Năm 2024, bạn đã nghe những album nhạc Việt này chưa? [Cập nhật tháng 6]
Sự thú vị trước hết nằm ở chỗ, đó là khoảng thời gian khi những nghệ sĩ Gen Z khẳng định tài năng của mình. Có người mất một vài năm như Nân, Orange, có người cần cả một thập niên như Vũ Thảo My… Và bên cạnh những nghệ sĩ Gen Z, sự trở lại của ban nhạc thế hệ Millennials - Saigon Soul Revival cũng mang đến bất ngờ không kém.
Sự thú vị còn đến từ nhiều sản phẩm âm nhạc đã phát hành, mang đủ màu sắc từ pop đến Pop Punk, Rn'B đến Soul, Rock đến Rap/Hiphop. Sau 6 tháng đầu năm, đây là 12 đĩa nhạc thú vị nhất Vietcetera muốn giới thiệu đến bạn.
Cập nhật lần cuối: 16/6/2024.
SAO ĐỦ ĐỂ BAO PHỦ (DATMANIAC)
Datmaniac luôn trung thành với cách viết lời rap như vẽ một bức tranh, có khi nó giống như kỹ thuật vẩy màu của Jackson Pollock, có khi lại mang vẻ kỳ dị kiểu lập thể của Pablo Picasso. Từ một ý tưởng, anh luôn đưa vào nhiều chi tiết có vẻ chẳng liên quan, đầy ngẫu hứng nhưng lại đẩy ý tưởng ban đầu đi đến cực điểm.
Trong Sao Đủ Để Bao Phủ, Datmaniac tiếp tục trung thành với ý tưởng này. Thiên nhiên là bức tranh vĩ đại nhất nhưng đang bị ô nhiễm, sụp đổ. Nam rapper có một phận sự duy nhất là rap về nó, kèm theo tinh thần phê phán (critical thinking). Không chỉ phán xét xã hội, điều khiến lời rap Datmaniac trở nên thành thực nằm ở tính phản tư của nó.
Datmaniac vẽ lại bức tranh dưới góc nhìn của một thị dân, ngoài thiên nhiên còn là tâm tư của một cá thể ràng buộc trong mối quan hệ với gia đình, nhạc Rap, sự nghiệp cho đến chủ nghĩa tiêu dùng, xã hội, cuộc đời...
CÔNG BẰNG CHO NGƯỜI BUỒN EP (JAIGON ORCHESTRA)
Pop Punk luôn là một gia vị đặc biệt của nhạc Pop đương đại Việt Nam với những cái tên như 7UPPERCUTS, The Flob, Nekonooke... Và tất nhiên là cả Jaigon Orchestra. EP Công Bằng Cho Người Buồn của Jaigon Orchestra gồm 5 ca khúc, không khó để thưởng thức, từ phần âm thanh đầy năng lượng cho đến lời ca gần gũi, có gì đó trào lộng và tếu táo.
Mọi sự vật, chủ đề dù đơn giản hay phức tạp, “tào lao” hay nghiêm túc dường như đều được khoác một “lớp áo” khác khi bước vào thế giới âm nhạc của Jaigon Orchestra. Vì thế mà “Nhìn mặt mày thiệt ngu quá trời [...] Mà tao nói lời đầy cay đắng” trong Mặt Ngu có gì đó dễ thương; hay những lời “doạ dẫm” với sát thương bằng không trong Cây Hàng lại càng khiến người nghe cảm thấy thoải mái khi thưởng thức EP này.
TỪ VỰC THẲM ĐẾN RÌA ÁNH SÁNG (THE CASSETTE)
Cái tên Từ Vực Thẳm Đến Rìa Ánh Sáng gợi đến phong vị có gì đó kiểu Haruki Murakami, nhưng khi lắng nghe album thứ 2 của The Cassette thì lại có cảm giác trái ngược hoàn toàn. Đó không phải câu chuyện của người đứng từ dưới vực thẳm (tối tăm) nhìn lên trên (rìa ánh sáng) mà là cái nhìn từ trên xuống đám đông bên dưới với sự thất vọng, đôi khi chán ghét.
Từ Vực Thẳm Đến Rìa Ánh Sáng mang chủ đề rộng lớn nhưng vẫn chất chứa những suy tư của The Cassette, từ nỗ lực viết ra một bài nhạc hay cho đến những thất vọng bẽ bàng sau những tiếng hò reo của đám đông, khi “chút rượu men nồng” đã cạn, khi giấc mơ tuổi trẻ vẫn chưa thành.
Có 1 điều chắc chắn, âm nhạc của The Cassette không còn trong trẻo như xưa (album Rừng Đom Đóm). Đó cũng là điều khá dễ hiểu bởi không ai trong sáng được mãi trong âm nhạc. Trên tất cả những tiếng bass rất nảy hay tiếng trống dồn dập, giọng hát của Hoài Thân với câu chuyện Từ Vực Thẳm… vẫn có gì đó rất thành thực và chân thành.
MỐI LƯƠNG DUYÊN (SAIGON SOUL REVIVAL)
Saigon Soul Revival là một nỗ lực mang nhạc “soul” thập niên 1960, 1970 của Việt Nam trở lại với văn hoá Pop hôm nay. Hơn cả “mang lại”, những người nghệ sĩ còn làm mới, giao thoa (crossover) để thứ thanh âm đó không chỉ “hoài cổ” mà còn mới mẻ, lạ mà vẫn cảm được đến công chúng ngày nay.
Mối Lương Duyên, album phòng thu thứ 2 của Saigon Soul Revival tiếp nối album đầu tay - Hoạ Âm Xưa, mang đến một bầu không khí “lạ” mà quen đó. Với 9 ca khúc mới và 3 bản cover, Mối Lương Duyên là sự kết hợp giữa thể loại Soul và cả Rock, Funk mang đến bầu không khí đầy thú vị và cũng đầy tình cảm.
Câu chuyện trong Mối Lương Duyên mang những chủ đề gần gũi, quen thuộc hôm nay nhưng được “mã hóa” bằng những ngôn ngữ kể chuyện của “nhạc xưa” với sự ước lệ cuốn hút.
1.0 (VŨ THẢO MY)
Vũ Thảo My có thể không phải là cái tên lớn, nhưng 1.0 xứng đáng là một trong những album “lớn” của Vpop năm 2024. Album đầu tay sau 10 năm bước vào âm nhạc giúp Vũ Thảo My xác nhận cô là một trong nữ nghệ sĩ thuộc dòng nhạc Rn'B/Pop thú vị nhất hiện nay.
Sự hoà hợp giữa phần sản xuất và giọng hát của Vũ Thảo My khiến cho 1.0 bay bổng và quyến rũ, rạo rực nhưng cũng đầy da diết. Người nghe dễ dàng chìm đắm vào bất kỳ ca khúc nào trong album và vẫn tìm ra những điểm sáng của nó.
Không quá khó hiểu vì sao 1.0 hấp dẫn về mặt sản xuất đến vậy khi người đứng sau là nhạc sĩ Anh Quân (Tóc Ngắn, Chat với Mozart). Nhưng phần lời và giọng hát của Vũ Thảo My mới thực sự khiến cho đĩa nhạc trở nên thú vị đến như vậy.
MONG MANH (MỐI)
Mong Manh - album đầu tay của Mối xem ra không được “mong manh” lắm, nhất là khi tiếng trống dồn dập, guitar nhịp đuổi theo ngay từ bài hát mở màn - Một Sớm Mai. Trong khi đó Sa Mạc! thực sự là buổi trình diễn của những lời tự sự và suy tưởng của những ngôi sao mới trên bầu trời Rock Việt đầy ắp âm thanh.
Nhưng nếu sự mong manh xuất hiện trong album này của Mối, thì đó chắc hẳn là cảm giác của những người nghệ sĩ đang nhập cuộc âm nhạc. Họ thậm chí cover lại bản hit cũ Tuổi Hồng Thơ Ngây, có thể như một sự tri ân bởi đây là bài hát nhập môn của những người tự học chơi guitar. Mong Manh kết thúc bằng Hạ Long, với màu sắc âm nhạc và không khí như track mở đầu, khiến cho trải nghiệm nghe album được xuyên suốt, mượt mà.
XT-TX (NÂN)
Đĩa nhạc đầu tay của Nân là những chất vấn và đối thoại của chính nữ nghệ sĩ được thể hiện thông qua âm nhạc. Album là một màn độc thoại nghe qua thì có vẻ hơi “điên” nhưng nghe kỹ lại rất có lý với cách kể sáng tạo. Nó nói về mọi chủ đề mà một người trẻ phải đối mặt: về tình yêu và ước mơ, về quy tắc xã hội đến phép ứng xử hàng ngày…
XT-TX là một “món” nhạc thập cẩm với gia vị chính là electronic, đôi chút kịch tính của nhạc kịch broadway và rap/hiphop. Đĩa nhạc này đã xoá sạch dấu vết của một nữ nghệ sĩ indie pop để Nân chuyển qua hình tượng alternative thú vị bậc nhất tại Việt Nam hiện nay.
EM (MỸ ANH)
Mỹ Anh là một nepo baby chính hiệu, nhưng cô bước đến âm nhạc bởi chính tài năng của riêng mình. Em, album đầu tay của Mỹ Anh gồm 9 ca khúc với thời lượng 22 phút, cho thấy khả năng sáng tác và sản xuất của nữ nghệ sĩ trẻ. Có thể, Mỹ Anh đã không tạo ra một album hoàn hảo nhưng vẫn để lại những điểm sáng độc đáo như trong Chẳng Thể Né Tránh, Thật Thà…
Em cũng cho thấy khả năng viết lời xuất sắc của Mỹ Anh khi nữ nghệ sĩ Gen Z có thể tạo ra những câu hát như “Và em cứ lang thang trong suy tư ngô nghê dở dang/ Giá như ta cùng mơ giấc mơ về nhau” (Thật Thà) hay “Cơn sóng nào mà không gầm thét điên cuồng… Vẫn lạc quan chẳng biết ngại gió sương” (Đánh Cược).
CAM’ON (ORANGE)
CAM’ON của Orange là một tựa đề album thông minh khi nó có thể truyền tải nhiều hơn một ý nghĩa. CAM’ON vừa là Cam-on (Cam, nghệ danh thân mật của Orange), vừa có thể hiểu là Cảm ơn và C’mon (đi tiếp, tiến lên). Với cách tiếp cận đó, CAM’ON mở ra một câu chuyện có cả quá khứ, hiện tại và lời hứa hẹn tương lai của Orange.
Những bài hát về chủ đề tình yêu trong album khá dễ nghe, dễ ngấm. Thế nhưng những bài hát không-tình-yêu mới cho thấy khả năng sáng tác và giọng hát của Orange. Trong đó phải kể đến Có bao lâu, Đừng kết thúc hôm nay hay Cuộc gọi về nhà cho thấy khả năng kể chuyện tuyệt vời đến từ Orange.
ĐIỂM TUYỆT ĐỐI (ICD)
30 giây đầu trong 7 NĂM là một màn “hài độc thoại” nửa sự thật, nửa mỉa mai cay đắng mà ICD thổ lộ về nhạc rap. Nhưng ngay sau đó, tiếng cười bắt đầu vang lên cho thấy những MC đã dần mất đi sự trào lộng trên sân khấu, nhường chỗ cho những “nghệ sĩ hài”. Và Điểm Tuyệt Đối, album đầu tay của ICD và Eric Phan đã nói về câu chuyện này.
Tự sự trong Điểm Tuyệt Đối không đi chệch câu chuyện trong 7 NĂM, kể về một quá trình theo đuổi nhạc rap của ICD. Ở đó có những nỗ lực và thành công, những mất mát và thất bại của một “King of Rap”. Từ chối rap-love, ICD đi sâu vào mối quan hệ giữa một rapper với thế giới bên ngoài (bạn bè, gia đình, xã hội) với lối viết lời “sắc lẹm” thường thấy.
NGHE TIẾNG ĐÊM (KOQUET)
Nghe Tiếng Đêm là lời thủ thỉ yên bình trong đêm của KoQuet. Đĩa nhạc giống như một cuốn tản văn viết bằng âm nhạc, mà mỗi phần interlude lại tạo nên một nếp gấp trang sách, trước khi bước vào một câu chuyện, một chương cảm xúc mới.
Nghe Tiếng Đêm có thể khiến khán giả nhớ đến Tự Họa - Chuyện Phố Bên Sông ra đời từ 25 năm trước của Trần Tiến - Hà Trần. Nhưng Nghe Tiếng Đêm mang hơi thở của đời sống hôm nay, của những thị dân trong thành phố - những người sáng thức giấc bằng chuông báo thức, tối về chơi vơi trong căn phòng một mình.
Album này giống như một “phiên” để khán giả có thể thiền, tự dùng âm nhạc như một liệu pháp tinh thần để hàn gắn tâm hồn giữa cuộc sống đô thị ồn ào, xô bồ.
TẠI SAO 0? (14 CASPER)
“Chữa lành” từ lâu đã trở thành buzzword và ngày càng được nhiều nghệ sĩ trẻ đưa vào âm nhạc. Trong album Tại sao 0?, 14 Casper đã hơn một lần nhắc đến cụm từ này, khẳng định âm nhạc đã trở thành một phương pháp chữa lành của chính nghệ sĩ và khán giả trẻ nghe nhạc của anh.
Điều này là dễ hiểu bởi 14 Casper được nhiều khán giả biết đến qua những bản ballad nhẹ nhàng hơi hướng lofi như Có ai ở đây không? hay Bao tiền một mớ bình yên? Nhưng ở Tại sao 0?, 14 Casper còn là một rapper. Những bài hát trong album kể câu chuyện nhiều năm theo đuổi âm nhạc, có thành công có nghi ngờ bản thân, có thất bại và có cố gắng vượt qua.