Nghiên cứu Mỹ lý giải vì sao bạn thành "người trung bình" dù từng rất thông minh

Từng là một đứa trẻ có xuất phát điểm tốt, nhưng càng lớn tốc độ phát triển của bạn càng "khiêm tốn", chuyện gì đã xảy ra?
Trân Trân
Nguồn: Nguồn: Anh Thư Ng @nikru____ cho Vietcetera.

Nguồn: Nguồn: Anh Thư Ng @nikru____ cho Vietcetera.

10 năm trước, bạn đỗ vào trường cấp 3 danh tiếng với học lực tốt so với mặt bằng chung. Môi trường cầu tiến thúc đẩy bạn phát triển và nhìn thấy điểm sáng ở năng lực bản thân, như giỏi Toán, nhạy ngôn ngữ, tranh luận, viết lách,... Bạn tự tin mình có xuất phát tốt và một tương lai hoàn toàn rộng mở.

10 năm sau, bạn giật mình tỉnh giấc giữa rừng người kẹt xe sáng sớm, đang nhích từng bước đến công ty. Bạn có một công việc tốt nhưng không quá xuất sắc, mức lương ổn định nhưng không quá tự hào. So với hào quang năm 17 tuổi, bạn đã trở nên “khiêm tốn” hơn rất nhiều.

Từng là một đứa trẻ thông minh nhưng lớn lên bạn chỉ là một “người lớn trung bình”, chuyện gì đã xảy ra?

Nghiên cứu tại Mỹ theo dõi hơn 5000 “thần đồng nhí” sau 45 năm, và kết quả

Trong đó, Nhà tâm lý Julian Stanley sẽ cho các thần đồng lớp 7 làm thử bài thi SAT với độ khó của học sinh lớp 12. Những nhân tài điểm cao nhất sẽ được chọn để tham gia nghiên cứu, theo dõi cách họ lớn lên, với những con đường sự nghiệp và ngã rẽ cuộc đời khác nhau.

Nghiên cứu mang tên Study of Mathematically Precocious Youth (SMPY), cũng là nghiên cứu dài nhất trong lịch sử về trẻ em năng khiếu.

Những phát hiện trích ra từ nghiên cứu này đã mang tính bước ngoặt cho nền giáo dục. Nó giúp các nhà khoa học lý giải các quan niệm sai lầm xoay quanh năng khiếu, và cách để một người phát huy tốt nhất năng khiếu họ có, bất kể thăng trầm cuộc đời.

4 phát hiện từ nghiên cứu dưới đây sẽ giải thích vì sao bạn giỏi nhưng chưa “đủ giỏi” trong thế giới người lớn, rồi giúp bạn lấy lại định hướng phát triển bản thân.

1. Thần đồng nhí vẫn là “nhí”, chúng cần sự dìu dắt như một đứa trẻ bình thường

Một phát hiện đáng buồn là những đứa trẻ sớm bộc lộ khả năng tính toán logic và khoa học lại không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ mà chúng cần. Vì sáng dạ nên trẻ được thầy cô tin tưởng, và thầy cô sẽ dành sự chú ý cho những học sinh yếu hơn.

“Để trẻ tự bơi một thời gian dài, kết quả là những đứa trẻ với tiềm năng trở thành nhà phát minh, nhà hoạt động ở Liên Hợp quốc lại bị mắc kẹt trong những vị trí có tầm ảnh hưởng kém hơn.” - các nhà nghiên cứu cho biết.

Như một tờ giấy trắng, trẻ con vẫn cần sự dẫn dắt từ các bậc đi trước để phát huy tối đa những gì chúng có. Trải nghiệm từ người đi trước sẽ giúp ta tiết kiệm tối đa những cú vấp ngã và chơi vơi trên hành trình của mình.

Đối chiếu với bản thân, bạn có thể đang chững lại vì chưa tìm được một mentor hướng dẫn đúng năng khiếu bạn muốn. Một người hướng dẫn có tâm sẽ mở ra cho bạn cơ hội kết nối với cộng đồng quanh họ, bạn được gặp gỡ và phát triển rộng hơn về thứ bạn quan tâm. Kiến thức và thông tin thay vì chỉ ngấm vào não bạn 1 chiều, giờ đây đã được truyền đi đa chiều hơn giữa bạn và những người cùng chí hướng.

2. “Nỗ lực” còn quan trọng hơn cả sự thông minh

“Nếu bạn tìm hiểu sâu hơn những nhân vật top 1% đầu các ngành Công nghệ, Kinh tế, hay Nghệ thuật,... bạn sẽ thấy họ làm cả những khi bạn ngủ, họ luôn trong trạng thái làm và làm”, Lubinski cho biết. Khả năng nỗ lực và kiên trì, là yếu tố tối quan trọng quyết định thành công của những đứa trẻ SMPY.

Dù dễ đoán nhưng “nỗ lực” lại là thứ hay bị bỏ qua khi đặt lên bàn cân so sánh sự nghiệp. Chúng ta có xu hướng nhìn vào những thước phim rực rỡ của nhau và quên đi hàng nghìn giờ lao động đằng sau đó.

Kết quả nghiên cứu SMPY một lần nữa chứng minh tầm quan trọng của tinh thần nỗ lực ở một người, bất kể họ có “năng khiếu” (gifted) hay bình thường. Nếu bạn thấy mình vẫn chưa đủ giỏi, hãy nghiêm túc xem liệu mình đã đủ nỗ lực ở thời điểm hiện tại hay chưa.

3. Mọi đứa trẻ đều là “thần đồng”, và nên được đối xử công bằng như nhau

Nói cách khác, việc phân chia chương trình học khác nhau cho trẻ thông minh/trung bình cũng vô tình hạn chế cơ hội tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến cho mọi đứa trẻ.

Một phát hiện đáng suy ngẫm từ nghiên cứu SMPY, là câu chuyện của 2 thiên tài với 2 cách tiếp cận giáo dục khác nhau.

Cùng một xuất phát điểm năng khiếu, nhưng những đứa trẻ khá giả có hội học lớp nâng cao và thiết kế bài giảng theo đúng sở trường, lại thành công rực rỡ trong sự nghiệp hơn so với những “thiên tài nhí” gia cảnh trung bình và học trường trung bình. Cả 2 đều thành công, nhưng số cơ hội phát triển được trao đến tay trẻ, cũng ảnh hưởng ít nhiều lên khả năng “nở rộ” của một người trên đường đời.

“Bạn cần tìm ra lộ trình phù hợp nhất cho con mình. Chúng có thể thiếu sót điểm này nhưng nổi trội điểm khác, và chúng cần được trao đầy đủ cơ hội phát triển”, Lubinski kết luận.

Bỏ qua yếu tố hoàn cảnh, cơ hội học hỏi và phát triển nên được phân chia đồng đều cho mọi cá thể. Hãy đối xử với bản thân như thể bạn là một đứa trẻ năng khiếu (gifted). Từ đây bạn có nhận thức cao hơn về tài nguyên hiện có của bản thân, để cho mình cơ hội phát triển nó.

4. Bạn chưa chắc đã thích thứ bạn giỏi, hãy đi tìm đam mê

Kết quả cho thấy nhiều đứa trẻ giỏi Toán lại trở thành nhà văn xuất sắc hay luật sư - những ngành nghề cần tư duy về “chữ” nhiều hơn “số”.

Quan sát xu hướng thời đại, mặc dù các ngành kỹ thuật STEM (Science, Technology, Engineering, Mathematic) là nhóm mang lại thu nhập cao và có tương lai phát triển, kết quả nghiên cứu cho biết STEM không phải lựa chọn duy nhất của những trẻ năng khiếu.

Chúng ta có thể trội hơn ở một số lĩnh vực, nhưng chưa chắc sẽ thích làm nó. Đam mê mới là thứ nuôi sống một người sau tất cả, và năng khiếu sẽ trở thành công cụ đắc lực để bạn có được đam mê đó.

Như cách một nhà văn dùng tư duy logic thiên bẩm của mình để viết nghị luận, “có vô số cách để bạn phát triển năng khiếu của mình, đừng đóng khung nó vào bất kỳ một ngành nghề cụ thể nào.” - Lubinski, hậu duệ của nghiên cứu SMPY kết luận.

Phát triển là một hành trình diễn ra mãi mãi, và sẽ không sao cả nếu bạn bắt đầu tăng tốc ngay từ bây giờ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục