. Mọi thứ chỉ dần ùa về khi tôi về Việt Nam trong vai trò diễn viên vào năm 2008,” Leon mỉm cười. Đối với vị đạo diễn trẻ, anh cảm thấy sự kết nối mãnh liệt hơn với băng cassette. “Tôi thích những lúc lấy đầu bút chì để tua băng, hoặc dùng băng keo trong để nối lại đoạn băng bị đứt.”

Tìm về cội nguồn

Sau khi trở về Việt Nam vào năm 2008, Leon nhận được một số vai diễn trong các bộ phim điện ảnh Việt như “Khát vọng Thăng Long”, “Những nụ hôn rực rỡ”, hay “Để mai tính”. “Tôi nắm rõ mình sẽ cần làm gì sau khi trò chuyện với Charlie Nguyễn, Johhny Trí Nguyễn, và Kathy Uyên…” anh chia sẻ. “Tôi cho rằng nếu họ có thể thành công, thì mình cũng không ngại gì mà không thử sức.”

Leon chuyển hướng sang nghề đạo diễn với “Dawn”, bộ phim ngắn đầu tay theo thể loại bán tự truyện được ra mắt vào năm 2012. Với thời lượng 11 phút, bộ phim đã dành giải Đạo diễn và Phim xuất sắc nhất tại liên hoan phim YXINE. Tiếp nối thành công trên, Leon đã hoàn thành “Talking to my mother”, bộ phim ngắn với nhân vật chính là chàng trai trẻ chưa tiết lộ giới tính thật của mình cho người mẹ.

Dù rằng cả hai bộ phim trên đều được thực hiện tại Mỹ, nhưng chúng đã mở ra nhiều cơ hội để anh xúc tiến dự án “Song Lang”.

Xóa nhòa ranh giới phim thương mại và nghệ thuật

Leon cho rằng điện ảnh Việt Nam vẫn còn thiếu sự phong phú về thể loại, khi mà thị trường vẫn bị chi phối bởi 2 dòng phim chính. Một là phim nghệ thuật với nguồn kinh phí được hỗ trợ từ các quỹ liên hoan phim hoặc tổ chức nghệ thuật, vốn ít khi nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng trong nước.

Thứ hai là phim thị trường, được sản xuất đại trà theo bất kỳ “công thức” nào hiện đang ăn khách trên thị trường. “Một ví dụ điển hình là phim làm lại (remake). Vì chúng rất thành công về mặt thương mại, nên nhiều người hiện đang đổ xô vào thể loại này. Nó tương tự như trà sữa vậy, một khi ai đó vừa mở tiệm trà sữa, không lâu sau ai cũng đua nhau kinh doanh loại thức uống này.”

Theo lời Leon, “Song Lang” hoàn toàn không phải là một bộ phim thương mại. Anh đã mất hai năm để hoàn thiện phim, trong đó một năm được dành ra để tìm nhà đầu tư. “Ai cũng bảo với tôi rằng tuy họ rất thích kịch bản, nhưng sẽ không ai đến rạp xem bộ phim này,” anh hồi tưởng. “Điều đó lại giúp tôi không bị áp lực phải làm ra một tác phẩm có thể làm vừa lòng tất thảy mọi người.”

Câu chuyện tình thách thức mọi định kiến

Với trọng tâm câu chuyện là mối tình dang dở của hai người thanh niên, “Song Lang” chinh phục người xem với những thước phim tuyệt mỹ, bối cảnh hoài niệm, nhạc phim giàu cảm xúc, và đặc biệt là sự tinh tế, nhẹ nhàng trong cách khai thác chủ đề tình yêu.

“Tôi cảm thấy bức bối với cách những nhân vật đồng tính được khắc họa trong những bộ phim điện ảnh thời gian qua,” Leon bày tỏ. “Với “Song Lang”, tôi muốn làm một bộ phim mà trong đó, các nhân vật chính không có bất kỳ tương tác nào về mặt thể xác. Thông qua đó, trao cho khán giả cơ hội nhìn nhận họ dưới góc độ là những con người bình thường.”

““Song Lang” là một phần ADN của tôi”

Nhân vật chính của “Song Lang” là Linh Phụng, một “kép chánh” cải lương tuy sở hữu kỹ thuật hát điêu luyện, nhưng lại thiếu đi “phần hồn” khi trình diễn. Đây đồng thời cũng chính là tên khai sinh của Leon, trước khi bố mẹ nuôi đặt cho anh cái tên mới khi anh mới 6 tuần tuổi. “Linh Phụng có ý nghĩa là chim phượng hoàng trong tứ linh. Nhưng giờ bạn sẽ chỉ thấy nó trên giấy khai sinh của tôi mà thôi,” anh cười bảo. ““Song Lang” chất chứa rất nhiều ADN của riêng tôi.”

Bên cạnh việc hiện thực hóa giấc mơ về đam mê cải lương của vị đạo diễn trẻ, những màn trình diễn trong phim cũng đồng thời phản ánh thời niên thiếu của Leon tại Mỹ. “Khi tôi 14, 15 tuổi, tôi có cuốn băng ghi hình hậu trường dàn dựng vở nhạc kịch “Cô gái Sài Gòn” (Miss Saigon) tại London,” anh chia sẻ. “Lúc đầu, tôi cứ tưởng đó là một cuộc thi sắc đẹp. Sau khi xem xong tôi mới nhận ra nó tựa như thể loại cải lương kiểu Mỹ. Trong đó, những phân cảnh hát không hoàn toàn giống như các ca khúc bắt tai trên thị trường, mà là diễn viên diễn xướng lời thoại của họ.”

Khi đoàn kịch “Cô gái Sài Gòn” đến lưu diễn tại Los Angeles, Leon đã không ngại ngần mua ngay chiếc vé trị giá 15 đô. “Gia đình tôi đã may mắn có được chỗ ngồi trong lô ngay gần sân khấu. Ngay khi tấm màn sân khấu được vén lên, tôi nhanh chóng nhận ra đây là thế giới mà mình muốn theo đuổi,” anh thổ lộ. Leon bắt đầu tham dự mọi buổi thử vai mà anh tìm thấy được trên những trang báo của Backstage. “Có lần tôi còn đến một buổi thử vai được tổ chức tại một nhà thờ ở Los Angeles. Hóa ra mọi người ở đó đều là da màu, chỉ có mình tôi là người châu Á, vì đó là chương trình trình diễn nhạc Phúc âm,” Leon cười lớn.

Hành trình quay “Song Lang”

Hầu hết những phân cảnh của “Song Lang” đều được quay ở quận 5 Sài Gòn. So với quận 1, bộ mặt đô thị tại khu vực này này vẫn chưa thay đổi quá nhiều, được lưu giữ gần giống với ký ức của Leon về Sài Gòn vào những năm 80. “Tôi không muốn làm một bộ phim lấy bối cảnh thời hiện đại. Những nét đẹp mộc mạc vốn có trước đây của thành phố đã ít nhiều bị phai nhòa,” anh lắc đầu ngán ngẩm. “Hơn nữa, người dân ở quận 5 thân thiện hơn rất nhiều.”

Song song đó, nhiều bối cảnh phim trường vẫn phải được dàn dựng mới. Ví như biển hiệu máy may Sinco đã được đoàn làm phim sơn sửa lại cho những cảnh quay tầng thượng, hay nội thất bên trong của rạp hát Kim Châu (nay là rạp Bông Sen), nơi nhân vật chính Linh Phụng trình diễn cùng đoàn cải lương.

Kết lại buổi trò chuyện đầy lý thú, Leon bảo rằng: “Tôi muốn làm một bộ phim có thể dẫn dắt người xem chìm đắm vào hành trình của nhân vật, khiến họ khóc, cười với cảm xúc chân thật mà không thông qua bất kỳ công nghệ kỹ xảo nào. Nếu làm được điều đó, tôi nghĩ mình đã thực sự thành công với tác phẩm của mình.

Xem thêm:

[Bài viết] Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Bước tiến dài đến điện ảnh

[Bài viết] Phim ngắn “First Generation” – Thân phận Việt kiều dưới góc nhìn của những người trẻ


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục