Môi Điên và những biên độ sáng tạo

Tom Trandt bắt đầu khởi nghiệp với Môi Điên cùng đội ngũ chỉ vỏn vẹn 3 người. Sau gần 2 năm, Môi Điên nay là nơi làm việc của một đội ngũ sáng tạo hơn 10 người, hăng say làm việc để cho ra đời các thiết kế sáng tạo trong xử lý chất liệu, độc đáo trong kiểu dáng, và thân thiện với môi trường.

Quyen Hoang
Môi Điên và những biên độ sáng tạo

Môi Điên và những biên độ sáng tạo

Tom Trandt – nhà thiết kế đến từ Sài Gòn – không muốn công chúng biết đến mình nhiều trong vai trò nhà sáng lập của thương hiệu thời trang Môi Điên. Lý do ư? “Tom muốn khi nhắc đến Môi Điên, mọi người sẽ nhận biết và ủng hộ thương hiệu thông qua bản sắc và chất lượng của sản phẩm, thay vì chỉ tập trung vào danh tiếng của nhà thiết kế,” anh chia sẻ. “Suy cho cùng, các thiết kế mình làm ra hoàn toàn nhằm mục đích phục vụ khách hàng, thay vì thỏa mãn cái tôi của nhà thiết kế.”

Tốt nghiệp ngành thời trang từ Parsons School of Design tại New York – ngôi trường của những “tượng đài” như Marc Jacobs, Anna Sui, Jason Wu, Alexander Wang…, Tom Trandt (tên thật là Trần Minh Đạo) bắt đầu khởi nghiệp tại Việt Nam với đội ngũ chỉ vỏn vẹn 3 người cùng 4 bộ sưu tập/năm. Sau gần 2 năm, studio của Môi Điên tại quận Tân Bình nay là nơi làm việc của một đội ngũ sáng tạo hơn 10 người, hăng say mỗi ngày để có thể sản xuất và đáp ứng nhu cầu của trên chục bộ sưu tập lớn, nhỏ trong năm.

Khách hàng trung thành của thương hiệu đa dạng từ ban nhạc indie, nhiếp ảnh gia, người chịu trách nhiệm nội dung mảng thời trang, giám tuyển nghệ thuật, người mẫu… cho đến bất kỳ ai có nhu cầu thử nghiệm hoặc đào sâu phong cách cá nhân của mình. Sau mỗi bộ sưu tập, Tom Trandt cùng đội ngũ luôn tìm tòi và hoàn thiện những đặc tính làm nên dấu ấn đặc trưng của Môi Điên: sáng tạo trong xử lý chất liệu, độc đáo trong kiểu dáng, và thân thiện với môi trường.

Vừa qua, Môi Điên đã xuất sắc là một trong 16 thương hiệu lọt vào vòng chung kết của International Fashion Showcase 2019. Được tổ chức 2 năm một lần, đây là chương trình tìm kiếm, đào tạo, và giới thiệu những tài năng thiết kế trẻ tiềm năng trên toàn thế giới, dưới sự hợp tác giữa Hội đồng Anh (British Council), Hiệp hội Thời trang Anh (British Fashion Council), Đại học London College of Fashion, và Somerset House.

Vietcetera đã có dịp trò chuyện và trao đổi cùng nhà thiết kế trẻ trước thềm chuyến đi đến London để tham gia vào khóa học ngắn hạn của chương trình, cũng như chuẩn bị cho triển lãm trưng bày của 16 nhà thiết kế sẽ được tổ chức vào tháng 2/2019 trong khuôn khổ Tuần lễ Thời Trang London. Mời bạn cùng đón đọc ngay dưới đây:

Đâu là một trong những hiểu lầm lớn nhất mà mọi người thường có về thời trang?

Rằng thời trang là một phân nhánh liên hệ mật thiết với ngành giải trí. Suy nghĩ này không chỉ phổ biến ở Việt Nam, mà còn trên thế giới. Vì thế, nhiều người hay cho rằng thời trang là môi trường của hào quang và danh vọng.

Trái hẳn với hình ảnh được khắc họa trong giới truyền thông, ngành thời trang mà Tom biết – thông qua cộng đồng những nhà thiết kế trẻ mà Tom có dịp tiếp xúc và làm việc cùng nhau trong khoảng thời gian dài – là nơi mọi người nỗ lực cùng nhau để tập trung phát triển sản phẩm. Bạn hãy tưởng tượng tính chất công việc của mọi người không khác gì các ngành nghề sáng tạo khác như nội thất hay thiết kế công nghiệp. Bên cạnh sự hỗ trợ đắc lực từ bộ máy marketing, thời trang cũng nên là nơi mọi người nghĩ đến sản phẩm nhiều hơn.

Dường như đây vẫn là hướng đi khó, khi mà ngành thời trang toàn cầu hiện nay đang bị “nuốt chửng” bởi “hào quang” của các siêu sao, lẫn những thủ thuật marketing táo bạo.

Bạn sẽ phải đánh đổi một cái gì đó một khi đã chọn hưởng lợi từ marketing. Nhưng cũng có những thương hiệu không bị cuốn vào vòng xoáy marketing mà vẫn được tôn trọng và thành công, nhờ những thiết kế chất lượng, như là Céline chẳng hạn.

Sau 2 năm hoạt động, Môi Điên được biết đến là một thương hiệu chăm đầu tư vào phát triển sản phẩm, cũng như khuyến khích người mặc được thoải mái là chính mình. Tại sao Tom lại chọn hướng phát triển này cho thương hiệu?

Theo Tom nghĩ, khi bắt đầu phát triển một thương hiệu, một nhà thiết kế nên tìm kiếm một lỗ hổng trong thị trường – phát hiện ra thứ mà mọi người chưa làm để theo đuổi nó, thay vì nhảy vào một phân khúc đã quá bão hòa hoặc được cho rằng sẽ dễ kiếm ra tiền.

Ở Việt Nam, Tom nhận thấy mọi người có nhu cầu được khác biệt, nhưng họ lại không có nhiều sự lựa chọn để thỏa mãn nhu cầu đó. Môi Điên ra đời để đáp ứng tiếng gọi của thị trường, cũng như xây dựng một cộng đồng hoàn toàn mới xoay quanh những thiết kế của thương hiệu.

Suy ra việc phân tích thị trường và định hình phân khúc thương hiệu cũng có thể được xem là sáng tạo, bên cạnh kỹ năng thiết kế không thôi?

Sự sáng tạo đến từ quá trình giải quyết từng vấn đề. Mô hình kinh doanh của mình sẽ có ảnh hưởng đến biên độ sáng tạo, và thiết kế/sản phẩm mình làm ra cũng sẽ tác động đến việc sinh ra nhu cầu trong bài toán kinh doanh. Ví dụ như bạn có thể định vị cho thương hiệu của mình đi theo hướng thời trang cao cấp hoặc bình dân…, và thiết kế bạn làm ra có thể phù hợp cho những bữa tiệc sang trọng, công sở, hoặc dạo phố…

Tom xem kinh doanh là nền tảng cho tất cả mọi thứ. Tuy vậy, thiết kế là một ngành phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và rèn luyện để có thể cho ra đời sản phẩm ưng ý, nên đa phần các nhà thiết kế không có thời gian để tập trung vào mảng kinh doanh. Với thương hiệu của mình, Tom phải hy sinh mỗi thứ một chút để có thể cân bằng cả hai.

Nếu vậy, khi thiết kế, Tom thiên về cảm xúc hay lý tính nhiều hơn?

Khi có bất kỳ cảm hứng nào trong đầu, Tom phác họa ra giấy trước, nên đó có thể là phần cảm xúc. Khi kiểm duyệt lại để một bộ sưu tập có thể thành hình theo những tiêu chí như thiết kế và sản xuất, đó là phần lý tính.

Tại studio của Môi Điên, Tom và đội ngũ có đặt nặng vấn đề định hình xu hướng?

Tom cho rằng đây là vấn đề của giới truyền thông nhiều hơn là nhà thiết kế. Bản thân một nhà thiết kế thường tạo ra những sản phẩm mà họ cho rằng đối tượng khách hàng của mình sẽ mong muốn, nhưng bản thân họ không thể một thân một mình tạo ra xu hướng. Để làm được này, ta cần cả một bộ máy marketing, cũng như sản phẩm từ các nhà thiết kế khác.

Theo Tom, các thiết kế của Môi Điên là dễ mặc hay khó mặc?

Cả hai. Đối với một số người, những cái khó mặc nhất của Môi Điên vẫn chưa là gì cả. Nhưng ngược lại, một số người lại thấy những cái dễ mặc nhất của Môi Điên lại quá nổi bật trong mắt họ. Mỗi cá nhân sẽ chọn cho mình một phong cách khác nhau.

Đội ngũ đang làm việc tại Môi Điên gồm những ai? Tom định hướng xây dựng văn hóa công ty như thế nào?

Họ là những bạn trẻ vừa ra trường và muốn làm việc trong ngành thời trang, cũng như những người đã có kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhưng vẫn muốn quay lại với ngành này. Studio của Môi Điên là nơi giải quyết vấn đề. Khi đã nhận dạng được một vấn đề nào đó trước mắt, điều Tom muốn nghe được từ đội ngũ là “Mình sẽ tìm cách”, thay vì “Cái này không làm được”.

Điều thú vị nhất khi làm việc tại Môi Điên là gì?

Đó là xây dựng được một cộng đồng khách hàng luôn đón chờ và sẵn lòng đón nhận những cái mới, khao khát thấy được những sản phẩm táo bạo, ngày càng nặng đô hơn. Chính vì lý do đó, Tom và đội ngũ luôn có nhiều đất để thử nghiệm. Đó cũng là cách Tom định nghĩa về thành công, khi mà mình được làm những gì mới mỗi ngày, và thị trường vẫn có đất để mình phát triển.

Sức mạnh của thời trang là gì?

Nó là nhận dạng của mỗi người. Người ta có thể nhìn vào bộ trang phục bạn đang mặc để đoán được bạn đến từ đâu và đại diện cho điều gì. Chẳng hạn như một cái cổ áo khoét sâu cũng có thể là tuyên ngôn về nữ quyền, một sản phẩm hoàn toàn nội địa cũng thể hiện sự ủng hộ của bạn cho các thương hiệu nhỏ lẻ, hay một sản phẩm làm từ thiên nhiên sẽ thể hiện tình yêu của bạn với môi trường. Vì thời trang là sản phẩm mà ta dùng mỗi ngày, nó có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa thông điệp rất mạnh.

Phát triển bền vững là một trong những thông điệp chính mà Môi Điên hướng tới. Đâu là cách thức để Tom và đội ngũ hiện thực hóa tầm nhìn này?

Tại studio, Tom và đội ngũ thường tìm cách dùng những tấm vải thừa để làm ra những sản phẩm mới, sau đó còn thừa nữa thì sẽ sáng tạo nên những phụ kiện nhỏ hơn. Gần đây, Môi Điên cũng dần giảm thiểu việc dùng túi giấy để giao hàng cho khách hàng, mà thay vào đó là dùng túi vải mà khách hàng có thể dùng lại nhiều lần. Tháng 3 vừa qua, Môi Điên đã cho ra mắt dòng túi tote vải Ba Gang. Với chất liệu vải không dùng hóa chất độc hại, đây là giải pháp của đội ngũ để thay thế cho những chiếc túi da, có thể cho vào máy giặt thoải mái và không làm hại đến động vật.

Những nỗ lực này cũng quay lại văn hóa của Môi Điên là tìm cách giải quyết vấn đề – vừa là các bước tiến nhỏ để hướng đến phát triển sản phẩm một cách bền vững, đồng thời cũng giúp cho thương hiệu có một nhận dạng riêng.

Sau mỗi bộ sưu tập, làm cách nào để Tom mang lại những yếu tố khác lạ cho thương hiệu, nhưng đồng thời vẫn “vun vén” để dấu ấn đặc trưng của Môi Điên không bị phai nhòa?

Đối với Tom, bộ sưu tập đầu tiên của Môi Điên được xem là một canh bạc thử nghiệm, và cũng rất khó để ADN của thương hiệu có thành hình một sớm một chiều. Bên cạnh những thử nghiệm hoàn toàn mới, qua mỗi bộ sưu tập, Tom và đội ngũ thường giữ lại phần thành công nhất của bộ sưu tập trước đó – tức những sản phẩm bán chạy trên InstagramFacebook – và biến tấu chúng. Phần còn lại sẽ là đất để thử nghiệm những thiết kế và sản phẩm mới.

Là một thương hiệu trẻ kinh doanh chủ yếu thông qua kênh Facebook và Instagram, Tom nhận thấy đâu là lợi thế lẫn nhược điểm giữa mạng xã hội và cửa hàng chính thống?

Mọi người thường hiểu lầm sử dụng mạng xã hội là cách thức kinh tế hơn, nhưng thực ra, chi phí để chạy quảng cáo trên mạng xã hội đắt tương đương với việc mở cửa hàng ở khu vực trung tâm. Tuy còn non trẻ ở Việt Nam, nhưng mạng xã hội đã tập cho người tiêu dùng thói quen mua sắm qua mạng. Đó là điều mà Môi Điên đã được hưởng lợi ngay khi bắt đầu thương hiệu.

Tuy vậy, không gian ảo của Instagram và Facebook lại gây hạn chế trong việc người dùng có thể trực tiếp trải nghiệm toàn bộ bộ sưu tập và cảm nhận tinh thần của thương hiệu. Trong tương lai gần, Môi Điên cũng sẽ có kế hoạch mở không gian riêng.

Tom có cảm thấy áp lực khi là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia chương trình International Fashion Showcase (IFS)?

Áp lực lớn nhất là thuyết phục hội đồng giám khảo lý do để Môi Điên lọt vào top 16 thương hiệu được trưng bày trong vòng chung kết. Rằng Môi Điên hiện đang có tiếng nói gì trong thị trường nội địa? Thương hiệu sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực ra sao đến môi trường kinh doanh? Trong tương lai, Môi Điên sẽ làm được gì và có tìm được chỗ đứng trên thị trường thế giới? Đó là những gì mà Tom và đội ngũ suy nghĩ nhiều nhất. Đây là cơ hội tuyệt vời để Tom giới thiệu một góc nhìn khác về thời trang và sản phẩm mới cho thị trường quốc tế.

Tom mong chờ gì nhất khi tham gia IFS?

Tom muốn phát triển dòng sản phẩm riêng cho thị trường quốc tế, và thử nghiệm xem liệu nó có khả năng thành công hay không. Trong đó bao gồm thu hẹp khoảng cách giá thành giữa thị trường Việt Nam và quốc tế. Đồng thời, Tom cũng mong chờ cơ hội gặp gỡ các nhà thiết kế khác trên thế giới cùng tham gia vòng chung kết, trao đổi về những thách thức mà họ gặp phải tại thị trường nước bạn, và học về cách thức mà họ đối mặt với những khó khăn riêng.

Dành cho những bạn trẻ muốn thử sức mình trong lĩnh vực thời trang, Tom sẽ có lời khuyên gì?

Hãy đừng để kỳ vọng của người khác làm ảnh hưởng đến hướng đi của mình. Khi tốt nghiệp từ một trường thời trang, bộ sưu tập của bạn thường là một cái “fantasy”, được chuẩn bị trong một năm để chứng tỏ cái ngưỡng sáng tạo cao nhất của bạn nằm ở đâu. Nhưng khi vào đời, xây dựng thương hiệu thành công không đồng nghĩa với việc thỏa mãn cái tôi của bạn. Sứ mệnh của một thương hiệu là phục vụ khách hàng, những người mà bạn nên nghĩ tới đầu tiên. Nếu như có lời khuyên, Tom cho rằng hãy tự tin vào chiến lược phát triển thông minh, thay vì sa đà vào lối mòn cho rằng bạn phải làm điều gì đó để xứng tầm với tấm bằng của mình.

Và cuối cùng, chúng ta có thể mong chờ gì ở Môi Điên trong thời gian tới?

Bên cạnh bộ sưu tập đầu tiên dành cho dòng thời trang cao cấp mà Tom và đội ngũ đang phát triển cho IFS, trong tháng 7 này Môi Điên sẽ ra mắt bộ sưu tập hợp tác với Sadéc District – ứng dụng những thế mạnh về xử lý chất liệu tại Môi Điên vào các sản phẩm trong ngành nội thất.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục