MỘT - Niềm tự hào mới của giày Việt

Đầu năm 2018, MỘT ra đời tại Sài Gòn. Thương hiệu giày sinh sau đẻ muộn này nhanh chóng nhận được sự yêu thích từ giới trẻ nhờ vào thiết kế đơn giản, tinh tế, ôm trọn cổ chân và chất lượng không thua kém bất kỳ ông lớn nào.

Oanh Tran
MỘT - Niềm tự hào mới của giày Việt

Mặc dù là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu giày dép, thế nhưng tại sân nhà, các doanh nghiệp giày dép Việt cũng chỉ chiếm được khoảng 40% thị phần nội địa. Và dù có yêu mến sản phẩm nội địa cách mấy, chúng ta đều phải công nhận một sự thật rằng để kiếm được đôi giày đẹp, bền đến từ thương hiệu Việt là không hề dễ. Ngoài sự trở lại lẫy lừng của Biti’s, thị trường giày dép với nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam vẫn vắng bóng những cái tên “made in Vietnam” thật sự ấn tượng.

Thế rồi đầu năm 2018, MỘT ra đời tại Sài Gòn. Thương hiệu giày sinh sau đẻ muộn này nhanh chóng nhận được sự yêu thích từ giới trẻ nhờ vào thiết kế đơn giản, tinh tế, ôm trọn cổ chân và chất lượng không thua kém bất kỳ ông lớn nào. Theo nhà đồng sáng lập thương hiệu Huỳnh Quang Ngọc Hân cho biết, đôi giày MỘT là thành quả của quá trình dài 12 tháng, từ khảo sát, thiết kế, phát triển mẫu, sản xuất và lên kế hoạch truyền thông.

Trái với sự hối hả mà chúng ta thường thấy ở những mô hình khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp thời trang, ở thương hiệu giày này có cái gì đó rất chậm rãi, từ tốn nhưng vững chắc. Cùng chúng tôi lắng nghe câu chuyện 1 tuổi của MỘT.

Học tập và làm việc nhiều năm trong ngành Thiết kế công nghiệp (Industrial Design), tại sao Hân lại quyết định rẽ hướng sang sản xuất giày? Liệu đây có phải là một hướng đi đã được Hân ấp ủ từ lâu?

Sau nhiều năm học và làm việc trong ngành này, mình nhận ra một điều rằng thiết kế có đẹp đến đâu mà không đến được công đoạn sản xuất và tay người tiêu dùng thì cũng chỉ là vô nghĩa. Vậy nên từ khi còn làm việc ở Mỹ, mình đã luôn ấp ủ dự định sản xuất ra những sản phẩm đẹp và chất lượng cho người tiêu dùng Việt Nam. Ngay từ đầu mình đã hướng đến sản xuất hàng loạt, bởi đa phần các thương hiệu Việt đều chỉ tập trung sản xuất, gia công quy mô nhỏ, còn thị trường lớn vẫn bị bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, lúc đó mình vẫn chưa hướng đến sản xuất giày dép. Trở về nước, mình tìm đến rất nhiều doanh nghiệp, xưởng sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để học hỏi về dây chuyền, chia sẻ những dự định và tìm kiếm đối tác.

Sau đó, mình may mắn gặp được anh Phạm Đỗ Kiến Quốc, người đồng sáng lập của MỘT bây giờ. Lúc bấy giờ Quốc sở hữu một nhà máy sản xuất với hơn 30 năm kinh nghiệm gia công giày dép xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ và Nhật. Bản thân Quốc cũng trăn trở về việc có nên thành lập một thương hiệu thuần Việt với chất lượng cao, giá cả phù hợp với số đông người Việt không.

Tư tưởng lớn gặp nhau, mình và Quốc hợp tác xây dựng thương hiệu giày MỘT. Sau khi hoàn tất công đoạn phát triển thiết kế và sản xuất giày, chúng mình chào đón anh Hồng Minh Kỳ, mảnh ghép thứ ba của MỘT đồng thời là một người rất mê giày. Kỳ phụ trách hoàn toàn các mảng tiếp thị, tìm nhà phân phối, và tổ chức các sự kiện pop-up. Chính nhờ anh mà giày MỘT có thể ra mắt vào ngày 28/01/2018.

Chúng tôi phải hỏi: Tại sao MỘT chỉ có duy nhất một kiểu dáng?

Ban đầu mình cũng băn khoăn, liệu có nên sản xuất hàng loạt mẫu mã để khách hàng có nhiều lựa chọn không? Nhưng rồi mình lại nghĩ, thị trường giày dép hiện tại đã có vô số mẫu mã rồi, vốn dĩ khách hàng đâu có thiếu lựa chọn. Câu hỏi tiếp theo mà mình đặt ra là: “Tại sao thế giới này cần thêm một đôi giày?”

Nhìn chung trên thị trường, những dòng giày dễ mang, dễ phối và thích hợp với nhiều hoạt động (casual sneakers) như Converse và Vans được rất nhiều người ưa chuộng. Nhưng không nhiều thiết kế dành riêng cho người Việt và đặc biệt là phù hợp với lối sống của con người ở đây, nên MỘT đã tập trung vào phân khúc này. Và với phương châm chỉ làm ra những sản phẩm thật sự cần thiết nên giày Một chỉ phát triển một kiểu dáng vì thực chất, vào những ngày bình thường, bạn chỉ cần một đôi giày là đủ.

Bên cạnh đó, MỘT là thương hiệu mới trên thị trường, nên mình nghĩ việc chỉ tập trung vào một kiểu dáng và từ đó phát triển lên sẽ giúp mình truyền tải thông điệp một cách mạnh mẽ hơn. Và vì có ít kiểu dáng, mình có thể dễ dàng tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng trong những sản phẩm của Một.

Mất bao lâu để Hân hoàn thiện thiết kế của MỘT?

Gần một năm, từ lúc nghiên cứu đến hoàn thiện sản phẩm. Phần vì mình là tay ngang, lại không có sự hỗ trợ từ các công nghệ tân tiến nên mọi thứ đều phải tự mình mò mẫm, tìm kiếm.

Mình đã tận dụng nhà máy để khảo sát những phom giày gia công cho các thương hiệu nước ngoài, rồi từ đó điều chỉnh để phom dáng phù hợp với khuôn chân người Việt. Đây là công đoạn quan trọng và tiêu tốn nhiều thời gian nhất. Mình phải làm từng chút một: thiết kế, đúc khuôn giày, làm sản phẩm mẫu để mọi người mang thử, thu thập nhận xét rồi lại tiếp tục chỉnh sửa. Cứ thế qua tầm hai mươi lần thì ra được một đôi giày hoàn chỉnh. (cười)

Liệu còn ý nghĩa nào khác xung quanh cái tên MỘT?

Ngoài ý nghĩa: một kiểu dáng giày dùng cho tất cả mọi hoạt động trong ngày, MỘT còn là đại diện cho lối sống Việt Nam không bao giờ bị mai một – nguồn cảm hứng để mình thiết kế ra những đôi giày.

Sài Gòn có rất nhiều luồng tư tưởng khác nhau giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại; tất cả đều diễn ra cùng lúc khiến cho nhịp sống ở đây luôn luôn sôi động với nhiều mặt đối lập. Nhưng đâu đó, mình vẫn thấy được một nét Việt ngầm tồn tại trong lối sống của mỗi người. Người ta vẫn thích ngồi trò chuyện bên những quán ven đường, ngắm nhìn và tận hưởng cuộc sống… Đó là những thứ không thay đổi theo thời gian, những điều quen thuộc ai cũng có thể nhận ra. Và MỘT muốn lưu giữ những giá trị này.

Tuy nhiên thông điệp này không hiển nhiên phô bày trước mắt, mình vẫn đang truyền tải nó qua những hình ảnh, bài viết trên những nền tảng mạng xã hội về những hoạt động, cuộc sống thường nhật. Hy vọng dần dà, mọi người đón nhận MỘT theo cách tự nhiên nhất, và cảm thấy được hiểu và đồng cảm khi đông hành cùng giày MỘT.

Ra đời trong thời điểm người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sự bền vững, giá trị này có được đề cao tại MỘT?

Tuy hạn chế tối thiểu các tác động đến môi trường, tận dụng vải thừa trong sản xuất để làm túi đựng sản phẩm, chúng mình vẫn chưa đủ tự tin để nhận là một thương hiệu bền vững. Theo mình nhận thấy, các sản phẩm tái chế chiếm một tỉ lệ vô cùng nhỏ (3-4%) trong tổng lượng rác thải ra hàng năm. Và việc có bền vững hay không phụ thuộc cả vào người bán lẫn người dùng.

Nói về sự bền vững, không thể đơn thuần chỉ khuyên mọi người đừng nên làm thế này, hạn chế sử dụng cái nọ trong khi mình không biết những lo toan trong cuộc sống của họ. Thế nên Một muốn đồng hành cùng các bạn trong chặng đường này. Nếu MỘT muốn khuyên các bạn không dùng túi nhựa, MỘT sẽ tặng bạn túi vải. MỘT nghĩ bạn chỉ cần một đôi giày cho các hoạt động đi làm, đi học, đi chơi, vì thế MỘT chỉ có một mẫu giày. Sau tất cả, Một chỉ muốn bạn biết rằng, chúng mình hiểu được bạn cần gì.

Người mang MỘT là ai?

90 triệu người dân Việt Nam, mỗi người một đôi, chưa kể khách nước ngoài nữa. (cười) Thành thật mà nói, mình nghĩ ai cũng có thể mang giày MỘT, từ các bạn trẻ đến những người trên 70 tuổi, miễn là họ yêu thích sự thoải mái và đơn giản. Tuy không khuyến khích một người có vài ba đôi giày, mình thấy vui khi tỉ lệ khách hàng quay lại khá cao.

Thiết kế không quá khác biệt theo thời gian, yếu tố nào khiến khách hàng quay lại tìm MỘT?

Trái với suy nghĩ của mọi người, MỘT rất chú trọng đến thiết kế, và bạn phải nhìn giày MỘT ở nhiều góc độ. Khi ở xa, MỘT sẽ không quá đặc biệt, chỉ là phom trơn rất đơn giản, ôm sát vào chân với tất cả các chi tiết đều được giấu vào trong. Nhưng càng nhìn gần, những chi tiết sẽ dần lộ ra, hé mở câu chuyện mà chúng tôi muốn truyền tải, đó là Việt Nam.

Tất cả các chi tiết đều lấy cảm hứng từ Việt Nam với họa tiết đế lặp lại hình ảnh của những mái ngói cũ ở Hội An. Dưới ánh đèn từ trên xuống thì lại trong như những giọt mưa bám lại đế giày khi Sài Gòn ngập nước. Còn dưới đế giày là đường bờ biển dọc nước Việt Nam được tái hiện lại. Và mình đã mất một năm để hoàn thiện mẫu thiết kế này.

Nhưng ưu tiên hàng đầu của giày MỘT vẫn luôn là sự thoải mái, mang như không mang. Về chất liệu và kỹ thuật làm đế, mình nhận sự hỗ trợ và tư vấn từ xưởng để làm được một đôi giày chắc, bền. Cụ thể, đế cao su đúc là tốt nhất và cố định bằng một đường may để giày không bao giờ bị hở.

Thiết kế của MỘT hướng tới sự đơn giản để đi cùng thời gian nên xét về kiểu dáng, MỘT không quá nổi bật, nhưng vẫn mang tính trải nghiệm cao và chất chứa nhiều thông điệp riêng.

Đâu là cái khó của người làm giày?

Một gặp nhiều trở ngại trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm bởi công nghệ làm giày ở Việt Nam hiện tại rất bị hạn chế.

Bên cạnh đó, khó khắn lớn nhất vẫn là chinh phục thị trường Việt, nơi số đông khách hàng vẫn ưa chuộng hàng ngoại. Có thể là thói quen tiêu dùng của người dân tại các thành phố lớn đã có nhiều thay đổi, ủng hộ hàng nội địa hơn. Nhưng ở các tỉnh xa, mọi người vẫn chưa sẵn sàng chi trả một số tiền lớn cho các sản phẩm như giày MỘT. Mình nghĩ MỘT sẽ phải dành ra ít nhất 5 năm để tiếp cận được khách hàng trong phân khúc này.

Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm về những lần “mang giày MỘT đi đánh xứ người” và quan điểm của khách hàng nước ngoài đối với các sản phẩm Việt Nam.

Hàng Việt Nam rất được lòng khách nước ngoài về mặt chất lượng. Thế nên ở hội chợ Singapore, khi mình nói với khách hàng rằng mình là một thương hiệu giày trẻ đến từ Việt Nam, đa số mọi người đã ngừng lại và thử. Người Singapore rất biết đánh giá chất lượng nên sau khi thử, 8/10 người sẽ mua. MỘT bán được 30 đôi trong lần đầu tiên, và trong lần thứ hai vào tháng 12 vừa rồi, số lượng đã tăng lên gấp đôi và lượng khách quay lại rất nhiều.

Bước tiếp theo trong kế hoạch phát triển của MỘT…

Trước tiên sẽ là khắc phục những lỗi ban đầu trong thiết kế, sản xuất đồng thời duy trì và phát triển những gì giày MỘT đã và đang làm tốt ở thời điểm hiện tại.

Trong thời gian tới, MỘT sẽ hợp tác cùng Amazon của Nhật, trở thành hiệu giày đầu tiên của Việt Nam có cửa hàng trên trang Amazon Nhật Bản. Và đối với thị trường này, ngoài chất lượng, mình còn phải xây dựng hình ảnh thương hiệu thật vững.

Bật mí cho những bạn yêu giày MỘT là thương hiệu sẽ sớm cho ra mắt một dòng giày mới, nhưng mình chỉ có thể tiết lộ đến thế thôi.

Người tiếp theo bạn muốn Vietcetera trò chuyện là ai?

Chị Thảo Vũ, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Kilomet109. Chị tự mình lên núi, tìm kiếm và làm việc với các đồng bào dân tộc thiểu số để trồng và dệt vải, giúp họ duy trì truyền thống làm vải của mình. Không những học kỹ thuật từ họ, chị còn tự cải tiến thêm. Có thể nói Kilomet109 là một thương hiệu thời trang bền vững bởi cả quy trình từ vườn đến sản xuất đều được làm thủ công và không ảnh hưởng đến thiên nhiên.

Xem thêm:

[Bài viết] Santoni – Đỉnh cao nghệ thuật chế tác giày da Ý

[Bài viết] Môi Điên và những biên độ sáng tạo


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục