Cha mẹ sinh con, nhưng thứ tự sinh tính?
"Con cả tự lập, con thứ hoà đồng, con út nổi loạn ngầm." Những quan niệm này liệu có đúng?
"Con cả tự lập, con thứ giỏi hòa giải, con út đột phá và sáng tạo", đó là những quan niệm mà có lẽ ai cũng từng được nghe. Dân gian vẫn luôn truyền miệng rằng thứ tự sinh ra sẽ ảnh hưởng đến tính cách của bạn khi trưởng thành. Thuyết thứ tự sinh ra đời càng củng cố thêm cho niềm tin này.
Đã 100 năm kể từ khi mối tương quan giữa thứ tự sinh và tính cách đứa con được đưa ra bàn luận, nhưng liệu bức tranh toàn cảnh đã thật sự rõ nét?
Thuyết thứ tự sinh là gì?
Vào cuối những năm 1920, bác sĩ – chuyên gia tâm thần học người Áo Alfred Adler lần đầu tiên giới thiệu “Thuyết thứ tự sinh”. Ông nhận định rằng thứ tự bạn được sinh ra sẽ ảnh hưởng đến cách bạn tương tác với các thành viên trong gia đình và người xung quanh, từ đó hình thành tính cách của bạn.
Về mặt tâm lý, những lập luận về Thuyết thứ tự sinh nghe có vẻ rất thuyết phục. Trong quyển sách xuất bản năm 1996 “Sinh ra để nổi loạn” (Born to Rebel), nhà tâm lý học Frank Sulloway đã phân tích tính đúng đắn trong ý tưởng của Alfred như sau:
- Khi đứa con đầu tiên ra đời, phụ huynh vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm nên họ nghiêm khắc và thận trọng với các phép tắc dành cho con. Vì thế con đầu hình thành tính cầu toàn và tận tâm khi làm việc. Trong mối quan hệ với những người em, họ đóng vai trò là khuôn mẫu và người dẫn dắt, từ đó hình thành động lực chinh phục thành công cũng như kỹ năng lãnh đạo.
- Với người con thứ, cha mẹ thường dễ dãi hơn, nên tính cách con thứ khá dễ chịu, linh hoạt và dễ thích nghi. Trong những mối quan hệ ngoài gia đình, con thứ là người thân thiện, thu hút, biết đồng cảm và lắng nghe người khác.
- Con út thường mặc nhiên được cha mẹ và anh chị chăm sóc, lo lắng. Do đó họ nảy sinh tính phụ thuộc, nhưng lại ngấm ngầm nổi loạn, muốn phá vỡ các quy tắc.
- Con một cũng như con trưởng có nhiều tham vọng và sống tuân thủ theo các quy tắc từ cha mẹ. Họ chú tâm và cẩn trọng trong mọi việc mình làm. Con một thiếu đi quá trình tương tác với các anh chị em đồng trang lứa, khiến họ gặp khó khăn trong các hoạt động xã hội cần sự đồng thuận và hợp tác.
Tuy nhiên nghiên cứu khoa học lại đưa ra kết luận khác
Để kiểm chứng mức độ ảnh hưởng của thứ tự sinh, năm 2015 nhà tâm lý học Julia Rohrer và các cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu trên 20,000 người đến từ các nước Mỹ, Anh và Đức. Họ vận dụng mô hình tính cách 5 yếu tố (Big Five) để khảo sát và thống kê, đó là: Hòa đồng (Agreeableness), Tự chủ (Conscientiousness), Bất ổn cảm xúc (Neuroticism), Hướng ngoại (Extraversion), Sẵn sàng trải nghiệm (Openness).
Ví dụ trong nghiên cứu về mức độ Sẵn sàng trải nghiệm (Openness), họ chia tiêu chí này thành hai phần gồm Trí tưởng tượng (Imagination) và Trí tuệ (Intellect).
Kết quả cho thấy các số liệu biểu hiện không nhất quán. Khi so sánh các anh chị em trong cùng một gia đình (Bảng 1), Trí tưởng tượng của người con đầu nhận điểm cao hơn người con út. Nhưng khi so sánh giữa các gia đình khác nhau (Bảng 2), người con đầu có số điểm thấp hơn đáng kể.
Hiện tượng này cũng xảy ra với các đặc điểm tính cách còn lại. Bài nghiên cứu này được đánh giá là mang tới kết quả thuyết phục với số liệu rõ ràng, khách quan, phủ nhận những lập luận suông về thuyết thứ tự sinh được đưa ra trước đó.
Cùng với một số nghiên cứu tiếp nối khác, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận: thứ tự sinh không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất nhỏ đến quá trình hình thành tính cách con người.
Quan niệm được lưu truyền lâu nay là một sai lầm?
Tuy rằng Thuyết thứ tự sinh được lưu truyền bao lâu nay như một tư tưởng cố hữu, vẫn chưa có một bài nghiên cứu nào thành công bảo vệ cho thuyết này.
Niềm tin của Adler đôi khi cũng đúng đắn theo khía cạnh nào đó, ví như người con đầu và con một được chứng minh là có IQ nhỉnh hơn. Tuy nhiên ưu thế này thường chỉ tồn tại ở tuổi mầm non và không kéo dài.
Một nghiên cứu mang lại kết quả có phần khả quan mang tên Swedish siblings cho thấy những người con đầu có xu hướng “làm sếp”, trong khi những người “sinh sau đẻ muộn” lại ưu tiên công việc tự do (self-employed). Nhưng chính tác giả đã nhận định rằng sự khác biệt không hề đáng kể. Nguyên nhân có thể là do nhận thức của mỗi người trong quá trình trao đổi và học tập chứ không hoàn toàn do thứ tự sinh.
Suy cho cùng, tính cách con người có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như gen di truyền, môi trường sống hoặc trải nghiệm. Không nên dựa theo đó mà phân loại, đóng khuôn chính mình lẫn người khác. Bởi vì chính khoa học cũng chưa đưa ra khẳng định chắc nịch nào cả.