Di sản văn hoá và kiến trúc của các thành phố tại châu Á: Một thế mạnh cần phát huy
CEO của SCE Project Asia chia sẻ cách mà các thành phố tại châu Á có thể tận dụng kho tàng di sản văn hoá của mình để giải quyết những vấn đề xã hội.
Khi nói về những thành phố thông minh, chúng ta liên tưởng ngay đến những thành phố hiện đại, với sự thống trị của những chú robot đồng hành, giao hàng bằng drone và đèn đường kết nối internet. Nhưng khoan hẵng nghĩ đến những phát minh xa vời đó, bởi để hiện thực hoá thành phố thông minh, trước tiên chúng ta cần phải học cách ứng dụng những tiến bộ công nghệ sẵn có để giải quyết các vấn đề cấp thiết về kinh tế, xã hội, và môi trường.
Để hiểu rõ hơn về chủ đề rộng lớn này, chúng tôi đã tìm đến Luigi Campanale, CEO của SCE Project Asia — một đơn vị tư vấn xây dựng uy tín trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có trụ sở đặt tại Milan. Tại đây, anh đã nhấn mạnh về cách mà các thành phố tại châu Á có thể tận dụng kho tàng di sản văn hoá của mình để giải quyết những vấn đề trọng điểm của xã hội, đồng thời quảng bá một chất lượng sống tốt hơn.
Luigi Campanale, CEO của SCE Project Asia — một đơn vị tư vấn xây dựng uy tín trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có trụ sở đặt tại Milan. | Nguồn: Linh Pham cho Vietcetera
Chuyên mang đến các dịch vụ thiết kế tích hợp, SCE Project Asia là đơn vị tham gia vào nhiều dự án khách sạn và văn hoá lớn như Dự án khôi phục và nâng cấp chợ Bến Thành, nghiên cứu sơ bộ về Nhà thờ Lớn Hà Nội, và gần đây nhất là cuộc thi thiết kế Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm, Sài Gòn.
Luigi gia nhập SCE Project vào năm 2003 với tư cách là kiến trúc sư quản lý dự án, và chính thức giữ vai trò Giám đốc Điều hành của công ty tại chi nhánh Việt Nam và Singapore từ năm 2016. Hiện, anh là “thuyền trưởng" của cả khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Với hơn 10 năm trong nghề, Luigi đã ứng dụng chuyên môn của mình trong việc phát triển nhiều dự án mang tính biểu tượng, bao gồm St. Regis Hotel & Serviced Apartments ở Kuala Lumpur, Khu phức hợp bán lẻ ‘“888” tại Đà Nẵng, nhà máy chế tạo động cơ mới cho BMW tại Đông Bắc Trung Quốc và gần đây là dự án phục hồi The Secretariat — Tòa nhà Bộ trưởng và là trụ sở chính và hành chính của Miến Điện Anh, ở trung tâm thành phố Yangon.
Tại sao bảo tồn di sản văn hoá là một trong những thách thức mà các thành phố tại châu Á phải đối diện trong tương lai, thưa anh?
Hãy tưởng tượng vào một buổi chiều đẹp trời bạn quyết định “làm một chuyến du ngoạn" vòng quanh các đô thị tại Đông Nam Á để chụp lại khung cảnh từng nơi. Những bức ảnh sẽ cho bạn thấy rằng ngày nay những thành phố trông giống nhau đến thế nào: những toà nhà chọc trời, những trung tâm thương mại đồ sộ, sự thiếu hụt những mảng xanh, các khu vực cộng đồng và trung tâm văn hoá; và quan trọng nhất là dần thiếu đi bản sắc văn hoá.
Ba thập kỷ qua, thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn bùng nổ kinh tế và bùng nổ dân số thành thị. Và điều này đi kèm với một cái giá, đó là những vấn đề liên quan đến tốc độ đô thị hoá nhanh dần chất đống. Đất đai trở thành của hiếm mà chỉ người giàu mới đủ khả năng sở hữu, và những lợi ích được tạo ra từ nền kinh tế đang phát triển bỗng chốc vô nghĩa vì sự bất bình đẳng ngày một dâng cao. Những phong tục truyền thống cũng dần mai một, ngoại trừ những thứ có thể gói ghém được để bán cho du khách du lịch như một màn trình diễn văn hoá.
Trên hết, sự bùng phát của đại dịch còn cho thấy một điều rõ ràng là những mô hình phát triển hiện tại không hề bền vững. Nguồn tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận, và nếu không có sự thay đổi về đường hướng một cách kịp thời, các thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu nhiều hệ quả.
Để trả lời câu hỏi của bạn, mục đích của việc bảo tồn các toà nhà di tích lịch sử tại châu Á không phải vì “chúng ta nên làm vậy" hoặc “tại châu Âu người ta làm vậy", mà phải nhìn nhận cả toà nhà như một cơ hội cho một sự phát triển phồn thịnh hơn. Điều này có nghĩa là tạm dừng mở rộng các thành phố ra vùng ven và tập trung cải tạo những toà nhà đang hiện diện trong thành phố.
SCE Project Asia từng chia sẻ thành phố thông minh là cách để các thành phố trở nên đáng sống hơn. Những giải pháp mà thành phố thông minh mang đến là gì? Và nó đóng góp như thế nào trong việc bảo tồn di sản văn hoá?
Bản chất của một thành phố thông minh (nếu hiểu và triển khai hợp lý) không đi ngược lại với việc bảo tồn di sản văn hoá. Ngược lại, với các thành phố thông minh, bạn có cơ hội để giải quyết các vấn đề về cơ cấu từ góc độ qui hoạch: tập trung vào các khu vực cộng đồng để nâng cao tính đáng sống, hướng đến sự cân bằng giữa xây dựng và môi trường tự nhiên, quảng bá sự phồn thịnh kinh tế, bình đẳng và ổn định xã hội, mang đến nhiều cơ hội giáo dục, và tạo ra cơ sở vật chất để quảng bá văn hoá.
Có một số khía cạnh nhất định cần phải suy nghĩ lại, như công năng chẳng hạn. Sau khi tu sửa xong, chúng ta nên bố trí gì trong các toà nhà cổ này để chắc rằng nó được sử dụng?
Không phải vấn đề nào cũng dễ dàng nhận thấy. Vậy làm thế nào để bàn về những vấn đề không hiển hiện đó và thuyết phục những đơn vị liên quan hành động?
Tôi tin rằng ai cũng nhận thấy những vấn đề này, nhưng phần lớn mọi người có một niềm tin mãnh liệt là họ không thể làm gì để cải thiện tính đáng sống, vì thế họ có xu hướng ngó lơ những vấn đề này và tìm cách thích nghi với thực tại.
Để thay đổi tư tưởng này, ý tưởng về nền kinh tế tuần hoàn nên được giới thiệu đến đại chúng. Chỉ khi nào chúng ta thực hiện những chiến dịch nâng cao nhận thức và giới thiệu concept này đến các trường học, chúng ta mới có thể hy vọng những giá trị như bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hoá được lan rộng.
Làm thế nào để giải quyết tình trạng di cứ đến thành thị cũng như giúp các cư dân mới hoà nhập vào làn sóng xây dựng môi trường sống bền vững?
Mỗi thành phố có những đặc trưng khác nhau, nhưng xét về mặt chiến lược tổng quát, ý tưởng là thúc đẩy tái sử dụng thích ứng (adaptive reuse) cho các toà nhà có sẵn nếu khả thi. Chúng ta có thể khuyến khích các nhà đầu tư bằng các lợi ích kinh tế để họ đầu tư xây dựng trong khuôn khổ hiện có của thành phố. Bằng cách này, chúng ta giảm bớt được nhu cầu tạo ra thêm cơ sở vật chất, hoặc mở rộng ra vùng ven thành phố.
Vậy nên ý tưởng lớn là ngừng mở rộng các thành phố lớn đã và đang mất cân bằng. Ý tưởng này chỉ có thể hiện thực hoá bằng cách tạo ra việc làm và cải thiện hạ tầng tại các khu vực ngoại ô thành phố để giảm bớt tình trạng di dân đến thành thị và tích hợp các dự án ở cấp độ vùng (dựa trên các nguyên tắc cơ bản của việc tập hợp kinh tế và tích hợp hạ tầng) để khuyến khích mọi người an cư lập nghiệp thay vì di dân vào thành phố.
Anh từng chia sẻ tái sử dụng thích ứng là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề bảo tồn văn hoá. Những cơ hội mà việc tái sử dụng các di sản văn hoá mang lại là gì?
Cơ hội tái phát triển tại các thành phố hạng nhất cũng như các thành phố nhỏ hơn (như Đà Lạt) tại Việt Nam thật sự là rất nhiều. Nền công nghiệp du lịch và bán lẻ có thể hưởng lợi lớn từ cơ chế khuyến khích, quyền lợi kinh tế cho những người đầu tư vào việc tái sử dụng thích ứng, như chuyển đổi các villa cũ thành khách sạn boutique hoặc cửa hàng bán lẻ, mang đến một không gian độc đáo và trải nghiệm văn hoá. Phương pháp này có thể tạo ra một thị trường mới cho cho các khách hàng tinh tế, ưa thích những trải nghiệm độc đáo.
Chính phủ cũng nên nỗ lực nâng cấp các cung điện và di tích lịch sử. Ví dụ là Dinh Gia Long (Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là một ví dụ tuyệt vời của kiến trúc thuộc địa, nhưng hiện đang bị bỏ mặc và không được sử dụng. Với một chính sách phù hợp, tất cả các đơn vị đi đầu của ngành bất động sản Việt Nam sẽ vinh dự được trở thành một phần của dự án quan trọng và tầm cỡ này.
Anh đã thiết kế Hanoi Felicity Smart District và Saigon Golden Square — những phát kiến này liệu có thể được xem là bản thiết kế điển hình cho các thành phố bền vững trong tương lai không?
Hanoi Felicity chỉ là điểm khởi đầu của cả phát kiến Smart City của chúng tôi. Vì toạ lạc xa khỏi trung tâm thành phố, vậy nên một vài đặc trưng văn hoá nhất định sẽ không hiện diện tại đây. Saigon Golden Square, mặt khác, tái hiện bản thiết kế chi tiết về ý tưởng phát triển bền vững của chúng tôi: hệ thống giao thông công cộng tích hợp; các toà nhà lịch sử được trùng tu và sử dụng cho nhiều mục đích khác; sự giao hoà trong việc xây dựng và giữ lại không gian tự nhiên; các khu vực xanh và khu vực cho người đi bộ.
Hiện SCE đang làm gì để quảng bá nền kinh tế tuần hoàn và nâng cao nhận thức cho mọi người?
Trước đây, chúng tôi đã tổ chức nhiều sự kiện, quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, kiến trúc, đại chúng và truyền thông. Hiện chúng tôi đang thực hiện các sáng kiến dự kiến ra mắt vào cuối 2020 và đầu 2021.