Hai chàng trai Triều Tiên “vượt ngàn chông gai” để debut ở Kpop
1. Chuyện gì đang xảy ra?
Ngày 23/9, công ty quản lý Singing Beetle thông báo họ sắp ra mắt nhóm nhạc nam 4 thành viên tên 1VERSE. Các thành viên bao gồm Hyuk, Seok (người Triều Tiên), Kenny (người Mỹ gốc Hoa) và Aito (người Nhật). Nhóm ban đầu vốn được đặt tên là SB BOYZ, và các thành viên đã được giới thiệu với công chúng từ tháng 8/2023 đến tháng 1/2024.
1VERSE đang đặc biệt gây chú ý với công chúng Hàn Quốc vì là nhóm nhạc đầu tiên có thành viên người Triều Tiên đào tẩu (Hyuk và Seok). Được biết Hyuk đã phải đi qua 3 đất nước để tới được Seoul năm 13 tuổi. Seok thì từng nghe được những cuốn băng đĩa lậu có chứa nhạc và MV Kpop khi còn ở Triều Tiên, và cậu cũng mới tới Hàn Quốc từ năm 2018.
Hai chàng trai “vượt ngàn chông gai” năm nay chỉ mới 24 tuổi. Cả Hyuk và Seok đều mong rằng, khi họ trở nên nổi tiếng, gia đình và bạn bè ở Triều Tiên sẽ có cơ hội nhìn thấy họ trên truyền hình và internet, và biết rằng họ đang sống rất tốt.
2. Người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc bằng cách nào?
Dù có chung đường biên giới, nhưng Triều Tiên và Hàn Quốc về lý vẫn đang có chiến tranh với nhau. Họ chỉ ký hiệp định ngừng bắn và thống nhất thiết lập khu phi quân sự (DMZ) năm 1953, tạo ra 2 đất nước Triều Tiên và Hàn Quốc như ngày nay.
Vì vậy, người Triều Tiên gần như không thể băng qua biên giới để tới được người hàng xóm phía Nam. Con đường phổ biến nhất họ chọn là bơi qua sông Áp Lục - con sông nằm giữa biên giới Triều Tiên và Trung Quốc để tới tỉnh Cát Lâm hoặc Liêu Ninh của nước này, sau đó đi tiếp tới Lào, Thái Lan và cuối cùng bay tới Seoul. Khoảng 84% người đào tẩu đi đường này.
Trung Quốc vốn là nước có quan hệ thân thiết với Triều Tiên. Vì vậy nếu người Triều Tiên đào tẩu bị phát hiện, họ có thể bị buộc hồi hương và chịu những hình phạt khắc nghiệt từ chính phủ Triều Tiên. Dù vậy tại Cát Lâm và Liêu Ninh, có không ít cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ đào tẩu, với mức giá mà có lẽ người Triều Tiên phải làm lụng nhiều năm trời mới tiết kiệm được.
Một số người lại chọn đào tẩu qua Mông Cổ và Nga, rồi bay tới Seoul từ Nga. Theo AP, cũng có không ít quan chức ngoại giao, du học sinh hoặc vận động viên Triều Tiên đã tìm cách bỏ trốn khi học tập và làm việc ở nước ngoài.
Sau khi tới được Hàn Quốc, họ sẽ phải trải qua bài kiểm tra an ninh của Bộ Thống nhất Hàn Quốc để xác định không phải điệp viên. Sau đó họ sẽ được cấp quốc tịch Hàn, và được “tập huấn” tại Hanawon - một cơ sở chuyên trợ giúp người Triều Tiên làm quen với cuộc sống ở Hàn Quốc ít nhất 3 tháng trước khi ra ngoài sinh sống. Tại đây họ được học cách lập tài khoản ngân hàng, dùng internet, giáo dục giới tính và nhiều kỹ năng khác không được dạy ở Triều Tiên.
Tính đến tháng 12/2023, đã có hơn 34.000 người Triều Tiên đào tẩu thành công tới Hàn Quốc, trong đó hơn 2000 người đang sinh sống tại các quốc gia khác. Bên cạnh đó, có hơn 2700 người vẫn đang “mắc kẹt” tại Trung Quốc, và hơn 600 người bị buộc hồi hương về Triều Tiên.
3. Những người đào tẩu Triều Tiên nổi tiếng khác?
Lee Hyun-seo: Diễn giả, nhà văn, tác giả cuốn sách The Girl With Seven Names. Cô trở nên nổi tiếng sau bài diễn thuyết trên TED Talks, kể về hành trình 10 năm sống lưu vong ở Trung Quốc và Lào với 7 cái tên khác nhau. Sau cùng cô tới được Hàn Quốc năm 2008, và đưa được cả gia đình đào tẩu thành công năm 2011.
Yeonmi Park: Được mệnh danh là “một trong những người đào tẩu Triều Tiên nổi tiếng nhất”. Cô trở nên nổi tiếng sau bài phát biểu về hành trình đào tẩu của mình trên diễn đàn One Young World năm 2014. Hiện Yeonmi là tác giả sách và ngôi sao truyền hình tại Hàn Quốc, và cô cũng sở hữu kênh YouTube Voice of North Korea.
Tae Yong-ho: Nguyên đại sứ Triều Tiên tại Vương quốc Anh, sau đó ông cùng gia đình đào tẩu tới Hàn Quốc năm 2016. Hiện ông là Tổng Thư ký Hội đồng cố vấn Thống nhất hòa bình (tương đương chức Thứ trưởng tại Hàn Quốc) - chức vụ cao nhất mà một người Triều Tiên đào tẩu đạt tới tại nước này. Ông Tae Yong-ho cũng là quan chức duy nhất từng giữ các chức vụ cấp cao ở cả chính phủ Triều Tiên và Hàn Quốc.