22 Thg 08, 2021Điện ẢnhDVD

Jurassic Park: Sự sống chưa bao giờ nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta

Dù có tác động của con người hay không, cuộc sống luôn tìm ra lối đi.

Lucas Luân Nguyễn
DVD Jurassic Park 1993 Featured Image

Nguồn: Universial Pictures

Gần 3 thập kỷ từ khi ra mắt, Jurassic Park (Công viên kỷ Jura) mãi mãi là một thước phim bom tấn kinh điển, một cột mốc điện ảnh và một thương hiệu ăn khách đến ngày nay. Vượt ra ngoài những thứ hào nhoáng đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận tác phẩm của Steven Spielberg mang một hơi thở thời đại và những thông điệp sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.


Nếu hỏi một trong những bộ phim định hình niềm đam mê điện ảnh của tôi, Jurassic Park sẽ đứng top 1. Từ khi còn là một đứa trẻ, khủng long đã và luôn là loài động vật tôi yêu thích nhất. Lý do rất đơn giản: khủng long là sinh vật có thật nhưng chưa ai từng nhìn thấy - một sản phẩm bán huyền thoại, kết hợp giữa hư cấu và phi hư cấu, giữa sự chính xác của lịch sử và óc sáng tạo của những kẻ mơ mộng.

Giây phút một đứa trẻ mê khủng long như tôi được nhìn thấy chúng bước đi trước mắt loài người qua một màn ảnh lớn, tôi nhận ra phép màu bên kia khung hình. Sau này lớn lên, khi xem lại tư liệu về ngày Jurassic Park công chiếu toàn thế giới, tôi xúc động nhận ra rằng không chỉ riêng tôi mà người yêu điện ảnh lúc đó cũng sững sờ y như những nhân vật trong phim.

Họ được nhìn thấy một bước tiến của kỹ xảo điện ảnh, thấy được những sinh vật có tạo hình thô sơ trước đây bỗng trở nên vô cùng sống động. Có lẽ khoảnh khắc đó đã khắc ghi vào lịch sử điện ảnh đại chúng bằng cái tên không thể nào súc tích hơn, lấy trực tiếp từ câu thoại đắt giá: “Welcome to Jurassic Park!” (Chào mừng đến với công viên kỷ Jura!).

Không chỉ dừng lại ở việc tái sinh khủng long, Steven Spielberg còn hút hồn khán giả bằng yếu tố then chốt của cả bộ phim: sự chết chóc mà chúng có thể mang lại. Trải qua ba phần phim gốc và hai phần tiếp nối từ năm 2015, có lẽ ai cũng đã quá quen thuộc với câu chuyện một công viên của những sinh vật thời tiền sử mất kiểm soát, để rồi chúng bắt đầu chạy tán loạn và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho du khách.

Jurassic Park giữ vững vị thế của mình ở dòng phim bom tấn hè (blockbuster) trong thể loại khoa học viễn tưởng và quái vật, chỉ từ một ý tưởng rất nhỏ của tác giả Michael Crichton, cha đẻ của tiểu thuyết gốc: Sẽ ra sao nếu chúng ta đem những sinh vật này trở lại và nghĩ rằng chúng ta có thể kiểm soát chúng?

Dẫu ta đã biết thừa đáp án qua kết cục của các phần phim, bài viết này sẽ trả lời câu hỏi trên một cách đủ đầy nhất. Chúng ta sẽ truy tìm nguồn cội của công viên kỷ Jura, bàn luận về sự sụp đổ của nó và không thể không nhắc đến bài học mà thế giới vẫn chưa nhận ra 22 năm sau, khi Jurassic Park được xây dựng lại với cái tên mỹ miều hơn nhưng chung kết cục: Jurassic World.

Khủng long hay khát khao làm chủ tạo hoá của con người?

Câu chuyện bắt đầu khi John Hammond (Richard Attenborough) hiện thực hóa ước mơ cuộc đời ông: tái tạo và nhân giống khủng long, đảo ngược dòng chảy của lịch sử.

Hammond đặt tên dự án của mình là Công viên kỷ Jura, tọa lạc trên đảo Isla Nublar ngoài khơi Costa Rica. Tại đây, những phòng thí nghiệm đã nghiên cứu cách chiết xuất DNA khủng long từ hóa thạch của muỗi. Hàng triệu năm trước, sau khi muỗi hút máu khủng long, chúng có xu hướng đậu lên thân cây và bị nhựa cây che phủ. Qua thời gian, lớp nhựa hoá thạch và tạo thành hổ phách. Đây là chìa khoá để có được những chuỗi DNA không hoàn chỉnh ban đầu. Sau đó các nhà khoa học đã đắp DNA của ếch vào và bắt đầu công cuộc nhân bản vô tính (cloning).

Khi những mẫu vật của Hammond bắt đầu thành hình, đó cũng là lúc đội ngũ nhân viên trên đảo gặp tai nạn lao động. Những nhà đầu tư đã yêu cầu công viên phải được các chuyên gia thẩm định và đánh giá về mức độ an toàn trước khi mở cửa. Từ đây, phim bắt đầu giới thiệu các tuyến nhân vật tiêu biểu rơi vào ba phe: phe con người, phe thiên nhiên và phe trung lập, ít nhất là khi bộ phim bắt đầu.

Ở phe con người, chúng ta có đại diện tiêu biểu là John Hammond, toàn thể những nhà khoa học làm việc cho ông, và những tài phiệt đã bỏ tiền cho dự án công viên. Một trong những tiêu ngữ đáng nhớ nhất của Hammond, cũng là kim chỉ nam cho tính cách của nhân vật này là “Spare no expense” (không chừa xu nào). Là một nhà khoa học với hoài bão lớn, Hammond có niềm tin bất diệt vào phép màu của công nghệ, vào những giấc mơ xa vời rồi sẽ hoá hiện thực bởi bàn tay con người. Ông đại diện cho sự tiến bộ bất chấp mọi giá. Ông chứng minh niềm tin này bằng việc tái tạo những sinh vật lẽ ra đã tuyệt chủng, lội ngược dòng lịch sử và đóng vai “Chúa trời” nhằm kiểm soát tạo hoá.

Đối lập với Hammond là phe thiên nhiên — tiến sĩ Ian Malcolm (Jeff Goldblum), nhà toán học và nhà nghiên cứu về thuyết hỗn loạn. Bằng việc đưa ra những lập luận dựa trên thuyết hỗn loạn, anh tin rằng thiên nhiên và tạo hoá đầy những biến số bất ổn định. Việc kiểm soát là không tưởng. Tiêu ngữ của Malcolm với niềm tin này là một câu nói có sức ảnh hưởng sâu đậm đến toàn bộ Jurassic Park: “Life finds a way” (Sự sống luôn tìm được lối đi). Không ngẫu nhiên mà trong Jurassic Park, Hammond và Malcolm có trang phục trắng-đen đối lập nhau; sự xung khắc của họ hiện rõ ngay từ ấn tượng đầu tiên.

Kẹt giữa mâu thuẫn rõ rệt này là tiến sĩ Alan Grant (Sam Neil), nhân vật chính của phim. Trong số các chuyên gia được mời đến đảo, hai tiến sĩ khảo cổ học Alan Grant và Ellie Sattler (Laura Dern) có mối liên kết sâu sắc nhất với khủng long. Là những người cống hiến cuộc đời mình cho việc đào xương và khai quật những bí ẩn của hàng triệu năm trước, việc nhìn thấy những khúc xương đó khoác lên da thịt và chuyển động trước mắt mình là một giấc mơ không tưởng. 

Grant là một người trung lập. Anh xúc động bởi sự hùng vĩ của một con Brachiosaurus, choáng váng trước tin công viên có một con Tyrannosaurus Rex và bày tỏ sự sợ hãi tột cùng khi cầm trên tay một con Velociraptor mới nở. Grant cảm được vẻ đẹp của những sinh vật này, song cũng đủ tỉnh táo để hiểu hết sự nguy hiểm của chúng.

Bản thân Grant cũng mâu thuẫn với chính mình khi là một người “phản tiến bộ” (anti-progress). Xuyên suốt phim, Grant thể hiện những đặc điểm tính cách của một người ngại ngùng trước công nghệ. Anh lúng túng trước máy móc, hoài nghi về tương lai và đặc biệt hơn, anh không thể chịu nổi trẻ em — biểu tượng của tương lai. 

Hành trình của Grant cũng chính là hành trình của khán giả, đặt họ vào vị thế của một kẻ vừa say mê khủng long nhưng phải đối diện với nỗi kinh hoàng mà chúng gieo rắc. Bộ phim xây dựng mâu thuẫn về đạo đức khoa học và niềm tin giữa Hammond và Malcolm từ sớm, nhưng lại đặt Grant làm nhân vật trung tâm để mâu thuẫn phát triển đến mức độ cuối cùng. Anh phải là người đưa ra quyết định chính thức theo yêu cầu mà Hammond đưa ra từ đầu chuyến đi, rằng liệu Công viên kỷ Jura có an toàn để mở cửa cho công chúng hay không.

“Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi quyết định…”

Thảm họa ở đảo Isla Nublar bắt nguồn từ hai yếu tố: lòng tham của con người và sự vùng dậy của thiên nhiên.

Sự việc là một hiệu ứng dây chuyền bắt nguồn từ Dennis Nedry (Wayne Knight). Bị mua chuộc bởi tập đoàn đối thủ của Hammond, Nedry đã vô hiệu hoá toàn bộ hệ thống an ninh trên đảo Isla Nublar để đánh cắp phôi khủng long với mong muốn thực hiện một giao dịch lớn khi trở về đất liền.

Lòng tham và sự dại dột của Dennis đã để lại hậu quả lớn. Trong chuyến tham quan, khi cả đoàn đang dừng chân trước khu nuôi nhốt khủng long bạo chúa Tyrannosaurus Rex, cả những chiếc xe jeep tự động và hàng rào điện đều trở nên vô dụng. Tính mạng của đoàn tham quan bị đe dọa bởi lũ khủng long ăn thịt, những sản phẩm mà Hammond tạo ra.

Mỉa mai thay, những người đang cố gắng sống sót ngoài hoang dã cũng có 2 đứa cháu của Hammond: Tim (Joseph Mazzello) và Lex Murphy (Ariana Richards). Hai nhân vật này tạo nên một rủi ro to lớn, gây áp lực lên Hammond và tiến sĩ Grant. Ngay tại điểm giữa (mid-point) của kịch bản, không chỉ Hammond bị thách thức về niềm tin mà ngay cả Alan Grant cũng có thử thách của riêng mình. Anh phải sống sót giữa hoang dã cùng hai đứa trẻ, vốn là thứ mà anh không thích.

Dennis Nedry đã bỏ mạng khi bị một con Dilophosaurus giết chết một cách tàn nhẫn. Trong khoảnh khắc đó, máy quay không quên bắt cận hình ảnh hũ phôi khủng long dần bị lớp bùn vùi lấp, như thể lòng tham của con người, sự tiến bộ công nghệ và sự suy đồi đạo đức khoa học rồi cũng phải trả giá.

Michael Crichton, tác giả của tiểu thuyết gốc và cũng là người chắp bút cho kịch bản, muốn gửi gắm nỗi lo ngại về tương lai của con người thông qua giấc mơ thành lập công viên khủng long của nhân vật John Hammond. Tác phẩm đặt ra nghi vấn: mục đích thật sự của công nghệ gen trong tương lai là gì? Đưa nhân loại đến tiến bộ của khoa học? Thể hiện quyền làm chủ tạo hoá của con người? Hay chỉ đơn thuần phục vụ cho nhu cầu giải trí, bởi suy cho cùng, mọi thứ đều xoay quanh ý niệm về một “công viên giải trí,” thể hiện rõ ngay từ tựa phim.

Khi mọi nỗ lực kiểm soát tạo hoá tan thành mây khói, Jurassic Park đưa ta đến một bất ngờ khác. Từ đầu, John Hammond và các cộng sự đều đã lên kế hoạch tái tạo 100% khủng long giống cái nhằm mục đích kiểm soát sinh sản. Tuy nhiên, phát hiện của tiến sĩ Alan Grant đã chứng minh điều ngược lại: khủng long trên đảo hoàn toàn có thể tự sinh sản.

Việc đắp DNA của ếch vào những chuỗi gen bị gãy đoạn đã dẫn đến hậu quả khôn lường: khủng long có thể thay đổi giới tính của chúng. Đây là tập tính sinh sản của một số loài ếch trong môi trường đơn giống. Ngay giây phút đó, trước sự kì thú và bí ẩn của thiên nhiên, Grant đã thốt lên một cách đầy mỉa mai nhưng cũng đầy sự cảm thán: “Sự sống luôn tìm được lối đi”, trích dẫn trực tiếp câu nói của Ian Malcolm ở đầu phim và thể hiện rõ lập trường của mình.

Kết thúc phim, khi các nhân vật đang bị dồn đến đường cùng bởi bầy Velociraptor, họ đã được cứu bởi Tyrannosaurus Rex, con khủng long đã gieo rắc nỗi kinh hoàng trước đó. Cuộc chiến giữa bầy Raptor và T-Rex một lần nữa khẳng định quy luật của tạo hoá khi ta chứng kiến một bài thuyết trình sống động về chuỗi thức ăn. Tạo hoá là một thực thể cá biệt. Tạo hoá không thể bị kiểm soát. Trên tất cả, tạo hoá không theo phe ai. Tạo hoá có thể tàn nhẫn, nhưng cũng thật thuần khiết và luôn hướng về sự sống.

Thoát chết trong gang tấc, tiến sĩ Alan Grant vẫn không quên hoàn thành nhiệm vụ được giao bằng một câu chắc nịch:

“Tiến sĩ Hammond à, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng tôi đã quyết định… không ủng hộ ông mở cửa công viên.”

Như đã nhận ra bài học của mình, Hammond chỉ đáp ngắn gọn: “Tôi đồng ý.” 

Công viên kỷ Jura, giấc mơ tiến bộ của Hammond sụp đổ trong thước phim đầy tính biểu tượng của điện ảnh thập niên 90: con T-Rex đứng trong tòa nhà trung tâm cất tiếng gầm vang khi chiếc băng rôn ngậm ngùi rơi xuống đất với dòng chữ: “When dinosaurs ruled the Earth” (Khi khủng long thôn tính địa cầu).

Jurassic World: Sai lầm lặp lại 22 năm sau

Sau thành công của Jurassic Park, hai phần phim tiếp theo ra mắt mang tên The Lost World: Jurassic Park (1997) và Jurassic Park III (2001), tạo thành một trilogy kinh điển. Tuy nhiên, hai phần tiếp theo không tạo được tiếng vang như phần 1, một phần bởi sự thay đổi về bối cảnh khi giới thiệu đảo Isla Sorna, một nơi bảo tồn khủng long ngoài thiên nhiên trước khi chúng đủ lớn để vận chuyển sang Isla Nublar. Cả hai phim cũng thất bại trong việc truyền tải những thông điệp sâu sắc và tinh thần gốc của phần đầu, và không đọng lại gì ngoài những màn đối đầu sống còn giữa người và khủng long.

22 năm sau, Universal quyết định làm sống lại thương hiệu này với phần 4 và một cái tên mới: Jurassic World (Colin Trevorrow, 2015). Lấy mốc thời gian thật, phim biến những gì John Hammond khát khao thành hiện thực khi đưa khán giả đến với một công viên giải trí hiện đại, sầm uất, đứng đầu thế giới mang tên Jurassic World.

Jurassic World nối tiếp tinh thần của Jurassic Park với công nghệ và kỹ xảo điện ảnh hiện đại hơn. Nhưng để tiếp tục khai thác câu chuyện về tạo hoá và con người một cách sâu sắc, thức thời hơn, chúng ta được chứng kiến công viên này trong thời kỳ bão hoà. Chủ nghĩa tiêu dùng đòi hỏi sự phổ cập những sản phẩm mới hơn, ấn tượng hơn. Khi đã được chiêm ngưỡng khủng long, con người sẽ tiếp tục đòi hỏi những thứ “không tưởng” hơn.

Chủ tịch Masrani (Irfan Khan) tiếp nối di sản của John Hammond bằng chính câu nói của ông ngày trước: “không chừa xu nào.” Cùng với tiến sĩ Henry Wu, họ đã đẩy mạnh khoa học và tạo ra một giống khủng long mới, đảm bảo lời hứa “nhiều răng hơn, đáng sợ hơn, hút khách hơn.” Indominus Rex, một giống khủng long không có thật, một sản phẩm lai căn phi tự nhiên đã ra đời, một lần nữa thách thức dòng chảy của tạo hoá.

Dường như, sai lầm của con người vẫn tiếp tục lặp lại sau 22 năm. Jurassic World rõ ràng cho khán giả thấy rằng với sự tiến bộ của khoa học, không gì là không thể. Tuy nhiên, đạo đức khoa học vẫn là một yếu tố đáng để bàn luận. Chỉ vì ta CÓ THỂ thực thi điều không tưởng nào đó, có đồng nghĩa với việc ta NÊN tiến hành nó hay không? 

Jurassic World không những mang lại cảm giác đầy hoài niệm khi có nhiều “Easter eggs” gợi nhắc đến phần phim gốc, phim còn nâng tầm thông điệp “life finds a way” khi khắc hoạ sự man dại, khát máu của Indominus Rex. Như nhân vật Owen (Chris Pratt) đã nói, “thứ đó không phải khủng long,” Indominus Rex là một sản phẩm của công nghệ hoang mang, bỡ ngỡ giữa tự nhiên, loay hoay tìm chỗ đứng của mình trong chuỗi thức ăn và sẽ giết bất cứ sinh vật sống nào trước mặt nó. 

Cũng chính vì thế, màn đối đầu giữa Indominus Rex và những khủng long ăn thịt khác ở cuối phim không chỉ tạo nên một cảnh tượng mãn nhãn với fan ruột mà còn mang tính biểu tượng sâu sắc. Sự sống một lần nữa lại tìm ra lối đi, khi chính những sinh vật của thiên nhiên đã hợp sức tiêu diệt được thứ sản phẩm lai căn, phản thiên nhiên mà con người đã tạo ra. 

Mang hơi thở đương đại, đào sâu về đạo đức khoa học, Jurassic Park một lần nữa tái sinh và mở rộng ra hơn. Phần phim cuối cùng của thương hiệu dự kiến ra mắt vào năm 2022 với tên gọi Jurassic World: Dominion sẽ tập hợp bộ ba nhân vật gốc tiến sĩ Alan Grant, tiến sĩ Ellie Sattler và tiến sĩ Ian Malcolm. Khán giả vẫn nôn nóng chờ xem cách đạo diễn Colin Trevorrow và nhà sản xuất Steven Spielberg sẽ đặt dấu chấm hết cho thương hiệu này và cũng không ngừng thắc mắc rằng sự sống sẽ còn những điều bất ngờ nào cho chúng ta.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục