Hậu COVID, mái nhà nào cho chó mèo lang thang?

Một số người chọn không nhận nuôi chó mèo hoang vì nghĩ rằng chúng không đẹp. Lúc này chúng ta có thể đã vô thức nhìn nhận động vật nuôi như một món đồ vật được sở hữu.
Minh Anh
Nguồn: Unsplash

Nguồn: Unsplash

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Sự bùng phát đột ngột của đại dịch COVID-19 đã đặt toàn nhân loại vào tình thế khó khăn, đồng thời tạo ra một vấn đề mới: khủng hoảng chó mèo hoang.

Tại Nhật Bản, trong suốt đợt bùng phát, nhiều người chủ đã bỏ rơi vật nuôi gây ra tình trạng tự do sinh sản, làm gia tăng số lượng vật nuôi vô chủ.

Đối mặt với tình trạng này, nhiều phòng khám đã mở ra chương trình triệt sản chó mèo với chi phí thấp. Một số địa phương còn chủ động tài trợ tiền và mở ra các đợt triệt sản lớn cho động vật hoang. Đây là những nỗ lực nhằm cứu những sinh vật này khỏi bị tiêu hủy. Bởi theo quy định của bộ Môi trường Nhật Bản, họ buộc phải tiêu hủy chó mèo hoang khi chúng gây ảnh hưởng tới cộng đồng, làm gia tăng nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm.

Vấn nạn bỏ rơi động vật nuôi là tình trạng chung của nhiều quốc gia trong thời dịch bệnh từ Mỹ, Anh, Thái Lan cho tới cả Việt Nam. Thậm chí đứng trước nỗi sợ lây lan dịch, nhiều nơi còn chọn tiêu hủy vật nuôi. Có thể thấy, khi bị đặt vào tình thế nguy cấp, thú cưng không còn là ưu tiên với nhiều người.

2. Các nước trên thế giới làm gì để xử lý chó mèo hoang?

Tại Nhật Bản, phổ biến nhất là hình thức triệt sản và đánh dấu bằng chiếc tai bị cắt góc. Quy trình này gồm 3 bước là: bắt, triệt sản và thả đi.

Một số thành phố như Istanbul lại có văn hóa đặc thù khiến việc yêu thương và chăm sóc chó mèo hoang thành lẽ dĩ nhiên. Các nơi trú ẩn và đồ ăn cho chó mèo được đặt ở khắp nơi trong thành phố.

Nhưng nhìn chung, đa số các quốc gia đều có các trạm hỗ trợ chó mèo công. Tuy nhiên, tùy theo từng khu vực, mà mức độ ưu tiên kinh phí dành cho những trạm này là khác nhau, dẫn đến việc chó mèo già nhiều năm không ai nhận nuôi bị tiêu hủy. Nói cách khác, đây là vấn đề chưa được ưu tiên nguồn lực và hỗ trợ để giải quyết triệt để. Đa phần các trại chó mèo hoạt động nhân đạo đều là các tổ chức tự nguyện. Các tổ chức này cũng gặp nhiều khó khăn khi thường xuyên bị quá tải hay có người lén lút bỏ vật nuôi trước trại.

Ở một số quốc gia, khi luật nhân đạo chưa được đề cao thì chó mèo hoang còn bị xử lý theo lệ làng, bị đem ra đập tới chết hoặc đánh thuốc.

3. Bằng cách nào mà Hà Lan không có chó hoang?

Hà Lan được cho là một nước đặc biệt khi không tồn tại chó hoang lang thang. Một phần nguyên do này tới từ việc người Hà Lan yêu thú cưng và từng xem nó như biểu tượng của tầng lớp thượng lưu.

Đến thế kỷ 19, một đợt bùng phát bệnh dại xuất hiện khiến nhiều chủ nuôi bỏ rơi thú cưng của mình. Đây là lúc chính phủ Hà Lan vào cuộc và mở ra một chiến dịch triệt sản toàn quốc. Về cơ bản, quy trình này bao gồm: bắt giữ, triệt sản, tiêm chủng và thả ra.

Các cơ quan bảo vệ động vật cũng được thành lập, các luật liên quan tới phúc lợi động vật cũng được thắt chặt, đề cao quyền lợi được chăm sóc của cả chó mèo hoang. Chính phủ còn khuyến khích việc nhận nuôi chó cơ nhỡ bằng cách tăng thuế kinh doanh chó mèo. Một lực lượng cảnh sát đặc biệt được lập ra để điều tra và giải cứu động vật. Chính nhờ quy trình toàn diện với các giải pháp bền vững như khuyến khích nhận nuôi đã khiến đất nước này không còn chó vô chủ.

4. Do đâu mà một số lượng lớn thú cưng bị bỏ rơi?

Dịch bệnh, chiến tranh hay thiên tai là những trường hợp bất khả kháng khiến nhiều người chủ phải bỏ lại thú cưng. Số lượng thú bị bỏ rơi thường tăng cao khi thảm họa xảy ra.

Trong đợt bão Katrina năm 2005, Nam Mỹ đã hứng chịu tổn thương nặng nề. Thời điểm này có tới 100,000 thú nuôi đã bị mắc kẹt ở lại. Đội cứu hộ không có chính sách ưu tiên cứu vật nuôi, các khu trú ẩn cũng từ chối động vật, nhiều người phải đưa ra lựa chọn cứu bản thân hoặc ở lại trong cơn bão với thú cưng.

Hình ảnh hàng loạt chó mèo bị bỏ rơi trú ngụ ở nóc mái nhà bắt đầu lan truyền. Lúc này nhiều người đã kêu gọi những đợt cải cách luật động vật về việc vận chuyển và sơ tán vật nuôi trong những đợt thiên tai. Đây cũng là sự kiện đặt nền móng cho việc giải cứu thú nuôi trong những thảm họa thiên tai sau này tại Mỹ.

Miền Trung Việt Nam cũng thường xuyên phải đối diện với bão lũ. Chó mèo cũng thường được giải cứu chung với người dân tuy nhiên các vật nuôi khác như heo, gà, bò,... thì không may mắn như vậy. Giáo sư Sarah DeYoung đã viết cuốn sách "Không sinh vật nào bị bỏ lại" thảo luận về cách giúp đỡ thú cưng và cả gia súc khi thiên tai xảy ra. (Psychologytoday)

Sự phát triển của vòng tròn đạo đức khiến nhiều người coi chó mèo là một phần của xã hội và công nhận quyền lợi của chúng. Tuy nhiên mối quan tâm này cũng có giới hạn khi mà bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa phân chia đẳng cấp loài khiến chúng ta thu hẹp sự quan tâm của mình lại chỉ dừng ở thú cưng.

5. Tại sao con người hưởng lợi vì giúp chó mèo hoang?

Thực tế cho thấy có tới 55,000 người chết vì bệnh dại gây ra bởi chó hoang (WHO). Bản thân lượng chất thải của động vật cũng ẩn chứa mầm bệnh, gây tổn hại tới con người. Ở một quy mô lớn hơn, việc giải quyết chó mèo hoang có thể đem lại bộ mặt tốt cho một quốc gia. Tương tự như thành phố du lịch Hội An đã chọn đi theo ý kiến chung của xã hội và cấm thịt chó mèo.

Triết gia người Đức Kant tuy nói con người không có nghĩa vụ đạo đức với động vật, nhưng ông cũng cho rằng đối xử tàn ác với động vật gây hại cho mối quan hệ của người với người khi làm suy yếu khả năng đồng cảm. Về mặt tâm lý, bản thân hành vi làm việc tốt, bất kể động cơ đã có thể tạo ra cảm giác dễ chịu mà nhiều người miêu tả như một ánh sáng ấm áp, tới từ endorphins.

Một số người chọn không nhận nuôi chó mèo hoang vì nghĩ rằng chúng không đẹp. Lúc này chúng ta có thể đã vô thức nhìn nhận động vật nuôi như một món đồ vật được sở hữu. Tuy nhiên, tình yêu động vật thường là thứ được nuôi dưỡng từ từ. Một chú chó được mua ở tiệm vẫn có thể trở thành cầu nối khiến một người bắt đầu yêu và quan tâm tới chó mèo hoang. Đây có thể là điểm khởi đầu để ta mở rộng lòng trắc ẩn tới nhiều đối tượng động vật hơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục