Nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Ngân: "Sự thỏa mãn chỉ tới khi công chúng công nhận"

Sau gần 20 năm khẳng định tên tuổi trong ngành thời trang, nhà thiết kế Nguyễn Hoàng Ngân quyết định trở thành một họa sĩ. Nghệ thuật, đối với cô, là sự giao thoa của những điểm chạm khác nhau.
Sơn Hoàng
Nguồn: Nguyễn Hoàng Ngân/TANGTANG Studio

Nguồn: Nguyễn Hoàng Ngân/TANGTANG Studio

Công chúng biết tới Nguyễn Hoàng Ngân trong nhiều vai trò khác nhau: một nhà thiết kế thời trang, một họa sĩ, một nhà điêu khắc. Điểm chung của tất cả những vai trò này là chúng đều đòi hỏi những sự quan sát, sự rung cảm với cái đẹp.

Sự kết hợp của những yếu tố nghệ thuật đa diện khiến cho các tác phẩm của Nguyễn Hoàng Ngân trở thành những giao điểm của các loại khác nhau. Tại đó, thời trang và hội họa gặp gỡ để bộc lộ những giá trị sâu thẳm bên trong cô.

Sự đa dạng ấy không chỉ thể hiện trong những thực hành hội họa của cô, mà in dấu trên toàn bộ chặng đường mà cô đã đi - một chặng đường với nhiều dấu mốc, nhiều bước chuyển giao thú vị của một tâm hồn vị nghệ thuật.

Từng thiết kế thời trang trước khi trở thành họa sĩ, bước chuyển này của chị đã diễn ra như thế nào?

Con đường đầu tiên mà tôi lựa chọn và gặt hái thành công là thời trang, nhưng niềm hứng thú với hội họa đã xuất hiện từ rất sớm. Còn nhớ hồi sáu tuổi, hai chị em tôi đi học vẽ ở Cung thiếu nhi thành phố Hải Phòng. Nghĩ lại thấy mình đi học rất hồn nhiên và hăng say, khi ấy chẳng nghĩ rằng nó sẽ thành đam mê của mình.

Trong mười mấy năm làm thời trang, tôi vẫn vẽ nhưng chỉ khi nào rảnh và có hứng. Chắc cả năm mới vẽ được vài bức tranh hoàn chỉnh, nhưng vẽ ký họa thì rất nhiều: cắm được bình hoa đẹp cũng vẽ, đi cà phê loanh quanh với bạn bè cũng vẽ, đi nghỉ ở biển cũng lôi giấy bút ra - như một thói quen từ nhỏ vậy.

Tới một ngày, có vài biến cố trong cuộc sống khiến tôi nhận ra mình đang mệt mỏi với thời trang. Ngẫm lại chặng đường đã đi, tôi thấy rằng bản thân rất hứng thú khi làm phần việc sáng tạo, khi vẽ bộ sưu tập hay thiết kế - làm rất nhanh và có hứng. Tôi thấy mình muốn tập trung vào việc vẽ hơn nên quyết định dừng lại và chuyển sang hội họa.

Từ đó tới nay cũng đã ngót nghét 10 năm. Tới giờ này, tôi thấy mình vẫn đúng vì vẫn còn rất hứng thú với nghệ thuật.

Thời trang để lại dấu ấn thế nào trong cách chị làm nghệ thuật?

Thời trang và hội họa là những thứ đã ăn sâu vào tôi. Trong thời trang của tôi thường có dấu ấn hội họa, tôi hay nghiên cứu tranh của các họa sĩ để lấy cảm hứng cho các bộ sưu tập thời trang, ví dụ như bộ sưu tập tại Đẹp Fashion Show 6 lấy cảm hứng từ Dalí chẳng hạn.

Những thứ tôi sáng tạo ra trong nghệ thuật hay thời trang chính là bản thân tôi, tức là bao gồm cả những suy nghĩ, kỹ năng, kinh nghiệm sống - tất cả những thứ làm nên tôi. Khi xem tranh hoặc tác phẩm điêu khắc của tôi, có một số nhận xét về "chất thời trang" trong tác phẩm, thứ mà tôi hiểu và chủ động sử dụng trong một số bảng màu và cách tạo đường nét của mình.

Để cảm nhận được "chất thời trang" này, ta có thể chiêm nghiệm các bộ sưu tập của các nhà mốt lừng danh. "Chất thời trang" là thứ góp phần tạo nên tên tuổi của thương hiệu, của nhà thiết kế. Hoặc ta có thể xem các bộ sưu tập của Chanel - một nhãn hiệu rất chuộng dùng các màu trung tính. Các bộ sưu tập của Chanel nhiều khi chỉ với cặp màu đen và trắng nhưng lại mang một chất thời trang rất riêng biệt.

Khi làm thiết kế thời trang, việc vẽ phác thảo bộ sưu tập thì khá đơn giản. Việc tả màu sắc hay chất liệu trên giấy không cần quá cầu kỳ, cái quan trọng để làm ra bộ sưu tập đẹp là kinh nghiệm về vải vóc, phối màu và kỹ thuật may. Tôi phải hình dung là để lên màu đẹp thì phải dùng vải gì, để ra được ý tưởng mình muốn thì dùng vải gì.

Thời trang là tập hợp của tất cả các thứ đó, còn với hội họa thì không hẳn. Ít nhất đối với cá nhân tôi, trong hội họa thường tôi không phải đắn đo về chất liệu, cứ cầm bút lên là vẽ bất kể chất liệu gì. Hội họa luôn tuôn ra từ một thứ gì đó bên trong, bởi nhiều lúc tôi cũng không biết mình sẽ họa gì cho tới khi mọi thứ chảy trôi trên trang vẽ. Với thời trang thì ngược lại, tôi có sẵn trong đầu các thông tin về xu hướng, những linh cảm về tính thời trang và âm hưởng của bộ thiết kế, tất cả rất rành mạch trong đầu.

Trong khoảng thời gian làm nghệ thuật, có tác phẩm nào khiến chị thỏa mãn nhất khi hoàn thành?

Có lẽ với tôi, sự thỏa mãn chỉ tới khi mọi người công nhận, yêu thích sản phẩm nghệ thuật của mình. Đó theo tôi chính là lý do mà nghệ thuật nên có công chúng. Vẽ xong bức tranh, tôi không nghĩ tới việc bản thân có thỏa mãn hay không, khi vẽ tôi thường khá hân hoan, và khi tự thấy đủ, thấy đẹp, thì tôi dừng lại để tác phẩm hoàn thành. Và có lẽ là tôi không thường tự hỏi mình có thấy thỏa mãn hay không, cũng không nghĩ tới điều đó cho tới khi có sự công nhận.

Tôi con nhớ, năm 13 tuổi tôi được huy chương bạc quốc tế trong cuộc thi Cầu Vồng (Pagoda) - cuộc thi vẽ nổi tiếng cho trẻ em. Khi được giải tôi mới ngồi lại phân tích tại sao nó được giải, chứ khi nộp tranh dự thi thì tôi không nghĩ nhiều về nó. Tôi chỉ thấy mình thích bức tranh ấy, các thầy cô cũng thấy đẹp và gửi đi, nhưng khi vẽ ra nó thì tôi không để ý sự thỏa mãn là thế nào. Tuy nhiên khi thắng giải thì tôi thấy thỏa mãn, có lẽ do tôi có cảm giác được nhiều người cùng đồng cảm về bức tranh ấy?

Hoặc như khi tốt nghiệp đại học, bộ sưu tập tốt nghiệp của tôi đạt điểm thủ khoa, tôi cũng chỉ làm một cách miệt mài, và luôn cố gắng làm tốt hơn nếu biết rằng tiềm năng của sản phẩm còn có thể lớn hơn nữa. Nhưng tôi không biết mình có thỏa mãn hay không, sự thỏa mãn chỉ tới cùng với mốc điểm đứng đầu.

Chị hay theo dõi nghệ sĩ nào? Có phong cách hay trường phái nghệ thuật nào chị đặc biệt thích không?

Tôi thích nhiều họa sĩ lắm, không kể thời xưa hay đương đại bây giờ. Tôi thích tranh của Salvador Dalí, từ những vệt màu, cách vẽ, tới cách ông thể hiện các đề tài, các giấc mơ trong tranh. Tôi thích Henri Matisse, thích sự phóng khoáng và cách sử dụng màu sắc của ông. Và còn cả Andy Warhol nữa, đó là một số nghệ sĩ mà tôi có thể nêu ra ngay. Hay còn có Gustav Klimt - một họa sĩ tôi rất mê vào thời còn đi học. Bài tốt nghiệp của tôi cũng lấy cảm hứng từ Klimt.

Tôi cũng ấn tượng với thế hệ Đông Dương của hội họa Việt Nam với những Lê Phổ hay Vũ Cao Đàm; hoặc cùng thời họ ở Trung Quốc có ông San Yu. Tôi thích nhiều trường phái khác nhau, và đã thích thì xem rất nhiều, xem gần hết các tác phẩm của họ.

Dĩ nhiên không phải tác phẩm nào mình cũng coi trực tiếp, đa phần là coi trên mạng hoặc qua sách, hay nếu có dịp đi du lịch thì tôi sẽ tranh thủ coi một vài bức trực tiếp. Mỗi lần xem tranh như vậy lại thấy mình học hỏi được nhiều điều.

Chị thích sử dụng chất liệu nào nhất khi làm nghệ thuật?

Đối với hội họa, tôi mới làm khoảng gần chục năm, vẫn chỉ là một newbie thôi nên còn đang xem xét một số chất liệu khác nhau. Tôi từng vẽ sơn dầu nhưng tới nay thì không, một phần do tôi có cảm tình với các màu gốc nước hơn. Khi còn đi học thì màu nước là thế mạnh của tôi, tôi vẽ được các lớp siêu mỏng, kể cả acrylic cũng vậy. Tôi đã thử một số chất liệu, nhưng cuối cùng vẫn quay lại với màu nước và acrylic.

Về chất liệu đỡ, tôi dùng toan lanh (canvas) như mọi người. Tôi cũng đang vẽ trên giấy dó và lụa, dù trên thực tế đang vừa vẽ vừa nghiên cứu, cũng mới chỉ được vài chục bức. Tôi tìm hiểu kỹ về hai chất liệu này và cảm thấy rất thích thú, phần vì bản thân đã có kinh nghiệm làm việc với lụa khi còn làm thời trang.

Chị có đang khiêm tốn khi tự nhận là newbie? Chị cũng đã có thâm niên và những thành tựu nghệ thuật riêng rồi mà?

Cũng không hẳn đâu. Giả sử nếu ngày xưa tôi học Đại học Mỹ thuật Hà Nội và chọn con đường họa sĩ, sau đó ra trường và hành nghề tới bây giờ thì sẽ là hơn 20 năm trong nghề rồi. Nhưng tôi đã dành khoảng 15 năm cho thời trang. Nên nói vậy không phải là khiêm tốn hay thiếu tự tin. Thực chất tôi khá tự tin khi bước sang hội họa, nhưng để so sánh với các họa sĩ thực hành hội họa một cách đều đặn ngay khi ra trường thì như vậy là còn rất mới mẻ.

Tuy nhiên tôi hiểu rằng mỗi người có cách học và cách thể hiện riêng, rằng hành trình hội họa của mình có ngắt quãng với thời gian làm thời trang. Vì thế nên tôi tăng tốc rất nhanh, vẽ liên tục, xung quanh lúc nào cũng có màu vẽ và giá vẽ, đi đâu cũng vẽ, đồng thời tìm đọc tài liệu trong và ngoài nước để tự học thêm. Tôi khá tự tin vào khả năng của mình, dù nếu tính số năm dành riêng trong hội họa thì có thể coi là một "người trẻ" (cười).

Đối với chị, các sản phẩm nghệ thuật có ý nghĩa thế nào với bản thân và cộng đồng?

Tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện phát biểu thành lời về những giá trị của nghệ thuật, nhưng cũng không hình dung nổi cuộc sống loài người mà không có nghệ thuật. Con người cần nghe nhạc, cần xem phim, cần thưởng thức nghệ thuật để tâm hồn dịu lại, để cuộc sống có những điều mới mẻ.

Còn về công dụng, công năng của nghệ thuật thì khó nói lắm, vì mỗi cá nhân và xã hội sẽ cho nghệ thuật những công dụng khác nhau. Bản thân tôi không nghĩ tới tính ứng dụng hay tính thực dụng của những bức tranh mình vẽ ra, mà chỉ nhìn tác phẩm như một nhu cầu thể hiện bản thân.

Trong quá trình đó tôi đã hiểu thêm nhiều điều về chính mình - những điều mà khi làm thời trang không bao giờ tôi nghĩ đến. Càng vẽ, tôi càng thấy nghệ thuật bộc lộ điều gì đó sâu thẳm bên trong mà tôi chưa thấy hết. Do đó, hiện tại, với tôi vẽ là một nhu cầu nội tại, chứ chưa mong cầu làm đẹp cho xã hội hay gì khác.

Sau nhiều cột mốc và điểm chuyển giao, chị có nghĩ hành trình nghệ thuật này sẽ kết thúc không?

Không! Cho tới giờ thì tôi nghĩ là không! (cười)

Vasta Stone là thương hiệu đá nung kết cao cấp đầu tiên tại thị trường, tự hào được sản xuất tại Việt Nam bằng công nghệ hiện đại nhất của Ý cùng đa dạng các thiết kế Ý tinh tế. Với những ưu điểm về kích thước, độ cứng và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, các sản phẩm làm từ đá nung kết là lựa chọn hoàn hảo cho mọi mục đích sử dụng, là giải pháp kiến trúc cho mọi không gian.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục