Livestream tố cáo công ty, NewJeans tạo tiền lệ chưa từng có ở K-Pop

NewJeans chỉ mới hoạt động 2 năm, và thành viên nhỏ nhất mới 16 tuổi. Nước đi này sẽ tác động như thế nào đến sự nghiệp của họ?
Rachel Võ
Nguồn: Facebook Koreanophiles

Nguồn: Facebook Koreanophiles

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Chiều ngày 11/9, nhóm nhạc Hàn Quốc NewJeans đã lập kênh YouTube riêng và phát sóng trực tiếp video với tiêu đề “Những điều NewJeans muốn nói”. Buổi livestream kéo dài gần 20 phút với những nội dung chính như sau:

  • Tố cáo việc nhóm bị cô lập: Các thành viên trong nhóm lần lượt cho rằng mình bị công ty chủ quản và đồng nghiệp ghẻ lạnh, đối xử thiếu tôn trọng. Khi chia sẻ khó khăn với Ban lãnh đạo, nhóm cũng không được ghi nhận do "thiếu bằng chứng".
  • Khẳng định công lao của cựu CEO: Các thành viên đều đồng tình cho rằng Min Hee Jin - cựu CEO của ADOR (công ty con của HYBE) mới là người phù hợp để điều hành công ty. Đóng góp của cô rất to lớn và không ai có thể thay thế được.
  • Đưa ra “tối hậu thư” cho HYBE: Kết thúc buổi livestream nhóm yêu cầu trong vòng 2 tuần (từ giờ đến ngày 25/9), HYBE phải khôi phục lại dàn nhân sự cũ của ADOR, bao gồm chức CEO của Min Hee Jin.

Sau khi kết thúc buổi livestream, kênh YouTube này cũng lập tức bị xoá. Hành động của NewJeans đã gây xôn xao bởi livestream tố cáo đơn vị chủ quản hiện thời là điều chưa một nghệ sĩ nào từng làm, đặc biệt là tại Hàn Quốc, nơi mọi hành động và phát ngôn của nghệ sĩ đều phải nằm trong phạm vi kiểm soát của công ty.

Hiện tại, hashtag #WE_STAND_WITH_NEW_JEANS (Chúng tôi đứng về phía NewJeans) và #BangPD_two_weeks_to_normalize_ADOR (2 tuần để chủ tịch Bang khôi phục lại ADOR) đang lọt top 1 tìm kiếm trên X.

2. Tại sao NewJeans lại chọn thời điểm này để livestream?

Ngày mai (12/09), Đại hội cổ đông của HYBE sẽ được tổ chức. Nhiều người cho rằng NewJeans cố tình chọn thời điểm này để gây tác động đến cuộc họp. Trước đó, Min Hee Jin (cựu CEO ADOR) đã bị HYBE đơn phương đuổi việc vì những mâu thuẫn trong quá trình làm việc.

NewJeans cũng là phía bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong vụ tranh chấp này. Nhiều bằng chứng cho thấy tân CEO ADOR đang muốn xoá thành tích của Min Hee Jin, cũng như dấu vết thành công của NewJeans.

Cụ thể, CEO mới bị cho là tự ý xoá kênh Ban Heesoo - kênh YouTube riêng của nhóm (tài khoản chỉ vừa được khôi phục một vài giờ sau buổi livestream), không cho nhóm quảng bá khi phát hành album mới, giao tài nguyên quảng cáo cho nhóm nữ khác.

3. Liệu NewJeans có lặp lại lịch sử của đàn anh JYJ?

Vào năm 2007, cộng đồng Kpop cũng đã từng dậy sóng bởi vụ kiện của nhóm JYJ (tiền thân là nhóm DBSK) với công ty chủ quản SM Entertainment. 3 trong 5 thành viên của nhóm bao gồm JaeJoong, JunSu và YooChun đã đệ đơn xin huỷ hợp đồng với công ty ,với lý do bị ngược đãi, bóc lột sức lao động và bị cắt xén tiền thù lao.

Dù JYJ khởi kiện thành công, SM sau đó bị cho là dùng quyền lực để cấm sóng 3 thành viên, không để họ xuất hiện trên bất cứ các nền tảng nào. Chỉ hơn chục năm sau, khi cộng đồng fan đấu tranh quá mạnh mẽ thì SM mới buông tha, không còn ngăn cản JYJ hoạt động nghệ thuật.

Quay về trường hợp của NewJeans, nếu họ công khai công kích công ty chủ quản, nguy cơ rất cao các thành viên sẽ bị kiện vì vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp thua kiện, họ có thể phải bồi thường cho công ty một số tiền khổng lồ.

Nhiều người còn cho rằng HYBE có thể sẽ làm biện pháp mạnh hơn, đó là “nhốt NewJeans vào tầng hầm". Vì đến năm 2029, hợp đồng của nhóm với HYBE mới hết hạn. Nếu NewJeans không đủ khả năng tài chính để bồi thường tổn thất, thì có thể họ sẽ không được ra mắt sản phẩm mới hay hoạt động nghệ thuật trong thời gian dài.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục