Một đời theo đuổi hoàn mỹ: Bốn bộ phim tài liệu về những thương hiệu hàng đầu thế giới

Cùng tìm hiểu qua 4 bộ phim tài liệu về bốn thương hiệu danh tiếng để tìm ra bí quyết tạo nên ngôi vị “biểu-tượng" (icon). 

Agnes Alpuerto
Người đàn ông sải bước vòng quanh thế giới

Nguồn: Vietcetera

Đã thành quy luật, các xu hướng luôn đến rồi đi — một số “bốc hơi" nhanh như… nước; nhưng cũng có một số ở lại, sống mãi trong lòng nhiều thế hệ.

Điều gì tạo nên sự trường tồn theo thời gian đó? Nếu không phải là nghệ thuật của sự hoàn mỹ, thì chỉ có thể là ý chí cầu tiến để đạt đến được trình độ đó.

Cùng tìm hiểu qua 4 bộ phim tài liệu về bốn thương hiệu danh tiếng để tìm ra bí quyết tạo nên ngôi vị “biểu-tượng" (icon).

Người đàn ông sải bước vòng quanh thế giới (The Man Who Walked Around The World)

Để tạo nên một thương hiệu trường tồn qua nhiều thập kỷ và giữ vững ngôi vị “biểu tượng" (iconic), những người đằng sau nó hẳn phải vô cùng xuất chúng.

Khi nói đến một cái tên có khả năng đặc tả mọi thành tựu và tầm ảnh hưởng của một thương hiệu, dù đã trải qua 200 năm tồn tại và phát triển nhưng vẫn luôn được tán dương bởi sự vĩ đại vô song, chính là “Johnnie Walker".

Bộ phim gây ấn tượng với những cảnh quay sáng tạo về hành trình chinh phục thế giới của nhãn hiệu whisky hàng đầu thế giới, Johnnie Walker. Độ phủ sóng rộng rãi của nhãn hiệu được minh chứng qua sự xuất hiện trong hàng loạt các sự kiện lịch sử quan trọng nhất, cũng như trong lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc và cả tiểu thuyết.

Bộ phim được công chiếu vào năm 2020 vừa qua, như một cách đánh dấu cột mốc kỷ niệm 200 năm thành lập của thương hiệu. Johnnie Walker có mẫu chai vuông đặc trưng, in logo hình người đàn ông sải bước, cùng tên thương hiệu nằm theo hướng góc nghiêng 20 độ. Thương hiệu cũng đã “sải bước” qua từng giai đoạn lịch sử, từng đời đế quốc và từng cuộc cách mạng mà thế hệ trẻ ngày nay có thể chưa bao giờ nghe tới. Nhà nghiên cứu cấp cao Afshin Molavi tại Đại học Johns Hopkins chia sẻ, “Nếu một chai Johnnie Walker biết kể chuyện, thì nó có thể tường thuật lại cả một dòng lịch sử trải dài suốt hai thế kỷ vừa qua.”

Thành công của Johnnie Walker hiển nhiên không phải một sớm một chiều. Vào năm 1820, John Walker, một thanh niên trẻ tuổi đầy hoài bão người Scotland, đã lần đầu pha chế rượu whisky khi đang làm việc cho một tiệm tạp hóa. Thời điểm đó, hầu hết các cửa hàng tạp hóa đều bán dòng mạch nha đơn, nhưng chúng đều không đủ nhất quán. Nhận thấy điều đó chưa đủ tốt, John bắt đầu pha trộn chúng lại với nhau để rượu whisky của anh luôn đạt được vị ngon hảo hạng, bổ sung một công thức nổi tiếng vào lịch sử pha chế.

Quá trình này không cần thiết phải vội vã, nhưng đòi hỏi sự liên tục và đều tay, một tác phong chỉ những thiên tài mới có thể thực hiện. Khởi nguồn từ tiệm tạp hóa nhỏ tại Kilmarnock, Scotland, độ phổ biến của Johnnie Walker đã vươn ra khắp các lục địa, tự thiết lập nên những tiêu chuẩn riêng, xứng đáng được lưu danh tại mọi quán bar trên thế giới.

Ngày nay, Johnnie Walker là biểu tượng của sự phát triển và thành công vang dội, là minh chứng của sự hài hòa khi rượu được rót ra ly để người ưa chuộng whisky thưởng thức.

Về định hướng tương lai, nhà bình luận văn hóa kiêm nhà sử học xã hội Ekow Eshun chia sẻ: “Xe hơi biết bay chưa chắc sớm xuất hiện. Nhưng chắc chắn là vào năm 2050, hay cả hàng trăm năm sau đó, chai rượu Johnnie Walker vẫn sẽ giữ nguyên dáng đặc trưng.”

Celebration

Là một kiệt tác của đạo diễn người Pháp Olivier Meyrou, “Celebration” có lẽ đã thể hiện cái nhìn phê phán pha chút lo ngại. Bộ phim ghi lại hình ảnh nhà thiết kế thời trang vĩ đại Yves Saint Laurent trong quá trình chuẩn bị cho bộ sưu tập cuối đời vào năm 1998, trước khi thương hiệu này bị Gucci mua lại.

Qua từng thước phim, bạn sẽ thấy một Saint Laurent vật lộn với những bản vẽ, biến nó thành một bộ trang phục hoàn hảo qua rất nhiều lần may, xé bỏ, rồi may lại từ đầu, cho đến khi đạt mức độ hoàn mỹ mà ông chấp nhận.

Saint Laurent sinh năm 1936. Ông từng làm việc cho nhà thiết kế Christian Dior trong những năm 1950s trước khi thành lập thương hiệu thời trang riêng của mình vào thập niên 60. Cống hiến cho công việc trong âm thầm với đầy đam mê và tận tụy, ông luôn chuyên tâm hướng tới sự hoàn mỹ trong từng nét thiết kế may mặc.

Tiêu đề “Celebration” có thể không mang ý nghĩa miêu tả hình ảnh Saint Laurent ốm yếu và mỏng manh trên màn ảnh, mà bộ phim đã thành công tái hiện từng nét tỉ mỉ của nhà thiết kế đại tài khi tự tay tạo nên một bộ trang phục hoàn mỹ. Với ý nghĩa này, bộ phim đã thực sự “vinh danh” tên tuổi và thương hiệu của ông trùm thời trang Saint Laurent.

Nghệ Nhân Sushi (Jiro Dreams of Sushi)

Đây là một bộ phim tài liệu đầy hấp dẫn về đầu bếp Jiro Ono, người đã đạt ngôi sao Michelin danh giá, cùng những giá trị nghề nghiệp của ông: sự bền bỉ, tận tụy, hà khắc, và lòng chuyên tâm theo đuổi mục tiêu.

Dưới ga tàu điện ngầm Ginzo, nhà hàng Sukiyabashi Jiro khiêm tốn nằm tại một góc khuất khó tìm, với vỏn vẹn 10 chỗ ngồi. Đây chính là nơi đầu bếp Jiro đã làm việc không ngừng nghỉ trong suốt 75 năm. Những người yêu thích món sushi trên mọi châu lục cũng tìm đến đây, đầu tư từ thời gian đến tiền bạc cho một món ăn đơn giản và tiện lợi. Nhưng không ai cảm thấy phiền lòng, và thật sự không thể phiền lòng.

“Nghệ Nhân Sushi” còn là một bộ phim tài liệu tinh tế với thông điệp ý nghĩa. Từng phân cảnh là từng thao tác tạo nên món sushi ngon nhất thế giới của đầu bếp Jiro - một tạo hình nghệ thuật mà ông đã thông thạo suốt nhiều thập kỷ, và có lẽ vẫn chưa sẵn sàng bỏ cuộc.

Đạo diễn David Gelb cũng đã mang đến cho khán giả cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ bền chặt giữa đầu bếp Jiro và món sushi. Với niềm đam mê cháy bỏng, Jiro không bao giờ thỏa mãn với thành quả đạt được. Ông luôn theo đuổi hoàn mỹ và cống hiến hết mình để mỗi thành phẩm đạt chất lượng cao hơn trước. Người con trai cả, truyền nhân của ông sau này, cũng đã phải dành hàng tuần học cách dùng dao trước khi được thực hành chế biến các món trứng.

“Dù đã ở độ tuổi này, nhưng tôi vẫn thấy mình chưa đạt đến trình độ hoàn mỹ bậc nhất”, đầu bếp Jiro chia sẻ nhân dịp bộ phim được công chiếu vào năm 2013, khi đó ông đã 85 tuổi. Tuy nhiên, các thực khách từng có dịp thưởng thức tại nhà hàng Sukiyabashi Jiro, bao gồm cả cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, có lẽ sẽ có ý kiến trái ngược.

Bộ Óc Tỷ Đô (Inside Bill's Brain: Decoding Bill Gates)

Thiên tài lập trình phần mềm kiêm nhà từ thiện Bill Gates luôn xuất hiện trên các tiêu đề báo, nhưng có lẽ không nhiều người biết rõ về ông ngoài chức danh chủ tịch tập đoàn Microsoft. Bộ phim tài liệu gồm ba phần do Netflix sản xuất, “Bộ Óc Tỷ Đô”, hứa hẹn tiết lộ những câu chuyện sâu lắng, độc-nhất-vô-nhị về một trong những tên tuổi giàu có và nổi tiếng nhất thế giới.

Xuyên suốt 157 phút của bộ phim, đạo diễn Davis Guggenheim đã giải mã những suy nghĩ trong khối óc của Bill. Từ kinh nghiệm, học vấn, công việc, hôn nhân, đức tin, cho đến mọi câu chuyện xoay quanh các yếu tố này, bộ phim đã tái hiện cuộc đời một thiên tài Bill Gates đầy chân thực chứa đủ mọi suy nghĩ xáo trộn đan xen. Ông dành phần lớn thời gian của mình để lăn lộn trong những dự án phức tạp, và hoàn toàn chấp nhận sự thật là bản thân không thể sắp xếp suy nghĩ một cách gọn gàng và máy móc, bởi các ý tưởng luôn bất chợt xuất hiện trong đầu. Bà Melinda, vợ ông, cũng vui vẻ công nhận điều này.

Từng thước phim của đạo diễn Guggenheim là minh chứng rõ ràng cho lý do vì sao Bill Gates được mệnh danh là thiên tài. Ông dành cả ngàn giờ đồng hồ để nghiền ngẫm và phát triển những loại kiến thức mà không một ai trên trái đất này (ngoài thiên tài Steve Jobs huyền thoại) có thể nghĩ đến.

“Trong lần du lịch cùng nhau, tôi đã thấy ông ấy có thể đọc đến 14 cuốn sách”, người bạn Bernie Noe của ông chia sẻ. “Đọc được hết 150 trang sách trong vòng một giờ đồng hồ chính là tài năng thiên phú. Ông ấy có thể nhớ đến 90% chi tiết trong lúc đọc, thật quá phi thường.”

Có thể thấy, sự tận tụy trong công việc mà Bill Gates đã tôi luyện qua nhiều thập kỷ chính là điều khiến cả thế giới kính phục ông.

Johnnie Walker vừa đánh dấu mốc kỷ niệm 200 năm trên chặng đường sản xuất rượu whisky bán chạy nhất thế giới. Từ xuất phát điểm đầy khiêm tốn tại một tiệm tạp hóa ở Kilmarnock, Scotland, thương hiệu này dần có những bước tiến táo bạo - đúng như tinh thần biểu tượng của logo người đàn ông sải bước - để tạo nên những định hướng và tiêu chuẩn riêng trong cách pha chế rượu whisky. Vừa kỷ niệm chặng đường 200 năm phong phú trải dài qua nhiều thế hệ, thương hiệu Johnnie Walker cũng đồng thời bày tỏ lòng kỳ vọng vào tương lai 200 năm trước mắt.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục