Khi con nhạy cảm và chậm thích nghi, bố mẹ cần nhớ điều gì?

Chia sẻ kinh nghiệm làm mẹ của một em bé nhạy cảm và chậm thích nghi.

Parent Coach Tu-Anh Nguyen
Làm mẹ của một em bé nhạy cảm và chậm thích nghi

Nguồn: Tanaphong Toochinda/Unsplash

Bạn An, cô con gái lớn gần 28 tháng tuổi của mình, là một bạn nhỏ nhạy cảm với tính khí chậm thích nghi (Slow to Warm up) từ khi sinh ra.

Em bé An chào đời với một "bộ sưu tập" các vấn đề căn bản của một em bé sơ sinh: nhiễm trùng hô hấp khi vừa ra khỏi bụng mẹ, dính thắng lưỡi, cat nap thần sầu bẩm sinh, nôn trớ vòi rồng ngày 4-5 lần và cực ghét bú sữa hồi dưới 5 tháng tuổi, dị ứng đạm sữa bò, chiều cao và cân nặng thì không bao giờ qua được khỏi bách phân vị thứ 10 (10th percentile) theo chuẩn của WHO,... An và em Khuê của An là nguyên cớ để mình quyết tâm đổi nghề, trở thành một Parent Coach.

Những điều kể trên thì chưa đủ để mình kết luận An là một em bé nhạy cảm và chậm thích nghi, dù cho từ hồi 4 tháng An đã biết lạ, hay khóc thét lên khi đến chỗ đông người. Con cần rất nhiều thời gian để làm quen, đồng thời cần sự hiện diện của bố hoặc mẹ để con yên tâm. 

Mãi cho đến sau 2 tuổi, tính nhạy cảm của con mới càng bộc lộ rõ hơn: từ chất liệu quần áo mặc trên người, cho đến cái mác áo tí xíu cũng phải cắt đi. Bất kỳ một thay đổi nhỏ nào trong môi trường sống, con cũng đều nhận ra và sẽ hỏi mãi cho đến khi có câu trả lời thỏa đáng.

Một em bé chậm thích nghi sẽ có những đặc điểm gì?

Có 3 nhóm tính khí căn bản: Dễ, khó và chậm thích nghi. 

Một em bé chậm thích nghi hoàn toàn có thể vui vẻ, hoà đồng, thậm chí là nghịch ngợm. Tuy nhiên, con chỉ thể hiện những điều này khi ở trong vùng an toàn của mình, trước những người quen thuộc và cực kỳ thân thiết với con.

Khi ra khỏi vùng an toàn, hay chỉ cần có sự xuất hiện của một người hơi lạ trong gia đình, con sẽ chuyển ngay sang "chế độ" phòng thủ và quan sát từ xa.

Con không thích bị thúc ép làm việc trong gấp gáp. Con sẽ thoải mái và hợp tác hơn khi làm với tốc độ của riêng con, vào lúc con cảm thấy sẵn sàng và muốn làm.

Con thích nhìn những gì người khác làm trước, xong rồi mới bắt chước làm theo.

Những điều mình luôn phải nhắc nhở bản thân khi nuôi và dạy con

Luôn nhẹ nhàng, kiên nhẫn để không nổi cơn tam bành mỗi khi con chướng. 

Luôn sáng tạo để tìm cách cho con tự quyết định trong khuôn khổ mình cho phép, chứ không cố gắng thay đổi con.

Luôn có mặt bên cạnh mỗi khi con gặp người mới hay đến một nơi mới. Mình không nói những câu thúc ép như: "Không có gì đâu, con đừng có sợ, con hãy làm này làm kia đi...". Thay vào đó, mình thường để con bên cạnh và cứ hành xử thật vui vẻ và tự nhiên, nói chuyện thân tình với mọi người, đặc biệt là người nào còn lạ lẫm với con. Con sẽ tự quan sát một lúc và hiểu rằng: "À, bố mẹ mình rất thoải mái với người lạ này, vậy đây hẳn là người tốt. Mình sẽ không sợ nữa."

Luôn báo trước và cho con thời gian để chuẩn bị trước khi đổi qua một hoạt động nào khác. Ví dụ: "Con đọc sách đi rồi 5 phút nữa mình sẽ đi tắm nhé", hoặc "Khi nào mình ngủ dậy, mình sẽ ăn xong và đi thăm các cụ nha." Hãy cho con biết trước việc gì sẽ xảy ra, vào lúc nào, và lắng nghe xem con có muốn làm hay không. Thiết lập cho con một lịch sinh hoạt nhất quán nhất có thể.

Khuyến khích con quan sát và làm theo sau. Tuy nhiên, không so sánh, không đánh giá, không gắn mác (label), không chê bai con. Con thích ở vị trí thứ hai, chứ không phải vị trí thứ nhất, vì đó là vị trí con cảm thấy thoải mái và an toàn nhất. Hãy tôn trọng ý muốn của con.

Mình đã áp dụng những điều trên như thế nào?

Câu chuyện 1:

Một cuộc hội thoại điển hình ở nhà mình vào giờ đi tắm diễn ra như sau:

Mẹ: "An ơi hết 5 phút đọc sách rồi, đi tắm thôi."

An: "Hông mẹ, An hông tắm."

Mẹ: "Con muốn 3 phút nữa tắm hay 5 phút nữa tắm?"

An: "5 phút!"

Mẹ: "An ơi hết 5 phút rồi, mẹ đang ngồi chờ trong nhà tắm nha."

An: "An hông tắm, hông thích tắm!"

Mẹ: "À được thôi, không tắm cũng được, mình vào dội nước cho ướt người đi."

Thế là An tí tởn chạy vào. 

Ngày hôm sau: "An ơi con không tắm cũng được, con vào con múc giúp mẹ hết nước trong chậu này ra đi."

Ngày hôm sau nữa: "An ơi, con đánh răng trước hay tắm trước?" (Vì An rất thích đánh răng)

Ngày sau đó: "An ơi, vào nhúng chân xem nước này ấm hay mát?" (Vì An rất thích tắm nước mát)

Ngày nào đó cuối tháng: "An ơi, vào đây rửa cái bô của con với mẹ không?" 

Khi con vào giai đoạn khủng hoảng, não mình cũng hoạt động như một cỗ máy quay số (jackpot). Nhưng nếu không bằng cách này, thì con sẽ phải vào tắm trong gào khóc và nước mắt. Ngày qua ngày, trải nghiệm đi tắm của con chắc sẽ trở nên đáng sợ và kinh khủng lắm. 

Câu chuyện 2:

Khi An và Khuê vào mầm non, ngày nào đi học An cũng vui như một chú chim sẻ. Nhưng sau Tết và 4 tháng nghỉ dịch, mỗi sáng đi học An luôn khóc như mưa, thét như sấm. Hành trình đến lớp của An bỗng biến thành khoảng thời gian nhức đầu và mệt mỏi nhất trong ngày.

Khi trò chuyện với mọi người xung quanh, ai cũng bảo: “Bình thường thôi, đứa nào đi học mà chẳng vậy. Cứ chờ đi rồi lại như cũ.” Nhưng sau một tuần An còn phản kháng mạnh hơn. Mỗi sáng đi học còn có em Khuê, nếu việc này kéo dài thì tâm trạng của Khuê lẫn bố mẹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. 

Đây là tình huống rất bất hợp lý. Trước ngày đi học chính thức vài tuần, trường của An và Khuê có sáng kiến là mở cửa cho các bạn vào làm quen lại. Mỗi ngày cho tối đa 3 bạn vào lớp chơi 1 tiếng, đi cùng với bố mẹ. Trong những buổi này, An hoàn toàn ổn.

Theo quan sát cộng với hiểu biết về con, mình đoán là do An vẫn đang rất gắn bó với lớp cũ. Khi lên lớp, chưa kịp làm quen với môi trường mới thì phải nghỉ một mạch 4 tháng. Sau dịch, con phải vào một phòng lạ, nhìn thấy người thương (các cô cũ) và em gái ở lớp bên kia, chắc con buồn lắm nhưng không dám chạy sang phòng học cũ. Những tâm tư này hẳn đã dồn nén mỗi ngày đến lớp.

Qua trao đổi, thầy chủ nhiệm đề xuất giải pháp là: Mỗi sáng, An sẽ được cùng vào lớp của Khuê chơi vài phút, khi nào An thấy thoải mái thì thầy sẽ gọi An về lớp mình. Điều này khiến mình rất cảm kích.

Chỉ ngay ngày hôm sau, An không còn khóc nữa. Chú chim sẻ vui vẻ đến trường của bố mẹ đã hiện hình trở lại. Và 2 tuần sau đó, con đã tự đi thẳng vào lớp của con luôn mà không cần 5-10 phút vào lớp cũ nữa.

Vậy đó, khi con chậm thích nghi, việc gì cũng cần thời gian.

Chi bằng, phụ huynh của các bạn nhỏ hãy kiên nhẫn với giai đoạn "khủng hoảng tuổi lên 2" này và hiểu rằng “Không" chỉ là câu phản kháng bề nổi. Nếu tiếp cận tâm tư của con theo cách nhẹ nhàng thì sau đó con sẽ vui vẻ, có niềm tin vào lời nói của người lớn và sẵn sàng hợp tác hơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục