Eternals: Bộ phim Marvel đầu tiên lồng ghép tư tưởng Đạo giáo và Phật giáo

Eternals là một tác phẩm ấn tượng, vì Chloé Zhao có lẽ là người đầu tiên mang những triết lý hiện sinh một cách đầy tham vọng vào Vũ trụ điện ảnh Marvel.
Lucas Luân Nguyễn
Nguồn: Eternals

Nguồn: Eternals

Bài viết có tiết lộ nội dung phim

Eternals là tác phẩm đầy tham vọng của cả Marvel Studios lẫn đạo diễn Chloé Zhao trong việc mở rộng vũ trụ hiện có. Bộ phim quay về khởi nguyên tôn giáo của loài người, nói về giây phút những “vị thần” đặt chân đến Trái Đất và nhúng tay vào sự phát triển của văn minh nhân loại.

Eternals có tính đa văn hóa. Nó có thể được phân tích dưới góc nhìn của nhiều tôn giáo khác nhau. Nhưng không biết có phải vì là một người châu Á hay không, cá nhân tôi lại thấy triết lý Đạo giáo (Taoism) và Phật giáo nổi trội hơn cả.

Bộ phim chứa nhiều motif, câu thoại và biểu tượng có thể được diễn giải theo Đạo đức kinh của Lão Tử và Hoa Nghiêm kinh trong Phật giáo.

Bài phân tích này sẽ chỉ ra những triết lý đó và cách chúng được cài cắm một cách độc đáo vào bộ phim siêu anh hùng mới mẻ này của Marvel.

“Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên.”

Câu trên trích từ chương 25 của Đạo Đức Kinh.

Nếu đặt lời dạy này vào Eternals, chúng ta sẽ thấy nó ứng với 4 thế lực hiện hữu trong phim: con người (nhân), Deviant (đất), Eternal (trời) và Celestial (Đạo).

Trong Eternals, khán giả được giới thiệu 3 thế lực mới. Đầu tiên là Celestial, những “đấng toàn năng” tạo nên các thiên hà và hành tinh, đứng đầu là Arishem - Celestial tối cao. Sau đó là Deviant, những thực thể săn mồi đe dọa sự sống còn của loài người từ 7000 năm trước. Và các Eternal, những người được Celestial Arishem cử xuống để tiêu diệt Deviant nhằm đảm bảo cho sự phát triển của nhân loại.

Cứ vài tỷ năm, sẽ có một hành tinh bị hủy diệt một Celestial mới chào đời, gọi là “sự trỗi dậy". Trong phim, Arishem coi đây là “lợi ích tối cao”, đặt vị thế của các Eternals là “Đạo”.

Hiện tượng này sẽ xảy ra khi hành tinh đó đạt được một lượng dân số nhất định qua nhiều thiên niên kỷ. Và để giúp dân số phát triển, Celestial tạo ra Deviant nhằm tiêu diệt những con thú săn mồi trên hành tinh đó. Tuy nhiên, các Deviant lại mất kiểm soát và trở thành “apex predator” (thú săn mồi đầu bảng).

Deviant có hình hài thú vị: trông giống quái vật nhưng lại có những nét tựa như các loài thú săn mồi đã và đang tồn tại trong lịch sử. Không Deviant nào là giống Deviant nào, bởi vì chúng có khả năng tiến hóa và biến thành thứ chúng đã săn được trước đó.

Nói cách khác, các Deviant tượng trưng cho “đất”, cho vòng tuần hoàn vô tận của kẻ đi săn và kẻ bị săn. Nó cũng là tác nhân khiến con người nhận ra vị thế của mình.

Khi các Deviant đe dọa sự phát triển của dân số, Arishem phải tạo ra Eternals để dọn dẹp sai lầm của mình. Trong phim, họ được người Trái Đất xem như “người trời” để giúp nhân loại phát triển. Mối quan hệ giữa các Eternal và các Deviant như “trời” với “đất”, tương khắc nhau tựa “dương” với “âm” nhưng mãi là một phần của “Đạo”.

Thật ra cả tác phẩm Eternals là một thang đo thứ bậc (hierarchy): người thuận theo Deviant, Deviant thuận theo Eternal, Eternal thuận theo Celestial, và Celestial thuận theo lẽ tự nhiên.

Để củng cố cho ý này, ở cuối hồi 2 của phim, Ikaris đã nói: “Anh luôn nghĩ các Celestial như đại dương. Họ ban phát sự sống và không thiên vị”.

Ý “không thiên vị” này là ý mà Lão Tử đã dùng để nói về Đạo trong câu “Thiên đạo vô thân”, tức “Đạo trời không thiên vị”.

Tuy nhiên, trong phim, xung đột lớn nhất được xây dựng là giữa các Eternal và các Celestial. Khi Eternal biết rằng bản chất “Đạo” cũng mắc những lỗi lầm và có sự thiên vị đội lốt “tự nhiên”, họ bắt đầu mâu thuẫn về lý tưởng và đức tin.

Đây là lúc các Eternals buộc phải chọn: hoặc giữ vững đức tin nơi “Đạo”, hoặc đi theo lý tưởng của mình và sống như một con người đúng nghĩa.

“Trời đất sở dĩ dài lâu chính vì không sống cho mình, vì thế nên trường sinh.”

Trong Đạo Đức Kinh có một câu có thể tóm tắt toàn bộ tác phẩm Eternals. Đó là "Thiên trường, địa cửu. Thiên địa sở dĩ năng trường thả cửu giả, dĩ kỳ bất tự sinh, cố năng trường sinh" (Trời dài, đất lâu. Trời đất sở dĩ dài lâu chính vì không sống cho mình, vì thế nên trường sinh.)

Ở đầu tác phẩm có một lời đề từ súc tích về những gì sắp xảy ra trong phim: “Các Eternal có niềm tin bất diệt vào Celestial Arishem, nhưng một nhiệm vụ dẫn đầu bởi Eternal tối cao Ajak đã thay đổi tất cả…”.

Nhiệm vụ đó chính là Trái Đất, nơi đã khiến cho 10 người này bị khủng hoảng đức tin tuyệt đối và tranh luận về ý nghĩa của sự tồn tại trường cửu họ có được.

Trong quá khứ, sau khi các Eternal nghĩ đã diệt được hết Deviant trên Trái Đất, thủ lĩnh Ajak đã yêu cầu họ giã biệt để tìm mục đích sống cho riêng mình. Đó cũng là điểm nối giữa quá khứ và hiện tại, khi ta chứng kiến các Eternal sống giữa con người. Họ gắn bó với Trái Đất, yêu thương con người và có những khát vọng sống như con người.

Hầu hết Eternals đều có câu chuyện riêng, dẫu chưa được phát triển dày dặn do thời lượng phim quá dài, nhưng vẫn cho khán giả đủ ấn tượng. Họ, hiểu theo một cách nào đó, đã gần giết chết cái tên “eternal” trong lòng mình khi chọn sống riêng cho bản thân.

Sersi tìm thấy tình yêu với Dane Whitman. Thena như một cựu chiến binh đối mặt với sang chấn hậu chiến (Post-traumatic stress order - PTSD). Thủ lĩnh Ajak như một người ngộ đạo khi là Eternal đầu tiên nhận ra rằng đức tin của mình đã rạn nứt sau hàng triệu năm trung thành với các Celestial.

Ikaris lại khác hẳn những Eternal còn lại. Anh trở thành một nhân vật chống đối, sẵn sàng nhìn Trái Đất bị hủy diệt vì lợi ích của Celestial. Tuy nhiên, Ikaris chưa bao giờ hoàn toàn sống vì lý tưởng, mà còn vì tình yêu của mình dành cho Sersi. Giây phút anh không nỡ xuống tay hại người mình yêu cũng là lúc Ikaris đã sống cho riêng mình.

Khi bất lực nhìn một Celestial bị tiêu diệt, Ikaris đã bay thẳng vào mặt trời: một hình ảnh biểu tượng của việc từ bỏ sự trường sinh, như Icarus trong thần thoại Hy Lạp bị mặt trời thiêu đốt đôi cánh vì tiến quá gần tới “lý tưởng” mà quên đi thực tại.

Và cuối cùng là Sprite, một Eternal cảm thấy sự trường sinh trong ngoại hình trẻ con suốt 7000 năm như một lời nguyền. Ở cuối phim, Sprite chọn trở thành một người bình thường. Mặc cho Sersi đã cảnh báo "một ngày nào đó em sẽ già đi và chết”, Sprite vẫn muốn một lần được lớn lên, được cảm nhận sự hữu hạn của cuộc đời và hiểu được giá trị của cuộc sống.

Đó cũng chính là lúc Sprite trở thành nhân vật minh chứng rõ nhất cho câu nói trên của Lão Tử: khi những người trời biết sống cho riêng mình, họ từ bỏ cuộc đời trường tồn, vĩnh cửu.

Nếu có một điều gây thất vọng ở Eternals, đó sẽ là việc Deviant là tuyến phản diện rất tiềm năng nhưng không thể phát triển đến tận cùng.

Bị trói buộc trong cái mác "chỉ biết giết chóc", các Deviant đã sống qua 7000 năm mà không có tự do ý chí. Khi giết và hấp thụ được sức mạnh của các Eternals, chúng mới dần tiến hóa và chuyển sang hình hài con người. Deviant bắt đầu có suy nghĩ, cảm xúc. Druig trong phim cũng đã chỉ ra rằng nếu các Deviant tiếp tục tiến hóa, thì chúng sẽ trở thành Eternals.

Điều đó cho thấy các thực thể này có thể dùng để khai thác đề tài “sản phẩm lỗi của các Đấng sáng thế”. Tuy nhiên, chúng trở thành những kẻ xấu ít chiều sâu, gợi xung đột nhưng không giải quyết xung đột triệt để.

Một là tất cả, tất cả là một

Cuối cùng thì, dù là Eternal hay Deviant, cả hai thế lực đều đó có những hành động chống đối Arishem - Đấng tối cao đã tạo ra họ. Khước từ chức năng và nhiệm vụ được giao, họ tự định nghĩa lại “số phận” của mình. Dù có nhiều hậu quả, nhưng vẫn minh chứng được rằng các Celestial cũng mắc lỗi lầm và chưa bao giờ có quyền định đoạt quyền sống của các thực thể khác.

Motif “chống lại đạo trời” này được sử dụng rất nhiều trong các phim Trung Quốc. Khi các vị thần nhận ra quy tắc hà khắc của Đạo trời là vô lý, họ sẽ trỗi dậy để đấu tranh cho tự do ý chí của mình.

Nổi bật nhất gần đây là phim hoạt hình Khương Tử Nha (2019). Bộ phim đưa ra một phản đề thú vị, khi một trong những nhân vật quan trọng nhất của Phong Thần Diễn Nghĩa quyết định chống lại sự sắp đặt của Nguyên Thủy Thiên Tôn tối cao trong Đạo giáo. Câu chuyện Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên cung, chống lại mệnh trời trong điện ảnh cũng thể hiện rõ motif này.

Tương tự với Ngộ Không, các Eternal cuối cùng vẫn không thoát khỏi “bàn tay của Phật Tổ” - họ bị Arishem triệu hồi về trong bàn tay vĩ đại của người.

Chính các Celestial và vũ trụ trong lòng bàn tay đã thể hiện rất rõ triết lý cuối cùng, và quan trọng nhất trong bộ phim. Đó là triết lý Phật giáo “một là tất cả, tất cả là một” (nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất), hay còn gọi là thuyết “thiên địa vạn vật đồng nhất thể” của kinh Hoa Nghiêm.

Trong một buổi họp báo, khi được hỏi về quá trình pitching ý tưởng cho tác phẩm Eternals, Chloé Zhao đã kể rằng tất cả bắt đầu với bức ảnh một hạt cát và một bài thơ của William Blake được gửi đến Kevin Feige, chủ tịch của Marvel Studios.

Dẫu chưa bao giờ tiết lộ đó là bài thơ nào của William Blake, Zhao đã chia sẻ như sau: “Trong bài thơ, Blake muốn nói rằng bạn có thể nhìn thấy vẻ đẹp vô tận và ý nghĩa của cả vũ trụ trong những thứ nhỏ nhất trên Trái Đất. Tầm nhìn tôi dành cho bộ phim này là thâu được vẻ đẹp đó - từ những gì vĩ đại nhất như vầng dương, đến những gì gần gũi nhất như lời thì thầm của những tình nhân.”

Cá nhân tôi và nhiều fan hâm mộ sau khi tìm, đọc và nghiên cứu các bài thơ của Blake đã khá chắc rằng đó là Auguries of Innocence (Những điềm tinh khôi). Bài thơ có một trích đoạn như sau:

To see a World in a Grain of Sand

And a Heaven in a Wild Flower,

Hold Infinity in the palm of your hand

And Eternity in an hour.

Dịch nghĩa:

Thấy Thế giới qua một hạt cát

Và Trời xanh trong một đóa hoa rừng

Thâu Vô biên giữa lòng bàn tay mở

Để Vĩnh cửu trôi trọn một giờ

Trong phim, để ngăn cản sự trỗi dậy của Celestial Tiamut từ bên trong lòng Trái Đất, các Eternal phải tìm cách kết hợp năng lượng vũ trụ của họ để tạo nên một khối tâm trí hợp nhất gọi là Uni-Mind.

Cuối phim, năng lượng này đạt đến cực đỉnh, cho Sersi một sức mạnh đủ để tiêu diệt Tiamut. Bộ phim lý giải khi một Celestial được sinh ra cũng là lúc tất cả Eternal được hợp nhất thành một. "We are one", tất cả là một.

“Chủng tộc bất tử”

Tựa phim tiếng Việt được dịch là “chủng tộc bất tử”. Cách dịch này có lẽ khó mà truyền tải hết ý nghĩa của tên gốc. Trong tiếng Anh có nhiều cách để nói về sự “bất tử” như “invincible”, “undying”, “indestructible”, “immortal”, nhưng có lẽ “eternal” là từ duy nhất gợi lên được bản chất của dòng chảy thời gian: vĩnh cửu.

Từ “eternal” vừa xuất hiện trong bài thơ của William Blake, vừa xuất hiện trong Đạo Đức kinh của Lão Tử. Phải chăng Zhao nhìn thấy được một câu chuyện tiềm năng xoay quanh mối quan hệ giữa con người với sự vô hạn của không - thời gian ngay ở cái tên này?

Eternals là thước phim có nhiều sự tương phản giữa sự hùng vĩ của những đại cảnh (long shot và extreme long shot) với những cận cảnh (close-up) hay những cảnh đặc tả (extreme close-up). Kết hợp với một nhịp phim từ tốn và cách kể chuyện phi tuyến tính (non-linear narrative), bộ phim dễ tạo cho người xem cảm giác lê thê, thiếu sự tập trung.

Số lượng nhân vật đồ sộ và tham vọng trải dài sự phát triển của họ suốt 7000 năm là một thách thức lớn. Chưa kể đến những thỏa hiệp dễ thấy của dòng phim siêu anh hùng như tính gây cười (comic relief) gây xao nhãng và lạc khỏi cảm giác của phim, cũng như sự phân bổ chưa đồng đều giữa tâm lý và hành động.

Tuy nhiên, vượt lên mọi thử thách đó, có thể thấy Chloé Zhao đã làm được điều mà cô đã đề ra từ đầu: tạo nên một thước phim đầy tính hiện sinh, mở rộng vũ trụ Marvel theo cách thơ nhất, đẹp nhất về không gian, thời gian.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục