28 Thg 06, 2022Gia Đình Bóc Term

Mama boy - Con dù lớn mãi là con trai cưng của mẹ

Bạn có từng gặp chàng trai nói với mình rằng "vì mẹ bắt anh chia tay"?
Hà Phạm
Dù là "anh lớn" ở ngoài đường thì khi về nhà Seung-Chul (Yu Hae-Jin) vẫn là con ngoan, luôn muốn mẹ vui lòng. | Nguồn: Phim Mama (2011)

Dù là "anh lớn" ở ngoài đường thì khi về nhà Seung-Chul (Yu Hae-Jin) vẫn là con ngoan, luôn muốn mẹ vui lòng. | Nguồn: Phim Mama (2011)

1. Mama boy là gì?

Mama boy, hay mama's boy là danh từ chỉ người con trai phụ thuộc, dựa dẫm quá mức vào mẹ, thường bị cho là yếu đuối, kém cỏi.

Chẳng hạn như làm việc gì cũng hỏi ý kiến mẹ hoặc thậm chí để mẹ quyết định thay mình, từ chuyện tài chính, sự nghiệp đến các mối quan hệ cá nhân. Mama boy cũng là người ngưỡng mộ mẹ đến mức tôn thờ và luôn cho “mẹ là nhất,” bất kể tình huống đúng sai.

Theo từ điển Cambridge, họ có thể vẫn còn ở tuổi thanh thiếu niên hoặc đã trưởng thành.

Nhân vật mama boy điển hình trong phim có thể kể đến như Buster Bluth trong Arrested Development, Norman Bates trong Psycho.

Đôi khi mama boy không hoàn toàn mang nghĩa tiêu cực mà chỉ đơn thuần chỉ người con trai tử tế và cực kỳ thân thiết với mẹ của mình (theo Merriam Webster). Tuy nhiên cho đến hiện tại, cụm từ này vẫn đang được dùng phổ biến với hàm ý mỉa mai.

Phiên bản nữ của mama boy là daddy girl.

2. Nguồn gốc của mama boy?

Cụm từ xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 20, bắt nguồn từ những giả thuyết nghiên cứu về tâm lý trẻ em của Sigmund Freud và Benjamin Spock.

Những giả thuyết này cho rằng sự gần gũi hoặc xa cách quá mức của người mẹ sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề tâm lý của trẻ. Cụ thể ở đây, các bé trai luôn được mẹ cưng chiều và bao bọc quá mức sẽ dễ có xu hướng trở thành mama boy khi lớn lên.

3. Vì sao mama boy trở nên phổ biến?

Gặp phải mama boy là trải nghiệm hẹn hò phổ biến với nhiều người. “Nỗi đau chung” này đã trở thành đề tài cho vô số sản phẩm giải trí, truyền thông.

Đài TLC của Warner Bros có hẳn một TV series thực tế mang tên I love a mama’s boy, với nội dung bóc tách những rắc rối xoay quanh việc hẹn hò với một mama boy.

Tình trạng mama boy lại càng phổ biến hơn trong xã hội châu Á (tiêu biểu như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan,…) vì tư tưởng “trọng nam khinh nữ,” “mẹ hổ”, “cha mẹ trực thăng” vẫn còn mang ảnh hưởng rất lớn. Thậm chí trong dân gian Việt Nam còn lưu truyền câu nói khá gây tranh cãi rằng “con trai là người tình kiếp trước của mẹ” để chỉ mối gắn kết giữa mẹ và con trai.

Năm 2018, báo Đài Loan đã đưa tin về một người đàn ông 26 tuổi bị bắt vì các cáo buộc gian lận và rửa tiền. Anh sống với gia đình giàu có trong một căn hộ trị giá 30 triệu Đài tệ (gần 1 triệu USD) mà không có công việc ổn định. Theo các báo cáo, khi bị cảnh sát thẩm vấn, anh đã khóc và muốn được gặp mẹ.

Ở Việt Nam, mama boy được biết đến rộng rãi qua bài hát nổi tiếng như Con trai cưng của ca sĩ B Ray và K-ICM. Thậm chí, cách gọi “con trai cưng của mẹ” từ bài hát gần như trở thành nghĩa tiếng Việt chính thức của mama boy.

Theo sau đó là một loạt các bài hát V-Pop khác cũng khai thác đề tài này và được đông đảo khán giả đón nhận như Mama boy (Amee), Mama boy (HIEUTHUHAI) và gần đây nhất là Vì mẹ anh bắt chia tay (Miu Lê & Karik).

Tuy nhiên, có một xu hướng đáng chú ý gần đây là nhiều người đang dùng mama boy như một danh xưng đáng tự hào. Họ tự hào vì tình yêu của mình dành cho mẹ. Đó cũng là một cách đáp trả lại tư tưởng nam tính độc hại mà người khác áp đặt lên họ, yêu cầu họ phải luôn cứng rắn, không lệ thuộc vào người khác, nhất là mẹ.

4. Cách sử dụng mama boy

Tiếng Anh

Son: I'm not a mama boy!

Mom: Yes you are!

Son: Yes, mama.

Tiếng Việt

Con trai: Con không phải là đứa bám váy mẹ đâu!

Mẹ: Có đó!

Con trai: Dạ vâng thưa mẹ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục