Khoảng cách sinh ra giúp ta học bài học hàn gắn
Khoảng cách giữa con cái và bố mẹ có thể đến theo nhiều cách. Với mình, chuyện này đến từ việc bố hay nói những lời khiến mẹ tổn thương. Nếu hỏi rằng bố có yêu thương mẹ không, mình dám chắc là có rất nhiều. Nhưng đồng thời, khi bố mất bình tĩnh thì ngôn từ lại khiến người nghe đau lòng. Mẹ thì buồn, còn mình lại cặm cụi tạo ra những khoảng cách với bố.
Cho đến tháng vừa rồi, mình và gia đình có cơ hội tham dự một giáo lễ trong Đền thờ tên là Gắn bó. Mục đích của nó là gắn kết gia đình mãi mãi dù ở trạng thái thể chất hay linh hồn. Người tham gia sẽ mặc trang phục màu trắng tinh tươm, mẹ còn có một chiếc cài đầu giống như cài của cô dâu vậy. Trước khi bắt đầu, người chủ tọa có hỏi bố mẹ là ở cuối lễ, hai người có thể thể hiện tình cảm thông qua việc hôn môi hoặc hôn má nhau. Nghe đến đây mình thấy hơi lấn cấn trong lòng vì từ trước đến nay chưa từng thấy bố thể hiện tình cảm theo cách này.
Nhưng rồi, bố đã thật sự hôn lên má của mẹ, trước sự chứng kiến của hơn 20 người tham gia hôm đó. Ngày cưới của bố mẹ, mình vẫn là con “tin chùn” lang thang ở một vũ trụ nào đó, cho đến hơn 30 năm sau, mình mới thấy “đôi trẻ” này trao nhau cái hôn tình cảm như thế. Khoảnh khắc đó mình sửng sốt nhận ra rằng rốt cuộc mình có hiểu tình yêu của bố mẹ hay không? Cái cảm giác khó chịu khi bố làm mẹ buồn và khoảng cách của mình và bố có thật sự tồn tại?
Trong mối quan hệ tình thân, thời gian đôi khi vừa là kỷ niệm, vừa là chịu đựng. Trong mắt của mình, mẹ luôn là người chịu đựng và nhường nhịn bố. Theo ngôn ngữ tình yêu bây giờ thì tình cảm này nhiều “red flag”. Nhưng trong Đền thờ, được đường đường chính chính nhìn bố thể hiện tình cảm với mẹ, mình nhận ra có lẽ mình đã “tích trữ” khá nhiều điều không tốt.
Mình tự hỏi chúng ta đang đếm tình yêu thương hay đếm những rạn nứt? Nếu theo luật hấp dẫn, mình nghĩ khoảng cách giữa mình và bố thật ra là do chính mình tạo nên. Vì mình vẫn hay nhớ lâu, ghim kĩ những lời nói tổn thương và dành quá nhiều cảm xúc cho nó. Cứ mỗi lần mình ghi một cái không vui vào tâm trí thì khoảng cách giữa mình và bố lại xa hơn. Nhưng rồi mình cũng nhận ra là để hàn gắn khoảng cách đó không khó khăn như mình nghĩ. Thay vì đếm những căm ghét, mình tự hỏi đã bỏ qua biết bao nhiêu lần bố thể hiện tình cảm với mẹ nhỉ?
Sau chuyến đi, mình bắt đầu quan sát thì nhận thấy bố mẹ rất yêu thương nhau. Có những cuộc trò chuyện, những tiếng cười, những bàn luận vui vẻ diễn ra hằng ngày giữa bố và mẹ. Mình đã làm một danh sách những điều khiến tình cảm gần – xa nhau hơn. Và khoảng một tháng qua, mình ghi lại những điều dễ thương về bố. Chẳng hạn như bố đã chúc mừng Ngày của mẹ bằng việc lì xì cho "vợ yêu", rồi bố xoa chân cho mẹ, hay thậm chí là cuộc trò chuyện của hai ông bà trong vườn rau sau nhà cũng rất dễ thương nữa.
Tất nhiên cũng không tránh khỏi những việc mình phải ghi vào mục “khoảng cách”, nhưng suy đi tính lại thì cái bảng này đến cuối cùng vẫn cho ta thấy mối quan hệ nào cũng có hai mặt cả. Điều quan trọng là nhận ra và chấp nhận đó chính là “mẫu hình” cho tình yêu của bố và mẹ hàng chục năm qua. Và mình, với vai trò là một người con thì cũng chỉ có thể quan sát, yêu thương, đồng cảm mà thôi.
Khi nhận ra điều này, mình thấy khoảng cách của mình và bố là có thật, nhưng không mênh mông như mình nghĩ. Nhiều người cũng từng tự hỏi những rạn nứt xảy ra từ khi nào. Mình cũng không nhớ rõ nhưng từ hôm nay, mình sẽ cố gắng không tìm kiếm “lịch sử” này nữa.
Mình tập quên nguyên nhân xa cách một người và tìm kiếm lý do để gần hơn với họ. Nó cũng nhắc nhở rằng mình có một gia đình với tiềm năng tìm lại sự hàn gắn, thân thương và chữa lành. Tất nhiên mỗi nhà mỗi cảnh, và sẽ có những khoảng cách dài hơi và những hàn gắn cần nhiều thời gian để hoàn thành.
Sau chuyện này, mình không còn nhìn khoảng cách thế hệ như một cao tốc thẳng tắp đi mãi mãi nữa. Nó vẫn sẽ kéo dài đấy, nhưng mình biết trên hành trình đó vẫn có những trạm dừng chân đẹp đẽ, những cung đường có niềm vui. Mình không thể chắc bao giờ con đường của mình và bố có thể xích lại thật gần. Nhưng mình nghĩ hai đường thẳng song song cũng không phải điều gì đáng sợ, miễn là mỗi người vẫn có thể quan sát, cảm thông và yêu thương nhau thì cũng là điều tốt rồi.
(Theo lời kể của bạn N.A)