Họ Nguyễn và sự phổ biến đến “xâm lấn địa cầu”

Theo nhiều cuộc điều tra dân số, có tới 40% người Việt mang họ này
Hiền Lê
Họ Nguyễn và sự phổ biến đến “xâm lấn địa cầu”

Nguồn: LeendaD Productions

Nếu được hỏi họ gì là phổ biến nhất ở người Việt, gần như ai cũng có thể trả lời là họ Nguyễn. Sự phổ biến đến “xâm lấn địa cầu” của dòng họ này đã khiến nó trở thành đề tài của những câu đùa, đặc biệt trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. 

Nổi tiếng nhất phải kể đến bức hình kỷ yếu trường Presentation High School (Mỹ) gây bão mạng internet năm 2012. Để giải thích rằng họ không phải người một nhà, 8 nữ sinh họ Nguyễn đã kết hợp tạo nên dòng quote không thể hài hước hơn:

Mới đây nhất là khoảnh khắc ở vòng loại Giải vô địch Bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup 2020) được chia sẻ và bàn luận sôi nổi trong cộng đồng Subtle Viet Traits:

Trong trận cầu này, đội tuyển Việt Nam đã thắng 3-0 trước Malaysia. Đáng chú ý, cả 3 cầu thủ ghi bàn cho đội Việt Nam đều mang họ Nguyễn (Quang Hải, Công Phượng và Hoàng Đức). Nhưng trên bảng lại chỉ hiển thị họ, khiến nhiều khán giả quốc tế bối rối không hiểu đây là 1 người lập hat-trick hay 3 người khác nhau đã ghi bàn. 

Họ Nguyễn phổ biến đến mức nào?

Theo nhiều cuộc điều tra dân số, có đến 40% người mang họ Nguyễn trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, họ này đã xuất hiện trên giấy khai sinh của gần 39 triệu người. Đây cũng là họ phổ biến thứ 4 trên thế giới, chỉ đứng sau các họ Lý (Li/Lee), Vương (Wang) & Trương (Zhang). 

Họ này phổ biến cả ở những quốc gia đông người Việt sinh sống. Nó đứng thứ 7, 54 và 73 lần lượt tại Úc, Pháp và Na Uy. Riêng tại Mỹ, họ Nguyễn đứng thứ 38 với gần 440,000 nhân khẩu theo thống kê của trang Name Census. Việc một họ gốc Á đứng “sừng sững” giữa hàng loạt họ gốc Anh hay Latin trong top 50 đã khiến nó được chú ý. 

Có nhiều luồng ý kiến lý giải cho sự phổ biến bất thường của họ Nguyễn. Theo nghiên cứu của khoa Ngữ văn Đại học Quốc gia TPHCM, việc đổi họ Nguyễn khá phổ biến ở con cháu các vương triều bị truất ngôi. Mục đích chính là thay đổi danh tính, tránh sự trả thù của dòng tộc cầm quyền trước hoặc sau đó. 

Điển hình là khi nhà Hồ sụp đổ năm 1407, con cháu họ Hồ sợ bị hậu duệ nhà Trần trả thù (do Hồ Quý Ly từng cướp ngôi nhà Trần) nên đã đổi thành họ Nguyễn. Khi nhà Mạc sụp đổ năm 1592, con cháu cũng đồng loạt đổi sang họ Nguyễn và Lều để tránh sự truy sát của nhà Lê. 

Một nguyên nhân khác là tục phong quốc tính dưới thời Nguyễn. Những người có công lớn với triều đình được đổi cho mang họ vua, chẳng hạn võ quan Nguyễn Huỳnh Đức vốn có tên húy là Huỳnh Tường Đức. 

Triều Nguyễn cũng là triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà con cháu họ Nguyễn không phải đổi họ để tránh truy sát nữa. Vậy là họ Nguyễn áp đảo các họ còn lại của người Việt về mức độ phổ biến. 

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, vì sao họ Nguyễn không trở thành đề tài nói đùa ở chính quê hương nó, nơi có tới 39 triệu người mang? Ngoài sự phổ biến trên thì những nguyên nhân sau đã khiến họ Nguyễn trở thành hiện tượng mạng ở các nước phương Tây:

Sự khác biệt trong cách xưng hô

Ở các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Anh, việc xưng hô bằng họ là phổ biến. Khi giao tiếp trong những ngữ cảnh trang trọng, người nói/viết gọi người nghe/đọc bằng kính ngữ và họ, ví dụ “Mr. Smith”. Trong khi đó ở Việt Nam, chúng ta dùng kính ngữ và họ tên đầy đủ của người đó.  

Vì chỉ xưng hô bằng họ, người phương Tây dễ bối rối khi gặp quá nhiều “ông Nguyễn”, “bà Nguyễn” ở cùng một khu vực. Ngoài ra theo hiệu ứng chủng tộc khác (cross-race effect), ta dễ dàng nhận diện khuôn mặt người cùng chủng tộc với mình hơn là người chủng tộc khác. 

Do tác động của hiệu ứng này, người phương Tây gặp khó khăn khi phân biệt người Á Đông với nhau. Hệ quả là họ nghĩ rằng những người họ Nguyễn đều thuộc cùng một gia đình, như bức hình kỷ yếu của 8 nữ sinh nói trên. 

Cách người nói tiếng Anh phát âm từ “Nguyễn”

Từ này bắt đầu bằng âm “ng” - một âm không bao giờ nằm ở vị trí đầu trong tiếng Anh. Ngoài ra, vần “uyên” và dấu ngã cũng là những thành tố không tồn tại trong ngôn ngữ này. Vì những lý do trên, người nói tiếng Anh bản ngữ gặp nhiều khó khăn khi phát âm từ Nguyễn và hay biến tấu nó thành “win”.   

Do cách phát âm này đồng âm với từ “chiến thắng”, họ Nguyễn thường được gắn với thành công và thắng lợi một cách hài hước. Cách phát âm khó và độc đáo này khiến họ Nguyễn lại càng được chú ý, thậm chí trở thành khởi nguồn của một dòng meme.

Kết 

Như vậy là chúng ta đã tìm ra công thức giúp họ Nguyễn thành hiện tượng: Sự phổ biến, khác biệt xưng hô và cách phát âm độc đáo. 

Điều thú vị là họ Nguyễn không chỉ của riêng người Việt. Trong tiếng Trung nó được viết là 阮, phát âm là Ruan hoặc Yuen. Phiên bản tương tự ở tiếng Hàn là 원/완, phát âm là Won hoặc Wan. Tuy vậy số người Hoa và Hàn mang họ này khá ít, và người phương Tây cũng không gặp nhiều trở ngại khi phát âm những từ này. 

Theo thời gian, họ Nguyễn đã trở thành một dấu hiệu nhận diện đặc trưng của người Việt. Dù lớn lên ở Việt Nam hay hải ngoại, chỉ cần nghe phát âm họ Nguyễn là chúng ta biết ngay đó là đồng bào mình. Và dù mang họ Nguyễn hay không thì chúng ta đều công nhận rằng, những chuyện đùa về nó lại giúp kết nối người Việt khắp năm châu theo cách không ngờ tới.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục